Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Chiến đấu để giữ tinh thần mạnh mẽ về thiêng liêng

Chiến đấu để giữ tinh thần mạnh mẽ về thiêng liêng

Tự Truyện

Chiến đấu để giữ tinh thần mạnh mẽ về thiêng liêng

Do Rolf Brüggemeier kể lại

Lá thư đầu tiên tôi nhận được sau khi vào tù là của một người bạn. Anh ấy cho biết mẹ và các em trai tôi là Peter, Jochen, và Manfred cũng đã bị bắt. Thế là ở nhà tôi chỉ còn lại hai đứa em gái nhỏ, không có cha mẹ hay các anh chăm sóc. Tại sao nhà cầm quyền Đông Đức lại bắt gia đình tôi? Điều gì đã giúp chúng tôi giữ được tinh thần mạnh mẽ về thiêng liêng?

LÀ NẠN NHÂN trực tiếp của Thế Chiến II, tuổi thơ thanh bình của chúng tôi đã bị tước mất bởi sự tàn khốc của chiến tranh. Cha tôi đi lính Đức và chết trong tù khi bị bắt làm tù binh. Vì thế mẹ tôi, tên là Berta, phải một mình lo cho sáu đứa con, từ 1 đến 16 tuổi.

Đạo mà mẹ theo hồi ấy làm mẹ hoàn toàn thất vọng với tôn giáo, đến độ không còn muốn nghe nói về Đức Chúa Trời nữa. Nhưng rồi một hôm vào năm 1949, bà Ilse Fuchs, một phụ nữ khôn ngoan, nhỏ bé đến nhà chúng tôi để giảng về Nước Đức Chúa Trời. Các câu hỏi và lý luận của bà khiến mẹ muốn biết thêm. Nhờ học hỏi Kinh Thánh, mẹ đã tìm lại được hy vọng.

Với bọn con trai chúng tôi thì không dễ dàng như thế. Lúc đầu, chúng tôi không tin. Hết Phát-xít rồi đến Chủ nghĩa vô thần, tất cả đều hứa hẹn những viễn cảnh tốt đẹp nhưng không bao giờ có. Dù nghi ngờ, nhưng chúng tôi rất khâm phục Nhân Chứng khi biết rằng nhiều người trong họ đã bị đưa vào trại tập trung vì không ủng hộ chiến tranh. Một năm sau, mẹ, tôi và Peter làm báp têm.

Em trai tôi là Manfred cũng làm báp têm, nhưng dường như lúc ấy lẽ thật Kinh Thánh chưa bắt rễ trong lòng cậu ấy. Khi công việc bắt đầu bị cấm đoán vào năm 1950, vì không chịu nổi áp lực của cảnh sát mật vụ Stasi “nổi tiếng”, Manfred đã khai ra các buổi nhóm họp của chúng tôi. Chính vì thế mà mẹ và các em trai khác của tôi về sau đều bị bắt.

Thờ phượng dưới sự cấm đoán

Vì bị cấm nên chúng tôi phải đưa sách báo giải thích Kinh Thánh vào Đông Đức một cách bí mật. Là người đưa tin tức, tôi có trách nhiệm qua lại biên giới để nhận sách báo từ phía tây bức tường Berlin, nơi không bị cấm đoán. Tôi qua mặt cảnh sát được vài lần, nhưng đến tháng 11 năm 1950 thì bị bắt.

Mật vụ Stasi nhốt tôi vào một căn hầm, không có cửa sổ. Suốt ngày họ không cho ngủ, tối đến thì họ thẩm vấn, có lúc còn đánh đập. Tôi không được phép liên lạc gì với gia đình; mãi đến tháng 3 năm 1951, tôi mới được gặp mẹ, Peter và Jochen tại tòa án. Tôi bị kết án sáu năm tù giam.

Sáu ngày sau thì mẹ, Peter và Jochen bị bắt. Một chị đồng đạo đã giúp chăm sóc cho em gái tôi là Hannelore, 11 tuổi, còn Sabine 7 tuổi thì ở với một người dì. Cảnh sát Stasi đối xử với mẹ và các em tôi như những tội phạm nguy hiểm, họ thậm chí bị lấy cả dây giày. Trong các buổi thẩm vấn, họ phải đứng suốt và cuối cùng cũng bị kết án mỗi người sáu năm tù.

Năm 1953, tôi và một số Nhân Chứng khác được điều đi xây một sân bay quân sự, nhưng chúng tôi từ chối công việc đó. Thế là cả nhóm bị phạt 21 ngày biệt giam, không làm việc, không thư từ và gần như cũng không được ăn. Một số chị Nhân Chứng đã để dành bánh mì trong khẩu phần ăn khiêm tốn của họ và lén chuyển cho chúng tôi. Nhờ vậy mà tôi mới quen Anni, một trong những chị đó, và kết hôn với cô ấy sau khi chúng tôi được thả ra—Anni vào năm 1956, còn tôi năm 1957. Một năm sau khi chúng tôi kết hôn, cháu Ruth chào đời. Peter, Jochen và Hannelore cũng kết hôn trong khoảng thời gian đó.

Khoảng ba năm sau khi được thả, tôi lại bị bắt. Một sĩ quan Stasi tìm cách thuyết phục tôi làm chỉ điểm cho họ. Ông ta nói: “Ông Brüggemeier à, ông phải biết lý lẽ chứ. Ông đã biết thế nào là tù tội, và chúng tôi không muốn ông phải nếm những thứ ấy một lần nữa. Ông vẫn có thể tiếp tục là Nhân Chứng, tiếp tục học hỏi và giảng Kinh Thánh thỏa thích. Chúng tôi chỉ muốn được cập nhật thông tin mà thôi. Hãy nghĩ đến vợ con ông”. Câu cuối cùng làm tôi đau nhói. Nhưng tôi biết rằng nếu mình ở tù, Đức Giê-hô-va sẽ chăm sóc cho gia đình tôi còn tốt hơn tôi nữa. Và Ngài đã làm thế!

Nhà cầm quyền tìm cách buộc Anni phải làm việc toàn thời gian suốt tuần và cho người khác chăm sóc cháu Ruth. Nhưng Anni phản đối và làm việc ca đêm để có thể chăm sóc con gái trong ngày. Anh em đồng đạo đã nhiệt tình hỗ trợ và tặng nhà tôi nhiều thứ đến độ cô ấy có thể san sẻ với người khác. Trong khi đó, tôi phải ở sau song sắt nhà tù thêm gần sáu năm.

Cách giữ vững đức tin trong tù

Khi tôi trở lại nhà tù, các bạn tù Nhân Chứng đều háo hức muốn biết những sự dạy dỗ gần đây trong sách báo của chúng ta. Thật vui sướng làm sao vì trước đó tôi đã học kỹ Tháp Canh và đều đặn tham dự các buổi nhóm họp, nhờ vậy tôi có thể khích lệ họ về thiêng liêng!

Khi chúng tôi hỏi xin lính gác một cuốn Kinh Thánh, họ trả lời: “Cho Nhân Chứng Giê-hô-va Kinh Thánh cũng nguy hiểm như cho phường đạo chích công cụ để đào tẩu”. Mỗi ngày, các anh dẫn đầu chọn một câu Kinh Thánh để xem xét. Trong nửa tiếng đi bộ hằng ngày trong sân, chúng tôi không chú ý đến việc tập thể dục hay hưởng không khí trong lành, mà chỉ mong được nghe đoạn Kinh Thánh mỗi ngày. Mặc dù phải đi cách nhau 5 mét và không được phép nói chuyện, nhưng chúng tôi vẫn tìm cách truyền miệng câu Kinh Thánh cho nhau. Trở về phòng giam, chúng tôi ráp lại những gì mỗi người nghe được, rồi cùng nhau thảo luận đoạn Kinh Thánh mỗi ngày.

Nhưng rồi có người báo lại hoạt động của chúng tôi, vì thế tôi bị đưa vào phòng biệt giam. Thật đáng mừng là đến lúc ấy, tôi đã thuộc được vài trăm câu Kinh Thánh! Tôi đã dành những ngày tháng đơn độc ở đấy để suy ngẫm về nhiều đề tài Kinh Thánh. Sau đó, tôi được chuyển đến nhà tù khác. Một lính gác đưa tôi đến buồng giam đã có hai Nhân Chứng, và đáng mừng hơn nữa là ông ta cho chúng tôi một cuốn Kinh Thánh. Sau sáu tháng biệt giam, tôi vô cùng cảm kích khi lại được thảo luận Kinh Thánh với anh em đồng đức tin.

Peter, em trai tôi, cho biết điều gì đã giúp cậu ấy chịu đựng những năm tháng trong tù: “Em hình dung đời sống trong thế giới mới và luôn nghĩ đến những sự dạy dỗ của Kinh Thánh. Chúng em khích lệ nhau bằng cách hỏi và đố nhau về Kinh Thánh. Cuộc sống trong tù không dễ dàng chút nào. Đôi khi có đến 11 người bị nhốt trong một căn phòng chỉ 12 mét vuông. Mọi sinh hoạt đều tại chỗ—ăn, ngủ, tắm rửa, thậm chí đi ngoài. Ai cũng trở nên dễ bực dọc”.

Jochen, một em trai khác của tôi, cho biết kinh nghiệm trong tù của cậu ấy: “Em hát những bài hát Nước Trời mình thuộc, và mỗi ngày suy ngẫm về một câu Kinh Thánh mà em nhớ. Sau khi được thả, em tiếp tục giữ nếp học tập nghiêm túc về phương diện thiêng liêng. Mỗi ngày, gia đình em cùng tra xem Kinh Thánh. Chúng em cũng soạn bài cho tất cả các buổi nhóm họp”.

Mẹ được trả tự do

Sau hơn hai năm bị tù, mẹ được trả tự do. Mẹ dùng sự tự do để dạy Kinh Thánh cho Hannelore và Sabine, giúp các em có nền tảng đức tin vững chắc. Mẹ cũng dạy các em cách ứng xử khi gặp khó khăn ở trường vì đức tin. Hannelore kể: “Chúng em không sợ những việc xấu có thể xảy ra cho mình vì được khích lệ ở nhà. Sự gắn bó trong gia đình giúp chúng em đủ sức đương đầu với mọi khó khăn”.

Cô kể tiếp: “Chúng em cũng góp phần chuyển thức ăn thiêng liêng cho các anh chị bị tù. Chúng em chép lại bằng chữ nhỏ xíu cả một số Tháp Canh lên giấy sáp, lấy giấy không thấm nước bọc lại, rồi giấu trong hộp mận để gửi theo đồ thăm nuôi hàng tháng. Thật vui mừng biết bao khi nghe các anh chị ấy nhắn gửi là mận ‘rất ngon’. Chúng em thích thú với công việc ấy đến độ phải nói rằng đó là một quãng thời gian thật hào hứng”.

Dưới sự cấm đoán

Peter cho biết cuộc sống đã như thế nào trong mấy chục năm bị cấm đoán ở Đông Đức: “Chúng em nhóm họp theo từng nhóm nhỏ, khi đến cũng như khi ra về, phải đi rải rác. Tại mỗi buổi nhóm họp, chúng em sắp đặt cho buổi nhóm kế, và làm điều này bằng cách ra hiệu hoặc viết giấy để không bị Stasi nghe lén”.

Hannelore kể: “Thỉnh thoảng, chúng em nhận được băng ghi âm chương trình hội nghị. Đó luôn là dịp đặc biệt để họp mặt. Nhóm nhỏ chúng em tập họp lại nghe trong hàng giờ. Mặc dù không được nhìn thấy diễn giả, nhưng mọi người rất chăm chú lắng nghe và ghi chép”.

Peter cho biết thêm: “Anh em ở các nước khác luôn tìm cách cung cấp sách báo giải thích Kinh Thánh cho ở đây. Khoảng mười năm trước khi Bức Tường Berlin sụp đổ vào năm 1989, họ đặc biệt sản xuất sách báo cỡ nhỏ để gửi cho chúng em. Một số anh chị chấp nhận rủi ro mất xe cộ, tiền bạc, thậm chí cả sự tự do để đưa thức ăn thiêng liêng vào Đông Đức. Có một đêm, hai anh chị mà chúng em chờ gặp đã không xuất hiện. Cảnh sát tìm thấy sách báo trong xe của họ và tịch thu xe. Dù nguy hiểm, nhưng chúng em chưa bao giờ nghĩ đến chuyện ngưng công việc để có cuộc sống yên ổn hơn”.

Manfred, cậu em trai đã phản chúng tôi vào năm 1950, cho biết điều gì đã giúp cậu ấy lấy lại đức tin: “Sau khi bị bắt giữ vài tháng, em qua Tây Đức sống và bỏ lẽ thật. Đến năm 1954, em trở lại Đông Đức và kết hôn một năm sau đó. Không bao lâu, vợ em nhận lẽ thật và làm báp têm năm 1957. Với thời gian, lương tâm của em bắt đầu cắn rứt và nhờ có sự giúp đỡ của vợ, em đã trở lại hội thánh”.

Cậu kể tiếp: “Các anh chị tín đồ Đấng Christ từng biết em trước đây đã chào đón em một cách đầy yêu thương, như thể chưa hề có gì xảy ra. Thật ấm lòng khi được chào đón với một nụ cười và một cái ôm nồng nhiệt. Em vô cùng vui sướng vì được trở lại với Đức Giê-hô-va và các anh chị”.

Trận chiến thiêng liêng vẫn tiếp diễn

Mọi người trong gia đình chúng tôi đều đã phải phấn đấu nhiều để giữ đức tin. Peter nhận xét: “Ngày nay hơn bao giờ hết, chúng ta bị bủa vây bởi vô số cám dỗ về vật chất và giải trí. Vào thời bị cấm đoán, mọi người đều bằng lòng với những gì mình có. Chẳng hạn, không ai đòi đổi nhóm chỉ vì những bất đồng cá nhân, và cũng không ai than phiền là buổi nhóm họp quá xa hay quá trễ. Hồi ấy, mọi người đều hạnh phúc vì được nhóm nhau lại, dù có người phải chờ đến 11 giờ khuya mới tới phiên mình ra về”.

Năm 1959, mẹ quyết định trốn qua Tây Đức với Sabine, lúc ấy 16 tuổi. Vì muốn phục vụ ở nơi có nhu cầu lớn về người công bố Nước Trời, họ được văn phòng chi nhánh đề nghị đến sống ở Ellwangen, Baden-Württemberg. Lòng sốt sắng của mẹ, bất kể sức khỏe yếu, đã thúc đẩy Sabine bắt đầu làm tiên phong lúc 18 tuổi. Khi cô ấy kết hôn, mẹ học lái xe để có thể tham gia nhiều hơn vào thánh chức, dù đã 58 tuổi. Bà quý trọng đặc ân phụng sự này cho đến lúc qua đời, vào năm 1974.

Về phần tôi, sau khi thi hành xong bản án tù thứ hai, kéo dài gần sáu năm, tôi bị trục xuất sang Tây Đức vào năm 1965 mà gia đình không hề hay biết. Tuy nhiên với thời gian, tôi được đoàn tụ lại với Anni và cháu Ruth tại đó. Tôi xin phép văn phòng chi nhánh được phục vụ ở nơi có nhu cầu lớn hơn, và được phái đến Nördlingen, Bavaria. Cháu Ruth và em trai là Johannes lớn lên ở đó. Anni bắt đầu làm tiên phong đều đều. Gương mẫu của cô ấy đã thúc đẩy Ruth bắt đầu làm tiên phong sau khi tốt nghiệp phổ thông. Con rể và con dâu của chúng tôi cũng làm công việc tiên phong. Các cháu nay đều đã có con cái. Chúng tôi được ban phước có sáu đứa cháu nội, ngoại xinh xắn.

Năm 1987, tôi tận dụng cơ hội về hưu sớm để cùng Anni làm tiên phong. Ba năm sau, tôi được mời đến văn phòng chi nhánh ở Selters để giúp mở rộng chi nhánh. Sau đó, chúng tôi cũng giúp xây dựng Phòng Hội Nghị đầu tiên của Nhân Chứng Giê-hô-va tại Đông Đức cũ, ở Glauchau, và có đặc ân làm người trông coi tòa nhà đó. Từ khi sức khỏe sa sút, chúng tôi dọn về lại hội thánh Nördlingen để ở gần con gái, và làm tiên phong tại đó.

Tôi rất vui là tất cả anh chị em tôi, cùng đa số thành viên trong đại gia đình đều đang tiếp tục phụng sự Đức Chúa Trời tuyệt vời của chúng ta, Đức Giê-hô-va. Qua năm tháng, tôi rút ra một bài học là bao lâu chúng ta còn mạnh mẽ về thiêng liêng, thì bấy lâu chúng ta cảm nghiệm được sự thật của lời Thi-thiên 126:3: “Đức Giê-hô-va đã làm cho chúng tôi những việc lớn; nhân đó chúng tôi vui-mừng”.

[Hình nơi trang 13]

Vào ngày cưới của chúng tôi, năm 1957

[Hình nơi trang 13]

Với gia đình tôi năm 1948: (hàng trước, từ trái sang phải) Manfred, mẹ, Sabine, Hannelore, Peter; (hàng sau, từ trái sang phải) tôi và Jochen

[Các hình nơi trang 15]

Sách cỡ nhỏ được dùng trong thời bị cấm đoán và dụng cụ nghe lén của “Stasi”

[Nguồn tư liệu]

Forschungs- und Gedenkstätte NORMANNENSTRASSE

[Hình nơi trang 16]

Sáu anh em tôi: (hàng trước, từ trái sang phải) Hannelore và Sabine; (hàng sau, từ trái sang phải) tôi, Jochen, Peter, và Manfred