Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hãy yêu mến Đức Chúa Trời, Đấng đã yêu bạn

Hãy yêu mến Đức Chúa Trời, Đấng đã yêu bạn

Hãy yêu mến Đức Chúa Trời, Đấng đã yêu bạn

“Ngươi hãy hết lòng, hết linh-hồn, hết ý mà yêu-mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi”.—MA-THI-Ơ 22:37.

1, 2. Sự kiện nào có lẽ đã khiến người ta nêu ra câu hỏi về điều răn nào lớn hơn hết?

MỘT câu hỏi hẳn đã được tranh cãi sôi nổi trong vòng những người Pha-ri-si vào thời Chúa Giê-su: “Trong hơn 600 điều luật hợp thành Luật Môi-se, điều luật nào quan trọng nhất?” Phải chăng là luật liên quan đến việc tế lễ? Dù sao thì người ta cũng dâng của-lễ để xin tha tội và cảm tạ Đức Chúa Trời. Hay luật quan trọng nhất là luật về phép cắt bì? Luật này cũng quan trọng, vì đó là dấu hiệu của giao ước mà Đức Giê-hô-va đã lập với Áp-ra-ham.—Sáng-thế Ký 17:9-13.

2 Mặt khác, phe bảo thủ dường như lý luận rằng mọi điều luật mà Đức Chúa Trời ban cho đều quan trọng, dù một số có vẻ ít quan trọng hơn những điều luật khác, vậy thì xem điều răn này lớn hơn điều răn khác là sai. Những người Pha-ri-si quyết định đem câu hỏi gây nhiều tranh cãi đó ra hỏi Chúa Giê-su. Có lẽ câu trả lời của ngài sẽ làm giảm uy tín của ngài. Một trong những người Pha-ri-si đó đã đến hỏi Chúa Giê-su: “Trong luật-pháp, điều-răn nào là lớn hơn hết?”—Ma-thi-ơ 22:34-36.

3. Chúa Giê-su cho biết điều răn nào lớn nhất?

3 Câu trả lời của Chúa Giê-su có tầm quan trọng lớn lao cho chúng ta trong thời kỳ này. Ngài trả lời bằng cách tóm tắt một điều đã từng và sẽ luôn luôn là yếu tố chính của sự thờ phượng thật. Trích Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:5, Chúa Giê-su nói: “Ngươi hãy hết lòng, hết linh-hồn, hết ý mà yêu-mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi. Ấy là điều-răn thứ nhứt và lớn hơn hết”. Mặc dù người Pha-ri-si chỉ hỏi về một điều răn, Chúa Giê-su đã nói thêm một điều răn khác. Trích Lê-vi Ký 19:18, ngài nói: “Còn điều-răn thứ hai đây, cũng như vậy: Ngươi hãy yêu kẻ lân-cận như mình”. Rồi ngài cho biết hai luật này là yếu tố cơ bản của sự thờ phượng thanh sạch. Không để người khác buộc ngài liệt kê thứ tự quan trọng của các điều luật khác, ngài kết luận: “Hết thảy luật-pháp và lời tiên-tri đều bởi hai điều-răn đó mà ra”. (Ma-thi-ơ 22:37-40) Trong bài này, chúng ta sẽ xem xét điều răn lớn nhất trong hai điều răn này. Tại sao chúng ta phải yêu mến Đức Chúa Trời? Chúng ta biểu lộ lòng yêu mến Đức Chúa Trời bằng cách nào? Và làm sao chúng ta có thể phát triển lòng yêu mến đó? Biết được lời giải đáp cho những câu hỏi đó là điều trọng yếu, bởi vì để làm hài lòng Đức Giê-hô-va, chúng ta phải yêu mến Ngài hết lòng, hết linh hồn, và hết ý.

Tầm quan trọng của tình yêu thương

4, 5. (a) Tại sao người Pha-ri-si không ngạc nhiên về những gì Chúa Giê-su nói? (b) Điều gì có giá trị đối với Đức Chúa Trời hơn là những của-lễ?

4 Dường như người Pha-ri-si ấy không khó chịu cũng không ngạc nhiên về câu trả lời của Chúa Giê-su. Ông biết rằng việc yêu mến Đức Chúa Trời phải là khía cạnh cốt yếu của sự thờ phượng thật, mặc dù nhiều người không bày tỏ điều đó. Trong nhà hội, người ta có thói quen đọc kinh Shema, tức là lời tuyên xưng đức tin, và lời này bao gồm những câu ghi nơi Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:4-9 mà Chúa Giê-su đã trích dẫn. Theo lời tường thuật của Mác về sự kiện này, kế đến người Pha-ri-si ấy đã nói với Chúa Giê-su: “Thưa thầy, thầy nói phải, hiệp lý lắm, thật Đức Chúa Trời là có một, ngoài Ngài chẳng có Chúa nào khác nữa; thật phải kính-mến Chúa hết lòng, hết trí, hết sức, và yêu kẻ lân-cận như mình, ấy là hơn mọi của-lễ thiêu cùng hết thảy các của-lễ”.—Mác 12:32, 33.

5 Quả thật, dù Luật Pháp đòi hỏi dân chúng dâng của-lễ thiêu và các của-lễ khác, điều thật sự có giá trị đối với Đức Chúa Trời là tấm lòng yêu thương chân thành của tôi tớ Ngài. Hết lòng dâng một con chim sẻ cho Đức Chúa Trời thì có giá trị hơn là dâng hàng ngàn con chiên đực với một động lực xấu. (Mi-chê 6:6-8) Hãy nhớ lại lời tường thuật về một bà góa nghèo mà Chúa Giê-su đã quan sát tại đền thờ Giê-ru-sa-lem. Bà chỉ bỏ vào rương hai đồng tiền nhỏ, chưa đủ để mua một con chim sẻ. Nhưng số tiền đó đã dâng lên Đức Giê-hô-va bằng tình yêu thương, nên nó có giá trị đối với Ngài nhiều hơn là số tiền dư mà người giàu đã đóng góp. (Mác 12:41-44) Quả là khích lệ khi biết rằng điều Đức Giê-hô-va quý trọng nhiều nhất​—đó là tình yêu thương của chúng ta đối với Ngài! Đây là điều mà tất cả chúng ta có thể bày tỏ dù ở trong hoàn cảnh nào.

6. Phao-lô viết gì về tầm quan trọng của tình yêu thương?

6 Nhấn mạnh tầm quan trọng của tình yêu thương trong sự thờ phượng thật, sứ đồ Phao-lô viết: “Dầu tôi nói được các thứ tiếng loài người và thiên-sứ, nếu không có tình yêu-thương, thì tôi chỉ như đồng kêu lên hay là chập-chỏa vang tiếng. Dầu tôi được ơn nói tiên-tri, cùng biết đủ các sự mầu-nhiệm và mọi sự hay-biết; dầu tôi có cả đức-tin đến nỗi dời núi được, nhưng không có tình yêu-thương, thì tôi chẳng ra gì. Dầu tôi phân-phát gia-tài để nuôi kẻ nghèo-khó, lại bỏ thân mình để chịu đốt, song không có tình yêu-thương, thì điều đó chẳng ích chi cho tôi”. (1 Cô-rinh-tô 13:1-3) Rõ ràng, tình yêu thương là thiết yếu nếu chúng ta muốn sự thờ phượng của mình đẹp lòng Đức Chúa Trời. Thế thì, chúng ta bày tỏ lòng yêu mến Đức Giê-hô-va bằng cách nào?

Cách tỏ lòng yêu mến Đức Giê-hô-va

7, 8. Bằng cách nào chúng ta có thể bày tỏ lòng yêu mến đối với Đức Giê-hô-va?

7 Nhiều người tin rằng tình yêu thương là một cảm xúc khó kiểm soát; chẳng hạn như người ta thường nói đến tiếng sét ái tình. Nhưng tình yêu thương chân thật không chỉ là điều mà chúng ta cảm thấy trong lòng. Nó được nhận biết và xác định bằng hành động, chứ không phải là cảm xúc mà thôi. Kinh Thánh nói tình yêu thương là “con đường tốt-lành hơn” và là điều chúng ta phải “nôn-nả tìm-kiếm”. (1 Cô-rinh-tô 12:31; 14:1) Các tín đồ Đấng Christ được khuyến khích không chỉ “yêu-mến bằng lời nói và lưỡi, nhưng bằng việc làm và lẽ thật”.—1 Giăng 3:18.

8 Tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời thúc đẩy chúng ta làm những điều vui lòng Ngài, bênh vực và ủng hộ quyền cai trị của Ngài bằng cả lời nói lẫn hành động. Nếu có tình yêu thương này, chúng ta sẽ không yêu thế gian và đường lối không tin kính của thế gian. (1 Giăng 2:15, 16) Những người yêu mến Đức Chúa Trời ghét điều ác. (Thi-thiên 97:10) Tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời có liên hệ đến tình yêu thương người lân cận, chúng ta sẽ bàn luận điều này trong bài tới. Ngoài ra, tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời đòi hỏi chúng ta phải vâng lời. Kinh Thánh nói: “Nầy là sự yêu-mến Đức Chúa Trời, tức là chúng ta vâng-giữ điều-răn Ngài”.—1 Giăng 5:3.

9. Bằng cách nào Chúa Giê-su thể hiện tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời?

9 Chúa Giê-su thể hiện một cách hoàn hảo tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời có nghĩa gì. Vì yêu thương, ngài rời chỗ ở trên trời để xuống trái đất làm người. Tình yêu thương này thôi thúc ngài tôn vinh Cha qua những gì ngài làm và dạy. Tình yêu thương thúc đẩy ngài “vâng-phục cho đến chết”. (Phi-líp 2:8) Nhờ sự vâng phục đó, một biểu hiện của tình yêu thương, ngài đã mở đường cho những người trung thành để họ có vị thế công bình trước mặt Đức Chúa Trời. Phao-lô viết: “Bởi sự không vâng-phục của một người [A-đam] mà mọi người khác đều thành ra kẻ có tội, thì cũng một lẽ ấy, bởi sự vâng-phục của một người [Chúa Giê-su Christ] mà mọi người khác sẽ đều thành ra công-bình”.—Rô-ma 5:19.

10. Tại sao yêu thương Đức Chúa Trời bao hàm việc vâng phục?

10 Như Chúa Giê-su, chúng ta bày tỏ tình yêu thương bằng cách vâng phục Đức Chúa Trời. Giăng, một sứ đồ yêu dấu của Chúa Giê-su, đã viết: “Sự yêu-thương là tại làm theo các điều-răn của Đức Chúa Trời”. (2 Giăng 6) Những người thật sự yêu mến Đức Giê-hô-va thì trông mong được Ngài hướng dẫn. Nhận biết không thể thành công trong việc tự dẫn đưa bước của mình, họ tin cậy nơi sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời và vâng theo sự hướng dẫn đầy yêu thương của Ngài. (Giê-rê-mi 10:23) Họ cũng giống người ở thành Bê-rê thời xưa, có tinh thần rộng mở, “sẵn lòng” chấp nhận thông điệp của Đức Chúa Trời, tha thiết muốn làm theo ý của Ngài. (Công-vụ 17:11) Họ cẩn thận xem xét Kinh Thánh để hiểu rõ hơn ý muốn của Đức Chúa Trời, điều này giúp họ biểu lộ tình yêu thương qua những hành động vâng phục.

11. Yêu mến Đức Chúa Trời hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, và hết sức có nghĩa gì?

11 Như Chúa Giê-su đã nói, tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời bao gồm cả tấm lòng, trí khôn, linh hồn và sức mạnh. (Mác 12:30) Tình yêu thương đó xuất phát từ lòng, bao hàm cảm xúc, ước muốn cũng như những ý tưởng thầm kín nhất, và chúng ta tha thiết muốn làm hài lòng Đức Giê-hô-va. Chúng ta cũng yêu thương bằng trí óc biết suy nghĩ. Chúng ta không sùng kính một cách mù quáng; chúng ta học biết về Đức Giê-hô-va—những đức tính, tiêu chuẩn và ý định của Ngài. Chúng ta dùng linh hồn—toàn thể con người và đời sống của chúng ta—để phụng sự và ca ngợi Ngài. Chúng ta cũng dùng hết sức mình để làm điều đó.

Tại sao chúng ta nên yêu mến Đức Giê-hô-va?

12. Tại sao Đức Chúa Trời mong muốn chúng ta yêu thương Ngài?

12 Một lý do chúng ta nên yêu mến Đức Giê-hô-va là vì Ngài mong muốn chúng ta phản ánh những đức tính của Ngài. Đức Chúa Trời là nguồn cũng như gương nổi bật nhất về tình yêu thương. Sứ đồ Giăng viết lời được soi dẫn này: “Đức Chúa Trời là sự yêu-thương”. (1 Giăng 4:8) Loài người được dựng theo hình ảnh Đức Chúa Trời; chúng ta được tạo ra để yêu thương. Thật vậy, quyền cai trị của Đức Giê-hô-va dựa trên tình yêu thương. Ngài muốn thần dân của Ngài là những người phụng sự Ngài vì yêu thương và muốn sống dưới sự cai trị công bình của Ngài. Quả thật, tình yêu thương rất cần thiết để có bình an và hòa hợp trong cả vũ trụ.

13. (a) Tại sao dân Y-sơ-ra-ên được dặn bảo phải “kính-mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời”? (b) Tại sao việc Đức Giê-hô-va mong muốn chúng ta yêu mến Ngài là điều hợp lý?

13 Một lý do khác để yêu thương Đức Giê-hô-va là chúng ta biết ơn những gì Ngài đã làm cho mình. Hãy nhớ lại lời Chúa Giê-su nói với người Do Thái: ‘Ngươi phải kính-mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi’. Họ không bắt buộc phải yêu thương một thần xa lạ mà họ không hề biết. Họ phải yêu Đấng đã bày tỏ tình yêu thương đối với họ. Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời của họ. Ngài là Đấng đã đưa họ ra khỏi xứ Ê-díp-tô để vào Đất Hứa, Đấng đã che chở, nuôi sống và yêu thương họ, Đấng đã sửa phạt họ bằng tình yêu thương. Và ngày nay, Giê-hô-va là Đức Chúa Trời của chúng ta, Đấng đã ban Con Ngài làm giá chuộc hầu cho chúng ta có triển vọng sống đời đời. Nếu Đức Giê-hô-va mong muốn chúng ta đáp lại tình yêu thương của Ngài thì cũng là điều hợp lý biết bao! Chúng ta yêu Đức Chúa Trời là Đấng “đã yêu chúng ta trước”.—1 Giăng 4:19.

14. Tình yêu thương của Đức Giê-hô-va giống như của bậc cha mẹ đầy yêu thương như thế nào?

14 Tình yêu thương của Đức Giê-hô-va dành cho nhân loại giống như tình thương của cha mẹ đối với con cái. Dù bất toàn, cha mẹ yêu thương làm việc vất vả nhiều năm để chăm lo cho con cái. Điều đó đòi hỏi phải hy sinh rất nhiều về vật chất và những điều khác. Cha mẹ dạy dỗ, khuyến khích, nâng đỡ và sửa phạt con cái vì họ muốn chúng nên người và được hạnh phúc. Cha mẹ muốn được đền đáp như thế nào? Họ muốn con cái yêu thương và ghi nhớ những điều lợi ích mà họ đã dạy dỗ. Chẳng phải là hợp lý sao khi Cha hoàn hảo của chúng ta ở trên trời mong muốn chúng ta tỏ lòng biết ơn về tất cả những gì Ngài đã làm cho chúng ta?

Vun trồng tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời

15. Bước đầu tiên để vun trồng tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời là gì?

15 Chúng ta chưa hề thấy Đức Chúa Trời hoặc nghe tiếng Ngài. (Giăng 1:18) Nhưng Ngài kêu gọi chúng ta vun trồng mối quan hệ yêu thương với Ngài. (Gia-cơ 4:8) Chúng ta có thể làm điều đó như thế nào? Bước đầu tiên để yêu thương một người nào đó là tìm hiểu về người ấy; khó mà yêu thương sâu đậm người mà chúng ta không biết. Đức Giê-hô-va ban Lời Ngài là Kinh Thánh để giúp chúng ta hiểu biết về Ngài. Đó là lý do tại sao qua tổ chức của Ngài, Đức Giê-hô-va khuyến khích chúng ta đều đặn đọc Kinh Thánh. Chính Kinh Thánh dạy chúng ta về Đức Chúa Trời, đức tính và cá tính của Ngài cũng như cách Ngài đối xử với con người trải qua hàng ngàn năm. Khi suy ngẫm về những lời tường thuật đó, chúng ta càng biết ơn và yêu thương Ngài.—Rô-ma 15:4.

16. Làm sao việc suy ngẫm về thánh chức của Chúa Giê-su giúp chúng ta càng yêu thương Đức Chúa Trời?

16 Một cách chính yếu để chúng ta ngày càng yêu thương Đức Giê-hô-va nhiều hơn là suy ngẫm về đời sống và thánh chức của Chúa Giê-su. Thật vậy, Chúa Giê-su hoàn toàn phản ánh Cha đến độ ngài có thể nói: “Ai đã thấy ta, tức là đã thấy Cha”. (Giăng 14:9) Chẳng lẽ bạn không cảm động sao khi đọc về việc Chúa Giê-su tỏ lòng thương xót lúc làm sống lại đứa con trai duy nhất của một bà góa? (Lu-ca 7:11-15) Bạn không cảm kích sao khi biết rằng dù là Con Đức Chúa Trời và là người vĩ đại nhất đã từng sống, nhưng ngài lại khiêm nhường rửa chân cho các môn đồ? (Giăng 13:3-5) Chẳng phải bạn cảm động khi biết rằng dù khôn ngoan và cao trọng hơn bất cứ người nào, ngài dễ cho mọi người, gồm cả trẻ em, đến gần? (Mác 10:13, 14) Khi suy ngẫm với lòng biết ơn về những điều này, chúng ta giống như những tín đồ Đấng Christ mà Phi-e-rơ đã viết: “Ngài là Đấng anh em không thấy, mà yêu-mến”. (1 Phi-e-rơ 1:8) Càng yêu thương Chúa Giê-su thì chúng ta càng yêu mến Đức Giê-hô-va.

17, 18. Suy ngẫm về những sự ban cho đầy yêu thương nào của Đức Giê-hô-va có thể khiến chúng ta càng yêu thương Ngài?

17 Một cách khác để giúp chúng ta yêu mến Đức Chúa Trời nhiều hơn là suy ngẫm về những điều mà Ngài đã yêu thương cung cấp cho chúng ta trong đời sống. Đó là công trình sáng tạo xinh đẹp, nhiều loại thức ăn ngon, tình bạn thân mật, đầm ấm, cũng như vô số những điều tốt lành khác làm chúng ta vui thích và thỏa lòng. (Công-vụ 14:17) Càng biết về Đức Chúa Trời thì chúng ta càng có lý do để biết ơn về lòng tốt và rộng rãi bao la của Ngài. Hãy nghĩ đến tất cả những gì Đức Chúa Trời đã làm cho chính cá nhân bạn. Chẳng lẽ bạn không đồng ý là bạn nên yêu thương Ngài hay sao?

18 Ngoài ra, một trong những món quà mà Đức Chúa Trời ban cho là chúng ta được cơ hội đến gần Ngài bất cứ lúc nào qua lời cầu nguyện, và biết rằng “Đấng nghe lời cầu-nguyện” lắng nghe chúng ta. (Thi-thiên 65:2) Đức Giê-hô-va đã giao cho Con Ngài quyền cai trị lẫn xét đoán. Tuy nhiên, Ngài không giao việc lắng nghe lời cầu nguyện cho ai khác, kể cả Con Ngài. Chính Ngài nghe lời cầu nguyện của chúng ta. Cách Đức Giê-hô-va biểu lộ lòng quan tâm đầy yêu thương thu hút chúng ta đến gần Ngài.

19. Những lời hứa nào của Đức Giê-hô-va khiến chúng ta cảm thấy gần gũi với Ngài?

19 Chúng ta cũng cảm thấy gần gũi với Đức Giê-hô-va khi xem xét những gì Ngài sẽ ban cho nhân loại. Ngài hứa sẽ chấm dứt bệnh tật, đau buồn và chết chóc. (Khải-huyền 21:3, 4) Khi nhân loại trở lại trạng thái hoàn toàn thì không còn ai mang bệnh trầm cảm, chán nản hoặc đau buồn nữa. Sẽ không còn nạn đói, nghèo khổ, và chiến tranh nữa. (Thi-thiên 46:9; 72:16) Trái đất sẽ được biến thành địa đàng. (Lu-ca 23:43) Đức Giê-hô-va sẽ đem lại những ân phước này, không phải vì bị bắt buộc nhưng vì Ngài yêu chúng ta.

20. Môi-se nói gì về lợi ích của việc yêu thương Đức Giê-hô-va?

20 Vì vậy, có nhiều lý do vững chắc để chúng ta yêu mến Đức Chúa Trời và làm cho tình yêu thương đó tăng thêm. Bạn sẽ tiếp tục củng cố tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời, để Ngài hướng dẫn đường lối mình không? Điều này tùy bạn chọn. Môi-se nhận biết lợi ích của việc vun trồng và duy trì tình yêu thương đối với Đức Giê-hô-va. Môi-se nói với những người Y-sơ-ra-ên xưa: “Hãy chọn sự sống, hầu cho ngươi và dòng-dõi ngươi được sống, thương-mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, vâng theo tiếng phán Ngài, và tríu-mến Ngài; vì Ngài là sự sống ngươi và làm cho ngươi được sống lâu”.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 30:19, 20.

Bạn có nhớ không?

• Tại sao yêu mến Đức Giê-hô-va là thiết yếu?

• Bằng cách nào chúng ta có thể bày tỏ lòng yêu mến đối với Đức Chúa Trời?

• Chúng ta có những lý do nào để yêu thương Đức Chúa Trời?

• Làm sao chúng ta vun trồng tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 20]

Đức Giê-hô-va thật sự quý trọng điều mà tất cả chúng ta có thể bày tỏ—tình yêu thương đối với Ngài

[Các hình nơi trang 23]

“Ai đã thấy ta, tức là đã thấy Cha”.—Giăng 14:9.