Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Dạy những gì Kinh Thánh thật sự dạy

Dạy những gì Kinh Thánh thật sự dạy

Dạy những gì Kinh Thánh thật sự dạy

“Hãy đi dạy-dỗ muôn-dân”.—MA-THI-Ơ 28:19, 20.

1. Kinh Thánh phổ biến như thế nào?

LỜI ĐỨC GIÊ-HÔ-VA, tức Kinh Thánh, là một trong những sách xưa nhất và được phát hành rộng rãi nhất trên thế giới. Kinh Thánh đã được dịch toàn bộ hoặc từng phần trong hơn 2.300 thứ tiếng, điều đó có nghĩa là hơn 90 phần trăm dân số thế giới có thể đọc sách này bằng ngôn ngữ của họ.

2, 3. (a) Tại sao người ta hoang mang về các dạy dỗ của Kinh Thánh? (b) Các câu hỏi nào sẽ được xem xét?

2 Hàng triệu người đọc Kinh Thánh mỗi ngày. Nhiều người đã đọc toàn bộ sách này nhiều lần. Hàng ngàn tôn giáo cho rằng sự dạy dỗ của họ dựa trên Kinh Thánh. Tuy nhiên, họ lại không thống nhất về những điều Kinh Thánh dạy. Thêm vào đó là những bất đồng lớn về quan điểm giữa những người trong cùng tôn giáo. Một số người nghi ngờ Kinh Thánh, cũng như nguồn gốc và giá trị của sách. Nhiều người khác thì xem đó là một sách thánh, chỉ để dùng trong các nghi thức tuyên thệ hay thề nói sự thật trước tòa.

3 Thật ra, Kinh Thánh chứa đựng lời, hay thông điệp, mạnh mẽ của Đức Chúa Trời dành cho nhân loại. (Hê-bơ-rơ 4:12) Vì thế, là Nhân Chứng của Đức Giê-hô-va, chúng ta muốn người ta biết những gì Kinh Thánh dạy. Chúng ta vui mừng thực thi sứ mạng mà Chúa Giê-su giao cho môn đồ: “Hãy đi dạy-dỗ muôn-dân”. (Ma-thi-ơ 28:19, 20) Qua thánh chức, chúng ta gặp những người có lòng thành thật vô cùng hoang mang trước sự dạy dỗ lộn xộn của các tôn giáo trên thế giới. Họ muốn biết Đấng Tạo Hóa là ai cũng như những gì Kinh Thánh dạy về ý nghĩa đời sống. Hãy xem ba câu hỏi mà nhiều người thắc mắc. Trong mỗi câu hỏi, chúng ta sẽ xem những lời giải thích sai lầm mà các nhà lãnh đạo tôn giáo đưa ra, và kế đến là những gì Kinh Thánh thật sự dạy. Ba câu hỏi đó là: (1) Đức Chúa Trời có quan tâm đến chúng ta không? (2) Tại sao chúng ta hiện hữu? (3) Điều gì xảy ra sau khi chết?

Đức Chúa Trời có quan tâm không?

4, 5. Tại sao nhiều người nghĩ Đức Chúa Trời không quan tâm đến nhân loại?

4 Hãy bắt đầu với câu hỏi: Đức Chúa Trời có quan tâm đến chúng ta không? Điều đáng buồn là nhiều người nghĩ Ngài không quan tâm. Tại sao họ lại nghĩ như thế? Một lý do là vì họ đang sống trong một thế giới đầy hận thù, chiến tranh và đau khổ. Họ lập luận rằng: ‘Nếu Đức Chúa Trời thật sự quan tâm, chắc chắn Ngài đã ngăn chặn không để những điều này xảy ra’.

5 Một lý do khác khiến người ta nghĩ Đức Chúa Trời không quan tâm là vì sự dạy dỗ của các nhà lãnh đạo tôn giáo. Mỗi khi tai họa xảy ra, hàng giáo phẩm thường nói gì? Khi một phụ nữ mất hai con nhỏ trong một tai nạn xe cộ, mục sư của bà an ủi: “Đó là ý Chúa. Chúa cần thêm hai thiên thần”. Khi nói như thế, thật ra hàng giáo phẩm đang đổ lỗi cho Đức Chúa Trời về những điều tệ hại xảy ra. Tuy nhiên, môn đồ Gia-cơ viết: “Chớ có ai đương bị cám-dỗ mà nói rằng: Ấy là Đức Chúa Trời cám-dỗ tôi; vì Đức Chúa Trời chẳng bị sự ác nào cám-dỗ được, và chính Ngài cũng không cám-dỗ ai”. (Gia-cơ 1:13) Giê-hô-va Đức Chúa Trời không bao giờ gây ra điều ác. Thật thế, “Đức Chúa Trời chẳng hề hành ác”.—Gióp 34:10.

6. Ai đứng đằng sau mọi sự gian ác và đau khổ trên thế giới?

6 Vậy, tại sao có quá nhiều sự gian ác và đau khổ như thế? Một lý do là vì nhân loại nói chung không chấp nhận sự cai trị của Đức Chúa Trời, họ không muốn phục tùng luật pháp và nguyên tắc công bình của Ngài. Khi làm thế, nhân loại đã vô tình đặt mình dưới ách cai trị của kẻ nghịch thù Đức Chúa Trời, là Sa-tan, vì “cả thế-gian đều phục dưới quyền ma-quỉ”. (1 Giăng 5:19) Ý thức điều này giúp chúng ta dễ dàng hiểu tại sao có quá nhiều sự gian ác và đau khổ như thế. Sa-tan là kẻ độc ác, dối trá, đầy ghen ghét và dã tâm. Vì thế, chúng ta không ngạc nhiên khi thế gian này phản ánh cá tính của kẻ cai trị nó và đầy dẫy sự gian ác!

7. Một số nguyên nhân gây ra đau khổ là gì?

7 Một nguyên nhân khác gây ra đau khổ là sự bất toàn của con người. Con người tội lỗi có khuynh hướng thích tranh giành quyền lực, và điều đó thường dẫn đến chiến tranh, áp bức và khổ sở. Truyền-đạo 8:9 nói thật đúng: “Người nầy cai-trị trên người kia mà làm tai hại cho người ấy”. Một nguyên nhân khác nữa là “thời-thế và cơ-hội [“sự bất trắc”, NW]”. (Truyền-đạo 9:11) Tai họa có thể xảy đến bất thình lình cho bất cứ ai.

8, 9. Vì sao chúng ta biết Đức Giê-hô-va thật sự quan tâm đến chúng ta?

8 Thật an ủi khi biết rằng Đức Chúa Trời không gây ra đau khổ. Nhưng Ngài có thật sự quan tâm đến những gì đang xảy ra trong đời sống chúng ta không? Thật ấm lòng vì câu trả lời là có! Chúng ta biết Ngài có quan tâm vì qua Kinh Thánh, Đức Chúa Trời giải thích cho chúng ta hiểu tại sao Ngài để cho nhân loại đi theo đường lối bại hoại. Lý do đó liên quan đến hai vấn đề trọng yếu: quyền tối thượng của Đức Chúa Trời và lòng trung kiên của con người. Là Đấng Tạo Hóa toàn năng, Đức Giê-hô-va không bắt buộc phải giải thích với chúng ta. Nhưng Ngài đã làm thế vì Ngài quan tâm đến chúng ta.

9 Cũng hãy xem một bằng chứng khác về lòng quan tâm của Đức Chúa Trời. Ngài “buồn-rầu trong lòng” khi thấy sự hung ác lan tràn trên mặt đất vào thời Nô-ê. (Sáng-thế Ký 6:5, 6) Ngày nay Ngài còn cảm thấy như thế không? Đức Giê-hô-va không hề thay đổi. (Ma-la-chi 3:6) Ngài ghét mọi hình thức bất công và không muốn thấy loài người chịu khổ. Kinh Thánh dạy rằng không bao lâu nữa Ngài sẽ sửa chữa mọi thiệt hại do sự cai trị của con người và ảnh hưởng của Ma-quỉ gây ra. Chẳng phải đó là bằng chứng thuyết phục cho thấy Đức Chúa Trời quan tâm đến chúng ta hay sao?

10. Đức Giê-hô-va cảm thấy thế nào trước sự đau khổ của nhân loại?

10 Thật ra các nhà lãnh đạo tôn giáo đã khiến người ta nghĩ sai về Đức Chúa Trời khi nói rằng các tai họa xảy ra là do ý Chúa. Sự thật là Đức Giê-hô-va nóng lòng muốn chấm dứt sự đau khổ của nhân loại. Câu 1 Phi-e-rơ 5:7 nói: “Ngài hay săn-sóc anh em”. Đó là điều Kinh Thánh thật sự dạy!

Tại sao chúng ta hiện hữu?

11. Các tôn giáo trên thế giới thường giải thích thế nào về sự hiện hữu của con người trên đất?

11 Hãy xem xét câu hỏi thứ nhì mà nhiều người thắc mắc: Tại sao chúng ta hiện hữu? Các tôn giáo trên thế giới thường giải thích rằng trái đất chỉ là nơi tạm trú của con người mà thôi. Họ xem trái đất chẳng khác nào một trạm dừng chân trước khi người ta đi đến cuộc sống ở một nơi khác. Một số tu sĩ còn dạy những điều sai lầm như một ngày nào đó Đức Chúa Trời sẽ hủy diệt hành tinh này. Những sự dạy dỗ như thế khiến nhiều người đi đến kết luận là tốt hơn nên tận hưởng đời sống, vì cuối cùng ai cũng phải chết. Kinh Thánh thật sự dạy gì về vấn đề này?

12-14. Kinh Thánh dạy gì về ý định của Đức Chúa Trời đối với trái đất và loài người?

12 Đức Chúa Trời có một ý định tuyệt diệu cho trái đất và nhân loại. Ngài “chẳng phải dựng nên [trái đất] là trống-không, bèn đã làm nên để dân ở”. (Ê-sai 45:18) Hơn nữa, Đức Giê-hô-va “sáng-lập đất trên các nền nó; đất sẽ không bị rúng-động đến đời đời”. (Thi-thiên 104:5) Học biết về ý định của Đức Chúa Trời đối với trái đất và nhân loại sẽ giúp chúng ta hiểu tại sao mình hiện hữu.

13 Sáng-thế Ký chương 1 và 2 cho thấy Đức Giê-hô-va đã sửa soạn trái đất một cách chu đáo để làm nơi ở cho loài người. Khi công trình tạo dựng trên đất hoàn tất, mọi việc đều “rất tốt-lành”. (Sáng-thế Ký 1:31) Đức Chúa Trời đặt người nam và người nữ đầu tiên, A-đam và Ê-va, vào khu vườn Ê-đen xinh đẹp và ban cho họ vô số thức ăn ngon. Cặp vợ chồng đầu tiên được giao công việc: “Hãy sanh-sản, thêm nhiều, làm cho đầy-dẫy đất; hãy làm cho đất phục-tùng”. Họ sẽ sinh những người con hoàn toàn, nới rộng khu vườn xinh đẹp ra khắp đất, và chăm sóc các loài thú vật.—Sáng-thế Ký 1:26-28.

14 Ý định của Đức Giê-hô-va là gia đình nhân loại hoàn toàn sẽ sống mãi mãi trên đất. Lời Ngài nói: “Người công-bình sẽ nhận được đất, và ở tại đó đời đời”. (Thi-thiên 37:29) Vâng, nhân loại được tạo nên là để vui hưởng sự sống đời đời trong địa đàng. Đó là ý định của Đức Chúa Trời, và đó là điều Kinh Thánh thật sự dạy!

Điều gì xảy ra sau khi chết?

15. Đa số tôn giáo trên thế giới dạy gì về tình trạng của người chết?

15 Giờ đây chúng ta hãy thảo luận câu hỏi thứ ba mà nhiều người thắc mắc: Điều gì xảy ra sau khi chết? Đa số tôn giáo trên thế giới đều dạy rằng sau khi thân thể chết đi, một phần bên trong con người vẫn tiếp tục sống. Một số đạo vẫn bám vào niềm tin cố hữu cho rằng Đức Chúa Trời hành phạt kẻ ác bằng cách đày họ xuống hỏa ngục đời đời. Điều đó có đúng không? Kinh Thánh thật sự dạy gì về vấn đề này?

16, 17. Theo Kinh Thánh, người chết ở trong tình trạng nào?

16 Lời Đức Chúa Trời nói: “Kẻ sống biết mình sẽ chết; nhưng kẻ chết chẳng biết chi hết, chẳng được phần thưởng gì hết”. Người chết “chẳng biết chi hết”, như vậy họ không thể nghe, thấy, nói, cảm nhận hay suy nghĩ gì. Họ cũng chẳng được phần thưởng gì hết. Làm sao họ có thể được phần thưởng khi không còn làm được gì nữa? Ngoài ra, “sự yêu, sự ghét, sự ganh-gỗ của họ thảy đều tiêu-mất từ lâu” vì họ không còn khả năng bày tỏ cảm xúc.—Truyền-đạo 9:5, 6, 10.

17 Về sự chết, Kinh Thánh giải thích thật rõ ràng, đơn giản—người chết không còn sống ở nơi nào nữa. Sau khi một người chết đi, không có phần nào thoát ra khỏi cơ thể để được tái sinh, hay đầu thai, dưới một thể xác khác như những người tin thuyết luân hồi thường nói. Chúng ta có thể minh họa như vầy: Sự sống giống như ngọn lửa của một cây nến. Khi ngọn lửa bị dập tắt, nó không đi đâu cả. Nó chỉ biến mất.

18. Khi hiểu người chết không còn ý thức nữa, một học viên Kinh Thánh có thể rút ra điều gì?

18 Hãy thử nghĩ xem lẽ thật đơn giản nhưng quan trọng này có những tác động mạnh mẽ nào. Khi hiểu người chết không còn ý thức nữa, một học viên Kinh Thánh có thể dễ dàng nhận ra rằng dù lúc sinh thời ông bà mình có giận dữ đến đâu thì khi chết đi, họ vẫn không thể về quấy phá mình được. Học viên cũng sẽ nhanh chóng hiểu ra rằng vì không còn nghe, thấy, nói, cảm nhận hay suy nghĩ nữa, nên những người thân quá cố của họ sẽ không phải cô đơn khổ ải nơi luyện tội, hoặc bị đày đọa trong hỏa ngục. Trái lại, Kinh Thánh dạy rằng những người đã khuất nhưng vẫn ở trong trí nhớ Đức Chúa Trời thì sẽ được sống lại. Quả là một hy vọng tuyệt diệu!—Giăng 5:28, 29.

Một sách mới để sử dụng

19, 20. Là tín đồ Đấng Christ, chúng ta có trách nhiệm nào, và công cụ học hỏi Kinh Thánh nào đã được biên soạn đặc biệt để dùng trong thánh chức?

19 Chúng ta mới xem xét qua ba câu hỏi mà nhiều người thắc mắc. Trong mỗi trường hợp, chúng ta thấy những điều Kinh Thánh dạy rất rõ ràng và dễ hiểu. Thật là một niềm vui khi được chia sẻ các lẽ thật này với những người muốn biết Kinh Thánh dạy gì! Nhưng còn nhiều câu hỏi quan trọng khác nữa mà những người có lòng thành thật cần được biết câu trả lời thỏa đáng. Là tín đồ Đấng Christ, chúng ta có trách nhiệm giúp họ tìm ra lời giải đáp.

20 Dạy lẽ thật Kinh Thánh một cách đơn giản, dễ hiểu và động đến lòng người nghe không phải là điều dễ. Để giúp chúng ta làm điều này, lớp “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” đã biên soạn một cuốn sách đặc biệt dành cho thánh chức. (Ma-thi-ơ 24:45-47) Cuốn sách dày 224 trang này có tựa đề Kinh Thánh thật sự dạy gì?

21, 22. Sách Kinh Thánh thật sự dạy gì? có một số điểm đặc sắc nào?

21 Sách được ra mắt tại Đại Hội Địa Hạt “Hãy vâng lời Đức Chúa Trời” của Nhân Chứng Giê-hô-va vào năm 2005/2006, và có nhiều điểm đặc sắc. Chẳng hạn, phần mở đầu dài năm trang rất hữu ích cho việc bắt đầu một cuộc học hỏi Kinh Thánh. Anh chị có lẽ nhận thấy các hình và câu Kinh Thánh trong phần này rất tiện lợi để bắt chuyện. Cũng có thể dùng phần này để giải thích cho học viên cách tìm ra chương và câu Kinh Thánh.

22 Lời văn của sách rõ ràng và đơn giản. Sách được viết theo lối khuyến khích sự tham gia của học viên nhằm tác động đến lòng họ. Mỗi chương đều có phần câu hỏi mở đầu và khung ôn lại ở cuối chương, với tựa đề “Những điều Kinh Thánh dạy”. Các câu trả lời dựa trên Kinh Thánh trong khung này tương ứng với các câu hỏi ở đầu chương. Những hình ảnh đẹp cùng lời chú thích hay, và các thí dụ minh họa sẽ giúp học viên dễ nắm các ý tưởng mới. Mặc dù phần chính của sách được trình bày khá đơn giản, nhưng phần phụ lục sẽ giúp anh chị đào sâu hơn 14 chủ đề quan trọng nếu học viên có nhu cầu.

23. Có những lời đề nghị nào liên quan đến cách dùng sách Kinh Thánh dạy?

23 Sách Kinh Thánh dạy được biên soạn nhằm giúp chúng ta hướng dẫn người thuộc nhiều trình độ học vấn cũng như tôn giáo khác nhau. Nếu học viên chưa biết gì về Kinh Thánh, có lẽ không thể học hết một chương trong một buổi học. Đừng cố gắng học nhanh cho mau hết bài, thay vì thế hãy cố gắng động đến lòng học viên. Nếu người học cảm thấy khó hiểu một minh họa nào đó trong sách, hãy giải thích hoặc dùng minh họa khác. Hãy chuẩn bị kỹ, cố gắng sử dụng sách một cách hữu hiệu, và cầu xin Đức Chúa Trời giúp đỡ hầu bạn có thể “lấy lòng ngay-thẳng giảng-dạy lời của lẽ thật”.—2 Ti-mô-thê 2:15.

Hãy biết ơn về các đặc ân vô giá

24, 25. Đức Giê-hô-va ban cho dân Ngài những đặc ân vô giá nào?

24 Đức Giê-hô-va ban cho chúng ta nhiều đặc ân quý giá. Thí dụ, Ngài cho chúng ta biết lẽ thật về Ngài. Chúng ta chớ bao giờ nên xem thường đặc ân đó! Vì Đức Giê-hô-va tiết lộ ý định của Ngài cho những người khiêm nhường nhưng lại che giấu điều đó với những kẻ kiêu ngạo. Về điều này, Chúa Giê-su nói: “Hỡi Cha! là Chúa của trời đất, tôi khen-ngợi Cha, vì Cha đã giấu những điều nầy với kẻ khôn-ngoan, người sáng dạ, mà tỏ ra cho những con trẻ hay”. (Ma-thi-ơ 11:25) Thật là một vinh dự hiếm có khi được kể là ở trong số những người khiêm nhường phụng sự Đấng Cai Trị Hoàn Vũ, Đức Giê-hô-va.

25 Đức Chúa Trời cũng cho chúng ta đặc ân dạy dỗ người khác về Ngài. Hãy nhớ rằng nhiều người đã bóp méo sự thật về Ngài qua những sự dạy dỗ sai lầm của họ. Vì thế, phần đông người ta hoàn toàn hiểu sai về Đức Giê-hô-va, xem Ngài là một Đấng lạnh lùng và nhẫn tâm. Anh chị có sẵn lòng, sốt sắng muốn giúp người khác chỉnh lại quan điểm này không? Anh chị có muốn những người có lòng thành thật khắp nơi hiểu đúng về Đức Chúa Trời không? Vậy, hãy biểu lộ sự vâng lời Đức Chúa Trời bằng cách sốt sắng rao giảng và dạy dỗ người khác những gì Kinh Thánh dạy về những vấn đề quan trọng! Những người tìm kiếm lẽ thật cần biết Kinh Thánh thật sự dạy gì.

Bạn trả lời thế nào?

• Vì sao chúng ta biết Đức Chúa Trời quan tâm đến chúng ta?

• Tại sao chúng ta hiện hữu?

• Điều gì xảy ra sau khi một người chết đi?

• Bạn đặc biệt thích những đặc điểm nào của sách Kinh Thánh dạy?

[Câu hỏi thảo luận]

[Các hình nơi trang 22]

Kinh Thánh dạy rằng sự đau khổ sẽ chấm dứt

[Nguồn tư liệu]

Hình trên, bên phải, bé gái: © Bruno Morandi/age fotostock; bên trái, người phụ nữ: AP Photo/Gemunu Amarasinghe; hình dưới, bên phải, người tị nạn: © Sven Torfinn/Panos Pictures

[Các hình nơi trang 23]

Người công bình sẽ sống đời đời trong địa đàng