Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Yêu người lân cận có nghĩa gì?

Yêu người lân cận có nghĩa gì?

Yêu người lân cận có nghĩa gì?

“Ngươi hãy yêu kẻ lân-cận như mình”.—MA-THI-Ơ 22:39.

1. Bằng cách nào chúng ta cho thấy mình yêu mến Đức Chúa Trời?

ĐỨC GIÊ-HÔ-VA đòi hỏi điều gì nơi người thờ phượng Ngài? Qua vài lời đơn giản nhưng sâu sắc, Chúa Giê-su đã trả lời một cách tóm tắt. Ngài nói điều răn lớn nhất là yêu Đức Giê-hô-va hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, và hết sức. (Ma-thi-ơ 22:37; Mác 12:30) Như chúng ta đã thấy trong bài trước, tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời bao hàm việc vâng lời và giữ điều răn Ngài. Khi làm thế, chúng ta đáp lại tình thương mà Ngài đã dành cho chúng ta. Với những người yêu thương Đức Chúa Trời, làm theo ý Ngài không phải là một gánh nặng nhưng là niềm vui.—Thi-thiên 40:8; 1 Giăng 5:2, 3.

2, 3. Tại sao chúng ta nên chú ý đến điều răn yêu người lân cận, và có những câu hỏi nào được nêu ra?

2 Chúa Giê-su nói điều răn lớn thứ nhì có liên hệ đến điều răn thứ nhất: “Ngươi hãy yêu kẻ lân-cận như mình”. (Ma-thi-ơ 22:39) Chúng ta hãy chú ý đến điều răn này, vì có lý do chính đáng. Thời kỳ chúng ta đang sống được đánh dấu bởi một hình thức yêu thương lệch lạc, ích kỷ. Trong lời được soi dẫn miêu tả về “ngày sau-rốt”, sứ đồ Phao-lô viết rằng người ta không yêu thương nhau, nhưng yêu chính mình, tiền bạc, và những khoái lạc. Nhiều người “vô-tình”, hoặc theo một bản dịch khác, họ “thiếu tình thương ruột thịt”. (2 Ti-mô-thê 3:1-4) Chúa Giê-su báo trước: “Nhiều kẻ sẽ... phản-nghịch nhau, và ghen-ghét nhau... Lòng yêu-mến của phần nhiều người sẽ nguội lần”.—Ma-thi-ơ 24:10, 12.

3 Tuy nhiên, hãy lưu ý rằng Chúa Giê-su không nói tình yêu thương của mọi người đều nguội dần. Trong quá khứ, hiện tại và tương lai, lúc nào cũng có những người tỏ lòng yêu mến Đức Giê-hô-va như cách Ngài mong muốn. Những người thật sự yêu mến Đức Giê-hô-va sẽ cố gắng xem người khác theo quan điểm của Ngài. Nhưng ai là người lân cận mà chúng ta phải yêu thương? Chúng ta nên biểu lộ tình yêu thương đối với người lân cận bằng cách nào? Kinh Thánh có thể giúp chúng ta giải đáp những câu hỏi quan trọng này.

Ai là người lân cận của tôi?

4. Theo Lê-vi Ký chương 19, người Do Thái phải yêu thương ai?

4 Khi nói với người Pha-ri-si rằng điều răn lớn thứ nhì là yêu người lân cận như mình, Chúa Giê-su đề cập đến một điều luật đã ban cho dân Y-sơ-ra-ên. Đó là điều răn ghi nơi Lê-vi Ký 19:18. Trong chương đó, dân Do Thái được phán dặn rằng họ nên xem người khác, ngoài người đồng hương, là người lân cận. Câu 34 nói: “Kẻ khách kiều-ngụ giữa các ngươi sẽ kể như kẻ đã sanh-đẻ giữa các ngươi; hãy thương-yêu người như mình, vì các ngươi đã làm khách kiều-ngụ trong xứ Ê-díp-tô”. Qua đó, ngay cả những người không thuộc dân Do Thái, nhất là những người cải đạo, phải được đối xử bằng tình yêu thương.

5. Người Do Thái hiểu như thế nào về việc yêu người lân cận?

5 Tuy nhiên, vào thời Chúa Giê-su, những nhà lãnh đạo Do Thái không có cùng quan điểm với ngài. Trong số họ, có những người dạy rằng từ “bạn” và “người lân-cận” chỉ áp dụng cho người Do Thái. Ngược lại, phải ghét những người không thuộc dân Do Thái. Những nhà lãnh đạo đó lý luận rằng người tin Chúa phải khinh bỉ người không tin Chúa. Một cuốn sách ghi: “Môi trường như thế không thể dập tắt được sự ghen ghét mà còn châm thêm dầu vào lửa”.

6. Chúa Giê-su nêu ra hai điểm nào khi nói về việc yêu người lân cận?

6 Trong Bài Giảng trên Núi, Chúa Giê-su nói về vấn đề này, nhờ đó chúng ta hiểu rõ nên đối xử yêu thương với ai. Ngài nói: “Các ngươi có nghe lời phán rằng: Hãy yêu người lân-cận, và hãy ghét kẻ thù-nghịch mình. Song ta nói cùng các ngươi rằng: Hãy yêu kẻ thù-nghịch, và cầu-nguyện cho kẻ bắt-bớ các ngươi, hầu cho các ngươi được làm con của Cha các ngươi ở trên trời; bởi vì Ngài khiến mặt trời mọc lên soi kẻ dữ cùng kẻ lành, làm mưa cho kẻ công-bình cùng kẻ độc-ác”. (Ma-thi-ơ 5:43-45) Trong những câu này, Chúa Giê-su nêu ra hai điểm. Thứ nhất, Đức Giê-hô-va rộng rãi và nhân từ đối với người lành lẫn người dữ. Thứ hai, chúng ta nên noi theo gương của Ngài.

7. Qua dụ ngôn về người Sa-ma-ri nhân lành, chúng ta rút ra bài học nào?

7 Vào dịp khác, một người thông thạo Luật Pháp đến hỏi Chúa Giê-su: “Ai là người lân-cận tôi?” Chúa Giê-su trả lời bằng cách kể một dụ ngôn về người Sa-ma-ri gặp một người Do Thái bị cướp đánh và lột hết của. Dù dân Do Thái nói chung khinh bỉ người Sa-ma-ri, nhưng người Sa-ma-ri trong câu chuyện đã băng bó vết thương cho người Do Thái và đưa ông đến một quán trọ an toàn để tịnh dưỡng. Chúng ta rút ra được bài học nào? Tình yêu thương đối với người lân cận phải nới rộng cho những người khác màu da, chủng tộc và tôn giáo.—Lu-ca 10:25, 29, 30, 33-37.

Yêu người lân cận có nghĩa gì?

8. Theo Lê-vi Ký chương 19, dân Đức Chúa Trời phải bày tỏ tình yêu thương bằng cách nào?

8 Như tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời, tình yêu thương đối với người lân cận không chỉ là một cảm xúc mà còn bao gồm cả hành động. Chúng ta nên xem xét thêm văn cảnh của điều răn ghi nơi Lê-vi Ký 19, qua đó dân sự Đức Chúa Trời được khuyên phải yêu người lân cận như mình. Đọc trong chương này, chúng ta thấy dân Y-sơ-ra-ên phải để cho những người khốn khó và khách lạ mót lúa trong ruộng mình. Không ai được trộm cắp, gian dối hay lừa đảo. Người Y-sơ-ra-ên không được thiên vị trong việc xét xử. Dù phải sửa phạt người phạm tội khi cần, họ được phán dặn rõ rệt: “Chớ có lòng ghen-ghét anh em mình”. Những luật này cùng nhiều điều răn khác được tóm lại bằng những lời này: “Hãy yêu-thương kẻ lân-cận ngươi như mình”.—Lê-vi Ký 19:9-11, 15, 17, 18.

9. Tại sao Đức Giê-hô-va phán dặn người Y-sơ-ra-ên tránh xa những dân khác?

9 Dù dân Y-sơ-ra-ên phải bày tỏ tình yêu thương với người khác, nhưng họ cũng phải tránh xa những người thờ thần giả. Đức Giê-hô-va cảnh báo về nguy cơ và hậu quả của những mối quan hệ xấu. Chẳng hạn, nói về những dân mà người Y-sơ-ra-ên phải đánh đuổi, Đức Giê-hô-va phán dặn: “Ngươi chớ làm sui-gia với chúng, chớ gả con gái mình cho con trai họ, cũng đừng cưới con gái họ cho con trai mình, vì các dân-tộc nầy sẽ dụ con trai ngươi lìa-bỏ ta mà phục-sự các thần khác, rồi cơn thạnh-nộ của Đức Giê-hô-va nổi lên cùng ngươi”.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 7:3, 4.

10. Chúng ta cần phải đề phòng điều gì?

10 Tương tự, tín đồ Đấng Christ cần phải đề phòng việc kết bạn với những người có thể làm họ suy yếu đức tin. (1 Cô-rinh-tô 15:33) Kinh Thánh khuyên: “Chớ mang ách chung với kẻ chẳng tin”, tức những người không cùng đức tin với chúng ta. (2 Cô-rinh-tô 6:14) Ngoài ra, tín đồ Đấng Christ được khuyên phải kết hôn “theo ý Chúa”. (1 Cô-rinh-tô 7:39) Tuy nhiên, chúng ta chớ bao giờ khinh thường những người chưa tin Đức Giê-hô-va. Đấng Christ chết cho những người có tội, và nhiều người trước kia từng làm những điều sai quấy đã thay đổi lối sống để được hòa thuận với Đức Chúa Trời.—Rô-ma 5:8; 1 Cô-rinh-tô 6:9-11.

11. Cách nào tốt nhất để tỏ lòng yêu thương đối với những người không phụng sự Đức Giê-hô-va, và tại sao?

11 Về việc bày tỏ lòng yêu thương với những người không phụng sự Đức Chúa Trời, không có cách nào tốt hơn là noi theo gương của chính Đức Giê-hô-va. Dù ghét điều gian ác, Ngài tỏ lòng yêu thương nhân từ với mọi người, bằng cách cho họ cơ hội để từ bỏ đường lối xấu hầu nhận được sự sống đời đời. (Ê-xê-chi-ên 18:23) Đức Giê-hô-va “muốn cho mọi người đều ăn-năn”. (2 Phi-e-rơ 3:9) Ý muốn của Ngài là “mọi người được cứu-rỗi và hiểu-biết lẽ thật”. (1 Ti-mô-thê 2:4) Đó là lý do tại sao Chúa Giê-su giao cho các môn đồ sứ mạng rao giảng, dạy dỗ và đào tạo môn đồ trong khắp muôn dân. (Ma-thi-ơ 28:19, 20) Bằng cách tham gia vào công việc này, chúng ta tỏ lòng yêu thương đối với Đức Chúa Trời lẫn người lân cận, kể cả kẻ thù của chúng ta!

Yêu thương anh em cùng đức tin

12. Sứ đồ Giăng viết gì về việc yêu thương anh em?

12 Sứ đồ Phao-lô viết: “Hãy làm điều thiện cho mọi người, nhứt là cho anh em chúng ta trong đức-tin”. (Ga-la-ti 6:10) Là tín đồ Đấng Christ, chúng ta có bổn phận phải bày tỏ lòng yêu thương đối với những người có cùng đức tin, đó là các anh chị em thiêng liêng của chúng ta. Tình yêu thương này quan trọng như thế nào? Để nhấn mạnh, sứ đồ Giăng viết: “Ai ghét anh em mình, là kẻ giết người... Ví có ai nói rằng: Ta yêu Đức Chúa Trời, mà lại ghét anh em mình, thì là kẻ nói dối; vì kẻ nào chẳng yêu anh em mình thấy, thì không thể yêu Đức Chúa Trời mình chẳng thấy được”. (1 Giăng 3:15; 4:20) Đây là những lời rất mạnh mẽ. Chúa Giê-su đã dùng những từ như “kẻ giết người” và “kẻ nói dối” để chỉ Sa-tan Ma-quỉ. (Giăng 8:44) Chúng ta không bao giờ muốn mình bị gọi như thế!

13. Chúng ta bày tỏ tình yêu thương đối với anh em cùng đức tin như thế nào?

13 Tín đồ thật của Chúa Giê-su ‘đã học nơi Đức Chúa Trời là phải yêu-thương nhau’. (1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:9) Chúng ta “chớ yêu-mến bằng lời nói và lưỡi, nhưng bằng việc làm và lẽ thật”. (1 Giăng 3:18) Tình yêu thương của chúng ta “phải cho thành-thật”. (Rô-ma 12:9) Vì yêu thương, chúng ta trở nên nhân từ, thương xót, tha thứ, nhịn nhục, không ghen tị, không khoe khoang, không kiêu ngạo hay tư kỷ. (1 Cô-rinh-tô 13:4, 5; Ê-phê-sô 4:32) Tình thương thôi thúc chúng ta “làm đầy-tớ lẫn nhau”. (Ga-la-ti 5:13) Chúa Giê-su phán dạy các môn đồ phải yêu thương nhau như ngài đã yêu họ. (Giăng 13:34) Vì thế, tín đồ Đấng Christ nên sẵn sàng hy sinh cả mạng sống cho anh em đồng đức tin, nếu cần.

14. Làm sao chúng ta thể hiện tình yêu thương trong gia đình?

14 Đặc biệt tình yêu thương phải được thể hiện trong gia đình tín đồ Đấng Christ, nhất là giữa vợ chồng. Tình vợ chồng khắng khít đến độ Phao-lô nói: “Chồng phải yêu vợ như chính thân mình”. Ông nói thêm: “Ai yêu vợ mình thì yêu chính mình vậy”. (Ê-phê-sô 5:28) Chúng ta thấy Phao-lô lặp lại lời khuyên này trong năm câu sau đó. Một người yêu vợ sẽ không bắt chước những người Y-sơ-ra-ên vào thời Ma-la-chi, là những kẻ đã đối xử cách phỉnh dối với vợ. (Ma-la-chi 2:14) Anh sẽ quý mến vợ. Người chồng yêu thương vợ như Đấng Christ yêu thương hội thánh. Tình yêu thương cũng sẽ thúc đẩy vợ kính trọng chồng.—Ê-phê-sô 5:25, 29-33.

15. Khi thấy anh em tín đồ Đấng Christ thể hiện tình yêu thương bằng hành động, một số người đã nói gì và kết quả ra sao?

15 Rõ ràng, tình yêu thương này là dấu hiệu để nhận biết tín đồ thật của Đấng Christ. Chúa Giê-su nói: “Nếu các ngươi yêu nhau, thì ấy là tại điều đó mà thiên-hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn-đồ ta”. (Giăng 13:35) Khi chúng ta yêu thương nhau, điều đó sẽ giúp người ta đến gần Đức Chúa Trời—Đấng mà chúng ta đại diện và yêu thương. Chẳng hạn, theo báo cáo ở Mozambique, một gia đình Nhân Chứng đã kể lại như sau: “Chúng tôi chưa từng thấy cảnh nào giống như vậy. Vào một buổi chiều, gió bắt đầu thổi mạnh và sau đó có mưa to lẫn với mưa đá ập đến. Trận gió mạnh thổi tốc mái và làm sập căn nhà tranh của chúng tôi. Khi các anh em ở hội thánh kế cận đến giúp xây lại nhà, những người hàng xóm rất ngạc nhiên, họ nói: ‘Đạo của ông bà thật tốt. Chúng tôi chưa bao giờ được nhà thờ giúp như vậy’. Chúng tôi mở Kinh Thánh và cho họ xem Giăng 13:34, 35. Nhiều người hàng xóm của chúng tôi hiện nay đang học Kinh Thánh”.

Yêu thương từng cá nhân

16. Yêu một nhóm người khác với yêu thương từng cá nhân như thế nào?

16 Yêu thương cả một nhóm người thì không khó. Nhưng yêu thương từng cá nhân có thể là một vấn đề khác. Chẳng hạn, đối với một số người, đóng góp tiền bạc cho một tổ chức thiện nguyện là đủ để chứng tỏ họ yêu thương người lân cận. Thật vậy, nói yêu người lân cận thì dễ nhưng không dễ để yêu thương một người đồng nghiệp, không quan tâm gì đến chúng ta, hoặc một người đáng ghét ở cạnh nhà, hay một người bạn làm chúng ta thất vọng.

17, 18. Chúa Giê-su bày tỏ tình yêu thương với mỗi cá nhân như thế nào, và ngài làm thế với động lực nào?

17 Về điều này, chúng ta có thể học qua gương của Chúa Giê-su, đấng phản ánh những đức tính của Đức Chúa Trời một cách trọn vẹn. Dù đến trái đất để cất đi tội lỗi của cả thế gian, ngài cũng tỏ lòng yêu thương với mỗi cá nhân: người đàn bà đau bệnh, người cùi và một đứa trẻ. (Ma-thi-ơ 9:20-22; Mác 1:40-42; 7:26, 29, 30; Giăng 1:29) Tương tự, chúng ta cũng bày tỏ tình yêu thương người lân cận qua cách đối xử với mỗi người chúng ta gặp hàng ngày.

18 Tuy nhiên, chúng ta đừng bao giờ quên rằng việc yêu thương người lân cận có liên hệ đến việc yêu thương Đức Chúa Trời. Tuy Chúa Giê-su giúp đỡ người nghèo, chữa lành người bệnh và cho người đói ăn, nhưng động lực của ngài khi làm mọi điều này cũng như khi dạy dỗ đám đông là để giúp người ta hòa thuận lại với Đức Giê-hô-va. (2 Cô-rinh-tô 5:19) Chúa Giê-su làm mọi điều vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, không hề quên rằng ngài đại diện cho Đức Chúa Trời và phản ánh những đức tính của Cha, Đấng mà ngài yêu thương. (1 Cô-rinh-tô 10:31) Bằng cách noi theo gương mẫu của Chúa Giê-su, chúng ta cũng có thể bày tỏ tình yêu thương chân thật đối với người lân cận, đồng thời giữ mình để không thuộc về thế gian hung ác này.

Chúng ta yêu người lân cận như chính mình như thế nào?

19, 20. Yêu người lân cận như chính mình có nghĩa gì?

19 Chúa Giê-su nói: “Ngươi hãy yêu kẻ lân-cận như mình”. Quan tâm đến chính mình và có lòng tự trọng đúng mức là điều bình thường. Nếu không phải thế, điều răn này sẽ không có ý nghĩa. Chúng ta chớ nên lầm lẫn việc yêu bản thân với sự “tư-kỷ” mà sứ đồ Phao-lô đề cập nơi 2 Ti-mô-thê 3:2. Thay vì vậy, yêu bản thân là ý thức được giá trị đúng của chính mình. Một học giả Kinh Thánh miêu tả đây là “việc yêu bản thân đúng mức chứ không phải tự ngưỡng mộ quá mức, cho mình là ‘siêu phàm’, cũng không phải có suy nghĩ quá tiêu cực về mình, thích bị hành hạ vì cho mình là ‘thấp hèn’ ”.

20 Việc yêu người khác như chính mình có nghĩa là chúng ta xem người khác theo cách chúng ta muốn người khác xem mình, và chúng ta đối xử với người khác như cách chúng ta muốn được đối xử. Chúa Giê-su nói: “Ấy vậy, hễ điều chi mà các ngươi muốn người ta làm cho mình, thì cũng hãy làm điều đó cho họ”. (Ma-thi-ơ 7:12) Hãy lưu ý rằng Chúa Giê-su không bảo chúng ta cứ nghĩ mãi về cách người khác từng cư xử với mình và rồi đáp lại y như vậy. Nhưng phải nghĩ đến cách chúng ta muốn được đối xử và rồi hành động theo cách đó. Cũng hãy lưu ý rằng Chúa Giê-su không khuyên chúng ta làm thế đối với bạn bè và anh em mà thôi. Ngài dùng từ “người ta”, có lẽ muốn ám chỉ rằng chúng ta nên làm như thế với tất cả những người chúng ta gặp.

21. Khi yêu thương người khác, chúng ta chứng tỏ điều gì?

21 Điều răn yêu người lân cận sẽ giúp chúng ta tránh làm điều xấu. Sứ đồ Phao-lô viết: “Những điều-răn nầy: Ngươi chớ phạm tội tà-dâm, chớ giết người, chớ trộm-cướp, chớ tham-lam, và mọi điều-răn khác nữa, bất luận điều nào, đều tóm lại trong một lời nầy: Ngươi phải yêu kẻ lân-cận mình như mình. Sự yêu-thương chẳng hề làm hại kẻ lân-cận”. (Rô-ma 13:9, 10) Tình yêu thương sẽ thúc đẩy chúng ta cố tìm cách làm điều thiện cho người khác. Khi yêu người đồng loại, chúng ta chứng tỏ mình cũng yêu thương Đấng đã tạo ra loài người theo hình Ngài, đó là Giê-hô-va Đức Chúa Trời.—Sáng-thế Ký 1:26.

Bạn trả lời ra sao?

• Chúng ta nên yêu thương ai, và tại sao?

• Làm sao chúng ta bày tỏ tình yêu thương với những người không phụng sự Đức Giê-hô-va?

• Kinh Thánh miêu tả thế nào về tình yêu thương mà chúng ta nên có đối với anh em?

• Yêu người lân cận như chính mình có nghĩa gì?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 26]

“Ai là người lân-cận tôi?”

[Hình nơi trang 29]

Chúa Giê-su yêu thương từng cá nhân