Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Christophe Plantin—Một nhà tiên phong trong lĩnh vực in Kinh Thánh

Christophe Plantin—Một nhà tiên phong trong lĩnh vực in Kinh Thánh

Christophe Plantin—Một nhà tiên phong trong lĩnh vực in Kinh Thánh

JOHANNES GUTENBERG (khoảng 1397-1468) nổi tiếng nhờ cho ra đời cuốn Kinh Thánh đầu tiên được in bằng kỹ thuật xếp chữ. Nhưng hầu như ít ai biết đến Christophe Plantin. Ông là một nhà tiên phong trong lĩnh vực in ấn, và là người góp phần quan trọng trong việc đưa Kinh Thánh, cũng như nhiều tác phẩm khác đến tay người dân trên khắp thế giới trong thập niên 1500.

Christophe Plantin sinh khoảng năm 1520 ở Saint-Avertin, nước Pháp. Vì thích sống ở nơi có bầu không khí ôn hòa hơn về tôn giáo cũng như có triển vọng kinh tế tốt hơn, nên khi gần 30 tuổi, ông rời Pháp đến lập nghiệp ở thành phố Antwerp, thuộc vùng Low Countries. *

Plantin bắt đầu sự nghiệp bằng nghề đóng sách và làm đồ da. Các sản phẩm thủ công bằng da do ông làm ra rất sắc sảo và được giới nhà giàu ưa chuộng. Tuy nhiên, một sự cố xảy ra vào năm 1555 đã buộc ông phải đổi nghề. Trên đường đi giao một chiếc hộp da theo đơn đặt hàng của vua Tây Ban Nha Philip II, người bá chủ vùng Low Countries, ông bị tấn công khi chưa ra khỏi thành Antwerp. Mấy gã say rượu đã đâm một nhát gươm xuyên qua vai ông. Mặc dù vết thương sau đó đã lành, nhưng Plantin không thể làm công việc lao động chân tay được nữa nên phải giải nghệ. Với sự hỗ trợ về tài chánh của Hendrik Niclaes, người đứng đầu một nhóm của phái Anabaptist, Plantin bước vào ngành in.

“Cần mẫn và bền chí”

Plantin đặt tên cho xưởng in của ông là De Gulden Passer (Cây Compa Vàng). Nhãn hiệu của ông mang hình một cây compa vàng với dòng chữ “Labore et Constantia”, có nghĩa là “Cần mẫn và Bền chí”. Nhãn hiệu đó dường như rất thích hợp với bản chất cần cù của ông.

Thời ấy, Châu Âu có rất nhiều biến động về chính trị và tôn giáo nên Plantin luôn tìm cách tránh rắc rối. Đối với ông, công việc in ấn là điều quan trọng nhất. Vì thế, tuy Plantin có cảm tình với Phong Trào Cải Cách của Tin Lành, tác giả Maurits Sabbe cho biết ông “không tỏ thái độ rõ ràng trong vấn đề tôn giáo”. Song cũng vì thái độ đó mà ông bị tiếng đồn là in sách dị giáo. Có lần vào năm 1562, ông phải trốn đến sống ở Paris hơn một năm.

Khi trở về Antwerp vào năm 1563, ông hợp tác với một số thương gia giàu có, trong số này có vài người theo phái Calvin, thuộc Tin Lành. Trong 5 năm hợp tác với họ, xưởng in của Plantin đã xuất bản 260 tác phẩm khác nhau. Trong số đó có các bản Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ, Hy Lạp và La-tinh, cũng như bản Kinh Thánh Louvain bằng tiếng Hà Lan của Công Giáo, được sơn son thiếp vàng tuyệt đẹp.

“Thành quả lớn nhất của kỹ thuật in xếp chữ”

Năm 1567, khi phong trào chống Tây Ban Nha ngày càng dâng cao ở vùng Low Countries, Vua Philip II phái Công Tước Alba đến đây làm thống đốc vùng. Được vua ban toàn quyền, vị công tước quyết tâm bằng mọi cách dập tắt phong trào Tin Lành đang lan rộng. Trong bối cảnh ấy, Plantin quyết định thực hiện một công trình lớn, với hy vọng đánh tan mọi nghi ngờ cho rằng ông thuộc thành phần dị giáo. Mơ ước của ông là in lại một bản Kinh Thánh trong nguyên ngữ dành cho giới học giả. Plantin tranh thủ được sự ủng hộ của Vua Philip II cho công trình. Nhà vua hứa hỗ trợ về tài chánh, đồng thời đặc cách Arias Montano, một học giả uy tín theo trào lưu tư tưởng thời Phục Hưng, làm chủ biên công trình.

Montano là người có biệt tài về ngôn ngữ. Ông làm việc 11 giờ mỗi ngày, với sự trợ giúp của các nhà ngôn ngữ học người Tây Ban Nha, Bỉ và Pháp. Mục tiêu của họ là biên soạn lại bộ Kinh Thánh Đa Ngữ Complutum (Complutensian Polyglot) nổi tiếng. * Bên cạnh bản Vulgate tiếng La-tinh, bản Septuagint tiếng Hy Lạp và bản nguyên ngữ tiếng Hê-bơ-rơ, trong bản Kinh Thánh Đa Ngữ mới của Plantin còn có bản Targum bằng tiếng A-ram và bản Peshitta bằng tiếng Syri cổ, cùng với phần dịch từng chữ sang tiếng La-tinh của hai bản này.

Công việc in ấn bắt đầu vào năm 1568 và đến năm 1572, công trình đồ sộ này hoàn tất. Với kỹ thuật thời bấy giờ, tốc độ đó là rất nhanh. Trong một lá thư gửi Vua Philip II, Montano viết: “Một tháng ở đây làm được nhiều việc hơn một năm ở Rome”. Plantin đã in 1.213 bộ Kinh Thánh Đa Ngữ mới, mỗi bộ gồm tám tập lớn. Trang bìa trong có in hình sư tử, bò, sói và cừu cùng ăn chung một máng cỏ cách thanh bình, như được miêu tả nơi Ê-sai 65:25. Giá của một bộ chưa đóng thành từng tập là 70 guilder (đồng Hà Lan)—một số tiền rất lớn, vì thu nhập của một gia đình trung bình thời ấy chỉ vào khoảng 50 guilder một năm. Bộ Kinh Thánh hoàn chỉnh này về sau được gọi là Bản Đa Ngữ Antwerp. Nó cũng được gọi bằng một cái tên khác là Biblia Regia, tức Kinh Thánh Hoàng Gia, vì được Vua Philip II tài trợ.

Mặc dù bản Kinh Thánh này được Giáo Hoàng Gregory XIII chuẩn chấp, nhưng Arias Montano đã phải chịu nhiều chỉ trích gay gắt. Một nguyên do là vì ông xem văn bản nguyên ngữ tiếng Hê-bơ-rơ có thẩm quyền cao hơn bản dịch Vulgate tiếng La-tinh. Đối thủ chính của ông là León de Castro, một nhà thần học người Tây Ban Nha, luôn xem bản Vulgate là có thẩm quyền tuyệt đối. Ông De Castro buộc tội Montano đã đưa vào bản Kinh Thánh mới triết lý chống giáo lý Chúa Ba Ngôi. Thí dụ, ông đặc biệt lưu ý đến việc bản Peshitta bằng tiếng Syri cổ đã loại bỏ khỏi 1 Giăng 5:7 phần mạo nhập: “Ở trên trời là: Chúa Cha, Ngôi Lời và Chúa Thánh Thần, cả ba chỉ là một”. (Trịnh Văn Căn) Tuy nhiên, Tòa Án Dị Giáo Tây Ban Nha xử trắng án cho Montano về tội dị giáo. Còn Bản Đa Ngữ Antwerp thì được một số người xem là “thành quả lớn nhất của kỹ thuật in xếp chữ, do một xưởng in duy nhất thực hiện trong thế kỷ 16”.

Sự đóng góp có giá trị lâu dài

Đa số các xưởng in thời ấy chỉ có hai hoặc ba máy in. Trong khi đó, vào những năm phát đạt nhất, xưởng in của Plantin có không dưới 22 máy in, với 160 nhân công. Trong những xứ nói tiếng Tây Ban Nha, ông nổi tiếng là bậc thầy của ngành in ấn.

Làn sóng chống Tây Ban Nha ngày càng dâng cao ở vùng Low Countries, và thành phố Antwerp cũng bị cuốn vào đó. Năm 1576, vì không được trả lương, lính đánh thuê Tây Ban Nha nổi loạn và cướp phá thành phố. Hơn 600 ngôi nhà bị đốt và hàng ngàn cư dân Antwerp bị giết. Các thương gia phải trốn khỏi thành phố. Điều này gây tổn thất lớn cho Plantin. Hơn nữa, những kẻ nổi loạn còn buộc ông phải nạp tiền cho chúng nhiều gần gấp chín lần so với các cư dân bình thường khác trong thành phố.

Năm 1583, Plantin chuyển đến sống ở Leiden, một thành phố cách Antwerp 100 kilômét về phía bắc. Ông lập một xưởng in ở đó, và nó được chọn là xưởng in chính thức của Đại Học Leiden, một học viện do những người theo phái Calvin sáng lập. Những lời cáo buộc trước đây về sự thiếu trung thành của ông với Giáo Hội Công Giáo lại được tung ra. Vì thế, Plantin quay về Antwerp vào cuối năm 1585, không bao lâu sau khi nhà cầm quyền Tây Ban Nha nắm lại quyền kiểm soát thành phố. Lúc ấy, ông đã đến tuổi lục tuần và xưởng in Cây Compa Vàng chỉ còn vỏn vẹn một máy in, với bốn công nhân. Plantin bắt tay khôi phục lại xưởng in, nhưng cho đến khi ông qua đời vào ngày 1-7-1589, xưởng in chưa bao giờ lấy lại được đỉnh cao của nó.

Suốt 34 năm trong sự nghiệp của mình, Christophe Plantin đã in 1.863 tác phẩm, trung bình mỗi năm gần 55 tác phẩm. Ngay cả với kỹ thuật thời nay, đó vẫn là một thành quả đáng khâm phục đối với một xưởng in độc lập! Mặc dù Plantin không bày tỏ rõ ràng lập trường tôn giáo của mình, nhưng những gì ông làm, ngoài việc đẩy mạnh sự phát triển của ngành in cũng như kỹ thuật in xếp chữ, đã thúc đẩy việc nghiên cứu Lời do Đức Chúa Trời soi dẫn. (2 Ti-mô-thê 3:16) Thật thế, Plantin và những thợ in đương thời đã góp phần lớn vào việc dần dần đưa Kinh Thánh đến tay người dân thường.

[Chú thích]

^ đ. 3 Low Countries là vùng duyên hải giữa Đức và Pháp, nay là địa phận của Bỉ, Hà Lan và Luxembourg.

^ đ. 11 Bộ Kinh Thánh Đa Ngữ Complutum được xuất bản năm 1517. Trong bộ này có các văn bản tiếng Hê-bơ-rơ, Hy Lạp, La-tinh và vài phần tiếng A-ram. Xin xem bài “Complutensian Polyglot—Một công cụ dịch thuật lịch sử”, trong Tháp Canh ngày 15-4-2004, trang 28-31.

[Khung/​Hình nơi trang 15]

BẢO TÀNG PLANTIN-MORETUS

Từ năm 1877, tòa nhà ở thành phố Antwerp, nơi Plantin và con cháu ông đã sống và làm việc, trở thành viện bảo tàng. Không có xưởng in nào thời đó còn được giữ nguyên vẹn như thế. Nơi đây trưng bày năm máy in thời thế kỷ 17, 18 và hai máy in khác, được xem là xưa nhất thế giới, có gần thời của Plantin. Viện bảo tàng còn lưu giữ 15.000 khuôn đúc chữ, 15.000 bản khắc gỗ và 3.000 bản khắc đồng. Thư viện bảo tàng có 638 tài liệu chép tay, thời thế kỷ 9 đến thế kỷ 16, và 154 đầu sách được in trước năm 1501. Trong số đó có bản Kinh Thánh Gutenberg nguyên thủy, được in trước năm 1461, và một Bản Đa Ngữ Antwerp nổi tiếng của Plantin.

[Hình nơi trang 15]

Arias Montano

[Hình nơi trang 16]

Bản Đa Ngữ Antwerp với văn bản tiếng Hê-bơ-rơ, bản “Vulgate” tiếng La-tinh, bản “Septuagint” tiếng Hy Lạp, cùng bản “Peshitta” tiếng Syri cổ và bản Targum tiếng A-ram, kèm theo phần dịch từng chữ sang tiếng La-tinh của hai bản này

[Nguồn tư liệu]

Với sự cho phép của Bảo tàng Plantin-Moretus/Stedelijk Prentenkabinet Antwerpen

[Nguồn tư liệu nơi trang 15]

Cả hai hình: Với sự cho phép của Bảo tàng Plantin-Moretus/Stedelijk Prentenkabinet Antwerpen