Giữ lòng trung thành khi con cái nổi loạn
Giữ lòng trung thành khi con cái nổi loạn
MỘT chị tín đồ Đấng Christ, xin được tạm gọi là chị Chi, đã cố gắng nuôi dạy con trai yêu mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, khi đến tuổi thanh thiếu niên, cậu bắt đầu nổi loạn và bỏ nhà ra đi. Chị Chi tâm sự: “Tôi chưa bao giờ đau khổ như thế. Tôi cảm thấy mình bị phản bội, đau đớn và vô cùng thất vọng. Đầu óc tôi toàn nghĩ đến những điều tiêu cực”.
Có lẽ bạn cũng đã trải qua kinh nghiệm tương tự, cố gắng nuôi dạy con cái yêu mến và phụng sự Đức Chúa Trời nhưng một, hai đứa cuối cùng lại quay lưng với Ngài. Làm sao để đương đầu với nỗi thất vọng ê chề đó? Điều gì sẽ giúp bạn tiếp tục trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va?
Khi các con trai của Đức Giê-hô-va phản nghịch
Bước đầu tiên là ý thức rằng Đức Giê-hô-va hiểu rõ cảm giác của bạn. Nơi Ê-sai 49:15, Ngài nói: “Đàn-bà há dễ quên con mình cho bú, không thương đến con trai ruột mình sao? Dầu đàn-bà quên con mình, ta cũng chẳng quên ngươi”. Vâng, Đức Giê-hô-va cũng có tình cảm như những người làm cha làm mẹ. Hãy tưởng tượng niềm vui của Ngài trước đây khi tất cả các người con trên trời đều ca ngợi và phụng sự Ngài. Khi đáp lời tộc trưởng Gióp “từ giữa cơn gió trốt”, Đức Giê-hô-va đã nhắc lại những khoảng thời gian hạnh phúc với gia đình thần linh hợp nhất của Ngài: “Khi ta đặt nền trái đất, thì ngươi ở đâu?... Trong khi ấy các sao mai đồng hát hòa nhau, và các con trai Đức Chúa Trời cất tiếng reo mừng”.—Gióp 38:1, 4, 7.
Với thời gian, Đức Chúa Trời phải chứng kiến cảnh một người con hoàn hảo trên trời phản nghịch, chống lại Ngài và trở thành Sa-tan, có nghĩa là “Kẻ chống đối”. Đức Giê-hô-va còn chứng kiến người con đầu tiên của Ngài trên đất, là A-đam, cùng vợ ông là Ê-va, hùa theo cuộc phản nghịch. (Sáng-thế Ký 3:1-6; Khải-huyền 12:9) Về sau, nhiều thiên sứ khác cũng “bỏ chỗ riêng mình” và phản nghịch cùng Đức Chúa Trời.—Giu-đe 6.
Kinh Thánh không cho biết Đức Giê-hô-va cảm thấy thế nào khi một số người con hoàn toàn của Ngài theo đường lối phản nghịch. Tuy nhiên, Kinh Thánh nói rõ: “Đức Giê-hô-va thấy sự hung-ác của loài người trên mặt đất rất nhiều, và các ý-tưởng của lòng họ chỉ là xấu luôn; thì tự trách đã dựng nên loài người Sáng-thế Ký 6:5, 6) Sự phản nghịch của dân Y-sơ-ra-ên, dân được chọn của Đức Giê-hô-va, cũng khiến Ngài “giận” và “cực lòng”.—Thi-thiên 78:40, 41, Tòa Tổng Giám Mục.
trên mặt đất, và buồn-rầu trong lòng”. (Chắc chắn Đức Giê-hô-va đồng cảm với các bậc cha mẹ đang đau buồn và tức giận vì hành vi nổi loạn của con cái. Qua Lời Ngài là Kinh Thánh, Đức Chúa Trời ban lời khuyên khôn ngoan và sự khích lệ để giúp họ đương đầu với hoàn cảnh. Ngài khuyến khích họ trao mọi lo lắng cho Ngài; hạ mình, dẹp bỏ sĩ diện; và kiên quyết chống cự Sa-tan Ma-quỉ. Chúng ta hãy xem làm thế nào việc áp dụng những lời khuyên này có thể giúp bạn tiếp tục giữ trung thành khi con cái nổi loạn.
Hãy trao mọi lo lắng cho Đức Giê-hô-va
Đức Giê-hô-va biết rõ không điều gì khiến các bậc cha mẹ lo lắng cho bằng việc con họ đi vào con đường nguy hiểm, có thể tự làm hại bản thân hay bị người khác làm hại. Sứ đồ Phi-e-rơ cho thấy cách để đương đầu với nỗi lo lắng này, cũng như các mối bận tâm khác. Ông viết: “Hãy trao mọi điều lo-lắng mình cho [Đức Giê-hô-va], vì Ngài hay săn-sóc anh em”. (1 Phi-e-rơ 5:7) Tại sao lời mời và lời bảo đảm này đặc biệt hữu ích cho các bậc cha mẹ có con nổi loạn?
Khi con bạn còn nhỏ, bạn luôn cẩn trọng bảo vệ con khỏi mọi nguy hiểm, và thường chúng nghe theo sự hướng dẫn đầy yêu thương của bạn. Tuy nhiên, khi con cái lớn lên, ảnh hưởng của bạn trên chúng giảm dần trong khi lòng mong muốn bảo vệ con thì vẫn không hề suy suyển. Thực tế, mong muốn đó có thể còn mạnh hơn trước.
Do đó, khi con bạn nổi loạn và tự làm hại bản thân về phương diện thiêng liêng, tình cảm hay thể chất, bạn có thể cảm thấy là mình có lỗi. Đó là cảm giác của chị Chi, được nói đến ở đầu bài. Chị nói: “Bị dằn vặt bởi cảm giác có lỗi, ngày nào tôi cũng hồi tưởng lại những chuyện đã xảy ra trong quá khứ”. Đặc biệt trong những lúc như thế, Đức Giê-hô-va muốn bạn “hãy trao mọi điều lo-lắng mình cho Ngài”. Nếu làm thế, bạn sẽ được Ngài giúp đỡ. Người viết Thi-thiên cam đoan: “Hãy trao gánh-nặng ngươi cho Đức Giê-hô-va, Ngài sẽ nâng-đỡ ngươi; Ngài sẽ chẳng hề cho người công-bình bị rúng-động”. (Thi-thiên 55:22) Chị Chi đã cảm nghiệm được niềm yên ủi đó. Chị kể: “Tôi tâm sự với Đức Giê-hô-va mọi điều trong lòng mình. Cảm xúc cứ tuôn trào ra, nhờ thế mà sau đó tôi cảm thấy rất nhẹ nhõm”.
Là người bất toàn, có thể bạn đã có những thiếu sót khi nuôi dạy con cái. Nhưng sao lại quá suy tư về điều đó? Đức Giê-hô-va chắc chắn không để tâm những lỗi lầm của bạn vì người viết Thi-thiên hát: “Hỡi Đức Giê-hô-va, nếu Ngài cố-chấp sự gian-ác, thì, Chúa ôi! ai sẽ còn sống?” (Thi-thiên 130:3) Ngay dù bạn có hoàn hảo, con bạn vẫn có thể nổi loạn như thường. Vì thế, hãy cầu nguyện với Đức Giê-hô-va, bày tỏ nỗi lòng với Ngài và Ngài sẽ giúp bạn đối phó với cảm giác tiêu cực. Tuy nhiên, muốn tiếp tục trung thành phụng sự Đức Chúa Trời và tránh trở thành nạn nhân của Sa-tan, cầu nguyện thôi chưa đủ.
Hãy hạ mình
Sứ đồ Phi-e-rơ viết: “Hãy hạ mình xuống dưới tay quyền-phép của Đức Chúa Trời, hầu cho đến kỳ thuận-hiệp Ngài nhắc anh em lên”. (1 Phi-e-rơ 5:6) Tại sao cần hạ mình khi con cái nổi loạn? Bởi vì bên cạnh cảm giác đau buồn và có lỗi, bạn cũng có thể cảm thấy xấu hổ vì đứa con rồ dại. Bạn có thể lo lắng là hành động của con bạn đã làm mất danh dự gia đình, nhất là trong trường hợp người con bị khai trừ khỏi hội thánh. Cảm giác tự cáo trách cộng với cảm giác xấu hổ có thể khiến bạn không muốn đi nhóm họp tại hội thánh nữa.
Khi mang tâm trạng đó, bạn cần hành động theo sự khôn ngoan thực tế. Châm-ngôn 18:1 cảnh báo: “Kẻ nào ở riêng cách tìm điều chính mình ưa-thích; nó cãi-cọ với những sự khôn-ngoan thật”. Dù đau buồn nhưng nếu đều đặn tham dự các buổi nhóm họp, bạn sẽ tìm được nguồn hướng dẫn và khích lệ cần thiết. Chị Chi thú nhận: “Lúc đầu, tôi không muốn gặp ai hết. Nhưng rồi tôi tự nhắc nhở mình về tầm quan trọng của việc giữ sinh hoạt thiêng liêng đều đặn. Hơn nữa, nếu ở nhà, tôi sẽ chỉ suy nghĩ miên man về các vấn đề của mình. Các buổi họp giúp tôi tập trung vào những điều xây dựng về thiêng liêng. Tôi mừng là mình đã không tự cô lập bản thân và không bỏ qua sự nâng đỡ đầy yêu thương của các anh chị đồng đạo”.—Hê-bơ-rơ 10:24, 25.
Cũng hãy nhớ rằng về trách nhiệm của tín đồ Đấng Christ, mỗi người trong gia đình phải “gánh lấy riêng phần nấy”. (Ga-la-ti 6:5) Đức Giê-hô-va đòi hỏi các bậc cha mẹ phải yêu thương và dạy dỗ con cái. Nhưng Ngài cũng đòi hỏi con cái phải vâng lời và tôn kính cha mẹ. Nếu cha mẹ đã làm hết trách nhiệm trong việc nuôi dạy con cái theo “sự sửa-phạt khuyên-bảo của Chúa”, thì cha mẹ có danh tiếng tốt với Đức Chúa Trời. (Ê-phê-sô 6:1-4) Nếu con cái chống lại sự dạy dỗ đầy yêu thương của cha mẹ, thì chúng tự làm hỏng danh tiếng của riêng mình. Châm-ngôn 20:11 nói: “Công-việc con trẻ làm, hoặc trong-sạch hoặc chánh-đáng, cũng đều tỏ bổn-tánh nó ra”. Sự phản nghịch của Sa-tan chắc chắn không thể làm mất danh dự của Đức Giê-hô-va với những người biết rõ sự việc.
Hãy kiên quyết chống cự Ma-quỉ
Sứ đồ Phi-e-rơ cảnh báo: “Hãy tiết-độ và tỉnh-thức: kẻ thù-nghịch anh em là ma-quỉ, như sư-tử rống, đi rình-mò chung-quanh anh em, tìm-kiếm người nào nó có thể nuốt được”. (1 Phi-e-rơ 5:8) Giống như sư tử, Ma-quỉ thường nhắm vào những người trẻ và thiếu kinh nghiệm. Thời xưa, sư tử thường xuất hiện ở xứ Y-sơ-ra-ên và chúng là mối đe dọa cho các bầy gia súc. Nếu cừu con đi lạc khỏi bầy, nó có thể dễ dàng làm mồi cho sư tử. Theo bản năng, cừu mẹ có thể liều mạng sống để bảo vệ con mình. Nhưng một con cừu, dù đã trưởng thành và lớn đến đâu, cũng không thể đọ sức với sư tử. Do đó, cần có những người chăn cừu can đảm để bảo vệ bầy.—1 Sa-mu-ên 17:34, 35.
Nhằm bảo vệ bầy của Ngài khỏi “sư-tử rống”, Đức Giê-hô-va đã sắp đặt một số người chăn về mặt thiêng liêng để chăm sóc bầy dưới sự chỉ đạo của “Đấng làm đầu các kẻ chăn chiên”, Chúa Giê-su Christ. (1 Phi-e-rơ 5:4) Phi-e-rơ khuyến giục các anh được bổ nhiệm này như sau: “Hãy chăn bầy của Đức Chúa Trời đã giao-phó cho anh em; làm việc đó chẳng phải bởi ép tình, bèn là bởi vui lòng, chẳng phải vì lợi dơ-bẩn, bèn là hết lòng mà làm”. (1 Phi-e-rơ 5:1, 2) Với sự hợp tác của các bậc cha mẹ, những người chăn bầy có thể giúp sửa dạy các em trẻ về mặt thiêng liêng.
Khi các anh chăn bầy cần khuyên bảo người con nổi loạn của bạn, có thể phản ứng tự nhiên của bạn là muốn bảo vệ con khỏi bị kỷ luật. Tuy nhiên, hành động như thế là sai lầm nghiêm trọng. Phi-e-rơ nói: ‘Hãy chống-cự [Ma-quỉ]’—chứ không phải những người chăn bầy.—1 Phi-e-rơ 5:9.
Khi bị kỷ luật nặng
Nếu là một tín đồ Đấng Christ đã báp têm và không chịu ăn năn, người con nổi loạn của bạn có thể phải nhận hình thức kỷ luật nặng nhất—bị khai trừ khỏi hội thánh. Khi đó, mức độ liên lạc giữa bạn và người con ấy sẽ tùy thuộc vào độ tuổi của người đó, cùng một số yếu tố khác.
Nếu người con đó vẫn còn ở tuổi vị thành niên và sống chung với bạn, đương nhiên bạn phải tiếp tục chăm sóc nhu cầu vật chất cho cháu. Cháu cũng cần sự dạy dỗ, uốn nắn về phương diện đạo đức, và đó vẫn là trách nhiệm của bạn. (Châm-ngôn 1:8-18; 6:20-22; 29:17) Bạn cũng có thể hướng dẫn cháu học Kinh Thánh, khuyến khích cháu tham gia vào buổi học. Bạn có thể đề nghị cháu xem xét một số câu Kinh Thánh và ấn phẩm nào đó do lớp “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” cung cấp. (Ma-thi-ơ 24:45) Ngoài ra, bạn còn có thể đưa cháu đi nhóm họp và ngồi cạnh cháu. Có thể làm tất cả những điều này nhằm giúp cháu chấp nhận lời khuyên của Kinh Thánh.
Mọi việc sẽ khác nếu người bị khai trừ đã qua tuổi vị thành niên và không còn sống chung với bạn nữa. Sứ đồ Phao-lô khuyên tín đồ Đấng Christ ở thành Cô-rinh-tô xưa: “Đừng làm bạn với kẻ nào tự xưng là anh em, mà là gian-dâm, hoặc tham-lam, hoặc thờ hình-tượng, hoặc chưởi-rủa, hoặc say-sưa, hoặc chắt-bóp, cũng không nên ăn chung với người thể ấy”. (1 Cô-rinh-tô 5:11) Vì công việc gia đình, có thể đôi khi bạn cần liên lạc với người con bị khai trừ. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ là tín đồ Đấng Christ nên tránh những tiếp xúc không cần thiết.
Khi các anh chăn bầy thi hành kỷ luật đối với một người con phạm lỗi, sẽ là thiếu khôn ngoan nếu bạn tìm cách chống lại hoặc làm giảm nhẹ biện pháp kỷ luật dựa trên Kinh Thánh. Bênh con không phải là cách để bảo vệ con khỏi Ma-quỉ. Thật ra, bạn đang gây nguy hiểm cho chính sức khỏe thiêng liêng của mình. Trái lại, nếu ủng hộ những nỗ lực của các anh chăn bầy, bạn sẽ tiếp tục “đứng vững trong đức-tin” và có thể giúp đỡ con bạn cách tốt nhất.—1 Phi-e-rơ 5:9.
Đức Giê-hô-va sẽ nâng đỡ bạn
Nếu mai sau không may con bạn nổi loạn, hãy nhớ rằng bạn không lẻ loi, đơn độc. Một số bậc cha mẹ tín đồ Đấng Christ khác đã trải qua hoàn cảnh tương tự. Dù chúng ta gặp phải vấn đề nào chăng nữa, Đức Giê-hô-va vẫn có thể nâng đỡ chúng ta.—Thi-thiên 68:19.
Hãy nương cậy Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện. Đều đặn kết hợp với hội thánh. Ủng hộ biện pháp kỷ luật của các anh chăn bầy được bổ nhiệm. Làm thế sẽ giúp bạn tiếp tục giữ trung thành. Và gương mẫu đó có thể khuyến khích con bạn đáp lại lời mời đầy yêu thương của Đức Giê-hô-va kêu gọi cháu trở lại.—Ma-la-chi 3:6, 7.
[Các hình nơi trang 18]
Hãy tìm sức mạnh qua lời cầu nguyện và qua hội thánh