Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Ngươi sẽ vui-mừng trọn-vẹn”

“Ngươi sẽ vui-mừng trọn-vẹn”

“Ngươi sẽ vui-mừng trọn-vẹn”

“Ngươi phải giữ lễ nầy cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời... rồi ngươi sẽ vui-mừng trọn-vẹn”.—PHỤC-TRUYỀN LUẬT-LỆ KÝ 16:15.

1. (a) Sa-tan đặt ra các vấn đề nào? (b) Đức Giê-hô-va báo trước điều gì sau khi A-đam và Ê-va phản nghịch?

KHI xui A-đam và Ê-va phản nghịch cùng Đấng Tạo Hóa, Sa-tan đặt ra hai vấn đề nghiêm trọng. Thứ nhất, hắn đặt nghi vấn về tính chân thật của Đức Giê-hô-va và sự đúng đắn trong đường lối cai trị của Ngài. Thứ hai, hắn ngụ ý loài người chỉ phụng sự Đức Chúa Trời vì động lực ích kỷ. Vấn đề này được nêu ra một cách rõ ràng vào thời của Gióp. (Sáng-thế Ký 3:1-6; Gióp 1:9, 10; 2:4, 5) Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va đã nhanh chóng có đối sách để xử trí tình huống. Trước khi A-đam và Ê-va bị đuổi khỏi vườn Ê-đen, Đức Giê-hô-va đã cho biết cách Ngài sẽ giải quyết các vấn đề trên. Ngài báo trước một “dòng-dõi” sẽ xuất hiện và giày đạp đầu Sa-tan đến chết sau khi bị hắn cắn gót chân.—Sáng-thế Ký 3:15.

2. Đức Giê-hô-va cho biết thêm điều gì về cách Ngài sẽ làm ứng nghiệm lời tiên tri nơi Sáng-thế Ký 3:15?

2 Với thời gian, Đức Giê-hô-va làm sáng tỏ thêm lời tiên tri trên, qua đó cho thấy nó chắc chắn sẽ ứng nghiệm. Thí dụ, Ngài cho Áp-ra-ham biết người “dòng-dõi” sẽ xuất hiện trong vòng con cháu ông. (Sáng-thế Ký 22:15-18) Về sau, cháu nội của Áp-ra-ham là Gia-cốp trở thành tổ phụ của 12 chi phái Y-sơ-ra-ên. Năm 1513 TCN, khi các chi phái này lập thành một quốc gia, Đức Giê-hô-va ban cho họ một hệ thống luật pháp, trong đó có quy định các ngày lễ hằng năm. Sứ đồ Phao-lô gọi các ngày lễ ấy là “bóng của các việc sẽ tới”. (Cô-lô-se 2:16, 17; Hê-bơ-rơ 10:1) Những lễ này cho thấy trước ý định của Đức Giê-hô-va đối với người Dòng Dõi sẽ được hoàn thành như thế nào. Khi cử hành các ngày lễ, dân Y-sơ-ra-ên có nhiều niềm vui. Ngày nay, xem xét vắn tắt các ngày lễ này sẽ củng cố đức tin chúng ta nơi các lời hứa của Đức Giê-hô-va.

Người Dòng Dõi xuất hiện

3. Ai là Dòng Dõi được hứa, và ngài bị cắn gót chân như thế nào?

3 Hơn 4.000 năm sau lời tiên tri đầu tiên, Dòng Dõi được hứa đã xuất hiện. Đó chính là Chúa Giê-su. (Ga-la-ti 3:16) Với tư cách là người hoàn toàn, Chúa Giê-su đã giữ lòng trung kiên cho đến chết và qua đó, chứng tỏ Sa-tan là kẻ dối trá. Ngoài ra, vì ngài không bị nhiễm tội, cái chết của ngài còn là một của-lễ hy sinh cao quý. Nhờ của-lễ đó, các con cháu trung thành của A-đam và Ê-va được giải thoát khỏi tội lỗi và sự chết. Cái chết của ngài trên khổ giá tương ứng với việc Dòng Dõi được hứa bị “cắn gót chân”.—Hê-bơ-rơ 9:11-14.

4. Điều gì là hình bóng cho sự hy sinh của Chúa Giê-su?

4 Chúa Giê-su chết vào ngày 14 Ni-san, năm 33 CN. * Ở nước Y-sơ-ra-ên, ngày 14 Ni-san là ngày mừng Lễ Vượt Qua. Hằng năm cứ vào ngày này, các gia đình đều dùng bữa chung, với thịt chiên con không tì vết. Nghi thức này nhắc họ nhớ lại huyết chiên con đã cứu sống các con đầu lòng người Y-sơ-ra-ên, khi thiên sứ hành hại các con đầu lòng người Ê-díp-tô vào ngày 14 Ni-san, năm 1513 TCN. (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:1-14) Chiên con sinh tế trong Lễ Vượt Qua làm hình bóng cho Chúa Giê-su, là Đấng mà sứ đồ Phao-lô nói: “Đấng Christ là con sinh lễ Vượt-qua của chúng ta, đã bị giết”. (1 Cô-rinh-tô 5:7) Giống như máu của chiên con Lễ Vượt Qua, máu của Chúa Giê-su mang lại sự cứu chuộc cho nhiều người.—Giăng 3:16, 36.

“Trái đầu mùa của những kẻ ngủ”

5, 6. (a) Chúa Giê-su được sống lại khi nào, và điều gì trong Luật Pháp là hình bóng cho sự kiện đó? (b) Tại sao sự sống lại của Chúa Giê-su là thiết yếu cho sự ứng nghiệm của Sáng-thế Ký 3:15?

5 Đến ngày thứ ba, Chúa Giê-su được sống lại để trình giá trị hy sinh của ngài lên Cha. (Hê-bơ-rơ 9:24) Nghi thức của một kỳ lễ khác là hình bóng cho sự sống lại này. Ngày 15 Ni-san là bắt đầu kỳ Lễ Bánh Không Men. Ngày kế tiếp là ngày 16 Ni-san, dân Y-sơ-ra-ên mang dâng bó lúa mạch đầu mùa, tức mùa gặt đầu tiên trong xứ Y-sơ-ra-ên, để thầy tế lễ đưa qua đưa lại trước mặt Đức Giê-hô-va. (Lê-vi Ký 23:6-14) Thật thích hợp thay vào năm 33 CN, cũng ngày 16 Ni-san, Đức Giê-hô-va đã vô hiệu hóa hành động gian ác mà Sa-tan gây ra nhằm khiến “Đấng làm chứng thành-tín chân-thật” của Ngài phải câm lặng mãi mãi. Vào ngày đó, Đức Giê-hô-va đã làm cho Chúa Giê-su sống lại ở thể thần linh bất tử.—Khải-huyền 3:14; 1 Cô-rinh-tô 15:20, 42.

6 Chúa Giê-su trở thành “trái đầu mùa của những kẻ ngủ”. (1 Cô-rinh-tô 15:20) Khác với những người đã được sống lại trước đó, Chúa Giê-su không bao giờ chết nữa. Trái lại, ngài lên trời ở bên hữu Đức Giê-hô-va, chờ đến ngày được đăng quang làm Vua Nước Trời. (Thi-thiên 110:1; Công-vụ 2:32, 33; Hê-bơ-rơ 10:12, 13) Nay được đăng quang, Chúa Giê-su ở trong vị thế có thể giày đạp đầu kẻ thù lớn là Sa-tan để tiêu diệt hắn cùng dòng dõi hắn vĩnh viễn.—Khải-huyền 11:15, 18; 20:1-3, 10.

Những thành viên khác của Dòng Dõi Áp-ra-ham

7. Lễ Các Tuần là gì?

7 Chúa Giê-su chính là Dòng Dõi được hứa trong vườn Ê-đen, và cũng chính là người mà Đức Giê-hô-va sẽ dùng để “hủy-phá công-việc của ma-quỉ”. (1 Giăng 3:8) Tuy nhiên, khi nói chuyện với Áp-ra-ham, Đức Giê-hô-va cho biết “dòng-dõi” ông sẽ không chỉ gồm một người. Dòng dõi đó sẽ “nhiều như sao trên trời, đông như cát bờ biển”. (Sáng-thế Ký 22:17) Sự xuất hiện các thành viên khác của “dòng-dõi” cũng tương ứng với nghi thức của một dịp lễ vui mừng khác. Ngày thứ năm mươi kể từ ngày 16 Ni-san, dân Y-sơ-ra-ên mừng Lễ Các Tuần. Luật Pháp quy định lễ này như sau: “Các ngươi tính năm mươi ngày cho đến ngày sau của lễ sa-bát thứ bảy, thì phải dâng một của-lễ chay mới cho Đức Giê-hô-va. Các ngươi hãy từ nhà mình đem đến hai ổ bánh đặng làm của-lễ dâng đưa qua đưa lại; bánh đó làm bằng hai phần mười bột lọc hấp có pha men: ấy là của đầu mùa dâng cho Đức Giê-hô-va”. *Lê-vi Ký 23:16, 17, 20.

8. Sự kiện đặc biệt nào đã diễn ra vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN?

8 Đến thời Chúa Giê-su, Lễ Các Tuần được gọi là Lễ Ngũ Tuần (từ được dịch là Lễ Ngũ Tuần có gốc từ chữ Hy Lạp có nghĩa là “thứ năm mươi”). Vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm lớn, tức Chúa Giê-su Christ sau khi sống lại, đã ban thánh linh cho một nhóm nhỏ gồm 120 môn đồ đang nhóm lại tại thành Giê-ru-sa-lem. Nhờ vậy, các môn đồ này trở thành những người con được xức dầu của Đức Chúa Trời và anh em của Chúa Giê-su Christ. (Rô-ma 8:15-17) Họ tạo thành một nước mới, là “dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời”. (Ga-la-ti 6:16) Bắt đầu từ một nhóm nhỏ, dân tộc này sẽ dần dần gia tăng lên đến con số 144.000 người.—Khải-huyền 7:1-4.

9, 10. Đặc điểm nào trong Lễ Ngũ Tuần là hình bóng cho hội thánh tín đồ Đấng Christ được xức dầu?

9 Hội thánh tín đồ Đấng Christ xức dầu tương ứng với hai ổ bánh có men được đưa qua đưa lại trước mặt Đức Giê-hô-va vào Lễ Ngũ Tuần hằng năm. Hai ổ bánh có men cho thấy các tín đồ được xức dầu vẫn còn mang men tội lỗi di truyền. Tuy nhiên, họ có thể đến gần Đức Chúa Trời nhờ sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su. (Rô-ma 5:1, 2) Tại sao lại cần hai ổ bánh? Có thể là vì những người con xức dầu của Đức Chúa Trời được chọn từ hai nhóm: trước hết từ dân Do Thái và sau đó từ Dân Ngoại.—Ga-la-ti 3:26-29; Ê-phê-sô 2:13-18.

10 Hai ổ bánh được dâng vào Lễ Ngũ Tuần làm bằng lúa mì đầu mùa. Tương ứng với điều đó, các tín đồ xức dầu được gọi là “trái đầu mùa của những vật Ngài dựng nên”. (Gia-cơ 1:18) Họ là những người đầu tiên được tha tội dựa trên căn bản huyết của Chúa Giê-su và nhờ đó, có thể được hưởng sự sống bất tử trên trời để cùng cai trị với ngài trong Nước Trời. (1 Cô-rinh-tô 15:53; Phi-líp 3:20, 21; Khải-huyền 20:6) Chính ở trong vị thế đó, một ngày gần đây họ sẽ “cai-trị [các dân] bằng một cây gậy sắt” và chứng kiến ‘quỉ Sa-tan bị giày-đạp dưới chân họ’. (Khải-huyền 2:26, 27; Rô-ma 16:20) Sứ đồ Giăng nói: “Chiên Con đi đâu, những kẻ nầy theo đó. Những kẻ đó đã được chuộc từ trong loài người, để làm trái đầu mùa cho Đức Chúa Trời và Chiên Con”.—Khải-huyền 14:4.

Một ngày nêu bật tầm quan trọng của sự chuộc tội

11, 12. (a) Ngày Lễ Chuộc Tội được cử hành như thế nào? (b) Việc dâng con bò đực tơ và hai con dê mang lại lợi ích nào cho dân Y-sơ-ra-ên?

11 Hằng năm, vào ngày 10 tháng Ê-tha-ninh (sau này được gọi là tháng Tishri), * dân Y-sơ-ra-ên còn cử hành một lễ khác, gọi là Ngày Lễ Chuộc Tội. Lễ này cho thấy trước lợi ích mà sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su sẽ mang lại. Vào ngày đó, toàn thể dân sự đều nhóm lại để chứng kiến việc dâng tế lễ chuộc tội cho họ.—Lê-vi Ký 16:29, 30.

12 Vào Ngày Lễ Chuộc Tội, thầy tế lễ thượng phẩm giết một con bò đực tơ, lấy máu đem vào Nơi Chí Thánh trong đền thờ. Tại đó, ông rảy máu bảy lần về phía trước nắp hòm giao ước, tượng trưng cho việc dâng huyết ấy lên cho Đức Giê-hô-va. Của-lễ đó là để chuộc tội cho bản thân thầy tế lễ thượng phẩm và ‘nhà người’, tức bao gồm các thầy tế lễ và người Lê-vi. Kế đến, thầy tế lễ thượng phẩm lấy hai con dê. Ông giết một con để làm của-lễ chuộc tội cho “dân-chúng”, rồi cũng đem một ít huyết vào rảy trước nắp hòm giao ước trong Nơi Chí Thánh. Tiếp theo, thầy tế lễ thượng phẩm đặt tay lên đầu con dê thứ hai và xưng trên nó các sự vi phạm của dân Y-sơ-ra-ên. Sau đó, ông cho người dẫn nó đi, đuổi vào đồng vắng, với ý nghĩa để mang tội lỗi dân sự đi xa.—Lê-vi Ký 16:3-16, 21, 22.

13. Các nghi thức trong Ngày Lễ Chuộc Tội là hình bóng trước cho vai trò của Chúa Giê-su như thế nào?

13 Những nghi thức trên là hình bóng cho việc Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm lớn Giê-su dâng giá trị của chính huyết mình để mang lại sự tha tội. Trước hết, giá trị huyết ấy mang lại sự tha tội cho “nhà thiêng-liêng”, gồm 144.000 tín đồ xức dầu, nhờ thế, họ được xưng công bình và có vị thế trong sạch trước mắt Đức Giê-hô-va. (1 Phi-e-rơ 2:5; 1 Cô-rinh-tô 6:11) Điều này, được tượng trưng bởi của-lễ bằng con bò đực tơ, mở ra cơ hội cho họ được hưởng cơ nghiệp trên trời. Thứ hai, giá trị huyết của Chúa Giê-su đem lại sự tha tội cho hàng triệu người thực hành đức tin nơi Đấng Christ, như được tượng trưng bởi của-lễ bằng con dê. Những người này sẽ được ban cho sự sống đời đời trên đất, một cơ nghiệp mà A-đam và Ê-va đã đánh mất. (Thi-thiên 37:10, 11) Bằng huyết mình, Chúa Giê-su đã cất đi tội lỗi cho nhân loại, như con dê sống mang tội lỗi dân Y-sơ-ra-ên vào đồng vắng theo nghĩa tượng trưng.—Ê-sai 53:4, 5.

Vui mừng trước mặt Đức Giê-hô-va

14, 15. Lễ Lều Tạm được cử hành như thế nào, và lễ này nhắc dân Y-sơ-ra-ên nhớ điều gì?

14 Sau Ngày Lễ Chuộc Tội, dân Y-sơ-ra-ên cử hành Lễ Lều Tạm, kỳ lễ vui mừng nhất trong năm theo lịch Do Thái. (Lê-vi Ký 23:34-43) Lễ này diễn ra từ ngày 15 đến 21 tháng Ê-tha-ninh, và kết thúc bằng một cuộc nhóm hiệp trọng thể vào ngày 22 tháng đó. Đây là lễ đánh dấu việc kết thúc mùa gặt và là dịp để tạ ơn lòng tốt rộng rãi của Đức Chúa Trời. Vì thế, Đức Giê-hô-va phán cùng dân sự: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi sẽ ban phước cho các mùa-màng và mọi công-việc của tay ngươi; rồi ngươi sẽ vui-mừng trọn-vẹn”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 16:15) Đó hẳn là một dịp rất vui mừng!

15 Trong kỳ lễ này, dân Y-sơ-ra-ên sống trong lều bảy ngày để hồi tưởng lại thời kỳ họ sống trong lều trại nơi đồng vắng. Đây là cơ hội để họ có nhiều thời gian suy ngẫm về sự chăm sóc ân cần của Đức Giê-hô-va. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 8:15, 16) Ngoài ra, vì người giàu cũng như người nghèo đều ở trong lều như nhau, nên dân Y-sơ-ra-ên cũng được nhắc nhở rằng trong suốt mùa lễ, tất cả họ đều bình đẳng.—Nê-hê-mi 8:14-16.

16. Lễ Lều Tạm là hình bóng cho điều gì?

16 Lễ Lều Tạm là dịp ăn mừng những gì thu hoạch được trong mùa gặt. Nó là hình bóng cho một công việc đầy vui mừng khác: thu nhóm những người thực hành đức tin nơi Chúa Giê-su Christ. Công việc này bắt đầu vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, khi 120 môn đồ của Chúa Giê-su được xức dầu để trở nên thành viên của “chức tế-lễ thánh”. Như dân Y-sơ-ra-ên sống trong lều vài ngày, những người được xức dầu hiểu rằng họ chỉ “như người ở trọ” trong thế gian không tin kính này. Hy vọng của họ là ở trên trời. (1 Phi-e-rơ 2:5, 11) Trong “ngày sau-rốt” này, việc thu nhóm các tín đồ xức dầu được hoàn tất với việc tập hợp những thành viên cuối cùng trong số 144.000 người.—2 Ti-mô-thê 3:1.

17, 18. (a) Điều gì cho thấy sự hy sinh của Chúa Giê-su còn mang lại lợi ích cho những người khác, ngoài các tín đồ Đấng Christ được xức dầu? (b) Ngày nay, ai đang được lợi ích từ Lễ Lều Tạm theo nghĩa tượng trưng, và khi nào kỳ lễ vui mừng này sẽ đạt đến cao điểm?

17 Điều đáng lưu ý là trong dịp lễ cổ xưa này, người ta đã dâng 70 con bò. (Dân-số Ký 29:12-34) Bảy mươi là 7 nhân 10, trong Kinh Thánh đây là những con số tượng trưng cho sự trọn vẹn ở trên trời và dưới đất. Như vậy, sự hy sinh của Chúa Giê-su sẽ mang lại lợi ích cho những người trung thành từ tất cả 70 gia đình sinh ra từ dòng Nô-ê. (Sáng-thế Ký 10:1-29) Phù hợp với điều đó, vào thời chúng ta, việc thu nhóm được mở rộng ra cho cả những người từ mọi nước đang thực hành đức tin nơi Chúa Giê-su và có hy vọng sống trong địa đàng.

18 Sứ đồ Giăng đã có sự hiện thấy về việc thu nhóm trong thời hiện đại này. Trước hết, ông nghe thông báo việc đóng ấn những người cuối cùng thuộc số 144.000 người. Kế đến, ông nhìn thấy một đám đông “vô-số người, không ai đếm được”, đứng trước Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su, “tay cầm nhành chà-là”. Đây là những người được thoát “khỏi cơn đại-nạn” để vào thế giới mới. Họ cũng là những người ở trọ trong hệ thống hiện tại, và đang tin tưởng trông đợi đến ngày ‘Chiên Con sẽ chăn-giữ và đưa họ đến những suối nước sống’. Lúc đó, “Đức Chúa Trời sẽ lau hết nước mắt nơi mắt [họ]”. (Khải-huyền 7:1-10, 14-17) Lễ Lều Tạm theo nghĩa tượng trưng sẽ đạt đến cao điểm sau Triều Đại Một Ngàn Năm của Đấng Christ, khi đám đông cùng những người được sống lại nhận được sự sống đời đời.—Khải-huyền 20:5.

19. Chúng ta được lợi ích thế nào khi xem xét các ngày lễ của dân Y-sơ-ra-ên?

19 Chúng ta cũng có thể “vui-mừng trọn-vẹn” khi suy ngẫm về ý nghĩa các ngày lễ xưa của người Do Thái. Thật thích thú khi biết Đức Giê-hô-va đã cho thấy trước cách Ngài làm ứng nghiệm lời tiên tri trong vườn Ê-đen, và cũng thật phấn khích khi nhìn thấy từng bước lời tiên tri ấy được ứng nghiệm. Ngày nay, chúng ta biết người Dòng Dõi đã xuất hiện và đã bị cắn gót chân. Giờ đây, ngài là Vua trên trời. Ngoài ra, phần đông trong số 144.000 người đã chứng tỏ lòng trung thành cho đến chết. Tiếp theo sẽ là gì? Bao lâu nữa lời tiên tri đó mới hoàn toàn ứng nghiệm? Điều này sẽ được thảo luận trong bài tiếp theo.

[Chú thích]

^ đ. 4 Tháng Ni-san tương ứng với tháng Ba/tháng Tư dương lịch.

^ đ. 7 Khi dâng hai ổ bánh có pha men này, thầy tế lễ thường cầm hai ổ bánh trong lòng bàn tay, giơ tay lên và đưa qua đưa lại từ bên này sang bên kia. Động tác này tượng trưng cho việc dâng của-lễ lên cho Đức Giê-hô-va.—Xem Insight on the Scriptures (Thông hiểu Kinh Thánh), Tập 2, trang 528, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

^ đ. 11 Tháng Ê-tha-ninh, hay tháng Tishri, tương ứng với tháng Chín/tháng Mười dương lịch.

Bạn giải thích thế nào?

• Chiên con sinh tế trong Lễ Vượt Qua là hình bóng cho điều gì?

• Lễ Ngũ Tuần là hình bóng cho việc thu nhóm nào?

• Những nghi thức nào trong Ngày Lễ Chuộc Tội cho thấy lợi ích mà sự hy sinh của Chúa Giê-su mang lại?

• Lễ Lều Tạm là hình bóng cho việc thu nhóm tín đồ Đấng Christ như thế nào?

[Câu hỏi thảo luận]

[Biểu đồ nơi trang 22, 23]

(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)

Lễ Vượt Qua

14 Ni-san

Nghi thức:

Chiên con bị giết

Hình bóng cho:

Chúa Giê-su hy sinh

Lễ Bánh Không Men (15-21 Ni-san)

15 Ni-san

Nghi thức:

Ngày Sa-bát

16 Ni-san

Nghi thức:

Dâng bó lúa mạch

Hình bóng cho:

Chúa Giê-su sống lại

50 ngày

Lễ Các Tuần (“Lễ Ngũ Tuần”)

6 Si-van

Nghi thức:

Dâng hai ổ bánh

Hình bóng cho:

Chúa Giê-su trình lên Đức Giê-hô-va những anh em được xức dầu

Ngày Lễ Chuộc Tội

10 Tishri

Nghi thức:

Dâng một con bò đực tơ và hai con dê

Hình bóng cho:

Chúa Giê-su dâng giá trị huyết ngài đổ ra vì lợi ích nhân loại

Lễ Lều Tạm (Lễ Mùa Màng)

15-21 Tishri

Nghi thức:

Dân Y-sơ-ra-ên ở trong lều, vui mừng về mùa gặt và dâng 70 con bò Hình bóng cho:

Việc thu nhóm những người được xức dầu và đám đông “vô-số người”

[Các hình nơi trang 21]

Giống như huyết của chiên con sinh tế trong Lễ Vượt Qua, huyết Chúa Giê-su mang lại sự cứu rỗi cho nhiều người

[Các hình nơi trang 22]

Bó lúa mạch đầu mùa được dâng vào ngày 16 Ni-san là hình bóng cho sự sống lại của Chúa Giê-su

[Các hình nơi trang 23]

Hai ổ bánh được dâng vào Lễ Ngũ Tuần là hình bóng cho hội thánh tín đồ Đấng Christ được xức dầu

[Các hình nơi trang 24]

Lễ Lều Tạm là hình bóng cho việc thu nhóm đầy vui mừng những người được xức dầu, cùng đám đông đến từ mọi nước