Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Làm chứng với “lòng mạnh-mẽ”

Làm chứng với “lòng mạnh-mẽ”

“Thà phải vâng lời Đức Chúa Trời còn hơn là vâng lời người ta”

Làm chứng với “lòng mạnh-mẽ”

ĐÁM ĐÔNG hung dữ đang định đánh chết một tôi tớ trung thành của Đức Chúa Trời. Đúng lúc ấy, lính La Mã loáng đến, giằng người ra khỏi đám đông và giải đi. Biến cố này mở màn cho hàng loạt sự kiện diễn ra trong khoảng 5 năm tiếp theo sau đó. Và chính nhờ thế, nhiều quan chức cao cấp của La Mã đã có dịp nghe nói về Chúa Giê-su Christ.

Nạn nhân trên là sứ đồ Phao-lô. Khoảng năm 34 CN, Chúa Giê-su cho biết ông Phao-lô (tức Sau-lơ) sẽ đem danh ngài đồn ra trước mặt “các vua”. (Công-vụ 9:15) Đến năm 56 CN, điều này vẫn chưa xảy ra. Tuy nhiên, khi chuyến hành trình làm công việc giáo sĩ lần thứ ba của ông gần kết thúc, tình hình bắt đầu thay đổi.

Bị đám đông tấn công nhưng không nao núng

Trong khi Phao-lô đang trên đường đến Giê-ru-sa-lem, một số tín đồ, nhờ “Thánh-Linh cảm-động”, báo cho ông biết sự bắt bớ gay gắt đang chờ đón ông tại đó. Phao-lô can đảm trả lời: “Phần tôi sẵn lòng chẳng những để bị trói thôi, lại cũng sẵn lòng vì danh Đức Chúa Jêsus chịu chết tại thành Giê-ru-sa-lem nữa”. (Công-vụ 21:4-14) Ông đến viếng đền thờ Giê-ru-sa-lem chưa bao lâu thì những người Do Thái ở A-si, vốn biết công việc truyền giáo thành công của sứ đồ tại đó, liền khuấy động dân chúng, xui họ giết ông. Quân đội La Mã đã nhanh chóng đến giải cứu. (Công-vụ 21:27-32) Sự giải cứu này đã giúp sứ đồ có cơ hội hiếm hoi để rao truyền lẽ thật về Đấng Christ cho những đám đông đầy ác ý, cùng một số quan chức cao cấp.

Rao giảng cho những người có địa vị

Để bảo đảm an toàn cho Phao-lô, lính La Mã kéo ông lên các bậc thang của một pháo đài được gọi là Tháp Antonia. * Từ trên những bậc thang ấy, sứ đồ đã làm chứng hùng hồn cho đám đông quần chúng mộ đạo. (Công-vụ 21:33–22:21) Tuy nhiên, khi ông nhắc đến sứ mạng làm chứng cho Dân Ngoại, bạo loạn lại nổ ra. Quản cơ Ly-sia bèn ra lệnh dùng roi tra khảo Phao-lô để xem vì cớ gì người Do Thái buộc tội ông. Song Phao-lô cho biết ông là công dân La Mã, vì thế, nhục hình được bãi bỏ. Hôm sau, để làm sáng tỏ vụ việc, Ly-sia đưa Phao-lô đến Tòa Công Luận đối chất.—Công-vụ 22:22-30.

Đứng trước tòa án tối cao, Phao-lô có thêm một dịp để làm chứng cho đồng bào Do Thái của ông. Nhà truyền giáo can đảm đã nói lên niềm tin của mình về sự sống lại. (Công-vụ 23:1-8) Sự giận dữ của người Do Thái vẫn không hề giảm bớt, thế là Phao-lô bị đưa trở lại về đồn. Đêm sau, ông nhận được lời bảo đảm đầy khích lệ của Chúa: “Hãy giục lòng mạnh-mẽ, ngươi đã làm chứng cho ta tại thành Giê-ru-sa-lem thể nào, thì cũng phải làm chứng cho ta tại thành Rô-ma thể ấy”.—Công-vụ 23:9-11.

Để ngăn chặn âm mưu sát hại Phao-lô, người ta bí mật chuyển ông đến thành Sê-sa-rê, thủ phủ của La Mã trong xứ Giu-đê. (Công-vụ 23:12-24) Ở Sê-sa-rê, Phao-lô có thêm một số cơ hội quý giá để làm chứng cho “các vua”. Trước hết, ông cho Quan tổng đốc Phê-lít biết những cáo buộc chống lại ông là vô căn cứ. Sau đó, ông giảng cho Quan tổng đốc cùng vợ, là Đơ-ru-si, về sự tiết độ, công bình và sự phán xét ngày sau. Tuy nhiên, Phao-lô đã bị giam ở đó hai năm vì Phê-lít muốn đòi hối lộ nhưng không bao giờ nhận được.—Công-vụ 23:33–24:27.

Khi Phê-tu đến nhậm chức thay cho Phê-lít, dân Do Thái lại tìm cách kiện Phao-lô để ông bị xử tử. Phiên xử diễn ra ở Sê-sa-rê, và để tránh bị giải về Giê-ru-sa-lem, Phao-lô tuyên bố: “Tôi ứng-hầu trước mặt tòa án Sê-sa... Tôi kêu-nài sự đó đến Sê-sa”. (Công-vụ 25:1-11, 20, 21) Vài ngày sau, sứ đồ có dịp trình bày trường hợp của mình với Vua Hê-rốt Ạc-ríp-ba II. Sau khi nghe xong, vị vua ấy nói: “Thiếu chút nữa ngươi khuyên ta trở nên tín-đồ Đấng Christ!” (Công-vụ 26:1-28) Khoảng năm 58 CN, Phao-lô được giải đến Rô-ma. Trong thời gian bị giam ở đó, vị sứ đồ đầy năng động này vẫn tiếp tục tìm cách làm chứng về Đấng Christ trong hai năm. (Công-vụ 28:16-31) Dường như cuối cùng, Phao-lô cũng ứng hầu trước Hoàng Đế Nê-rô, được xử trắng án và tự do tiếp tục công việc giáo sĩ. Không tài liệu nào cho thấy một sứ đồ nào khác đã có cơ hội làm chứng cho những người có địa vị như thế.

Các sự kiện trên cho thấy Phao-lô đã sống hòa hợp với nguyên tắc quan trọng mà anh em đồng đạo của ông bày tỏ trước tòa án Do Thái: “Thà phải vâng lời Đức Chúa Trời còn hơn là vâng lời người ta”. (Công-vụ 5:29) Ông thật là gương mẫu xuất sắc để chúng ta noi theo! Mặc dù luôn bị người ta tìm cách cản trở, sứ đồ vẫn một lòng tuân theo mạng lệnh làm chứng. Nhờ có lòng vâng phục không lay chuyển như thế với Đức Chúa Trời, Phao-lô đã xứng đáng với sứ mạng được giao, là “đồ-dùng” để rao truyền danh Chúa Giê-su cho “các dân ngoại, các vua, và con-cái Y-sơ-ra-ên”.—Công-vụ 9:15.

[Chú thích]

^ đ. 8 Xem Lịch 2006 của Nhân Chứng Giê-hô-va, tháng Mười Một/Mười Hai.

[Khung/​Các hình nơi trang 9]

PHẢI CHĂNG PHAO-LÔ CHỈ MUỐN TỰ VỆ?

Bình luận về điều này, nhà văn Ben Witherington III viết: “Theo quan điểm... của Phao-lô, điều cốt yếu không phải là tự vệ mà là làm chứng về phúc âm cho các nhà cầm quyền, cả Do Thái lẫn Dân Ngoại... Trên thực tế, chính phúc âm mới là đối tượng bị xét xử”.