Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Những điểm nổi bật trong sách Ê-sai—Phần II

Những điểm nổi bật trong sách Ê-sai—Phần II

Lời Đức Giê-hô-va sống động

Những điểm nổi bật trong sách Ê-sai—Phần II

NHÀ tiên tri Ê-sai đã trung thành thực thi sứ mạng của ông. Thông điệp phán xét mà ông loan truyền cho vương quốc Y-sơ-ra-ên mười chi phái đã ứng nghiệm. Giờ đây, ông phải rao báo tiếp về tương lai của Giê-ru-sa-lem.

Thành Giê-ru-sa-lem sẽ bị hủy diệt, còn dân sự bị bắt làm phu tù. Tuy nhiên, thành không bị bỏ hoang vĩnh viễn. Sự thờ phượng thật sẽ được tái lập sau một thời gian. Đó là thông điệp chính của Ê-sai 36:1–66:24. * Các chương này có giá trị đối với chúng ta bởi vì nhiều lời tiên tri trong đó được ứng nghiệm lần cuối vào thời chúng ta, hoặc sắp ứng nghiệm trong tương lai gần đây. Phần này của sách Ê-sai cũng chứa đựng những lời tiên tri hào hứng về Đấng Mê-si.

“NẦY, NGÀY ĐẾN”

(Ê-sai 36:1–39:8)

Năm thứ 14 triều Vua Ê-xê-chia (732 TCN), quân A-si-ri xâm lược Giu-đa. Đức Giê-hô-va hứa bảo vệ Giê-ru-sa-lem. Hiểm họa bị xâm lược chấm dứt khi chỉ một thiên sứ của Đức Giê-hô-va giết 185.000 quân A-si-ri.

Vua Ê-xê-chia ngã bệnh. Đáp lời cầu nguyện của ông, Đức Giê-hô-va chữa lành bệnh và cho ông sống thêm 15 năm nữa. Khi vua Ba-by-lôn phái sứ giả sang chúc mừng, Ê-xê-chia đã thiếu khôn ngoan chỉ cho họ xem tất cả kho tàng của mình. Qua nhà tiên tri Ê-sai, Đức Giê-hô-va phán cùng ông: “Nầy, ngày đến, là khi mọi vật trong cung ngươi, mọi vật mà tổ-tiên ngươi đã chứa trong kho cho đến ngày nay, sẽ dời sang Ba-by-lôn”. (Ê-sai 39:5, 6) Hơn 100 năm sau, lời tiên tri đó thành hiện thực.

Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:

38:8—Bóng mặt trời lui lại mười độ. Những “độ” đó là gì? Đến thế kỷ thứ tám TCN, đồng hồ mặt trời đã được sử dụng ở Ai Cập và Ba-by-lôn. Vì thế, những độ này có thể ám chỉ những vạch thời gian trên đồng hồ mặt trời mà có lẽ cha Vua Ê-xê-chia là A-cha đã sở hữu. Ngoài ra, từ Hê-bơ-rơ được dịch là “độ” có nghĩa đen là “bậc thang”. Do đó, từ này cũng có thể ám chỉ các bậc thang trong cung điện vua. Khi ánh sáng mặt trời chiếu vào, có lẽ bóng của một cột trụ ở gần cầu thang chiếu xuống các bậc thang, và sự di chuyển của bóng cột được dùng để tính thời gian.

Bài học cho chúng ta:

36:2, 3, 22. Mặc dù bị cách chức cung giám, Sép-na vẫn được phép tiếp tục phục vụ vua với tư cách là thư ký cho người thay ông. (Ê-sai 22:15, 19) Nếu vì lý do nào đó không còn được đảm nhận trọng trách như trước đây trong tổ chức Đức Giê-hô-va, chẳng phải chúng ta nên tiếp tục phụng sự Ngài ở bất cứ vị trí nào Ngài cho phép hay sao?

37:1, 14, 15; 38:1, 2. Những lúc gặp khó khăn hay có chuyện đau buồn, chúng ta nên tìm cầu Đức Giê-hô-va và hoàn toàn nương cậy nơi Ngài.

37:15-20; 38:2, 3. Khi thành Giê-ru-sa-lem bị quân A-si-ri đe dọa tấn công, mối quan tâm chính của Ê-xê-chia là sự sụp đổ thành sẽ gây sỉ nhục cho danh Đức Giê-hô-va. Và khi biết căn bệnh của mình sẽ dẫn đến tử vong, Ê-xê-chia không chỉ lo sợ cho bản thân. Điều làm ông bận tâm hơn là việc ông chết đi mà không có con nối dõi để kế vị ngai vàng của nhà Đa-vít. Ông cũng lo ai sẽ lãnh đạo dân Y-sơ-ra-ên chống lại quân A-si-ri. Giống như Ê-xê-chia, chúng ta xem việc làm thánh danh Đức Giê-hô-va và việc ý định Ngài được hoàn thành quan trọng hơn là sự cứu rỗi cho bản thân.

38:9-20. Bài ca này của Ê-xê-chia dạy chúng ta việc quan trọng nhất khi sống là ngợi khen Đức Giê-hô-va.

“NÓ SẼ ĐƯỢC LẬP LẠI”

(Ê-sai 40:1–59:21)

Ngay sau khi loan báo về sự hủy phá thành Giê-ru-sa-lem và việc dân bị bắt đi làm phu tù ở Ba-by-lôn, Ê-sai cũng nói tiên tri về sự phục hưng. (Ê-sai 40:1, 2) Ê-sai 44:28 nói: “Nó [Giê-ru-sa-lem] sẽ được lập lại”. Hình tượng của các thần Ba-by-lôn sẽ bị mang đi như đồ đạc. (Ê-sai 46:1) Ba-by-lôn sẽ bị hủy phá. Tất cả điều này đã ứng nghiệm hai thế kỷ sau.

Đức Giê-hô-va sẽ khiến tôi tớ Ngài trở thành “sự sáng cho các dân ngoại”. (Ê-sai 49:6) “Các từng trời” của Ba-by-lôn, tức tầng lớp cai trị, sẽ “tan ra như khói”, còn thần dân của thành “sẽ chết như ruồi”. Trong khi đó, ‘con gái Si-ôn, là kẻ phu-tù, sẽ cởi trói nơi cổ mình’. (Ê-sai 51:6; 52:2) Với những người đến cùng Ngài và lắng nghe Ngài, Đức Giê-hô-va phán: “Ta sẽ lập với các ngươi một giao-ước đời đời, tức là sự nhân-từ chắc-thật đã hứa cùng Đa-vít”. (Ê-sai 55:3) Khi sống phù hợp với các đòi hỏi công bình của Đức Chúa Trời, họ “lấy Đức Giê-hô-va làm vui-thích”. (Ê-sai 58:14) Trái lại, sự gian ác của dân sự làm họ “xa-cách” Ngài.—Ê-sai 59:2.

Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:

40:27, 28—Tại sao dân Y-sơ-ra-ên nói: “Đường tôi đã khuất khỏi Đức Giê-hô-va, lý-đoán tôi qua khỏi Đức Chúa Trời tôi?” Một số người Do Thái ở Ba-by-lôn có lẽ cảm thấy sự bất công mà họ phải chịu đã khuất khỏi Đức Giê-hô-va, hay không được Ngài nhìn thấy. Họ được nhắc nhở là Ba-by-lôn không nằm ngoài tầm tay của Đấng dựng nên đất, Đấng chẳng mỏi chẳng mệt.

43:18-21—Tại sao những người phu tù hồi hương được dạy “đừng nhớ lại sự đã qua”? Điều này không có nghĩa là họ nên quên các sự giải cứu trước đây của Đức Giê-hô-va. Thay vì thế, Đức Chúa Trời muốn họ ngợi khen Ngài vì “một việc mới” mà họ sẽ trải nghiệm, chẳng hạn như cuộc hành trình an toàn trở về Giê-ru-sa-lem, có lẽ bằng đường ngắn nhất qua sa mạc. Đám đông “vô-số người” ra khỏi “cơn đại-nạn” cũng sẽ có những lý do mới để ngợi khen Đức Giê-hô-va.—Khải-huyền 7:9, 14.

49:6—Làm sao Đấng Mê-si là “sự sáng cho các dân ngoại” dù ngài chỉ đến với con cái Y-sơ-ra-ên khi làm thánh chức trên đất? Đó là vì những diễn biến sau khi Chúa Giê-su chết. Kinh Thánh áp dụng Ê-sai 49:6 cho các môn đồ ngài. (Công-vụ 13:46, 47) Ngày nay, với sự trợ giúp của đám đông anh em đồng đức tin, các tín đồ Đấng Christ được xức dầu là “sự sáng cho các dân ngoại” vì họ đem ánh sáng hiểu biết đến cho các dân tận “nơi đầu-cùng đất”.—Ma-thi-ơ 24:14; 28:19, 20.

53:10—Đức Giê-hô-va lấy làm vừa ý mà làm tổn thương Con Ngài theo nghĩa nào? Là Đấng đầy lòng thấu cảm và thương xót, Đức Giê-hô-va hẳn đau lòng biết bao khi thấy người Con yêu quý của Ngài chịu đau đớn. Dù vậy, Ngài vui vì lòng sẵn sàng vâng phục của Chúa Giê-su và vì tất cả những gì mà sự đau đớn và cái chết của Con Ngài thực hiện được.—Châm-ngôn 27:11; Ê-sai 63:9.

53:11—Đấng Mê-si sẽ “làm cho nhiều người được xưng công-bình” bằng sự thông biết nào? Đó là sự thông biết mà Chúa Giê-su thu thập được khi xuống thế làm người, chịu đau khổ, thậm chí chết dù ngài không có tội. (Hê-bơ-rơ 4:15) Bằng sự hy sinh đó, ngài cung cấp giá chuộc cần thiết để các tín đồ Đấng Christ xức dầu và đám đông vô số người có được vị thế công bình trước mắt Đức Chúa Trời.—Rô-ma 5:19; Gia-cơ 2:23, 25.

56:6—Ai là “các người dân ngoại”, và họ “cầm vững lời giao-ước [Đức Giê-hô-va]” theo nghĩa nào? “Các người dân ngoại” là lớp “chiên khác” của Chúa Giê-su. (Giăng 10:16) Họ cầm vững giao ước mới theo nghĩa là vâng phục các luật pháp trong giao ước đó, hợp tác trọn vẹn với các sắp đặt liên quan đến giao ước, nhận lãnh cùng thức ăn thiêng liêng như những người xức dầu, và ủng hộ lớp người này trong công việc rao giảng về Nước Trời và đào tạo môn đồ.

Bài học cho chúng ta:

40:10-14, 26, 28. Đức Giê-hô-va là Đấng vừa mạnh mẽ vừa nhân từ, toàn năng và vô cùng khôn ngoan; sự thông biết Ngài vượt xa tầm hiểu biết của chúng ta.

40:17, 23; 41:29; 44:9; 59:4. Các liên minh chính trị và hình tượng đều là “hư-không”. Nương cậy nơi họ là vô ích.

42:18, 19; 43:8. Nhắm mắt, bịt tai trước Lời Đức Chúa Trời và những sự hướng dẫn Ngài ban qua lớp “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” là mù và điếc về mặt tâm linh.—Ma-thi-ơ 24:45.

43:25. Đức Giê-hô-va vì chính mình Ngài mà xóa tội lỗi. Việc chúng ta thoát khỏi tội lỗi, sự chết và được sống không quan trọng bằng việc làm thánh danh Đức Giê-hô-va.

44:8. Chúng ta có sự hỗ trợ của Đức Giê-hô-va, nơi nương tựa an toàn và vững chắc như đá. Chúng ta không bao giờ nên e sợ làm chứng rằng Ngài là Đức Chúa Trời thật!—2 Sa-mu-ên 22:31, 32.

44:18-20. Thờ hình tượng là biểu hiện của sự sai lạc trong lòng. Chúng ta không nên để bất kỳ điều gì thay thế vị trí của Đức Giê-hô-va trong lòng mình.

46:10, 11. Khả năng làm cho ‘mưu Ngài được lập’, tức hoàn thành ý định của Ngài, là bằng chứng rõ ràng cho thấy Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời.

48:17, 18; 57:19-21. Nếu chúng ta trông cậy nơi sự giải cứu của Đức Giê-hô-va, đến gần Ngài và để ý đến các điều răn Ngài, thì sự bình an của chúng ta sẽ đầy tràn như sông và những việc công bình của chúng ta sẽ nhiều như sóng biển. Còn những kẻ không làm theo Lời Đức Chúa Trời thì giống như “biển đương động”. Họ không có sự bình an.

52:5, 6. Người Ba-by-lôn đã kết luận sai lầm rằng Đức Chúa Trời thật là Đấng yếu đuối. Họ không hiểu được rằng sở dĩ dân Y-sơ-ra-ên bị bắt làm phu tù là do làm phật lòng Đức Giê-hô-va. Khi người khác gặp hoạn nạn, chúng ta nên tránh hấp tấp kết luận về nguyên nhân dẫn đến tai họa.

52:7-9; 55:12, 13. Chúng ta có ít nhất ba lý do để vui mừng tham gia công việc rao giảng và đào tạo môn đồ. Đối với những người nhu mì, đói khát về thiêng liêng, chân chúng ta được xem là xinh đẹp. Chúng ta được thấy Đức Giê-hô-va “mắt đối mắt”, tức có một mối quan hệ mật thiết với Ngài. Ngoài ra, chúng ta cũng được giàu có về thiêng liêng.

52:11, 12. Để xứng đáng mang “khí-dụng Đức Giê-hô-va”—những sắp đặt để thờ phượng Đức Chúa Trời—chúng ta phải trong sạch về mặt đạo đức và thiêng liêng.

58:1-14. Tỏ ra công bình và tin kính cách giả hình là vô ích. Những người thờ phượng thật phải luôn bày tỏ lòng tin kính và tình yêu anh em cách chân thật và dồi dào.—Giăng 13:35; 2 Phi-e-rơ 3:11.

59:15b-19. Đức Giê-hô-va luôn quan sát công việc của loài người và can thiệp vào đúng kỳ định.

SI-ÔN “SẼ LÀM MÃO TRIỀU-THIÊN ĐẸP-ĐẼ”

(Ê-sai 60:1–66:24)

Về việc phục hưng sự thờ phượng thật vào thời xưa cũng như thời nay, Ê-sai 60:1 nói: “Hãy dấy lên, và sáng lòe ra! Vì sự sáng ngươi đã đến, và vinh-quang Đức Giê-hô-va đã mọc lên trên ngươi”. Si-ôn “sẽ làm mão triều-thiên đẹp-đẽ trong tay Đức Giê-hô-va”.—Ê-sai 62:3.

Ê-sai cầu nguyện Đức Giê-hô-va thay cho những người Do Thái biết ăn năn khi họ bị lưu đày sang Ba-by-lôn. (Ê-sai 63:15–64:12) Sau khi so sánh giữa tôi tớ thật và tôi tớ giả, nhà tiên tri cho biết cách Đức Giê-hô-va sẽ ban phước cho những ai phụng sự Ngài.—Ê-sai 65:1–66:24.

Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:

61:8, 9—‘Giao-ước đời đời’ là gì, và ai là “dòng-dõi”? Đây là giao ước mới Đức Giê-hô-va lập với các tín đồ Đấng Christ được xức dầu. “Dòng-dõi” là lớp “chiên khác”—tức hàng triệu người hưởng ứng thông điệp của lớp người xức dầu.—Giăng 10:16.

63:5—Cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời nâng đỡ Ngài như thế nào? Cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời là một cảm xúc có kiểm soát—một sự phẫn nộ chính đáng. Cơn thạnh nộ này nâng đỡ và thúc đẩy Ngài thực thi sự phán xét công bình.

Bài học cho chúng ta:

64:6. Con người bất toàn không thể tự cứu mình. Về giá trị chuộc tội, những việc làm công bình của họ chẳng có giá trị gì hơn chiếc áo nhớp.—Rô-ma 3:23, 24.

65:13, 14. Đức Giê-hô-va ban phước cho các tôi tớ trung thành, thỏa mãn nhu cầu tâm linh của họ một cách dồi dào.

66:3-5. Đức Giê-hô-va ghét sự giả hình.

“Các ngươi hãy mừng-rỡ”

Những lời tiên tri về sự phục hưng hẳn mang lại nhiều an ủi biết bao cho những người Do Thái đang sống trong cảnh lưu đày ở Ba-by-lôn! Đức Giê-hô-va phán: “Các ngươi hãy mừng-rỡ và vui-vẻ đời đời trong sự ta dựng nên. Thật, ta dựng nên Giê-ru-sa-lem cho sự vui, và dân nó cho sự mừng-rỡ”.—Ê-sai 65:18.

Chúng ta cũng đang sống trong thời kỳ sự tối tăm vây phủ đất và sự u ám bao bọc các dân. (Ê-sai 60:2) Đây chính là “thời-kỳ khó-khăn”. (2 Ti-mô-thê 3:1) Vì thế, thông điệp cứu rỗi của Đức Giê-hô-va trong sách Ê-sai là nguồn khích lệ lớn cho chúng ta.—Hê-bơ-rơ 4:12.

[Chú thích]

[Hình nơi trang 8]

Bạn có biết lý do chính yếu nào thúc đẩy Vua Ê-xê-chia cầu xin sự giải cứu khỏi quân A-si-ri không?

[Hình nơi trang 11]

‘Những kẻ đem tin tốt, chân của những kẻ ấy trên các núi xinh-đẹp là dường nào!’