Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Những điểm nổi bật trong sách Nhã-ca

Những điểm nổi bật trong sách Nhã-ca

Lời Đức Giê-hô-va sống động

Những điểm nổi bật trong sách Nhã-ca

BẠN tình ta ở giữa đám con gái như bông huệ ở giữa gai-gốc”. “Lương-nhân tôi ở giữa đám con trai như cây bình-bát ở giữa những cây rừng”. “Người nữ nầy là ai, hiện ra như rạng-đông, đẹp như mặt trăng, tinh-sạch như mặt trời?” (Nhã-ca 2:2, 3; 6:10) Những câu này trong sách Nhã-ca của Kinh Thánh thật đặc sắc biết bao! Cả sách là một bài thơ đầy ý nghĩa và rất thi vị nên nó được gọi là “bài hát tuyệt vời nhất”.—Nhã-ca 1:1.

Sa-lô-môn, vua nước Y-sơ-ra-ên xưa, soạn bài này vào khoảng năm 1020 TCN, thời gian đầu của 40 năm ông trị vì. Đây là câu chuyện tình của chàng chăn chiên và nàng thôn nữ Su-la-mít. Câu chuyện cũng nhắc đến mẹ và các anh của nàng, “các con gái Giê-ru-sa-lem [các cung nữ]”, “các con gái Si-ôn [các người nữ ở Giê-ru-sa-lem]”. (Nhã-ca 1:5; 3:11). Khi đọc sách Nhã-ca, độc giả khó nhận ra ai là người đang nói, nhưng chúng ta biết được khi xem xét những gì họ nói và những gì người khác nói với họ.

Là một phần của Lời Đức Chúa Trời, thông điệp trong sách Nhã-ca rất có giá trị vì hai lý do. (Hê-bơ-rơ 4:12) Thứ nhất, sách này dạy chúng ta về tình yêu chân thật giữa người nam và nữ. Thứ hai, bài ca trong sách minh họa tình yêu thương giữa Chúa Giê-su Christ và hội thánh gồm những tín đồ được xức dầu.—2 Cô-rinh-tô 11:2; Ê-phê-sô 5:25-31.

CHỚ “LÀM TỈNH-THỨC ÁI-TÌNH TA”

(Nhã-ca 1:1–3:5)

“Nguyện người hôn tôi bằng cái hôn của miệng người. Vì ái-tình chàng ngon hơn rượu”. (Nhã-ca 1:2) Hai câu này của nàng thôn nữ đã mở đầu cuộc đối thoại trong sách Nhã-ca. Nàng được đưa vào trại Vua Sa-lô-môn. Hoàn cảnh nào đưa nàng đến đó?

Nàng nói: “Các con trai của mẹ tôi giận tôi, đã đặt tôi coi giữ vườn nho”. Các anh nàng giận vì chàng chăn chiên mà nàng yêu đã rủ nàng đi dạo vào một ngày xuân đẹp trời. Để ngăn cản nàng, họ bảo nàng đi canh chừng “những con chồn nhỏ phá hại vườn nho”. Việc này đưa nàng đến gần trại của Vua Sa-lô-môn. Khi nàng đi xuống “vườn hạnh-đào”, có người thấy nàng có nhan sắc nên đã đưa nàng vào trại vua.—Nhã-ca 1:6; 2:10-15; 6:11.

Khi thấy nàng tỏ lòng thương nhớ chàng chăn chiên yêu dấu, các cung nữ bảo nàng đi “ra theo dấu của bầy” để tìm chàng. Nhưng Vua Sa-lô-môn không cho phép. Cho thấy ông ngưỡng mộ nhan sắc của nàng, vua hứa cho nàng “chuyền vàng có vảy bạc”. Tuy nhiên, điều đó không hề có ấn tượng nào đối với nàng. Chàng chăn chiên vào trại của vua để tìm nàng, và khi gặp được nàng thì chàng nói: “Hỡi bạn tình ta, mình thanh-lịch thay, mình thanh-lịch thay!” Nàng thiếu nữ đã nài xin các cung nữ: “Chớ kinh-động, chớ làm tỉnh-thức ái-tình ta cho đến khi nó muốn”.—Nhã-ca 1:8-11, 15; 2:7; 3:5.

Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:

1:2, 3—Tại sao việc nhớ lại tình yêu của chàng chăn chiên được ví như rượu và danh chàng được ví như dầu? Cũng như rượu làm lòng vui vẻ và đổ dầu trên đầu mang lại cảm giác dễ chịu, việc nhớ lại tình yêu và danh của chàng khiến nàng vững lòng và được an ủi. (Thi-thiên 23:5; 104:15) Các tín đồ thật, nhất là những người được xức dầu, cũng được thêm sức và khích lệ khi ngẫm nghĩ về tình yêu thương mà Chúa Giê-su Christ đã bày tỏ với họ.

1:5—Tại sao nàng thôn nữ lại ví làn da sạm nắng của mình với “các trại Kê-đa”? Lông dê được dùng làm vải và có nhiều công dụng. (Dân-số Ký 31:20) Chẳng hạn, “bức màn bằng lông dê” được dùng làm “bong che trên đền-tạm”. (Xuất Ê-díp-tô Ký 26:7) Như những lều trại ngày nay của dân du cư Ả-rập, các trại Kê-đa rất có thể được làm bằng lông dê đen.

1:15—Chàng chăn chiên có ý gì khi nói: “Con mắt mình như mắt của bồ-câu”? Chàng chăn chiên nói rằng cặp mắt người yêu chàng trông dịu dàng và hiền lành như mắt bồ câu.

2:7; 3:5—Nàng Su-la-mít “ép-nài [các cung nữ] bởi những con hoàng-dương hay là con nai đồng nội”. Câu này có nghĩa gì? Hoàng dương và nai đồng nội có tiếng là đẹp và duyên dáng. Thật vậy, nàng Su-la-mít dùng những gì đẹp và duyên dáng để nài xin các cung nữ chớ khơi động ái tình trong lòng nàng.

Bài học cho chúng ta:

1:2; 2:6. Bày tỏ tình cảm một cách trong sạch có thể là điều thích hợp trong thời gian tìm hiểu. Tuy nhiên, cặp nam nữ nên thận trọng để bày tỏ tình cảm chân thật, chứ không phải dục vọng bất chính vì làm thế có thể dẫn đến hành động vô luân.—Ga-la-ti 5:19.

1:6; 2:10-15. Các anh của nàng Su-la-mít không cho nàng đi với người yêu đến chỗ vắng vẻ trên núi. Lý do không phải vì nàng là người vô luân hoặc không có động lực đúng đắn, nhưng họ thận trọng để nàng không bị rơi vào tình thế khó cưỡng lại cám dỗ. Bài học rút ra là trong thời kỳ tìm hiểu nhau, các cặp nam nữ nên tránh những nơi vắng vẻ.

2:1-3, 8, 9. Dù xinh đẹp, nàng Su-la-mít khiêm tốn xem mình như “hoa tường-vi [hoa tầm thường] của Sa-rôn”. Chính vẻ đẹp và lòng trung thành của nàng đối với Đức Giê-hô-va đã khiến chàng chăn chiên xem nàng như “bông huệ ở giữa gai-gốc”. Còn chàng chăn chiên thì sao? Vì chàng đẹp trai, nên đối với nàng, chàng giống như “con hoàng-dương”. Chàng cũng hẳn là người có thiêng liêng tính và hết lòng với Đức Giê-hô-va. Nàng nói: “Lương-nhân tôi ở giữa đám con trai như cây bình-bát [cho bóng mát và quả] ở giữa những cây rừng”. Chẳng phải đức tin và lòng trung thành với Đức Chúa Trời là những đức tính đáng chuộng khi chúng ta tìm người hôn phối tương lai hay sao?

2:7; 3:5. Lòng nàng thôn nữ không rung động trước Vua Sa-lô-môn. Nàng cũng nài xin các cung nữ chớ khơi dậy ái tình trong lòng nàng đối với bất cứ ai ngoài chàng chăn chiên. Không phải bất cứ ai chúng ta cũng có thể yêu được. Một tín đồ độc thân muốn kết hôn chỉ nên chọn người trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va.—1 Cô-rinh-tô 7:39.

“VÌ SAO CÁC NGƯƠI MUỐN THẤY NGƯỜI SU-LA-MÍT?”

(Nhã-ca 3:6–8:4)

Ai “từ đồng vắng đi lên, giống như trụ khói”? (Nhã-ca 3:6) Các người nữ ở Giê-ru-sa-lem thấy gì khi họ đi ra xem? Kìa, Vua Sa-lô-môn và lính hầu của ông đang trở về thành! Và bên cạnh vua là nàng Su-la-mít.

Chàng chăn chiên đi theo nàng Su-la-mít, và chẳng bao lâu đã tìm được cách gặp nàng. Khi biết chàng vẫn yêu mình, nàng tỏ ý muốn rời thành. Nàng nói: “Ta sẽ đi lên núi một-dược, đến đồi nhũ-hương, ở cho đến khi hừng đông lố ra, và bóng tối tan đi”. Nàng mời chàng chăn chiên “vào trong vườn người, và ăn các trái ngon-ngọt của người!” Chàng trả lời: “Hỡi em gái ta, tân-phụ ta ơi, ta đã vào trong vườn ta rồi!” Các người nữ ở Giê-ru-sa-lem nói với họ: “Hỡi các bạn, hãy ăn; hỡi các ái-hữu, khá uống cho nhiều!”—Nhã-ca 4:6, 16; 5:1.

Sau khi kể lại giấc mơ cho các cung nữ nghe, nàng Su-la-mít nói với họ: “Ta có bịnh vì ái-tình”. Họ hỏi: “Lương-nhân của chị có gì hơn lương-nhân khác?” Nàng đáp: “Lương-nhân tôi trắng và đỏ, đệ-nhứt trong muôn người”. (Nhã-ca 5:2-10) Trước những lời ca tụng không ngớt của Sa-lô-môn, nàng khiêm tốn đáp: “Vì sao các ngươi muốn thấy người Su-la-mít?” Hoặc theo Bản Dịch Mới, “Sao các ngươi lại muốn ngắm nhìn cô Su-la-mít?” (Nhã-ca 6:4-13) Xem đây là cơ hội để chiếm được tình yêu của nàng, vua càng hết lời ca tụng nàng. Tuy nhiên, nàng vẫn giữ vững tình yêu với chàng chăn chiên. Cuối cùng, Vua Sa-lô-môn đành cho nàng trở về nhà.

Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:

4:1; 6:5—Tại sao tóc nàng được ví như bầy dê”? Sự so sánh này ngụ ý rằng tóc nàng dày và đen mượt như lông dê.

4:11—Câu “môi mình nhỏ mật ong xuống, dưới lưỡi mình có mật ong và sữa” có nghĩa gì? Cách so sánh này, cùng với hình ảnh mật và sữa dưới lưỡi cô gái, đều có ý nói đến những lời ngọt ngào, tốt lành của nàng Su-la-mít.

5:12—“Mắt người như chim bồ câu gần suối nước, tắm sạch trong sữa” có nghĩa gì? Nàng đang miêu tả cặp mắt đẹp của người yêu. Có lẽ nàng ví tròng đen ở giữa tròng trắng như những con bồ câu màu lam tắm mình trong sữa.

5:14, 15—Tại sao tay chân chàng chăn chiên được miêu tả như thế? Hẳn là nàng nói về ngón tay chàng chăn chiên như ống tròn vàng và móng như huỳnh ngọc. Nàng ví chân chàng như “trụ cẩm-thạch trắng” vì chắc và đẹp.

6:4—Tại sao ví nàng thiếu nữ như “Thiệt-sa”? Thiệt-sa hoặc Tiệt-sa là một thành của dân Ca-na-an bị Giô-suê đánh bại, và sau thời Sa-lô-môn, nó trở thành thủ đô đầu tiên của vương quốc Y-sơ-ra-ên gồm mười chi phái. (Giô-suê 12:7, 24; 1 Các Vua 16:5, 6, 8, 15) Một sách ghi lại như sau: “Hẳn là thành này rất đẹp, nên mới được đề cập ở đây”.

6:13—“Sự nhảy-múa của Ma-ha-na-im” là gì? Thành Ma-ha-na-im tọa lạc ở phía đông Sông Giô-đanh, gần thung lũng Gia-bốc. (Sáng-thế Ký 32:2, 22; 2 Sa-mu-ên 2:29) “Sự nhảy-múa của Ma-ha-na-im” có thể nói đến một điệu vũ trong thành đó khi có lễ hội.

7:4—Tại sao Vua Sa-lô-môn ví cổ của nàng Su-la-mít như “một cái tháp ngà”? Trước đó, nàng đã được khen: “Cổ mình như tháp Đa-vít”. (Nhã-ca 4:4) Tháp thường cao và thon, còn ngà thì nhẵn. Vua Sa-lô-môn ca ngợi cái cổ thon và mịn màng của nàng.

Bài học cho chúng ta:

4:1-7. Không xiêu lòng trước những lời ngọt ngào của Sa-lô-môn, nàng Su-la-mít dù bất toàn, đã chứng tỏ mình là người không tì vết về mặt đạo đức. Do đó, phẩm hạnh đã nâng cao vẻ đẹp bề ngoài của nàng. Các nữ tín đồ Đấng Christ cũng nên noi theo gương đó.

4:12. Như một khu vườn đẹp có hàng rào hay tường bao quanh và chỉ vào được qua một cổng có khóa, nàng Su-la-mít chỉ dành tình yêu cho người chồng tương lai của mình. Quả là một gương tốt cho những nam nữ tín đồ Đấng Christ chưa kết hôn!

“NGỌN LỬA CỦA ĐỨC GIÊ-HÔ-VA”

(Nhã-ca 8:5-14)

Khi thấy nàng Su-la-mít trở về nhà, các anh của nàng hỏi: “Người nữ nầy là ai, từ đồng vắng đi lên, nương-dựa lương-nhân của nàng?” Trước đó ít lâu, một người anh đã nói: “Nếu nó là một vách thành, chúng tôi sẽ xây tháp bạc trên nó; nếu nó là một cái cửa, chúng tôi sẽ đóng bít lại bằng ván hương-nam”. Giờ đây tình yêu của nàng vượt qua thử thách, nàng nói: “Tôi là một tường thành, hai nương-long tôi như những ngọn tháp; bấy giờ tôi ở trước mắt người như kẻ đã được bình-an”.—Nhã-ca 8:5, 9, 10.

Tình yêu chân chính là “ngọn lửa của Đức Giê-hô-va”. Tại sao? Vì tình yêu như thế bắt nguồn từ Đức Giê-hô-va. Ngài là Đấng phú cho chúng ta khả năng biết yêu. Đó là ngọn lửa không hề tắt. Sách Nhã-ca cho thấy một cách tuyệt vời là tình yêu giữa người nam và nữ có thể “mạnh [chắc chắn] như sự chết”.—Nhã-ca 8:6.

Bài ca tuyệt vời của Sa-lô-môn cũng giúp chúng ta hiểu mối quan hệ gắn bó giữa Chúa Giê-su Christ và các thành viên trên trời thuộc lớp “người vợ mới cưới” của ngài. (Khải-huyền 21:2, 9) Tình yêu thương của Chúa Giê-su dành cho những người được xức dầu hơn hẳn tình yêu nam nữ. Các thành viên thuộc lớp người vợ mới luôn giữ lòng trung thành. Chúa Giê-su cũng yêu thương phó mạng sống cho “chiên khác”. (Giăng 10:16) Vì thế, tất cả những người thờ phượng thật có thể noi theo gương của nàng Su-la-mít trong việc bày tỏ tình yêu thương và lòng trung thành không hề lay chuyển.

[Hình nơi trang 18, 19]

Sách Nhã-ca dạy chúng ta để ý đến đức tính nào khi tìm người hôn phối?