Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

A-mốt—Người sửa soạn hay người châm trái vả?

A-mốt—Người sửa soạn hay người châm trái vả?

A-mốt—Người sửa soạn hay người châm trái vả?

VÀO thế kỷ thứ chín TCN, A-ma-xia, thầy tế lễ ác độc thờ bò vàng, ra lệnh cho A-mốt phải ngưng nói tiên tri tại xứ Y-sơ-ra-ên. A-mốt phản bác: “Ta là một kẻ chăn, sửa-soạn những cây vả rừng. Đức Giê-hô-va đã bắt lấy ta từ sau bầy, và Đức Giê-hô-va phán cùng ta rằng: Hãy đi nói tiên-tri cho dân Y-sơ-ra-ên ta”. (A-mốt 7:14, 15) Đúng thế, việc A-mốt đi nói tiên tri là ý của Đức Giê-hô-va, chứ không phải của riêng ông. Tuy nhiên, A-mốt có ý gì khi nói ông là ‘kẻ sửa-soạn’ những cây vả rừng?

Từ này, được dịch từ tiếng Hê-bơ-rơ, chỉ xuất hiện một lần trong bản Liên Hiệp Thánh Kinh Hội. Những bản Kinh Thánh khác dịch từ này là ‘người chăm sóc’, ‘kẻ tỉa’ hoặc ‘kẻ châm’ cây vả. Tuy nhiên, theo tờ Economic Botany, từ thích hợp nhất có lẽ là “người châm”, vì nó ám chỉ đến một công việc cụ thể của nghề trồng cây vả.

Châm hay rạch những đường nhỏ trên trái vả là công việc rất phổ biến ở Ai Cập và Cyprus từ thời xa xưa. Ở Y-sơ-ra-ên hiện nay, người ta trồng nhiều loại vả khác, không cần phải châm, nên công việc này không còn phổ biến nữa. Tuy nhiên, vào thời A-mốt, người Y-sơ-ra-ên thường châm trái vả vì loại vả họ trồng cùng giống với loại vả ở Ai Cập.

Dường như nhờ được châm, trái vả hấp thu nước và trở nên mọng hơn. Việc này cũng giúp trái thải ra nhiều khí etylen, đẩy nhanh quá trình chín cây, tạo ra những trái lớn và ngọt hơn. Một ích lợi khác là các loài côn trùng không thể làm hại trái được vì trái chín rất nhanh.

Dù chỉ là một người chăn chiên và người châm trái vả thấp kém, nhưng A-mốt không run sợ trước kẻ thù. Ngược lại, ông dạn dĩ công bố thông điệp phán xét của Đức Giê-hô-va cho dân Y-sơ-ra-ên. Thật là một gương mẫu tốt thay cho những người phụng sự Đức Chúa Trời ngày nay, những người cũng rao ra một thông điệp mà người khác không mấy ưa chuộng!—Ma-thi-ơ 5:11, 12; 10:22.