Những điểm nổi bật trong sách Ê-sai—Phần I
Lời Đức Giê-hô-va sống động
Những điểm nổi bật trong sách Ê-sai—Phần I
“TA SẼ sai ai đi? Ai sẽ đi cho chúng ta?” Nghe lời phán này của Giê-hô-va Đức Chúa Trời, Ê-sai, con trai A-mốt liền thưa: “Có tôi đây; xin hãy sai tôi”. (Ê-sai 1:1; 6:8) Vào lúc đó, ông được giao sứ mạng tiên tri. Những việc làm mang tính tiên tri mà Ê-sai thực hiện đều được ghi lại trong sách mang tên ông thuộc Kinh Thánh.
Sách này do chính nhà tiên tri Ê-sai viết và nói về giai đoạn 46 năm, từ khoảng năm 778 TCN đến thời gian sau năm 732 TCN. Mặc dù sách chứa đựng những lời lên án Giu-đa, Y-sơ-ra-ên và các nước lân cận, nhưng chủ đề chính không phải là phán xét. Thay vì thế, chủ đề là ‘sự cứu-rỗi của Giê-hô-va Đức Chúa Trời’. (Ê-sai 25:9) Thật vậy, tên Ê-sai có nghĩa là “sự cứu rỗi của Đức Giê-hô-va”. Trong bài này, chúng ta sẽ thảo luận những điểm nổi bật trong Ê-sai 1:1–35:10.
“MỘT SỐ DÂN SÓT... SẼ TRỞ LẠI”
Về thông điệp tiên tri trong năm chương đầu của sách Ê-sai, Kinh Thánh không cho biết nó được công bố trước hay sau khi ông được bổ nhiệm làm tiên tri. (Ê-sai 6:6-9) Tuy nhiên, điều rõ ràng là người Giu-đa và dân cư Giê-ru-sa-lem bị bệnh về thiêng liêng, “từ bàn chân cho đến đỉnh đầu”. (Ê-sai 1:6) Sự thờ hình tượng rất được thịnh hành. Những người lãnh đạo thì tham nhũng. Phụ nữ trở nên kiêu căng. Dân sự không thờ phượng Đức Chúa Trời theo cách mà Ngài chấp nhận. Ê-sai được giao sứ mệnh đi nói với những người chẳng hiểu chi mà cũng không muốn thấy gì.
Xứ Giu-đa bị lực lượng phối hợp của Y-sơ-ra-ên và Sy-ri đe dọa xâm lăng. Đức Giê-hô-va dùng Ê-sai và các con ông làm “dấu và điềm” để khẳng định rằng mối liên minh giữa Sy-ri và Y-sơ-ra-ên sẽ không thành công. (Ê-sai 8:18) Nhưng nền hòa bình vĩnh viễn chỉ có được dưới sự cai trị của “Chúa Bình-an”. (Ê-sai 9:5, 6) Đức Giê-hô-va cũng sẽ phán xét A-si-ri, quốc gia mà Ngài dùng làm “cái roi của sự thạnh-nộ [Ngài]”. Dân Giu-đa hẳn sẽ bị lưu đày, nhưng chỉ “một số dân sót... sẽ trở lại”. (Ê-sai 10:5, 21, 22) Nền công lý thật sẽ được thiết lập dưới quyền cai trị của ‘chồi nứt lên từ gốc Y-sai’, một chồi tượng trưng.—Ê-sai 11:1.
Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:
1:8, 9—Khi nói con cái của Si-ôn “bị bỏ lại như lều vườn nho, như chòi ruộng dưa”, điều đó có nghĩa gì? Điều này có nghĩa là trong thời gian bị A-si-ri xâm lăng, Giê-ru-sa-lem có vẻ rất dễ bị tấn công, như túp lều ở vườn nho hay căn chòi dễ sập trong vườn dưa. Nhưng Đức Giê-hô-va giúp đỡ và không để cho nó bị hủy phá giống như thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ.
1:18—Lời phán: “Bây giờ hãy đến, cho chúng ta biện-luận cùng nhau”, có nghĩa gì? Đây không phải là lời mời thảo luận để đi đến thỏa hiệp. Nhưng câu này muốn nói đến việc lập tòa án công lý, nơi mà vị Quan Án công bình là Đức Giê-hô-va cho dân Y-sơ-ra-ên một cơ hội để thay đổi và tẩy sạch tội lỗi mình.
6:8a—Tại sao đại từ “ta” và “chúng ta” được dùng trong câu này? Đại từ “ta” là lời xưng hô của Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Đại từ số nhiều “chúng ta” cho thấy có một nhân vật khác bên cạnh Đức Giê-hô-va. Hẳn nhiên, đó là “Con một” của Ngài.—Giăng 1:14; 3:16.
6:11—Qua câu: “Lạy Chúa, cho đến chừng nào?”, Ê-sai có ý hỏi điều gì? Ê-sai không có ý hỏi rằng ông phải rao thông điệp của Đức Giê-hô-va cho dân cứng lòng trong bao lâu. Đúng hơn, ông muốn biết thời gian mà tình trạng bệnh hoạn về thiêng liêng của dân sự, gây sỉ nhục cho danh Đức Chúa Trời, sẽ kéo dài bao lâu.
7:3, 4—Tại sao Đức Giê-hô-va lại cứu A-cha, vị vua gian ác? Vua của Sy-ri và Y-sơ-ra-ên lập kế hoạch lật đổ Vua A-cha của nước Giu-đa và đưa một vị vua bù nhìn là con của Ta-bê-ên—người không thuộc dòng dõi Vua Đa-vít—lên thay thế. Âm mưu này của ma quỉ có tác dụng làm gián đoạn giao ước Nước Trời mà Đức Giê-hô-va đã lập với Đa-vít. Đức Giê-hô-va cứu Vua A-cha để bảo tồn dòng dõi sinh ra “Chúa Bình-an”.—Ê-sai 9:5.
7:8—Trong 65 năm, Ép-ra-im “bị hủy-diệt” như thế nào? Sự kiện dân thuộc vương quốc gồm mười chi phái bị trục xuất và dân ngoại được đưa vào nước đó đã bắt đầu “trong đời Phê-ca, vua Y-sơ-ra-ên”, một thời gian ngắn sau khi Ê-sai nói lời tiên tri này. (2 Các Vua 15:29) Tiến trình này kéo dài đến đời Vua Ê-sa-Ha-đôn (Ê-sạt-ha-đôn) của nước A-si-ri, là con trai và người nối ngôi San-chê-ríp. (2 Các Vua 17:6; E-xơ-ra 4:1, 2; Ê-sai 37:37, 38) Việc di dân ra khỏi Sa-ma-ri và đưa dân khác đến đó định cư là tiến trình kéo dài 65 năm như ghi nơi Ê-sai 7:8.
11:1, 10—Làm thế nào Chúa Giê-su Christ là “chồi sẽ nứt lên từ gốc Y-sai” đồng thời là “cội-rễ Gie-sê [Y-sai]”? (Rô-ma 15:12, cước chú) Chúa Giê-su xuất thân “từ gốc Y-sai”. Ngài thuộc dòng dõi Gie-sê qua con trai Gie-sê là Đa-vít. (Ma-thi-ơ 1:1-6; Lu-ca 3:23-32) Tuy nhiên, việc ngài nhận quyền làm vua ảnh hưởng đến mối liên hệ giữa ngài với tổ phụ của ngài. Vì ngài được quyền ban sự sống đời đời trên đất cho những người biết vâng lời, nên Chúa Giê-su trở thành “Cha Đời đời” của họ. (Ê-sai 9:5) Vì vậy, ngài cũng là “cội-rễ” của các tổ phụ ngài, kể cả Gie-sê.
Bài học cho chúng ta:
1:3. Từ chối sống theo những đòi hỏi của Đấng Tạo Hóa là ít hiểu biết hơn bò hoặc lừa. Mặt khác, nếu xây đắp lòng biết ơn về mọi điều Đức Giê-hô-va đã làm vì chúng ta, thì chúng ta sẽ tránh cư xử thiếu suy nghĩ và lìa bỏ Ngài.
1:11-13. Những buổi lễ tôn giáo mang tính đạo đức giả và lời cầu nguyện hình thức làm Đức Giê-hô-va cảm thấy chán. Hành động và lời cầu nguyện của chúng ta phải xuất phát từ động lực đúng trong lòng.
1:25-27; 2:2; 4:2, 3. Tình trạng nô lệ và hoang vu của Giu-đa sẽ chấm dứt khi số người còn sót lại ăn năn trở về Giê-ru-sa-lem và tái lập sự thờ phượng thật. Đức Giê-hô-va đầy lòng thương xót đối với những người phạm tội biết ăn năn.
2:2-4. Khi chúng ta sốt sắng tham gia công việc rao giảng về Nước Trời và đào tạo môn đồ, dân thuộc nhiều nước sẽ được học biết về đường lối hòa bình và cố gắng sống hòa thuận với nhau.
4:4. Đức Giê-hô-va sẽ tẩy sạch sự ô uế về đạo đức và tội giết người.
5:11-13. Không kiềm chế và thiếu thăng bằng trong việc lựa chọn một hình thức giải trí là từ chối hành động phù hợp với sự hiểu biết.—Rô-ma 13:13.
5:21-23. Trưởng lão hay các giám thị tín đồ Đấng Christ phải tránh “chính mắt mình coi mình là khôn-ngoan”. Họ cũng cần phải điều độ trong việc “uống rượu” và phải tránh thiên vị.
11:3a. Gương mẫu và sự dạy dỗ của Chúa Giê-su cho thấy có niềm vui trong sự kính sợ Đức Giê-hô-va.
“ĐỨC GIÊ-HÔ-VA SẼ THƯƠNG-XÓT GIA-CỐP”
Chương 13 đến 23 là những lời Đức Chúa Trời lên án các nước. Tuy nhiên, “Đức Giê-hô-va sẽ thương-xót Gia-cốp” bằng cách cho tất cả các chi phái của Y-sơ-ra-ên hồi hương. (Ê-sai 14:1) Thông điệp về tình trạng hoang vu của Giu-đa và lời hứa về sự phục hưng được ghi trong các chương 24 đến 27. Đức Giê-hô-va nổi giận đối với “những bợm rượu Ép-ra-im [Y-sơ-ra-ên]” vì tội liên minh với Sy-ri, cũng như đối với các “thầy tế-lễ và đấng tiên-tri” của Giu-đa vì họ tìm cách liên minh với A-si-ri. (Ê-sai 28:1, 7) “A-ri-ên [Giê-ru-sa-lem]” bị phán quyết sẽ gặp thảm họa vì “đi xuống Ê-díp-tô” nhờ Ê-díp-tô che chở. (Ê-sai 29:1; Ê-sai 30:1, 2) Tuy vậy, cũng có lời báo trước rằng những ai thực hành đức tin nơi Đức Giê-hô-va thì sẽ được cứu.
Như “sư-tử con bắt được mồi và gầm-thét”, Đức Giê-hô-va sẽ canh giữ “núi Si-ôn”. (Ê-sai 31:4) Đồng thời cũng có lời hứa: “Nầy, sẽ có một vua lấy nghĩa trị-vì”. (Ê-sai 32:1) Trong khi người A-si-ri đe dọa Giu-đa, khiến ngay cả “các sứ-giả cầu hòa” cũng khóc lóc đắng cay, Đức Giê-hô-va hứa rằng dân Ngài sẽ được chữa lành, “sẽ được tha tội”. (Ê-sai 33:7, 22-24) “Đức Giê-hô-va nổi giận nghịch cùng mọi nước; cơn thạnh-nộ Ngài nghịch cùng cả đạo-binh họ”. (Ê-sai 34:2) Giu-đa sẽ không ở mãi trong tình trạng hoang vu. “Đồng vắng và đất khô-hạn sẽ vui-vẻ; nơi sa-mạc sẽ mừng-rỡ, và trổ hoa như bông hường”.—Ê-sai 35:1.
Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:
13:17—Tại sao người Mê-đi chẳng quí bạc, chẳng thích vàng? Người Mê-đi và Phe-rơ-sơ xem chiến thắng vẻ vang quan trọng hơn chiến lợi phẩm. Điều này rất đúng trong trường hợp của Vua Si-ru, người đã cho phép các phu tù đem về quê hương các vật khí dụng bằng bạc và vàng mà Nê-bu-cát-nết-sa đã chiếm đoạt trong đền thờ Đức Giê-hô-va.
14:1, 2—Làm thế nào dân Đức Giê-hô-va “bắt làm phu-tù những kẻ đã bắt mình làm phu-tù” và “quản-trị kẻ đã hà-hiếp mình”? Điều này ứng nghiệm trong trường hợp những cá nhân như Đa-ni-ên, là người giữ chức vụ cao cấp tại Ba-by-lôn trong triều của vua Mê-đi và Phe-rơ-sơ; như Ê-xơ-tê, người đã trở thành hoàng hậu Phe-rơ-sơ; và như Mạc-đô-chê, người được lập làm tể tướng đế quốc Phe-rơ-sơ.
20:2-5—Ê-sai có thật sự ở trần trong suốt ba năm không? Có lẽ Ê-sai chỉ cởi áo ngoài và mặc áo trong.—1 Sa-mu-ên 19:24.
21:1—Vùng nào được gọi là “đồng vắng ở gần biển”? Đó là Ba-by-lôn, dù vùng đất này không thực sự gần biển. Có lẽ là vì nước sông Ơ-phơ-rát và Tigris dâng lên làm ngập nơi này hàng năm, tạo thành “biển” đầm lầy.
24:13-16—Làm thế nào dân Do Thái ở “giữa các dân trên đất... giống như lúc người ta rung cây ô-li-ve, và như khi mót trái nho sau mùa hái trái”? Giống như một vài trái còn sót trên cây hoặc dây leo sau mùa gặt, chỉ có một ít người sẽ sống sót qua sự hủy phá Giê-ru-sa-lem và Giu-đa. Dù bị đày đi “phương đông [Ba-by-lôn]” hay là “các cù-lao biển [Địa Trung Hải]”, những người sống sót đều tôn vinh Đức Giê-hô-va.
24:21—Ai là “các cơ-binh nơi cao” và “các vua thế-gian”? “Các cơ binh nơi cao” có thể ám chỉ lực lượng ác thần. Như vậy, “các vua thế gian” là những nhà cai trị trên đất bị các quỉ ảnh hưởng.—1 Giăng 5:19.
25:7—“Đồ đắp trên muôn dân, và cái màn che-phủ mọi dân-tộc” là gì? Sự so sánh này nói đến hai kẻ thù của nhân loại—tội lỗi và sự chết.
Bài học cho chúng ta:
13:20-22; 14:22, 23; 21:1-9. Lời tiên tri của Đức Giê-hô-va luôn luôn ứng nghiệm, như trong trường hợp nước Ba-by-lôn.
17:7, 8. Dù rằng phần đông dân Y-sơ-ra-ên không vâng lời, nhưng một số người trông cậy nơi Đức Giê-hô-va. Tương tự, một số người thuộc khối đạo xưng theo Đấng Christ đã đáp ứng thông điệp Nước Trời.
28:1-6. Y-sơ-ra-ên sẽ sụp đổ dưới tay người A-si-ri, nhưng Đức Chúa Trời sẽ giải cứu những người trung thành của Ngài. Dưới sự phán xét của Đức Giê-hô-va, người công bình vẫn có hy vọng.
28:23-29. Đức Giê-hô-va sửa dạy những người thành thật, tùy theo nhu cầu và hoàn cảnh của họ.
30:15. Để được Đức Giê-hô-va cứu giúp, chúng ta phải bày tỏ đức tin bằng cách “yên-nghỉ”, nghĩa là không tìm sự cứu giúp của con người qua các kế hoạch của họ. Bằng cách “yên-lặng”, tức không sợ hãi, chúng ta cũng cho thấy mình tin cậy vào Đức Giê-hô-va, Đấng có khả năng che chở.
30:20, 21. Cụm từ “các thầy giáo ngươi” được dịch sát theo nguyên ngữ Hê-bơ-rơ. Nơi đây dùng số nhiều để diễn tả tính siêu việt, có ý nói đến Đấng Dạy Dỗ Vĩ Đại, Đức Giê-hô-va, chứ không phải người phàm nào. Chúng ta “thấy” Đức Giê-hô-va và “nghe” tiếng Ngài bằng cách làm theo những điều Ngài phán qua Lời Ngài soi dẫn, tức Kinh Thánh, và qua “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan”.—Ma-thi-ơ 24:45.
Lời tiên tri của Ê-sai củng cố lòng tin cậy của chúng ta nơi Lời Đức Chúa Trời
Chúng ta thật biết ơn về thông điệp của Đức Chúa Trời ghi trong sách Ê-sai! Khi xem xét những lời tiên tri đã được ứng nghiệm, chúng ta càng tin chắc rằng ‘lời nói đã ra từ miệng Đức Giê-hô-va, thì chẳng trở về luống-nhưng’.—Ê-sai 55:11.
Nói sao về những lời tiên tri liên quan đến Đấng Mê-si được ghi nơi Ê-sai 9:6 và 11:1-5, 10? Những lời đó không củng cố lòng tin của chúng ta về sự sắp đặt của Đức Giê-hô-va để giải cứu nhân loại hay sao? Sách cũng chứa đựng những lời tiên tri đang được ứng nghiệm rộng lớn hơn vào thời chúng ta hoặc sẽ ứng nghiệm trong tương lai. (Ê-sai 2:2-4; 11:6-9; 25:6-8; 32:1,2) Quả thật, sách Ê-sai cho thêm bằng chứng “lời của Đức Chúa Trời là lời sống”!—Hê-bơ-rơ 4:12.
[Hình nơi trang 8]
Ê-sai và con cái ông là “dấu và điềm trong Y-sơ-ra-ên”
[Hình nơi trang 8, 9]
Theo lời tiên tri, Giê-ru-sa-lem sẽ “như lều vườn nho”
[Hình nơi trang 10]
Các dân được giúp như thế nào để “lấy gươm rèn lưỡi-cày”?