Quyết định đúng mang lại ân phước suốt đời
Tự Truyện
Quyết định đúng mang lại ân phước suốt đời
Do Paul Kushnir kể lại
VÀO năm 1897, ông bà ngoại tôi di cư từ Ukraine đến Canada và sống gần thị trấn Yorkton, tỉnh Saskatchewan. Họ dẫn theo bốn người con, ba trai một gái. Đến năm 1923, cô con gái đó, Marinka, trở thành mẹ tôi; và tôi là người con thứ bảy. Đời sống lúc ấy rất đơn giản và an ninh. Chúng tôi được ăn no mặc ấm, và chính phủ cung cấp những dịch vụ cơ bản. Những người láng giềng thân thiện sẵn sàng giúp nhau làm những công việc đòi hỏi nhiều sức lao động. Mùa đông năm 1925, một Học Viên Kinh Thánh (tên gọi của Nhân Chứng Giê-hô-va lúc bấy giờ) đã gõ cửa nhà chúng tôi. Cũng từ cuộc viếng thăm đó, chúng tôi có những quyết định mà đến tận bây giờ, tôi vẫn thấy thỏa lòng.
Lẽ thật Kinh Thánh đến với gia đình chúng tôi
Mẹ tôi đã nhận vài sách mỏng từ Học Viên Kinh Thánh ấy, và nhanh chóng nhận ra đây chính là lẽ thật. Mẹ tiến bộ rất nhanh về thiêng liêng và báp têm vào năm 1926. Khi mẹ trở thành Học Viên Kinh Thánh, gia đình tôi bắt đầu có một quan điểm khác hẳn về cuộc sống. Nhà chúng tôi trở thành nơi tiếp đón anh em. Các giám thị lưu động và những Học Viên khác hay lưu trú lại nhà chúng tôi. Vào năm 1928, một giám thị lưu động đã cho chúng tôi xem “Kịch Eureka”, một vở được đơn giản hóa từ “Kịch-Ảnh về sự sáng tạo”. Bác ấy mượn con ếch đồ chơi của bọn trẻ chúng tôi để làm dụng cụ báo hiệu chuyển hình. Chúng tôi rất hãnh diện về phần đóng góp của mình!
Một giám thị lưu động tên là Emil Zarysky thường lái căn nhà di động của bác đến thăm chúng tôi. Đôi khi bác ấy đi với người con trai lúc đó đã lớn, anh ấy khuyến khích bọn trẻ chúng tôi hãy nghĩ tới công việc truyền giáo trọn thời gian, hoặc tiên phong. Cũng có nhiều anh chị tiên phong ở lại nhà chúng tôi. 1 Phi-e-rơ 4:8, 9.
Có lần, mẹ tôi cho một anh tiên phong mượn áo sơ-mi vì mẹ đang vá chiếc áo của anh ấy. Đến khi ra đi, anh đã vô tình mang theo chiếc áo. Rất lâu sau đó, anh ấy gởi trả lại và kèm theo lời xin lỗi vì đã giữ chiếc áo quá lâu. Anh viết: “Tôi không có đủ 10 xu để trả tiền cước bưu điện”. Chúng tôi nghĩ phải chi anh ấy cứ giữ luôn chiếc áo. Tôi hy vọng một ngày nào đó mình có thể noi gương của những người tiên phong hy sinh quên mình như thế. Tôi cảm ơn lòng hiếu khách của mẹ, vì tinh thần đó đã làm cho đời sống chúng tôi trở nên phong phú và vun đắp trong chúng tôi tình yêu thương anh em.—Cha không trở thành Học Viên Kinh Thánh, nhưng cũng không chống đối chúng tôi. Năm 1930, cha còn cho các anh mượn căn nhà kho rộng lớn để tổ chức hội nghị một ngày. Dù lúc ấy mới lên bảy, nhưng tôi thật sự ấn tượng trước buổi họp vui vẻ và trang trọng ấy. Cha qua đời vào năm 1933. Tuy là góa phụ với tám đứa con, mẹ không hề lay chuyển quyết tâm nuôi dạy chúng tôi theo đường lối của sự thờ phượng thật. Mẹ luôn dẫn tôi cùng đi nhóm họp. Đối với tôi, có lúc những buổi nhóm họp dường như dài vô kể, tôi ước được ra ngoài chạy nhảy với những bạn khác. Tuy nhiên, tôi ngồi lại buổi nhóm vì muốn vâng lời mẹ. Trong lúc nấu ăn, mẹ thường trích một câu Kinh Thánh nào đó và đố tôi tìm ra địa chỉ trong Kinh Thánh. Gia đình tôi được mùa bội thu vào năm 1933, và mẹ dùng số tiền ấy để mua một chiếc xe hơi. Vài người hàng xóm chỉ trích mẹ xài tiền hoang phí, nhưng mẹ mong rằng chiếc xe đó sẽ giúp ích cho chúng tôi trong những hoạt động thần quyền. Mẹ đã đúng.
Những người khác giúp tôi có quyết định đúng
Người trẻ rồi cũng đến tuổi phải tự quyết định cho tương lai của mình. Khi đến tuổi đó, chị Helen và chị Kay của tôi bắt đầu công việc tiên phong. Anh John Jazewsky, một tiên phong từng ở nhà chúng tôi, là một anh rất tốt. Mẹ đề nghị anh ấy ở lại một thời gian để giúp công việc của nông trại. Sau đó, anh John kết hôn với chị Kay, và họ làm tiên phong ở một vùng cách nhà chúng tôi không xa lắm. Năm tôi lên 12 tuổi, họ rủ tôi cùng đi rao giảng vào những tháng hè. Vì thế tôi có dịp “nếm thử” đời sống tiên phong.
Với thời gian, tôi cùng anh trai là John có thể trông coi phần nào công việc ở nông trại. Nhờ vậy, mẹ có thể dành những tháng hè để tham gia công việc mà ngày nay gọi là tiên phong phụ trợ. Mẹ đi lại bằng chiếc xe hai bánh do một con ngựa già kéo. Trước đây, cha đặt tên cho con ngựa bướng bỉnh ấy là Saul, nhưng đối với mẹ, nó là một con vật ngoan ngoãn và dễ dạy. Anh John và tôi rất yêu thích công việc ở nông trại, nhưng mỗi khi mẹ đi rao giảng về và kể lại những kinh nghiệm, dần dần chúng tôi cảm thấy yêu thích công việc tiên phong hơn là chăm sóc nông trại. Năm 1938, tôi đi rao giảng nhiều hơn và làm báp têm vào ngày 9-2-1940.
Một thời gian sau, tôi được bổ nhiệm làm tôi tớ phụng sự trong hội thánh. Tôi đảm trách việc báo cáo của hội thánh và rất phấn khởi mỗi khi thấy có sự gia tăng. Tôi có một khu vực rao giảng riêng trong một thị trấn, cách nhà khoảng 15 cây số. Suốt mùa đông, mỗi tuần tôi đi bộ đến đó và trú ngụ một hai đêm trên gác mái của một gia đình chú ý Kinh Thánh. Một lần nọ, tôi thiếu tế nhị một chút khi thảo luận với người truyền giáo đạo Luther, nên ông ấy dọa sẽ gọi cảnh sát bắt tôi nếu không để chiên của ông ấy yên. Thái độ đó càng khiến tôi kiên quyết hơn để tiếp tục công việc.
Năm 1942, chị Kay cùng chồng định đi dự một đại hội ở Cleveland, tiểu bang
Ohio, Hoa Kỳ. Tôi thật phấn khởi khi họ bảo tôi cùng đi chung. Đó là một trong những dịp đặc biệt nhất của đời tôi. Đại hội ấy càng củng cố quyết tâm của tôi về dự định cho tương lai. Khi anh Nathan Knorr, lúc ấy là người dẫn đầu công việc trên khắp toàn cầu, kêu gọi 10.000 người tham gia công việc tiên phong, tôi liền quyết định gia nhập số ấy!Tháng Giêng năm 1943, anh Henry, một giám thị lưu động đến thăm hội thánh chúng tôi. Anh ấy nói một bài giảng thật khích lệ, khiến lòng chúng tôi sôi sục nhiệt huyết. Ngày hôm sau, nhiệt độ xuống đến âm 40 độ C, và gió mùa tây bắc càng khiến thời thiết trở nên giá rét hơn. Vào những lần trời giá rét như thế thì chúng tôi thường ở nhà, nhưng anh Henry vẫn háo hức ra ngoài để rao giảng. Anh cùng một số anh khác dùng chiếc xe ngựa kéo có mui và bếp củi, đến một ngôi làng cách đó khoảng 11 cây số. Một mình tôi viếng thăm một gia đình có năm cậu con trai. Họ nhận lời mời học Kinh Thánh và cuối cùng tiếp nhận lẽ thật.
Rao giảng trong giai đoạn bị cấm đoán
Trong Thế Chiến II, công việc Nước Trời tại Canada bị cấm đoán. Chúng tôi phải giấu các ấn phẩm giải thích Kinh Thánh, và nông trại của gia đình tôi có rất nhiều chỗ để giấu ấn phẩm. Cảnh sát thường ghé lục soát nhà chúng tôi, nhưng không tìm được gì. Chúng tôi chỉ dùng Kinh Thánh khi đi rao giảng, và họp lại theo từng nhóm nhỏ. Tôi và anh trai, John, được chọn làm người liên lạc bí mật.
Trong thời chiến, hội thánh chúng tôi tham gia đợt phân phát toàn quốc sách nhỏ End of Nazism. Chúng tôi làm công việc này vào nửa đêm. Tôi cảm thấy rất sợ khi chúng tôi len lén đến cửa từng nhà và để lại sách trước cửa nhà người ta. Đó là công việc đáng sợ nhất tôi từng làm. Thật nhẹ nhõm biết bao khi phát được cuốn cuối cùng! Sau đó, chúng tôi vội vàng trở lại chỗ đậu xe, kiểm lại số người và biến mất trong bóng đêm.
Công việc tiên phong, nhà tù và các hội nghị
Ngày 1-5-1943, với 20 đôla trong ví và một vali nhỏ, tôi chào từ biệt mẹ để lên đường đến nhiệm sở tiên phong đầu tiên. Anh Tom Troop và gia đình đáng mến của anh ở thị trấn Quill Lake, tỉnh Saskatchewan, đã niềm nở tiếp đãi tôi. Năm sau, tôi đến một khu vực hẻo lánh ở Weyburn, Saskatchewan. Trong lúc đang rao giảng trên đường phố vào ngày 24-12-1944, tôi bị bắt. Sau một thời gian bị tạm giữ tại trại giam địa phương, tôi được đưa đến trại giam ở Jasper, Alberta. Bao quanh tôi và những Nhân Chứng khác là công trình sáng tạo vĩ đại của Đức Giê-hô-va, rặng núi Rockies ở Canada. Đầu năm 1945, các viên chức trại giam cho phép chúng tôi tham dự một buổi họp ở Edmonton, tỉnh Alberta. Anh Knorr cho biết một báo cáo khích lệ về tiến độ của công việc trên khắp thế giới. Chúng tôi mong chờ đến ngày được tự do và lại được tham gia trọn vẹn trong thánh chức.
Khi được ra trại, tôi trở lại công việc tiên phong. Không lâu sau đó, có thông báo là Hội Nghị “Sự bành trướng ở mọi nước” sẽ được tổ chức tại thành phố Los Angeles, tiểu bang California. Trong nhiệm sở tiên phong mới của tôi, có một anh đã xếp ghế trên xe tải của anh để chở được 20 người. Ngày 1-8-1947, chúng tôi khởi hành một chuyến đi không thể nào quên. Chúng tôi trải qua 7.200 cây số, băng qua nhiều thảo nguyên và sa mạc với những phong cảnh hùng vĩ, kể cả hai công viên quốc gia là Yellowstone và Yosemite. Cuộc hành trình 27 ngày đó quả là một chuyến đi tuyệt vời.
Chính đại hội cũng là một dịp đặc biệt đáng nhớ. Để tham gia trọn vẹn hơn, tôi tình nguyện làm công việc hướng dẫn vào ban ngày và canh gác vào ban đêm. Sau khi dự buổi họp dành cho những người muốn làm giáo sĩ, tôi đã điền và nộp đơn, nhưng không hy vọng lắm. Trong thời gian chờ đợi, tôi đáp ứng lời kêu gọi tham gia công việc tiên phong tại tỉnh Quebec của Canada vào năm 1948.—Ê-sai 6:8.
Trường Ga-la-át và sau đó
Năm 1949, tôi phấn khởi khi nhận được thư mời tham dự khóa 14 của Trường Kinh Thánh Ga-la-át của Hội Tháp Canh. Khóa huấn luyện này đã củng cố đức tin của tôi và giúp tôi đến gần Đức Giê-hô-va hơn. Lúc đó anh John và chị Kay đã tốt nghiệp khóa 11, họ đang phụng sự với tư cách giáo sĩ ở miền Bắc Rhodesia (nay là Zambia). John, anh trai của tôi, cũng tốt nghiệp Trường Ga-la-át vào năm 1956. Anh cùng vợ là Frieda phụng sự ở Brazil trong 32 năm cho tới khi anh qua đời.
Tháng 2 năm 1950, vào ngày tốt nghiệp, tôi được khích lệ rất nhiều khi nhận được hai bức điện tín, một của mẹ và một của gia đình anh Tom Troop ở Quill Lake. Bức điện của gia đình anh Tom là một bài thơ với tựa đề: “Lời khuyên cho tân khoa”. Nội dung như sau: “Hôm nay thật đặc biệt. Một ngày anh nhớ mãi. Thành công và niềm vui. Mãi mãi thuộc về anh”.
Nhiệm sở của tôi là thành phố Quebec, nhưng tôi đã lưu trú một thời gian tại Nông Trại Nước Trời, tiểu bang New York, từng là nơi tọa lạc của Trường Ga-la-át. Một ngày nọ, anh Knorr hỏi tôi có sẵn lòng đến phục vụ tại Bỉ không. Vài ngày sau, anh lại hỏi tôi có muốn nhận nhiệm sở ở Hà Lan không. Thư bổ nhiệm chỉ thị rằng tôi sẽ “đảm nhận công việc của một tôi tớ chi nhánh”. Lúc ấy tôi cảm thấy thật choáng ngợp.
Ngày 24-8-1950, tôi bắt đầu chuyến hải trình 11 ngày đến Hà Lan, đủ thời gian để đọc hết cuốn New World Translation of the Christian Greek Scriptures (Bản dịch Kinh Thánh Thế Giới Mới phần tiếng Hy Lạp) vừa được ra mắt. Tôi cập bến ở Rotterdam vào ngày 5-9-1950 và được gia đình Bê-tên ở đó tiếp đón nồng nhiệt. Bất kể sự tàn phá của Thế Chiến II, anh em ở đó vẫn trở lại với những sinh hoạt của tín đồ Đấng Christ. Khi nghe báo cáo về lòng trung kiên của họ trước sự bắt bớ gay gắt, tôi thầm nghĩ sẽ khó khăn cho họ nếu làm việc dưới sự hướng dẫn của một tôi tớ chi nhánh trẻ tuổi và ít kinh nghiệm như tôi. Tuy nhiên, tôi mau chóng nhận ra mình không có lý do để lo sợ.
Dĩ nhiên, có một số việc cần xem xét. Tôi đến Hà Lan ngay trước một kỳ đại hội, và thật sự ấn tượng khi thấy cảnh hàng ngàn đại biểu trú ngụ tại khuôn viên đại hội. Đến kỳ đại hội sau, tôi đề nghị tìm nhà riêng để làm nơi tạm trú cho các đại biểu. Các anh khác nghĩ đó là ý kiến hay, nhưng bất khả thi trong đất nước của họ. Sau khi bàn bạc về vấn đề này, chúng tôi đi đến thỏa thuận—một nửa số đại biểu sẽ ở tại địa điểm đại hội, nửa còn lại thì trọ ở nhà của những người không phải Nhân Chứng trong thành phố có đại hội. Một chút tự hào, tôi cho anh Knorr biết kết quả của quyết định này khi anh đến tham dự đại hội. Tuy nhiên, sau đó niềm tự hào của tôi nhanh chóng tan biến khi đọc trên Tháp Canh một báo cáo về đại hội của chúng tôi. Trong đó có đoạn nói: “Chúng tôi tin chắc rằng lần sau các anh sẽ có đức tin hơn, và cố gắng tìm nơi trú ngụ cho những người tham dự đại hội ở nơi tốt nhất
để làm chứng—nhà dân”. Đó là điều chúng tôi đã thực hiện vào “lần sau”!Tháng 7 năm 1961, hai người đại diện của văn phòng chi nhánh chúng tôi được mời đến Luân Đôn để tham dự cuộc họp với những anh đại diện của các chi nhánh khác. Anh Knorr thông báo rằng cuốn New World Translation of the Holy Scriptures (Bản dịch Kinh Thánh Thế Giới Mới) sẽ được dịch ra nhiều ngôn ngữ khác, kể cả tiếng Hà Lan. Quả là một tin phấn khởi! May là chúng tôi không hình dung được quy mô của dự án. Hai năm sau, vào năm 1963, tôi hân hạnh được dự phần trong một chương trình tại một đại hội ở New York. Trong đại hội này, cuốn New World Translation of the Christian Greek Scriptures được ra mắt trong tiếng Hà Lan.
Những quyết định và nhiệm sở mới
Tháng 8 năm 1961, tôi kết hôn với Leida Wamelink. Cả gia đình Leida nhận lẽ thật vào năm 1942, trong giai đoạn Quốc Xã bắt bớ dữ dội. Leida bắt đầu công việc tiên phong từ năm 1950 và phụng sự trong nhà Bê-tên từ năm 1953. Qua cách làm việc của Leida trong nhà Bê-tên và hội thánh, tôi nhận thấy cô ấy là một người bạn sẽ cùng tôi trung thành thi hành thánh chức.
Hơn một năm sau khi cưới, chúng tôi được mời đến Brooklyn để dự thêm khóa huấn luyện dài 10 tháng. Vào thời điểm đó, chưa có sắp đặt cho vợ cùng đi theo chồng. Dù tình trạng sức khỏe không ổn, Leida vẫn trìu mến nói rằng tôi nên nhận lời mời. Sau đó, sức khỏe của Leida càng xuống dốc. Vợ chồng tôi cố gắng tiếp tục công việc tại Bê-tên, nhưng rồi chúng tôi nhận thấy rằng tiếp tục phụng sự trọn thời gian nơi cánh đồng thì thích hợp hơn. Vì vậy, chúng tôi bắt đầu phục vụ trong công tác lưu động. Không lâu sau, vợ tôi phải trải qua một ca mổ nghiêm trọng. Với sự trợ giúp đầy yêu thương của những người bạn đồng đức tin, chúng tôi vượt qua được tình cảnh ấy. Một năm sau, tôi và vợ còn có thể đảm nhận công việc địa hạt.
Tôi và Leida phụng sự bảy năm trong công tác lưu động, một công việc đầy phấn khởi. Rồi chúng tôi lại phải suy nghĩ về một quyết định quan trọng, đó là khi tôi nhận được lời mời đến Bê-tên làm giảng viên cho Trường Thánh Chức Nước Trời. Vợ chồng tôi đồng ý, dù đó là một sự thay đổi rất lớn vì chúng tôi rất yêu thích công tác lưu động. Qua 47 khóa của trường, mỗi khóa dài hai tuần, chúng tôi có cơ hội chia sẻ với các trưởng lão về những ân phước thiêng liêng.
Trong thời gian đó, tôi dự định sẽ về thăm mẹ vào năm 1978. Nhưng đến ngày 29-4-1977, tôi bất ngờ nhận được điện tín báo tin mẹ tôi đã qua đời. Lòng tôi tê tái khi biết rằng không còn được nghe giọng nói ấm áp của mẹ, không còn cơ hội để cảm ơn về tất cả những điều mẹ làm cho tôi.
Sau khi kết thúc khóa học của Trường Thánh Chức Nước Trời, chúng tôi được mời làm thành viên của gia đình Bê-tên. Trong những năm sau đó, tôi phụng sự mười năm với tư cách điều phối viên của Ủy Ban Chi Nhánh. Với thời gian, Hội Đồng Lãnh Đạo Trung Ương bổ nhiệm một điều phối viên mới, người có thể đảm nhận công việc này tốt hơn. Tôi rất biết ơn về điều này.
Phụng sự khi tuổi tác còn cho phép
Hiện nay tôi và Leida đều đã ở tuổi 83. Tôi vui thích trong việc phụng sự trọn thời gian hơn 60 năm, 45 năm sau này cùng phụng sự với người vợ chung thủy của tôi. Leida xem việc ủng hộ tôi trong mọi công tác là một phần của việc phụng sự Đức Giê-hô-va. Hiện nay, trong nhà Bê-tên và hội thánh, chúng tôi làm những gì mình có thể.—Ê-sai 46:4.
Đôi khi, chúng tôi thích nhớ lại những điểm mốc quan trọng trong cuộc đời. Chúng tôi không hối tiếc về những công việc mình đã thực hiện để phụng sự Đức Giê-hô-va, và luôn tin rằng những quyết định ban đầu là tốt nhất. Chúng tôi kiên quyết tiếp tục phụng sự và tôn vinh Đức Giê-hô-va với hết sức lực mình.
[Hình nơi trang 13]
Với Bill, anh trai của tôi và Saul, con ngựa của chúng tôi
[Hình nơi trang 15]
Trong ngày cưới vào tháng 8 năm 1961
[Hình nơi trang 15]
Hiện nay với Leida