Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Độc giả thắc mắc

Độc giả thắc mắc

Độc giả thắc mắc

Chúa Giê-su có tỏ ra bất kính hay lạnh lùng trong cách nói chuyện với mẹ ngài tại tiệc cưới ở Ca-na không?—Giăng 2:4.

Không bao lâu sau khi ngài làm báp têm, Chúa Giê-su cùng môn đồ được mời đến dự một tiệc cưới ở Ca-na. Mẹ ngài cũng có mặt ở đó. Khi thấy hết rượu, bà Ma-ri đến nói với ngài: “Người ta không có rượu nữa”. Chúa Giê-su đáp: “Hỡi đàn-bà kia, ta với ngươi có sự gì chăng? Giờ ta chưa đến”.—Giăng 2:1-4.

Ngày nay, nếu một người gọi mẹ mình là “đàn bà kia”, và nói với mẹ rằng “ta với ngươi có sự gì chăng?”, người đó chắc sẽ bị xem là hỗn xược và bất kính. Nhưng nghĩ như thế về Chúa Giê-su là chưa hiểu về bối cảnh văn hóa và ngôn ngữ thời ngài. Để giải đáp thắc mắc trên, chúng ta cần hiểu cách dùng của những từ ngữ đó vào thời Kinh Thánh.

Về cụm từ “đàn-bà kia”, tự điển Kinh Thánh Vine’s Expository Dictionary of Old and New Testament Words cho biết: “Khi được dùng để gọi phụ nữ, cách xưng hô này không có ý quở trách hay khắt khe mà trái lại còn biểu lộ sự kính mến”. Các nguồn tài liệu khác cũng đồng ý như thế. Chẳng hạn, bản Kinh Thánh The Anchor Bible viết: “Đây không phải là một lời quở trách, một kiểu nói vô lễ hay thiếu tình cảm... Đó là cách xưng hô bình thường, lễ độ của Chúa Giê-su khi nói chuyện với phụ nữ”. Tự điển Kinh Thánh The New International Dictionary of New Testament Theology cũng giải thích cụm từ này “được dùng như một cách xưng hô và không hề biểu thị sự xem thường”. Còn theo tự điển thần học Theological Dictionary of the New Testament của Gerhard Kittel, thì cách xưng hô này “không có chút gì bất kính hay xúc phạm”. Như vậy, chúng ta không nên kết luận Chúa Giê-su đã thô lỗ hay lạnh lùng khi gọi mẹ ngài là “đàn-bà kia”.—Ma-thi-ơ 15:28; Lu-ca 13:12; Giăng 4:21; 19:26; 20:13, 15.

Nói gì về câu “ta với ngươi có sự gì chăng?” Hiển nhiên, đây là một thành ngữ thông dụng của người Do Thái vì đã xuất hiện vài lần và được dịch theo nhiều cách khác nhau trong Kinh Thánh. Chẳng hạn nơi 2 Sa-mu-ên 16:10, khi ngăn cản A-bi-sai giết Si-mê-i, Đa-vít nói: “Hỡi các con trai Xê-ru-gia, ta có can-hệ gì với các ngươi? Hãy để Si-mê-i rủa-sả. Ấy là Đức Giê-hô-va đã phán cùng người rằng: Hãy rủa-sả Đa-vít”. Tương tự thế nơi 1 Các Vua 17:18, khi con trai bà chết, bà góa ở Sa-rép-ta nói với Ê-li: “Hỡi người của Đức Chúa Trời, tôi với ông có việc chi chăng? Có phải ông đến nhà tôi đặng nhắc lại những tội-lỗi tôi và giết con tôi chăng?”

Những trường hợp trên cho thấy câu “ta với ngươi có sự gì chăng?” được dùng không phải để tỏ sự miệt thị hay kiêu ngạo, mà là để từ chối một lời đề nghị hay bày tỏ một quan điểm khác. Vậy, những lời Chúa Giê-su nói với mẹ ngài hàm ý gì?

Khi nói với Chúa Giê-su “người ta không có rượu nữa”, bà Ma-ri rõ ràng không chỉ có ý thông báo sự thể, mà còn ngụ ý đề nghị ngài giúp đỡ. Chúa Giê-su dùng thành ngữ thông dụng trên để từ chối lời đề nghị tế nhị của bà, và những lời ngài nói thêm sau đó, “giờ ta chưa đến”, giúp chúng ta hiểu lý do tại sao.

Từ khi làm báp têm và được xức dầu vào năm 29 CN, Chúa Giê-su biết rõ sứ mạng Đấng Mê-si mà Đức Giê-hô-va giao phó đòi hỏi ngài phải trung thành cho đến chết, để sau đó được sống lại và vinh hiển. Ngài nói: “Con người đã đến, không phải để người ta hầu việc mình, song để mình hầu việc người ta, và phó sự sống mình làm giá chuộc nhiều người”. (Ma-thi-ơ 20:28) Khi gần đến lúc chịu chết, ngài nói rõ: “Giờ đã đến”. (Giăng 12:1, 23; 13:1) Vì thế, vào đêm trước khi chết, ngài cầu nguyện: “Thưa Cha, giờ đã đến; xin làm vinh-hiển Con, hầu cho Con cũng làm vinh-hiển Cha”. (Giăng 17:1) Và cuối cùng, khi đám đông đến bắt ngài trong vườn Ghết-sê-ma-nê, Chúa Giê-su đánh thức các sứ đồ và nói: “Giờ đã tới rồi; nầy, Con người hầu bị nộp trong tay kẻ có tội”.—Mác 14:41.

Tuy nhiên tại tiệc cưới ở Ca-na, Chúa Giê-su chỉ mới bắt đầu thánh chức với tư cách là Đấng Mê-si và “giờ ” ngài chưa đến. Mục tiêu chính của ngài là thực thi ý muốn của Cha ngài theo cách và vào thời điểm mà Cha chỉ thị; không ai có thể can thiệp vào việc đó. Khi tỏ cho mẹ ngài biết như thế, Chúa Giê-su đã nói một cách dứt khoát nhưng không hề bất kính hay lạnh lùng. Về phần mình, bà Ma-ri cũng không cảm thấy xấu hổ hay bị con trai sỉ nhục. Trên thực tế, bà hiểu ý Chúa Giê-su nên nói với người phục vụ: “Người biểu chi, hãy vâng theo cả”. Chúa Giê-su đã không làm ngơ trước ước muốn của mẹ ngài, nhưng đã thực hiện phép lạ đầu tiên sau khi trở thành Đấng Mê-si—biến nước thành rượu ngon. Hành động đó cho thấy ngài hoàn toàn thăng bằng giữa việc thực thi ý muốn của Cha trên trời và để ý đến mối bận tâm của mẹ ngài.—Giăng 2:5-11.

[Hình nơi trang 31]

Chúa Giê-su đã nói với mẹ ngài một cách tử tế nhưng dứt khoát