Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đức Giê-hô-va ban “thánh-linh cho người xin Ngài”

Đức Giê-hô-va ban “thánh-linh cho người xin Ngài”

Đức Giê-hô-va ban “thánh-linh cho người xin Ngài”

“Nếu các ngươi là người xấu, còn biết cho con-cái mình vật tốt thay, huống chi Cha các ngươi ở trên trời lại chẳng ban Đức Thánh-Linh cho người xin Ngài!”—LU-CA 11:13.

1. Khi nào chúng ta đặc biệt cần sự trợ giúp của thánh linh?

‘TÔI không thể nào tự mình đương đầu nổi với thử thách này. Chỉ có thánh linh mới có thể giúp tôi chịu đựng được!’ Bạn có bao giờ cảm thấy như thế không? Đa số tín đồ Đấng Christ đều có lúc nghĩ như vậy. Có lẽ bạn đã có tâm trạng ấy sau khi biết mình mắc một căn bệnh nan y, hoặc lúc người bạn đời thân yêu nằm xuống; hay khi bệnh trầm cảm làm bạn mất đi tinh thần lạc quan, vui vẻ. Trong những lúc đau buồn, hẳn bạn đã cảm thấy mình chỉ có thể sống sót nhờ “quyền-phép lớn” của thánh linh Đức Giê-hô-va.—2 Cô-rinh-tô 4:7-9; Thi-thiên 40:1, 2.

2. (a) Các tín đồ thật của Đấng Christ phải đương đầu với những khó khăn nào? (b) Chúng ta sẽ xem xét các câu hỏi nào trong bài này?

2 Các tín đồ thật của Đấng Christ ngày càng phải đương đầu với nhiều áp lực và chống đối của thế gian không tin kính ngày nay. (1 Giăng 5:19) Ngoài ra, họ cũng bị tấn công bởi chính Sa-tan Ma-quỉ, kẻ đang hung hãn gây chiến với những người “giữ các điều-răn của Đức Chúa Trời và lời chứng của Đức Chúa Jêsus”. (Khải-huyền 12:12, 17) Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi giờ đây hơn bao giờ hết, chúng ta cần sự hỗ trợ của thánh linh Đức Chúa Trời. Chúng ta có thể làm gì để bảo đảm luôn nhận được thánh linh dư dật từ Đức Giê-hô-va? Và tại sao chúng ta có thể chắc chắn rằng Ngài luôn sẵn lòng ban cho chúng ta sức mạnh cần thiết để đương đầu với khó khăn? Câu trả lời có thể được tìm thấy qua hai minh họa của Chúa Giê-su.

Kiên nhẫn cầu nguyện

3, 4. Chúa Giê-su kể minh họa nào, và qua đó, ngài muốn dạy điều gì liên quan tới việc cầu nguyện?

3 Có lần, một trong các môn đồ của Chúa Giê-su nói với ngài: “Lạy Chúa, xin dạy chúng tôi cầu-nguyện”. (Lu-ca 11:1) Để trả lời, ngài kể cho họ nghe hai minh họa liên quan đến việc cầu nguyện. Minh họa thứ nhất nói về một người tiếp đón khách, còn minh họa thứ hai là về một người cha biết lắng nghe con mình. Chúng ta hãy xem từng minh họa.

4 Chúa Giê-su nói: “Nếu một người trong các ngươi có bạn-hữu, nửa đêm đến nói rằng: Bạn ơi, cho tôi mượn ba cái bánh, vì người bạn tôi đi đường mới tới, tôi không có chi đãi người. Nếu người kia ở trong nhà trả lời rằng: Đừng khuấy-rối tôi, cửa đóng rồi, con-cái và tôi đã đi ngủ, không dậy được mà lấy bánh cho anh;—ta nói cùng các ngươi, dầu người ấy không chịu dậy cho bánh vì là bạn mình, nhưng vì cớ người kia làm rộn [“kiên nhẫn”, Bản Diễn Ý ], sẽ dậy và cho người đủ sự cần-dùng”. Sau đó, ngài rút ra bài học liên quan tới việc cầu nguyện: “Ta lại nói cùng các ngươi: Hãy xin, sẽ ban cho; hãy tìm, sẽ gặp; hãy gõ cửa, sẽ mở cho. * Vì hễ ai xin thì được, ai tìm thì gặp, và sẽ mở cửa cho ai gõ”.—Lu-ca 11:5-10.

5. Minh họa về người đàn ông kiên nhẫn cho thấy chúng ta nên có thái độ nào khi cầu nguyện?

5 Minh họa sống động trên về người đàn ông kiên nhẫn cho thấy chúng ta nên có thái độ nào khi cầu nguyện. Hãy lưu ý Chúa Giê-su nói ông ấy có được những gì mình cần là nhờ “kiên nhẫn”. (Lu-ca 11:8, BDY) Từ Hy Lạp được dịch là “làm rộn” hay “kiên nhẫn”, chỉ xuất hiện một lần trong Kinh Thánh. Từ này có nghĩa đen là “không biết xấu hổ, hay mặt dày mày dạn”. Thường từ này biểu thị ý xấu nhưng nếu “không biết xấu hổ” vì mục đích tốt, tức kiên nhẫn làm điều tốt, thì lại đáng khen. Đó chính là trường hợp của người gia chủ kiên nhẫn trong minh họa. Ông không xấu hổ khi kiên nhẫn nài xin những gì ông cần. Chúa Giê-su dùng hình ảnh của ông để làm gương cho chúng ta, vì thế, chúng ta cũng cần kiên nhẫn như thế khi cầu nguyện. Đức Giê-hô-va muốn chúng ta cứ xin, cứ tìm, cứ gõ cửa. Đáp lại, Ngài sẽ ban “Thánh-Linh cho người xin Ngài”.

6. Vào thời Chúa Giê-su, người ta có quan điểm nào về việc hiếu khách?

6 Chúa Giê-su không những dạy chúng ta nên cầu nguyện với thái độ nào—với sự kiên nhẫn—mà còn đưa ra lý do tại sao nên làm thế. Để nhận thấy rõ bài học này, chúng ta cần biết quan điểm của những người đồng thời Chúa Giê-su về việc hiếu khách. Nhiều lời tường thuật trong Kinh Thánh cho thấy thời xưa, việc ân cần tiếp khách được xem là một tập quán quan trọng, đặc biệt là đối với tôi tớ Đức Chúa Trời. (Sáng-thế Ký 18:2-5; Hê-bơ-rơ 13:2) Thiếu lòng hiếu khách là điều đáng xấu hổ. (Lu-ca 7:36-38, 44-46) Với sự hiểu biết này, chúng ta hãy trở lại câu chuyện của Chúa Giê-su.

7. Tại sao người gia chủ trong minh họa của Chúa Giê-su đánh bạo thức bạn mình dậy?

7 Người gia chủ trong minh họa có khách đến nhà lúc nửa đêm. Ông thấy cần phải dọn bữa cho khách nhưng nhà lại “không có chi đãi”. Trong suy nghĩ của ông, đây là tình huống cấp bách! Bằng mọi giá, ông phải tìm cho được vài ổ bánh. Thế là ông chạy qua nhà người bạn và đánh bạo thức người dậy. Ông kêu lớn tiếng: “Bạn ơi, cho tôi mượn ba cái bánh”, và cứ kiên nhẫn nài nỉ cho đến khi có được thứ mình cần mới thôi. Chỉ khi có bánh, ông mới có thể tiếp đón khách một cách đàng hoàng.

Càng cần, càng phải nài xin nhiều

8. Điều gì sẽ thúc đẩy chúng ta kiên nhẫn nài xin thánh linh?

8 Theo minh họa trên, tại sao chúng ta cần kiên nhẫn cầu nguyện? Người đàn ông cứ nài nỉ xin bánh vì cảm thấy rằng nhất thiết phải có những ổ bánh đó, ông mới chu toàn bổn phận của người gia chủ. (Ê-sai 58:5-7) Nếu không có gì cho khách ăn, ông sẽ thiếu sót. Tương tự thế, chúng ta không ngừng cầu xin Đức Chúa Trời ban thánh linh vì hiểu rằng nhất thiết phải có thánh linh, chúng ta mới có thể chu toàn thánh chức của người tín đồ Đấng Christ chân chính. (Xa-cha-ri 4:6) Không có thánh linh, chúng ta sẽ thất bại. (Ma-thi-ơ 26:41) Bạn có nhận thấy bài học quan trọng có thể rút ra từ minh họa này không? Nếu cảm thấy thánh linh Đức Chúa Trời thật sự cần thiết, chúng ta sẽ kiên nhẫn hơn khi nài xin thánh linh.

9, 10. (a) Hãy nêu thí dụ để cho thấy tại sao chúng ta cần kiên nhẫn nài xin Đức Chúa Trời ban thánh linh. (b) Chúng ta nên tự hỏi điều gì, và tại sao?

9 Để làm rõ bài học này trong bối cảnh thời nay, hãy xem một thí dụ khác. Giả sử một người thân trong gia đình bạn ngã bệnh lúc nửa đêm. Liệu bạn có đi đánh thức bác sĩ để cứu người nhà mình không? Chắc là không, nếu người đó chỉ bị bệnh nhẹ. Nhưng nếu người ấy bị lên cơn đau tim, hẳn bạn sẽ không ngại đi gọi bác sĩ. Tại sao? Bởi vì bạn đang đứng trước tình huống khẩn cấp. Bạn ý thức rằng sự can thiệp của bác sĩ là điều tuyệt đối cần thiết. Nếu không kêu cầu sự giúp đỡ, có thể không cứu kịp người bệnh. Cũng vậy, có thể nói ngày nay tín đồ thật của Đấng Christ luôn ở trong tình thế khẩn cấp. Sa-tan luôn rảo quanh như “sư-tử rống”, tìm cách nuốt chúng ta. (1 Phi-e-rơ 5:8) Để sống sót về phương diện thiêng liêng, chúng ta nhất thiết phải có sự trợ giúp của thánh linh Đức Chúa Trời. Không nài xin sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời có thể dẫn đến tai họa. Chính vì thế chúng ta mạnh dạn và kiên nhẫn nài xin Ngài ban thánh linh. (Ê-phê-sô 3:14-16) Chỉ khi làm thế, chúng ta mới có sức mạnh cần thiết để “bền chí cho đến cuối-cùng”.—Ma-thi-ơ 10:22; 24:13.

10 Do đó, thỉnh thoảng chúng ta cần dành thời gian suy nghĩ và tự hỏi: ‘Thật ra, tôi kiên nhẫn đến mức nào trong việc cầu nguyện?’ Hãy nhớ rằng càng ý thức rõ về tầm quan trọng của sự trợ giúp đến từ Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ càng kiên nhẫn nài xin thánh linh.

Điều gì thôi thúc chúng ta cầu xin với lòng tin chắc?

11. Qua minh họa về hai cha con, Chúa Giê-su nêu ra bài học nào về việc cầu nguyện?

11 Minh họa của Chúa Giê-su về người gia chủ kiên nhẫn nhấn mạnh thái độ của người cầu xin—chúng ta. Còn minh họa tiếp theo thì nhấn mạnh thái độ của Đấng nghe lời kêu cầu—Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Chúa Giê-su nêu câu hỏi: “Trong các ngươi có ai làm cha, khi con mình xin bánh mà cho đá chăng? Hay là xin cá, mà cho rắn thay vì cá chăng? Hay là xin trứng, mà cho bò-cạp chăng?” Rồi ngài nói tiếp để rút ra bài học: “Vậy nếu các ngươi là người xấu, còn biết cho con-cái mình vật tốt thay, huống chi Cha các ngươi ở trên trời lại chẳng ban Đức Thánh-Linh cho người xin Ngài!”—Lu-ca 11:11-13.

12. Minh họa về người cha nhấn mạnh thế nào thái độ sẵn sàng của Đức Giê-hô-va trong việc đáp ứng lời cầu xin của chúng ta?

12 Qua ví dụ về cách người cha đối xử với con mình, Chúa Giê-su cho thấy thái độ của Đức Giê-hô-va đối với những người kêu cầu Ngài. (Lu-ca 10:22) Trước hết, hãy lưu ý sự tương phản. Khác với người bạn miễn cưỡng cho bánh trong minh họa thứ nhất, Đức Giê-hô-va giống như một người cha yêu thương, sẵn sàng đáp lại lời thỉnh cầu của con mình. (Thi-thiên 50:15) Chúa Giê-su nhấn mạnh thêm thái độ sẵn sàng đáp ứng của Đức Giê-hô-va bằng cách so sánh giữa loài người và Cha trên trời. Ngài lập luận nếu loài người, dù “xấu” vì tội lỗi di truyền, còn biết cho con mình vật tốt, thì huống chi Cha trên trời là Đấng nhân từ, chắc chắn sẽ ban thánh linh cho những người thờ phượng Ngài!—Gia-cơ 1:17.

13. Chúng ta có thể tin chắc điều gì khi cầu xin Đức Giê-hô-va?

13 Bài học cho chúng ta là gì? Chúng ta có thể tin chắc rằng khi chúng ta nài xin Cha trên trời ban thánh linh, Ngài sẽ sẵn sàng ban cho. (1 Giăng 5:14) Khi chúng ta cứ cầu nguyện mãi, Đức Giê-hô-va không bao giờ nói: “Đừng khuấy-rối [ta], cửa đóng rồi”. (Lu-ca 11:7) Trái lại, Chúa Giê-su bảo đảm: “Hãy xin, sẽ ban cho; hãy tìm, sẽ gặp; hãy gõ cửa, sẽ mở cho”. (Lu-ca 11:9, 10) Thật vậy, Đức Giê-hô-va sẽ ‘nhậm lời trong ngày chúng ta kêu-cầu’.—Thi-thiên 20:9; 145:18.

14. (a) Một số người gặp khó khăn có suy nghĩ sai lầm nào? (b) Khi gặp khó khăn, tại sao chúng ta có thể cầu xin Đức Giê-hô-va với lòng tin chắc?

14 Minh họa của Chúa Giê-su cũng cho thấy lòng tốt của Đức Giê-hô-va rất bao la, không cha mẹ loài người nào sánh bằng. Do đó, không ai trong chúng ta nên nghĩ rằng những khó khăn mình gặp là dấu hiệu Đức Chúa Trời không hài lòng về mình. Sa-tan, kẻ thù chính của chúng ta, muốn chúng ta nghĩ như thế. (Gióp 4:1, 7, 8; Giăng 8:44) Những ý tưởng tự cáo trách ấy không dựa trên Kinh Thánh. Đức Giê-hô-va không dùng “sự ác” để thử chúng ta. (Gia-cơ 1:13) Ngài không mang đến cho chúng ta những thử thách độc địa như rắn hay bò cạp. Cha trên trời ban “vật tốt cho những người xin Ngài”. (Ma-thi-ơ 7:11; Lu-ca 11:13) Thật vậy, càng thấy rõ lòng tốt và tinh thần sẵn sàng trợ giúp của Ngài, chúng ta sẽ càng được thúc đẩy để cầu xin Ngài với lòng tin chắc. Khi làm thế, chúng ta sẽ có cảm nhận như người viết Thi-thiên: “Đức Chúa Trời thật có nghe; Ngài đã lắng tai nghe tiếng cầu-nguyện tôi”.—Thi-thiên 10:17; 66:19.

Thánh linh “yên-ủi” như thế nào?

15. (a) Chúa Giê-su hứa gì về thánh linh? (b) Một trong những cách quan trọng mà thánh linh giúp chúng ta là gì?

15 Khi gần đến ngày chịu chết, Chúa Giê-su nhắc lại lời bảo đảm mà ngài đã nói trong hai minh họa trên. Ám chỉ đến thánh linh, ngài nói với các sứ đồ: “Ta lại sẽ nài-xin Cha, Ngài sẽ ban cho các ngươi một Đấng Yên-ủi khác, để ở với các ngươi đời đời”. (Giăng 14:16) Qua câu này, Chúa Giê-su hứa “Đấng Yên-ủi”, tức thánh linh được nhân cách hóa, sẽ ở cùng với môn đồ ngài trong thời gian sắp tới, kể cả thời nay. Ngày nay, một trong những cách quan trọng mà thánh linh giúp chúng ta là gì? Đó là thánh linh giúp chúng ta chịu đựng nhiều thử thách. Như thế nào? Trong thư gửi tín hữu thành Cô-rinh-tô, sứ đồ Phao-lô, người phải đương đầu với nhiều thử thách, đã mô tả cách thánh linh Đức Chúa Trời trợ giúp ông. Chúng ta hãy xem qua những gì ông viết.

16. Chúng ta có thể ở trong hoàn cảnh nào tương tự như sứ đồ Phao-lô?

16 Trước hết, Phao-lô thành thật cho anh em đồng đạo biết ông đang phải đương đầu với “một cái giằm xóc vào thịt”, tức một thử thách nào đó. Sau đó, ông tiếp: “Đã ba lần tôi cầu-nguyện Chúa cho nó lìa xa tôi”. (2 Cô-rinh-tô 12:7, 8) Dù Phao-lô nài xin Đức Chúa Trời cất hoạn nạn cho ông, nhưng nó vẫn ở đó. Có lẽ bạn cũng đang ở trong hoàn cảnh tương tự. Giống như Phao-lô, có lẽ bạn cũng đã kiên nhẫn cầu nguyện Đức Giê-hô-va với lòng tin chắc, nài xin Ngài cất đi thử thách cho bạn. Nhưng dù bạn nài xin bao nhiêu, vấn đề vẫn đeo đẳng theo bạn. Phải chăng Đức Giê-hô-va không đáp lời cầu xin của bạn và thánh linh Ngài không trợ giúp bạn? Chắc chắn không phải thế! (Thi-thiên 10:1, 17) Hãy lưu ý điều sứ đồ Phao-lô nói tiếp sau đó.

17. Đức Giê-hô-va đáp lại lời cầu nguyện của Phao-lô như thế nào?

17 Đáp lại lời cầu nguyện của Phao-lô, Đức Chúa Trời phán: “Ân-điển ta đủ cho ngươi rồi, vì sức-mạnh của ta nên trọn-vẹn trong sự yếu-đuối”. Phao-lô nói: “Vậy, tôi sẽ rất vui lòng khoe mình về sự yếu-đuối tôi, hầu cho sức-mạnh của Đấng Christ ở trong tôi”. (2 Cô-rinh-tô 12:9; Thi-thiên 147:5) Trong tiếng Hy Lạp, từ được dịch là “ở trong” có nghĩa đen là “giương trại phủ lên”. Như vậy, Phao-lô cảm nhận được rằng quyền lực che chở của Đức Chúa Trời, qua Đấng Christ, giống như cái trại che phủ ông. Ngày nay, Đức Giê-hô-va cũng đáp lời cầu nguyện của chúng ta qua cách đó. Ngài ban sự che chở như nơi ẩn náu cho tôi tớ Ngài.

18. Tại sao chúng ta có thể chịu đựng được thử thách?

18 Tất nhiên, một cái trại không thể làm mưa ngưng rơi hoặc gió ngưng thổi. Nhưng nó có thể che chở chúng ta khỏi mưa gió. Cũng thế, nơi ẩn náu mà “sức-mạnh của Đấng Christ” mang lại không khiến thử thách hay khó khăn ngưng xảy đến với chúng ta. Tuy nhiên, sức mạnh ấy ban cho chúng ta sự che chở về mặt thiêng liêng để không bị tổn thương bởi những ảnh hưởng tai hại của thế gian, hoặc những sự tấn công của kẻ cai trị thế gian, là Sa-tan. (Khải-huyền 7:9, 15, 16) Do đó, dù phải đương đầu với một thử thách dai dẳng, không chịu ‘lìa xa bạn’, hãy tin chắc rằng Đức Giê-hô-va biết rõ nỗi khổ của bạn và đã đáp lại tiếng “kêu” của bạn. (Ê-sai 30:19; 2 Cô-rinh-tô 1:3, 4) Phao-lô viết: “Đức Chúa Trời là thành-tín, Ngài chẳng hề cho anh em bị cám-dỗ quá sức mình đâu; nhưng trong sự cám-dỗ, Ngài cũng mở đàng cho ra khỏi, để anh em có thể chịu được”.—1 Cô-rinh-tô 10:13; Phi-líp 4:6, 7.

19. Bạn kiên quyết làm gì, và tại sao?

19 Quả thật, “ngày sau-rốt” của thế gian không tin kính này là một “thời-kỳ khó-khăn”. (2 Ti-mô-thê 3:1) Dù vậy, đối với tôi tớ Đức Chúa Trời, đó không phải là thời kỳ không thể đương đầu nổi. Tại sao? Bởi vì chúng ta có sự trợ giúp và che chở của thánh linh Đức Chúa Trời, mà Ngài luôn sẵn lòng và rộng rãi ban cho tất cả những ai kêu cầu Ngài cách kiên nhẫn và với lòng tin chắc. Vì thế, mong sao chúng ta kiên quyết tiếp tục cầu xin mỗi ngày để được ban cho thánh linh.—Thi-thiên 34:6; 1 Giăng 5:14, 15.

Bạn trả lời thế nào?

• Chúng ta cần làm gì để nhận được thánh linh Đức Chúa Trời?

• Tại sao chúng ta có thể tin chắc rằng Đức Giê-hô-va sẽ đáp lời khi chúng ta cầu xin Ngài ban thánh linh?

• Làm thế nào thánh linh giúp chúng ta chịu đựng thử thách?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 21]

Chúng ta học được gì từ minh họa của Chúa Giê-su về người gia chủ kiên nhẫn?

[Hình nơi trang 22]

Bạn có kiên nhẫn cầu xin Đức Chúa Trời ban thánh linh không?

[Hình nơi trang 23]

Chúng ta học được gì về Đức Giê-hô-va từ minh họa về người cha yêu thương?

[Chú thích]

^ đ. 4 Trong tiếng Hy Lạp, các động từ “xin”, “tìm”, “gõ” được dùng ở thì tiếp diễn. Do đó, một số bản Kinh Thánh dịch chính xác câu này là “cứ xin”, “cứ tìm”, “cứ gõ”.