Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đức Giê-hô-va sẽ “xét lẽ công-bình”

Đức Giê-hô-va sẽ “xét lẽ công-bình”

Đức Giê-hô-va sẽ “xét lẽ công-bình”

‘Có lẽ nào Đức Chúa Trời chẳng xét lẽ công-bình cho những người đã được chọn, là kẻ đêm ngày kêu xin Ngài sao!’—LU-CA 18:7.

1. Ai là nguồn khích lệ cho bạn, và tại sao?

KHẮP NƠI trên thế giới, Nhân Chứng Giê-hô-va vui sướng có những anh chị đồng đạo, đã nhiều năm trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va. Bạn có quen biết một anh chị nào như thế không? Có lẽ bạn nghĩ đến một chị đã làm báp têm lâu năm, và hiếm khi bỏ lỡ một buổi họp nào tại Phòng Nước Trời. Hoặc một anh lớn tuổi đã trung thành ủng hộ hoạt động rao giảng của hội thánh, từ tuần này sang tuần khác, trong mấy mươi năm qua. Quả thật, nhiều anh chị trung thành ấy đã từng nghĩ rằng đến bây giờ, hẳn Ha-ma-ghê-đôn đã đến và qua đi từ lâu rồi. Dù vậy, sự kiện thế gian bất công này vẫn tồn tại đã không làm họ suy yếu đức tin nơi lời hứa của Đức Giê-hô-va, hay giảm đi quyết tâm “bền chí cho đến cuối-cùng”. (Ma-thi-ơ 24:13) Đức tin vững chắc của những tôi tớ trung thành như thế quả là nguồn khích lệ cho cả hội thánh.—Thi-thiên 147:11.

2. Tình trạng nào thật đáng buồn?

2 Tuy nhiên, cũng có lúc chúng ta thấy những hình ảnh ngược lại. Một số Nhân Chứng đã tham gia thánh chức nhiều năm nhưng rồi với thời gian, đức tin họ yếu dần và cuối cùng họ ngưng kết hợp với hội thánh. Thật đáng buồn khi những người trước đây là anh em, nay đã từ bỏ Đức Giê-hô-va, và chúng ta thành thật muốn tiếp tục giúp đỡ từng “con chiên mất” trở lại với bầy. (Thi-thiên 119:176; Rô-ma 15:1) Dù vậy, những hình ảnh trái ngược đó—một số người giữ được lòng trung thành, còn số khác thì mất đức tin—không khỏi khiến chúng ta tự hỏi: Điều gì đã giúp nhiều Nhân Chứng giữ vững đức tin nơi lời hứa của Đức Giê-hô-va, trong khi những người khác không làm được? Cá nhân chúng ta có thể làm gì để luôn tin chắc là “ngày lớn của Đức Giê-hô-va” đã gần? (Sô-phô-ni 1:14) Hãy xem một minh họa trong sách Phúc Âm theo Lu-ca.

Lời cảnh báo cho những ai sống vào thời “Con người đến”

3. Minh họa về người góa phụ và quan án đặc biệt dành cho ai, và tại sao?

3 Nơi Lu-ca chương 18, chúng ta tìm thấy minh họa của Chúa Giê-su về một góa phụ và quan án. Minh họa này cũng tương tự như minh họa về người gia chủ kiên nhẫn được thảo luận trong bài trước. (Lu-ca 11:5-13) Tuy nhiên, văn cảnh của minh họa cho thấy nó đặc biệt áp dụng cho những người sống vào thời “Con người đến” trong vương quyền Nước Trời, tức thời kỳ bắt đầu từ năm 1914.—Lu-ca 18:8. *

4. Chúa Giê-su cho biết điều gì trước khi kể minh họa nơi Lu-ca chương 18?

4 Trước khi kể minh họa, Chúa Giê-su cho biết “như chớp nháng lòe từ dưới phương trời nầy đến dưới phương trời kia”, bằng chứng về sự hiện diện của ngài trong vương quyền Nước Trời cũng sẽ được nhận thấy rộng rãi như thế. (Lu-ca 17:24; 21:10, 29-33) Tuy nhiên, phần đông những người sống vào “kỳ cuối-cùng” sẽ không chú ý đến bằng chứng rõ ràng đó. (Đa-ni-ên 12:4) Tại sao? Vì cùng lý do như những người đã làm ngơ sự cảnh báo của Đức Giê-hô-va vào thời Nô-ê và thời Lót. Vào các thời đó, người ta “ăn, uống, mua, bán, trồng-tỉa, cất-dựng” cho đến ngày họ bị hủy diệt. (Lu-ca 17:26-29) Họ mất mạng vì quá bận tâm với các sinh hoạt thường ngày đến độ không để ý gì đến ý muốn Đức Chúa Trời. (Ma-thi-ơ 24:39) Ngày nay cũng vậy, đa số người ta đều quá lo toan đời sống hàng ngày đến độ không nhận thấy bằng chứng là sự kết liễu của hệ thống không tin kính này đã gần kề.—Lu-ca 17:30.

5. (a) Chúa Giê-su cảnh báo ai, và tại sao? (b) Điều gì khiến một số người mất đức tin?

5 Rõ ràng, Chúa Giê-su cũng lo ngại là các môn đồ ngài có thể bị thế gian của Sa-tan làm cho phân tâm, thậm chí “trở về”, hay quay lại đằng sau. (Lu-ca 17:22, 31) Và quả thật, điều đó đã xảy ra với một số tín đồ Đấng Christ. Trong nhiều năm, những người ấy đã trông đợi ngày Đức Giê-hô-va kết liễu hệ thống gian ác này. Nhưng khi thấy Ha-ma-ghê-đôn không đến vào lúc họ mong đợi, họ trở nên chán nản và không còn tin tưởng là ngày phán xét của Đức Giê-hô-va đã gần. Hoạt động thánh chức của họ bắt đầu chậm lại, và họ dần dần chú tâm quá nhiều tới các vấn đề thường ngày của cuộc sống đến độ không còn thời gian cho sinh hoạt thiêng liêng nữa. (Lu-ca 8:11, 13, 14) Cuối cùng, họ quay lại đằng sau—thật đáng buồn!

Cần “cầu-nguyện luôn”

6-8. (a) Hãy kể minh họa về góa phụ và quan án. (b) Chúa Giê-su rút ra bài học nào từ minh họa này?

6 Chúng ta có thể làm gì để luôn có đức tin vững chắc nơi sự ứng nghiệm lời hứa của Đức Giê-hô-va? (Hê-bơ-rơ 3:14) Ngay sau khi cảnh báo môn đồ chớ quay lại thế gian ác của Sa-tan, Chúa Giê-su trả lời câu hỏi đó.

7 Theo lời tường thuật của Lu-ca, sau đó Chúa Giê-su phán “cùng môn-đồ một thí-dụ, để tỏ ra rằng phải cầu-nguyện luôn, chớ hề mỏi-mệt”. Ngài nói: “Trong thành kia, có một quan án không kính-sợ Đức Chúa Trời, không vị-nể ai hết. Trong thành đó cũng có một người đàn-bà góa, đến thưa quan rằng: Xin xét lẽ công-bình cho tôi về kẻ nghịch cùng tôi. Quan ấy từ-chối đã lâu. Nhưng kế đó, người tự nghĩ rằng: Dầu ta không kính-sợ Đức Chúa Trời, không vị-nể ai hết, song vì đàn-bà góa nầy khuấy-rầy ta, ta sẽ xét lẽ công-bình cho nó, để nó không tới luôn làm nhức đầu ta”.

8 Sau khi kể câu chuyện trên, Chúa Giê-su nêu ra bài học: “Các ngươi có nghe lời quan án không công-bình đó đã nói chăng? Vậy, có lẽ nào Đức Chúa Trời chẳng xét lẽ công-bình cho những người đã được chọn, là kẻ đêm ngày kêu xin Ngài, mà lại chậm-chạp đến cứu họ sao! Ta nói cùng các ngươi, Ngài sẽ vội-vàng xét lẽ công-bình cho họ. Song khi Con người đến, há sẽ thấy đức-tin trên mặt đất chăng?”—Lu-ca 18:1-8.

“Xin xét lẽ công-bình cho tôi”

9. Ý chính nào được nêu bật trong minh họa về góa phụ và quan án?

9 Ý chính của minh họa sống động này nổi lên khá rõ. Nó được cả hai nhân vật trong chuyện và Chúa Giê-su nhắc đến. Người góa phụ van nài: “Xin xét lẽ công-bình cho tôi”. Vị quan án tự nhủ: “Ta sẽ xét lẽ công-bình cho nó”. Chúa Giê-su nêu vấn đề: ‘Có lẽ nào Đức Chúa Trời chẳng xét lẽ công-bình sao!’ Rồi ngài nói về Đức Giê-hô-va: “Ngài sẽ vội-vàng xét lẽ công-bình cho họ”. (Lu-ca 18:3, 5, 7, 8) Cụ thể khi nào Đức Chúa Trời sẽ “xét lẽ công-bình”?

10. (a) Vào thế kỷ thứ nhất, công lý được thực thi khi nào? (b) Công lý sẽ được thực thi khi nào và như thế nào cho tôi tớ Đức Chúa Trời thời nay?

10 Vào thế kỷ thứ nhất, “ngày báo thù”, hay ngày thực thi công lý, đã đến vào năm 70 CN, khi Giê-ru-sa-lem và đền thờ bị hủy phá. (Lu-ca 21:22) Đối với dân Đức Chúa Trời ngày nay, công lý sẽ được thực thi vào “ngày lớn của Đức Giê-hô-va”. (Sô-phô-ni 1:14; Ma-thi-ơ 24:21) Lúc ấy, Đức Giê-hô-va sẽ “lấy điều khổ báo những kẻ làm khổ” dân Ngài “khi Đức Chúa Jêsus... báo-thù những kẻ chẳng hề nhận biết Đức Chúa Trời, và không vâng-phục Tin-lành của Đức Chúa Jêsus-Christ chúng ta”.—2 Tê-sa-lô-ni-ca 1:6-8; Rô-ma 12:19.

11. Đức Giê-hô-va sẽ “vội-vàng” xét lẽ công bình theo nghĩa nào?

11 Tuy nhiên, khi Chúa Giê-su nói Đức Giê-hô-va sẽ “vội-vàng” xét lẽ công bình, chúng ta nên hiểu lời đảm bảo đó như thế nào? Lời Đức Chúa Trời cho thấy dù “nhịn-nhục”, nhưng Ngài sẽ nhanh chóng thi hành công lý khi thời gian chín mùi. (Lu-ca 18:7, 8; 2 Phi-e-rơ 3:9, 10) Vào thời Nô-ê, khi Nước Lụt đến, người ác nhanh chóng bị hủy diệt. Cũng thế, vào thời của Lót, khi mưa lửa từ trên trời đổ xuống, kẻ ác bị thiêu hủy. Chúa Giê-su nói: “Ngày Con người hiện ra cũng một thể nầy”. (Lu-ca 17:27-30) Một lần nữa, kẻ ác sẽ gánh “tai-họa thình-lình”. (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:2, 3) Thật thế, chúng ta có thể hoàn toàn tin chắc rằng khi đến lúc thực thi công lý, Đức Giê-hô-va sẽ không cho phép thế gian của Sa-tan tồn tại thêm một ngày nào.

‘Ngài sẽ xét lẽ công-bình’

12, 13. (a) Minh họa của Chúa Giê-su về người góa phụ và quan án dạy chúng ta bài học nào? (b) Tại sao chúng ta có thể tin chắc rằng Đức Giê-hô-va sẽ lắng nghe lời kêu cầu và xét lẽ công bình cho chúng ta?

12 Minh họa của Chúa Giê-su về người góa phụ và quan án cũng nêu bật những lẽ thật quan trọng khác. Khi rút ra bài học từ minh họa này, Chúa Giê-su nói: ‘Các ngươi có nghe lời quan án không công-bình đó đã nói chăng? Vậy, có lẽ nào Đức Chúa Trời chẳng xét lẽ công-bình cho những người đã được chọn sao!’ Dĩ nhiên, Chúa Giê-su không có ý so sánh Đức Giê-hô-va với vị quan án, hay ngụ ý nói rằng Đức Chúa Trời sẽ đối xử tương tự với những người tin Ngài. Thay vì thế, Chúa Giê-su nêu bật sự tương phản giữa Đức Chúa Trời và vị quan án để dạy môn đồ một bài học về Đức Giê-hô-va. Một số điểm tương phản đó là gì?

13 Quan án trong minh họa của Chúa Giê-su là người “không công-bình”, trong khi “Đức Chúa Trời là quan-án công-bình”. (Thi-thiên 7:11; 33:5) Vị quan án không đoái hoài gì đến người góa phụ, còn Đức Giê-hô-va quan tâm đến từng con người. (2 Sử-ký 6:29, 30) Vị quan án không sẵn lòng giúp đỡ người góa phụ, nhưng Đức Giê-hô-va thì sẵn sàng, thậm chí thiết tha muốn trợ giúp những ai phụng sự Ngài. (Ê-sai 30:18, 19) Bài học ở đây là gì? Nếu vị quan án không công bình còn chịu lắng nghe lời kêu cầu của người góa phụ và thực thi công lý cho bà, huống chi là Đức Giê-hô-va. Chắc chắn Ngài sẽ nghe lời kêu cầu của dân Ngài và xét lẽ công bình cho họ!—Châm-ngôn 15:29.

14. Tại sao chúng ta không nên mất đức tin nơi ngày phán xét của Đức Chúa Trời?

14 Vì thế, những ai mất lòng tin nơi ngày phán xét của Đức Chúa Trời đang phạm sai lầm nghiêm trọng. Tại sao? Vì khi không tin “ngày lớn của Đức Giê-hô-va” đã gần thật ra là họ không tin Đức Giê-hô-va sẽ giữ lời hứa của Ngài. Nhưng không ai có lý do chính đáng để nghi ngờ sự trung tín của Đức Chúa Trời. (Gióp 9:12) Đúng hơn, chúng ta nên tự hỏi: ‘Cá nhân chúng ta có giữ trung thành không?’ Và đó chính là vấn đề mà Chúa Giê-su nêu ra ở cuối minh họa về người góa phụ và vị quan án.

Ngài sẽ còn tìm thấy ‘đức tin như thế trên mặt đất chăng?’

15. (a) Chúa Giê-su đặt ra câu hỏi nào, và tại sao? (b) Chúng ta nên tự hỏi điều gì?

15 Chúa Giê-su đặt ra một câu hỏi đáng chú ý: “Khi Con người đến, há sẽ thấy đức-tin trên mặt đất chăng?” (Lu-ca 18:8) Trong một số bản dịch khác, cụm từ “đức-tin” được dịch là “đức tin như thế”, cho thấy Chúa Giê-su không có ý nói đến đức tin chung chung, mà là một đức tin có phẩm chất đặc biệt, như của người góa phụ. Chúa Giê-su không trả lời câu hỏi của ngài. Ngài chỉ nêu câu hỏi để các môn đồ suy nghĩ về phẩm chất đức tin họ. Đức tin đó có ngày một suy yếu, đến nỗi để họ quay lại đằng sau không? Hay họ có đức tin như người góa phụ trong minh họa? Ngày nay, chúng ta cũng nên tự hỏi: ‘ “Con người” sẽ thấy đức tin nào trong lòng tôi?’

16. Người góa phụ có đức tin như thế nào?

16 Để được Đức Giê-hô-va xét lẽ công bình, chúng ta cần noi theo gương của người góa phụ. Bà có đức tin như thế nào? Bà bày tỏ đức tin khi kiên nhẫn “đến thưa quan rằng: Xin xét lẽ công-bình cho tôi”. Nhờ kiên nhẫn, góa phụ đó đã được nhận công lý từ một người không công bình. Tương tự thế, tôi tớ Đức Chúa Trời ngày nay có thể tin chắc rằng họ sẽ nhận được công lý từ Đức Giê-hô-va—ngay dù phải chờ lâu hơn họ tưởng. Hơn nữa, họ bày tỏ đức tin nơi lời hứa của Đức Chúa Trời bằng cách kiên nhẫn cầu nguyện—vâng, bằng cách “đêm ngày kêu xin Ngài”. (Lu-ca 18:7) Thật thế, nếu một tín đồ Đấng Christ ngưng kêu cầu công lý, người ấy cho thấy đã mất lòng tin là Đức Giê-hô-va sẽ ra tay hành động vì tôi tớ Ngài.

17. Chúng ta có những lý do nào để bền lòng cầu nguyện và tin tưởng rằng ngày phán xét của Đức Giê-hô-va chắc chắn sẽ đến?

17 Hoàn cảnh của người góa phụ cho chúng ta thêm lý do để bền lòng cầu nguyện. Hãy xem vài sự khác biệt giữa hoàn cảnh của bà và hoàn cảnh của chúng ta. Người góa phụ cứ kiên trì đến gặp quan án dù không có ai động viên bà làm thế, còn chúng ta thì được Lời Đức Chúa Trời khuyến khích “bền lòng mà cầu-nguyện”. (Rô-ma 12:12) Với người góa phụ, không có gì bảo đảm là lời kêu nài của bà sẽ được chấp nhận, còn với chúng ta, Đức Giê-hô-va bảo đảm Ngài sẽ thực thi công lý. Qua nhà tiên tri của Ngài, Đức Giê-hô-va phán: “Nếu nó chậm-trễ, ngươi hãy đợi; bởi nó chắc sẽ đến, không chậm-trễ”. (Ha-ba-cúc 2:3; Thi-thiên 97:10) Không ai giúp đỡ người góa phụ để lời kêu nài của bà được quan tâm nhiều hơn, còn chúng ta được trợ giúp bởi một đấng đầy quyền lực, là Chúa Giê-su, đấng “đang ngự bên hữu Đức Chúa Trời, cầu-nguyện thế cho chúng ta”. (Rô-ma 8:34; Hê-bơ-rơ 7:25) Do đó, nếu người góa phụ, dù ở trong hoàn cảnh khó khăn, còn kiên trì nài xin vị quan án với hy vọng được xét lẽ công bình, thì chúng ta càng phải tin tưởng là ngày phán xét của Đức Giê-hô-va chắc chắn sẽ đến!

18. Làm thế nào việc cầu nguyện giúp chúng ta củng cố đức tin và được xét lẽ công bình?

18 Minh họa về người góa phụ cho thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa sự cầu nguyện và đức tin. Minh họa cũng cho thấy việc kiên nhẫn cầu nguyện giúp chúng ta chống lại các ảnh hưởng làm suy yếu đức tin. Tất nhiên, những lời cầu nguyện chiếu lệ không thể giúp chúng ta giữ vững đức tin. (Ma-thi-ơ 6:7, 8) Khi cầu nguyện với ý thức rằng mình hoàn toàn tùy thuộc nơi Đức Chúa Trời, lúc ấy lời cầu nguyện mới giúp chúng ta đến gần Ngài hơn và củng cố đức tin. Và vì đức tin là điều cần thiết để được cứu, nên không lạ gì khi Giê-su thấy cần khuyến khích môn đồ “phải cầu-nguyện luôn, chớ hề mỏi-mệt”! (Lu-ca 18:1; 2 Tê-sa-lô-ni-ca 3:13) Đành rằng “ngày lớn của Đức Giê-hô-va” không tùy thuộc vào lời cầu nguyện của chúng ta—ngày ấy sẽ đến dù chúng ta có cầu nguyện hay không. Nhưng bản thân chúng ta có được xét lẽ công bình và sống sót qua cuộc chiến của Đức Chúa Trời hay không, điều ấy chắc chắn tùy thuộc vào phẩm chất đức tin, lối sống và cách cầu nguyện của chúng ta.

19. Làm thế nào để chứng tỏ chúng ta tin chắc rằng Đức Chúa Trời sẽ “xét lẽ công-bình”?

19 Trở lại câu hỏi Chúa Giê-su đã đặt ra: ‘Khi Con Người đến, há sẽ thấy đức tin như thế trên mặt đất chăng?’ Câu trả lời là gì? Thật vui sướng khi hàng triệu tôi tớ trung thành ngày nay của Đức Giê-hô-va trên khắp đất đang chứng tỏ đức tin như thế qua lời cầu nguyện, tính kiên nhẫn và sự bền đỗ của họ! Vì thế, câu trả lời cho câu hỏi của Chúa Giê-su là “Có”. Vâng, bất kể sự bất công mà thế gian của Sa-tan đang gây ra cho chúng ta, chúng ta vẫn tin chắc rằng Đức Chúa Trời sẽ “xét lẽ công-bình cho những người đã được chọn”.

[Chú thích]

^ đ. 3 Để hiểu hết ý nghĩa của minh họa, xin xem Lu-ca 17:22-33. Hãy lưu ý cách cụm từ “Con người” được nhắc đến nơi Lu-ca 17:22, 24, 30, điều đó giúp trả lời cho câu hỏi nơi Lu-ca 18:8.

Bạn còn nhớ không?

• Điều gì khiến một số tín đồ Đấng Christ mất đức tin?

• Tại sao chúng ta có thể tin chắc rằng ngày phán xét của Đức Giê-hô-va sẽ đến?

• Chúng ta có những lý do nào để bền lòng cầu nguyện?

• Làm thế nào việc kiên nhẫn cầu nguyện giúp chúng ta tránh bị mất đức tin?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 26]

Điều gì được nêu bật trong minh họa về góa phụ và quan án?

[Các hình nơi trang 29]

Hàng triệu người ngày nay tin chắc rằng Đức Chúa Trời sẽ “xét lẽ công-bình”