Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Thật thà không thua thiệt

Thật thà không thua thiệt

Thật thà không thua thiệt

SỰ GIẢ DỐI đã xuất hiện ngay từ thuở ban đầu của lịch sử nhân loại, tại vườn Ê-đen. Tuy nhiên, trong hầu hết các nền văn hóa và xã hội, người ta đều trân trọng tính trung thực và lên án sự lừa lọc, dối trá. Tạo được chữ tín chắc chắn là điều đáng tự hào. Dù vậy, ngày càng có nhiều người tin rằng sự giả dối là cần thiết để sống sót trong xã hội hiện đại. Bạn nghĩ thế nào về điều này? Chúng ta có nên cố gắng trau dồi tính trung thực không? Và đâu là tiêu chuẩn để xác định hành vi nào là trung thực hay giả dối?

Để làm đẹp lòng Đức Chúa Trời, chúng ta phải trung thực cả trong lời nói lẫn việc làm. Sứ đồ Phao-lô khuyên anh em tín đồ Đấng Christ: “Mỗi người trong anh em... hãy nói thật với kẻ lân-cận mình”. (Ê-phê-sô 4:25) Ông cũng viết: “[Chúng tôi] muốn ăn-ở trọn-lành trong mọi sự”. (Hê-bơ-rơ 13:18) Chúng ta sống trung thực không phải để được người khác khen ngợi, mà vì kính sợ Đấng Tạo Hóa và muốn làm vui lòng Ngài.

Đừng bắt chước “người dối-trá”

Ở nhiều nước, người ta khai gian để được lợi. Họ làm giấy tờ giả, văn bằng giả và căn cước giả để nhập cảnh trái phép vào nước khác, tìm việc làm hoặc được bổ nhiệm vào những chức vụ mà họ không đủ khả năng đảm trách. Một số bậc cha mẹ khai gian ngày sinh của con họ để chúng tiếp tục được đi học.

Tuy nhiên, muốn làm đẹp lòng Đức Chúa Trời, chúng ta không được phép gian dối. Kinh Thánh nói Đức Giê-hô-va là “Đức Chúa Trời chân-thật”, và Ngài đòi hỏi sự chân thật nơi những người kết bạn thiết với Ngài. (Thi-thiên 31:5) Do đó, để duy trì mối quan hệ mật thiết với Đức Giê-hô-va, chúng ta không thể bắt chước những “người dối-trá” và “kẻ giả-hình”.—Thi-thiên 26:4.

Người ta cũng thường che giấu sự thật để tránh bị trừng phạt khi làm sai. Trong hội thánh đạo Đấng Christ, thậm chí có người cũng có thể bị cám dỗ làm điều đó. Chẳng hạn, một nam tín đồ ở một hội thánh thú nhận với các trưởng lão một tội nặng, nhưng không thừa nhận tội ăn cắp dù có bằng chứng về điều đó. Cuối cùng tội của anh bị phơi bày và anh bị khai trừ khỏi hội thánh. Chẳng phải tốt hơn sao nếu anh ấy hoàn toàn thành thật, để được giúp đỡ khôi phục lại mối quan hệ với Đức Giê-hô-va? Thật thế, Kinh Thánh nói: “Chớ dể-ngươi sự sửa-phạt của Chúa, và khi Chúa trách, chớ ngã lòng; vì Chúa sửa-phạt kẻ Ngài yêu”.—Hê-bơ-rơ 12:5, 6.

Đôi khi vì muốn đạt được một đặc ân nào đó trong hội thánh, một anh có thể cố che giấu các vấn đề cá nhân hoặc lỗi lầm trong quá khứ. Thí dụ, khi điền đơn xin tham gia một đặc ân phụng sự, anh có thể chỉ trả lời nửa vời những câu hỏi về sức khỏe và hạnh kiểm vì sợ nếu nói hết sự thật, anh sẽ không hội đủ điều kiện. Anh có thể lý luận rằng: ‘Thật ra mình đâu có nói dối’. Nhưng làm vậy, có thật sự ngay thẳng và thành thật với người khác không? Hãy xem Châm-ngôn 3:32 nói gì: “Đức Giê-hô-va gớm-ghiếc kẻ gian-tà; nhưng kết tình bậu-bạn cùng người ngay-thẳng”.

Người trung thực thì trước hết phải trung thực với chính mình. Chúng ta thường phủ nhận sự thật, và chỉ tin những gì mình muốn tin. Thật quá dễ đổ lỗi cho người khác! Chẳng hạn, Vua Sau-lơ đã cố biện hộ cho sự không vâng lời của mình bằng cách đổ lỗi cho dân sự. Hậu quả là Đức Giê-hô-va đã truất ngôi vua của ông. (1 Sa-mu-ên 15:20 -23) Thật tương phản với Vua Đa-vít, người đã cầu nguyện với Đức Giê-hô-va: “Tôi đã thú tội cùng Chúa, không giấu gian-ác tôi; tôi nói: Tôi sẽ xưng các sự vi-phạm tôi cùng Đức Giê-hô-va; còn Chúa tha tội-ác của tôi”.—Thi-thiên 32:5.

Tính trung thực mang lại ân phước

Trung thực hay thiếu trung thực đều có thể ảnh hưởng đến cách người khác đánh giá về bạn. Nếu người ta biết bạn lừa họ, dù chỉ một lần, bạn sẽ không còn được tin cậy nữa, và lòng tin đó không dễ gì lấy lại được. Trái lại, nếu luôn trung thực và thành thật, bạn sẽ có tiếng là người thanh liêm và đáng tin cậy. Nhân Chứng Giê-hô-va đã xây dựng được danh tiếng đó. Hãy xem vài trường hợp.

Một giám đốc công ty nhận thấy nhiều nhân viên của ông có biểu hiện sự bất lương, gây thiệt hại cho công ty. Vì thế, ông yêu cầu cảnh sát điều tra. Khi biết rằng trong số các nhân viên bị bắt có một người là Nhân Chứng Giê-hô-va, ông đã đến sở cảnh sát yêu cầu thả người đó ra ngay. Tại sao? Vì vị giám đốc biết rằng anh Nhân Chứng này là một nhân viên trung thực và vô tội. Anh Nhân Chứng giữ được việc làm, còn những người khác đều bị sa thải. Các anh em đồng đạo rất vui mừng vì hạnh kiểm của anh đã làm vinh danh Đức Giê-hô-va.

Hạnh kiểm tốt bao giờ cũng được ghi nhận. Trong một cộng đồng ở Phi Châu, người ta phải sửa chữa cây cầu bắt qua một cống thoát nước vì có kẻ đã lấy cắp một số tấm ván cầu. Người dân địa phương quyết định quyên tiền để mua ván mới làm lại cây cầu, nhưng ai là người đáng tin cậy để giao giữ tiền? Mọi người đều nhất trí đó phải là một Nhân Chứng Giê-hô-va.

Khi xung đột sắc tộc và chính trị nổ ra ở một nước Phi Châu, một anh Nhân Chứng, vốn là kế toán của một công ty nước ngoài, được công ty gửi sang nước khác để bảo đảm an toàn cho anh. Công ty đã đài thọ mọi phí tổn để anh được làm việc ở nước này trong nhiều tháng, cho đến khi cuộc xung đột lắng xuống. Tại sao họ làm thế? Vì trước đó anh đã không thông đồng với những người có âm mưu lừa đảo công ty. Tiếng tăm về sự trung thực hoàn toàn của anh đã đến tai ban giám đốc. Liệu họ có sẵn lòng giúp đỡ anh không nếu anh dính líu đến những việc mờ ám?

Câu Châm-ngôn 20:7 nói: “Người công-bình ăn-ở cách thanh-liêm”. Người trung thực là người thanh liêm. Người đó không bao giờ lừa dối hay gạt gẫm đồng loại. Chẳng phải đó cũng là cách bạn muốn được người khác đối xử với mình sao? Tính trung thực là điều không thể thiếu nơi người thờ phượng thật. Nó là cách thể hiện tình yêu thương của chúng ta đối với Đức Chúa Trời và người lân cận. Khi trung thực, chúng ta chứng tỏ mình thật sự muốn sống theo nguyên tắc đạo đức mà Chúa Giê-su dạy: “Hễ điều chi mà các ngươi muốn người ta làm cho mình, thì cũng hãy làm điều đó cho họ”.—Ma-thi-ơ 7:12; 22:36-39.

Đôi khi chúng ta có thể phải chịu thua thiệt vì trung thực, nhưng sự thua thiệt đó không đáng gì so với việc có được một lương tâm thanh sạch. Về lâu dài, tính trung thực và ngay thẳng mang lại những ân phước vô giá. Thật vậy, mối quan hệ tốt với Đức Giê-hô-va là điều vô giá. Có nên làm tổn hại mối quan hệ ấy bằng sự giả dối, chỉ để giữ thể diện hay để được một món lợi phi nghĩa nào đó không? Dù gặp khó khăn nào chăng nữa, chúng ta đều có thể tin chắc nơi lời của người viết Thi-thiên: “Phước cho người nào để lòng tin-cậy nơi Đức Giê-hô-va, chẳng nể-vì kẻ kiêu-ngạo, hoặc kẻ xây theo sự dối-trá!”—Thi-thiên 40:4.

[Các hình nơi trang 18]

Tín đồ thật của Đấng Christ không mua hay sử dụng giấy tờ giả