Giúp người khác vâng giữ những gì Kinh Thánh dạy
Giúp người khác vâng giữ những gì Kinh Thánh dạy
“Phần rơi vào nơi đất tốt, là kẻ có lấy lòng thật-thà tử-tế nghe đạo, gìn-giữ, và kết-quả một cách bền lòng”.—LU-CA 8:15.
1, 2. (a) Sách Kinh Thánh thật sự dạy gì? được biên soạn nhằm mục đích nào? (b) Trong những năm gần đây, Đức Giê-hô-va đã ban phước ra sao cho nỗ lực của dân sự Ngài?
“ĐÂY là một cuốn sách xuất sắc. Những người học với tôi rất thích sách này. Và tôi cũng vậy. Với sách này, chúng ta có thể bắt đầu học Kinh Thánh với người ta ngay tại cửa nhà họ”. Một Nhân Chứng Giê-hô-va làm người truyền giáo trọn thời gian đã bình luận như thế về sách Kinh Thánh thật sự dạy gì? * Cũng nói về ấn phẩm này, một người công bố Nước Trời lớn tuổi nhận xét: “Trong 50 năm làm thánh chức, tôi đã có đặc ân giúp nhiều người học biết về Đức Giê-hô-va. Nhưng phải nói rằng đây là một ấn phẩm đặc sắc. Các lời minh họa và hình ảnh trong sách rất thú vị và gợi suy nghĩ”. Bạn có cảm nghĩ như thế về sách Kinh Thánh dạy không? Công cụ học Kinh Thánh này được biên soạn nhằm giúp bạn hoàn thành sứ mạng mà Chúa Giê-su giao phó: “Hãy đi dạy-dỗ muôn-dân,... dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi”.—Ma-thi-ơ 28:19, 20.
2 Chắc chắn Đức Giê-hô-va hài lòng khi thấy khoảng 6,6 triệu Nhân Chứng sẵn sàng vâng theo chỉ thị trên của Chúa Giê-su. (Châm-ngôn 27:11) Rõ ràng, Đức Giê-hô-va đang ban phước cho nỗ lực của họ. Chẳng hạn, suốt năm 2005, họ đã loan báo tin mừng trong 235 xứ và điều khiển trung bình trên 6.061.500 cuộc học hỏi Kinh Thánh. Kết quả là nhiều người đã ‘tiếp-nhận lời của Đức Chúa Trời, không coi như lời của loài người, bèn coi như lời của Đức Chúa Trời, vì thật là lời Đức Chúa Trời’. (1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:13) Hai năm qua, hơn nửa triệu môn đồ mới đã thay đổi đời sống theo tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va và dâng mình cho Ngài.
3. Trong bài này, chúng ta sẽ xem xét những điểm nào về cách sử dụng sách Kinh Thánh dạy?
3 Gần đây bạn có niềm vui hướng dẫn một cuộc học hỏi Kinh Thánh không? Trên thế giới vẫn còn nhiều người có “lòng thật-thà tử-tế”, sẵn sàng “gìn-giữ, và kết-quả một cách bền lòng” khi tiếp nhận lời Đức Chúa Trời. (Lu-ca 8:11-15) Hãy xem làm thế nào bạn có thể dùng sách Kinh Thánh dạy để đào tạo môn đồ. Trong bài này, chúng ta sẽ xem xét ba điểm: (1) Làm thế nào bắt đầu một cuộc học hỏi Kinh Thánh? (2) Phương pháp dạy dỗ nào hữu hiệu nhất? (3) Làm sao giúp một học viên trở thành người dạy Lời Đức Chúa Trời?
Làm thế nào bắt đầu một cuộc học hỏi Kinh Thánh?
4. Vì lý do nào một số người có thể ngần ngại học Kinh Thánh, và làm sao để giúp họ vượt qua nỗi e ngại đó?
4 Nếu có người bảo bạn nhảy qua một dòng suối lớn, có lẽ bạn sẽ từ chối. Nhưng nếu trên dòng suối đó có những phiến đá để bước qua, hẳn bạn sẽ mạnh dạn hơn. Cũng vậy, người bận rộn có thể ngần ngại học Kinh Thánh. Họ có thể e ngại việc học sẽ mất nhiều thời gian và công sức. Làm sao để giúp họ vượt qua nỗi e ngại này? Bằng cách thảo luận với họ vài lần một cách ngắn gọn và súc tích dựa trên sách Kinh Thánh dạy, rồi từ đó đưa vào chương trình học hỏi đều đặn Lời Đức Chúa Trời. Nếu bạn chuẩn bị kỹ, mỗi cuộc viếng thăm của bạn sẽ như một phiến đá lót đường đưa họ đến gần Đức Giê-hô-va hơn.
5. Tại sao cần đọc sách Kinh Thánh dạy?
5 Tuy nhiên, muốn giúp người khác được lợi ích từ sách Kinh Thánh dạy, trước hết bạn phải quen thuộc với sách. Bạn đã đọc hết cuốn sách này chưa? Một cặp vợ chồng đã mang theo sách này khi đi nghỉ hè để đọc bên bãi biển. Khi một phụ nữ địa phương bán hàng dạo cho du khách đến chỗ họ, bà đã để ý đến tựa sách Kinh Thánh thật sự dạy gì? Bà nói với họ rằng mới vài giờ trước đó, bà đã cầu xin Đức Chúa Trời về điều này. Cặp vợ chồng vui sướng tặng bà một cuốn sách. Bạn có “lợi-dụng thì-giờ” để đọc, hoặc đọc lại, ấn phẩm này trong khi chờ một cuộc hẹn hoặc trong giờ nghỉ ở sở làm hay trường học không? (Ê-phê-sô 5:15, 16) Nếu làm thế, bạn sẽ quen thuộc với công cụ này, và có thể tạo được cơ hội để chia sẻ với người khác về nội dung sách.
6, 7. Làm thế nào dùng sách Kinh Thánh dạy để bắt đầu học hỏi Kinh Thánh?
6 Khi mời người khác nhận sách, hãy khéo léo sử dụng các hình ảnh, câu Kinh Thánh và câu hỏi nơi trang 4, 5, 6. Chẳng hạn, bạn có thể bắt chuyện bằng cách hỏi: “Ngày nay nhân loại phải đương đầu với nhiều vấn đề. Theo ông/bà, đâu là nguồn hướng dẫn đáng tin cậy giúp chúng ta đối phó với các vấn đề đó?” Sau khi lắng nghe ý kiến của người đối thoại, hãy đọc 2 Ti-mô-thê 3:16, 17 và giải thích rằng Kinh Thánh có giải pháp thật sự. Tiếp theo, hãy mở trang 4 và 5 của sách Kinh Thánh dạy cho người ấy xem, rồi hỏi: “Trong những hình này, ông/bà thấy tình trạng nào đáng buồn nhất?” Sau khi người đối thoại cho biết hình nào, hãy mời họ cầm sách trong khi bạn mở Kinh Thánh để đọc câu Kinh Thánh liên quan tới hình ấy. Kế đến, hãy đọc trang 6 và hỏi người đối thoại: “Trong sáu câu hỏi này, ông/bà quan tâm đến câu hỏi nào nhất?” Sau khi họ trả lời, hãy cho họ thấy chương nào có lời giải đáp, mời nhận sách, và hẹn ngày giờ cụ thể để trở lại viếng thăm và thảo luận về câu hỏi đó.
7 Lời trình bày trên chỉ mất khoảng năm phút, nhưng trong vài phút đó bạn đã biết người đối thoại quan tâm đến vấn đề gì, đã đọc và giải thích hai câu Kinh Thánh, đồng thời đặt nền tảng cho cuộc viếng thăm lần sau. Cuộc trò chuyện ngắn của bạn có thể là cuộc nói chuyện mang lại nhiều khích lệ và an ủi nhất cho người ấy từ trước đến nay. Có thể nhờ vậy mà dù bận cách mấy, người ấy vẫn mong gặp lại bạn và dành thêm ít phút với bạn để được giúp tiến thêm bước nữa trên con ‘đường dẫn đến sự sống’. (Ma-thi-ơ 7:14) Với thời gian, khi người đối thoại chú ý hơn, buổi học nên kéo dài lâu hơn. Bạn có thể làm điều này bằng cách đề nghị ngồi xuống thảo luận trong một khoảng thời gian nhất định, dài hơn.
Phương pháp dạy dỗ hữu hiệu nhất
8, 9. (a) Làm thế nào để trang bị cho người học Kinh Thánh đương đầu với những khó khăn, thử thách mà họ có thể sẽ gặp? (b) Có thể tìm vật liệu chống lửa để xây dựng đức tin mạnh mẽ ở đâu?
8 Khi bắt đầu áp dụng sự dạy dỗ của Kinh Thánh, có thể người học sẽ gặp những khó khăn cản trở sự tiến bộ của họ. Sứ đồ Phao-lô nói: “Hết thảy mọi người muốn sống cách nhân-đức trong Đức Chúa Jêsus-Christ, thì sẽ bị bắt-bớ”. (2 Ti-mô-thê 3:12) Phao-lô ví những thử thách này như lửa có thể thiêu rụi các vật liệu xây dựng kém phẩm chất, nhưng chừa lại những vật liệu như vàng, bạc và đá quý. (1 Cô-rinh-tô 3:10-13; 1 Phi-e-rơ 1:6, 7) Để giúp học viên trau dồi các đức tính cần thiết hầu đương đầu với thử thách, bạn cần giúp họ xây dựng bằng vật liệu chống lửa.
9 Người viết Thi-thiên ví “lời Đức Giê-hô-va” như “bạc đã thét trong nồi dót bằng gốm, luyện đến bảy lần”. (Thi-thiên 12:6) Thật thế, Kinh Thánh có tất cả những vật liệu quý mà chúng ta có thể dùng để xây dựng đức tin mạnh mẽ. (Thi-thiên 19:7-11; Châm-ngôn 2:1-6) Sách Kinh Thánh dạy sẽ giúp bạn biết cách sử dụng Kinh Thánh hữu hiệu.
10. Làm thế nào hướng học viên chú ý đến Kinh Thánh?
10 Trong buổi học, hãy lưu ý học viên đến các câu Kinh Thánh được trích trong bài. Đặt thêm câu hỏi để giúp học viên hiểu các câu Kinh Thánh chính và cách áp dụng cho bản thân họ. Hãy cẩn thận, đừng bảo họ phải làm gì. Thay vì thế, hãy noi theo gương Chúa Giê-su. Khi một người rành Luật Pháp Môi-se hỏi ngài, Chúa Giê-su đáp: “Trong luật-pháp có chép điều gì? Ngươi đọc gì trong đó?” Và khi người đàn ông trả lời bằng cách trích nguyên văn Kinh Thánh, ngài giúp ông thấy nên áp dụng nguyên tắc đó cho bản thân. Qua một minh họa, ngài cũng cho thấy sự dạy dỗ đó nên ảnh hưởng thế nào đến đời sống ông. (Lu-ca 10:25-37) Sách Kinh Thánh dạy có rất nhiều lời minh họa đơn giản mà bạn có thể dùng để giúp học viên áp dụng nguyên tắc Kinh Thánh.
11. Cần thảo luận bao nhiêu đoạn trong mỗi buổi học?
11 Giống như Chúa Giê-su đã dùng ngôn từ đơn giản để giải thích những ý tưởng phức tạp, sách cũng dùng ngôn ngữ đơn giản, thẳng thắn để trình bày Lời Đức Chúa Trời. (Ma-thi-ơ 7:28, 29) Hãy noi theo gương ngài. Giải thích một cách đơn giản, rõ ràng và chính xác. Đừng cố gắng học nhanh cho mau hết bài. Thay vì thế, hãy điều chỉnh số đoạn thảo luận trong mỗi buổi học tùy theo hoàn cảnh và khả năng tiếp thu của học viên. Chúa Giê-su biết giới hạn của các môn đồ ngài, và chỉ cho họ biết những thông tin cần thiết.—Giăng 16:12.
12. Nên sử dụng phần phụ lục như thế nào?
12 Sách Kinh Thánh dạy có phần phụ lục gồm 14 chủ đề. Tùy theo nhu cầu của học viên, bạn sẽ biết nên sử dụng tài liệu này thế nào là tốt nhất. Thí dụ, nếu do niềm tin trước
đây, học viên cảm thấy khó hiểu về một chủ đề hay còn thắc mắc về một vấn đề nào đó, có thể bạn chỉ cần cho họ thấy phần nào trong phụ lục giải thích vấn đề đó, và để họ tự đọc. Nhưng cũng có trường hợp do nhu cầu của học viên, bạn cần xem xét tài liệu với họ. Trong phần phụ lục có những đề tài Kinh Thánh quan trọng như: “ ‘Linh hồn’ và ‘thần linh’—Những từ này thật sự có nghĩa gì?” và “Nhận diện ‘Ba-by-lôn lớn’ ”. Có lẽ bạn muốn thảo luận những chủ đề này với người học. Vì phần phụ lục không có câu hỏi, nên bạn cần nắm rõ nội dung để đặt câu hỏi thích hợp.13. Lời cầu nguyện đóng vai trò nào trong việc củng cố đức tin?
13 Thi-thiên 127:1 nói: “Nếu Đức Giê-hô-va không cất nhà, thì những thợ xây-cất làm uổng công”. Vì thế, khi chuẩn bị cho một buổi học, hãy cầu xin Đức Giê-hô-va giúp đỡ. Lời cầu nguyện của bạn vào đầu và cuối buổi học nên phản ánh mối quan hệ gần gũi của bạn với Đức Giê-hô-va. Khuyến khích học viên cầu xin Đức Giê-hô-va ban cho sự khôn ngoan để hiểu Lời Ngài và sức mạnh để áp dụng những lời khuyên dạy của Ngài. (Gia-cơ 1:5) Nếu làm thế, học viên sẽ được thêm sức để chịu đựng thử thách và có đức tin ngày càng mạnh mẽ.
Giúp học viên trở thành người dạy
14. Học viên Kinh Thánh cần tiến bộ đến mức nào?
14 Muốn vâng giữ “hết cả mọi điều” mà Chúa Giê-su truyền dạy cho các môn đồ, học viên cần tiến bộ từ chỗ là người học trở thành người dạy Lời Đức Chúa Trời. (Ma-thi-ơ 28:19, 20; Công-vụ 1:6-8) Bạn có thể làm gì để giúp học viên tiến bộ như thế?
15. Tại sao nên khuyến khích học viên tham dự các buổi nhóm họp?
15 Ngay từ buổi học đầu tiên, hãy mời học viên tham dự nhóm họp tại hội thánh với bạn. Hãy giải thích cho họ hiểu rằng các buổi họp là nơi huấn luyện bạn trở thành người dạy Lời Đức Chúa Trời. Trong vài tuần, hãy dành ít phút vào cuối mỗi buổi học để mô tả cho họ biết chương trình giáo dục về Kinh Thánh mà bạn nhận được tại các buổi họp và hội nghị. Hãy nói một cách nhiệt tình và hào hứng về những lợi ích mà bạn nhận được trong các dịp đó. (Hê-bơ-rơ 10:24, 25) Một khi đã tham dự nhóm họp đều đặn, hẳn họ sẽ trở thành người dạy Lời Đức Chúa Trời.
16, 17. Học viên Kinh Thánh có thể đề ra và đạt được một số mục tiêu nào?
16 Hãy giúp học viên đề ra những mục tiêu mà họ có thể đạt được. Chẳng hạn, hãy khuyến khích họ chia sẻ những điều học được với bạn bè hay bà con. Cũng hãy đề nghị họ đặt mục tiêu đọc toàn bộ Kinh Thánh. Nếu giúp họ tập và giữ thói quen đọc Kinh Thánh đều đặn, điều đó sẽ mang lại lợi ích lâu dài cho họ, ngay cả sau khi báp têm. Ngoài ra, sao không đề nghị học viên đặt mục tiêu ghi nhớ ít nhất một câu Kinh Thánh để trả lời một câu hỏi chính ở mỗi chương trong sách Kinh Thánh dạy? Làm thế, học viên sẽ trở thành “người làm công không chỗ trách được, lấy lòng ngay-thẳng giảng-dạy lời của lẽ thật”.—2 Ti-mô-thê 2:15.
17 Khi dạy họ cách trả lời những người hỏi lẽ về đức tin của họ, thay vì bảo họ chỉ lặp lại nguyên văn hay nói ý của một câu Kinh Thánh, hãy khuyến khích họ giải thích ý nghĩa của câu Kinh Thánh ấy. Những cuộc thực tập ngắn có thể hữu ích, và trong những lần đó, bạn có thể đóng vai một người bà con hay đồng nghiệp muốn biết về niềm tin của học viên. Khi học viên trả lời, hãy hướng dẫn họ trả lời một cách “hiền-hòa và kính-sợ”.—18. Khi học viên hội đủ tiêu chuẩn để làm người công bố chưa báp têm, bạn có thể giúp họ thế nào?
18 Với thời gian, học viên có thể hội đủ tiêu chuẩn để tham gia thánh chức. Hãy nhấn mạnh rằng được phép tham gia công việc này là một đặc ân. (2 Cô-rinh-tô 4:1, 7) Sau khi các trưởng lão đã xác nhận học viên hội đủ tiêu chuẩn làm người công bố chưa báp têm, hãy giúp họ chuẩn bị một lời trình bày đơn giản và cùng đi rao giảng với họ. Hãy tiếp tục làm việc đều đặn với họ trong nhiều hoạt động thánh chức khác nhau, và hướng dẫn họ cách chuẩn bị cũng như thực hiện một cuộc viếng thăm lại hữu hiệu. Gương mẫu của bạn sẽ là ảnh hưởng tốt.—Lu-ca 6:40.
‘Bạn và kẻ nghe bạn sẽ được cứu’
19, 20. Bạn nên đặt ra mục tiêu nào, và tại sao?
19 Để giúp một người “hiểu-biết lẽ thật”, chắc chắn sẽ mất nhiều công sức. (1 Ti-mô-thê 2:4) Tuy nhiên, ít có điều gì trên thế gian này mang lại niềm vui cho bằng việc giúp một người vâng giữ những điều Kinh Thánh dạy. (1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:19, 20) Thật là một đặc ân khi được kể là “bạn cùng làm việc với Đức Chúa Trời” trong công việc dạy dỗ đang được thực hiện trên khắp thế giới!—1 Cô-rinh-tô 3:9.
20 Qua Chúa Giê-su Christ và các thiên sứ đầy quyền năng, không bao lâu nữa Đức Giê-hô-va sẽ thi hành sự phán xét trên “những kẻ chẳng hề nhận biết Đức Chúa Trời, và không vâng-phục Tin-lành của Đức Chúa Jêsus-Christ chúng ta”. (2 Tê-sa-lô-ni-ca 1:6-8) Mạng sống của nhiều người đang bị đe dọa. Bạn có thể đặt ra mục tiêu hướng dẫn ít nhất một cuộc học hỏi Kinh Thánh bằng sách Kinh Thánh dạy không? Khi tham gia vào công việc này, ‘bạn và kẻ nghe bạn sẽ được cứu’. (1 Ti-mô-thê 4:16) Hơn bao giờ hết, đây là lúc khẩn cấp để giúp người khác vâng giữ những điều Kinh Thánh dạy.
[Chú thích]
^ đ. 1 Do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.
Bạn học được gì?
• Sách Kinh Thánh dạy được biên soạn nhằm mục đích gì?
• Làm thế nào bắt đầu một cuộc học hỏi Kinh Thánh bằng sách Kinh Thánh dạy?
• Những phương pháp dạy dỗ nào là hữu hiệu nhất?
• Làm sao giúp học viên trở thành người dạy Lời Đức Chúa Trời?
[Câu hỏi thảo luận]
[Hình nơi trang 26]
Bạn có đang tận dụng cuốn sách này không?
[Hình nơi trang 27]
Một cuộc trò chuyện ngắn vẫn có thể khiến một người thích tìm hiểu Kinh Thánh
[Hình nơi trang 29]
Bạn có thể làm gì để hướng học viên chú ý đến Kinh Thánh?
[Hình nơi trang 30]
Giúp học viên tiến bộ