Cảm nghiệm được niềm vui trong công việc đào tạo môn đồ
Tự Truyện
Cảm nghiệm được niềm vui trong công việc đào tạo môn đồ
Do Pamela Moseley kể lại
Chiến tranh xảy ra khốc liệt ở Anh Quốc vào năm 1941, năm ấy tôi được mẹ dẫn đi dự một đại hội của Nhân Chứng Giê-hô-va ở Leicester. Vào dịp ấy, chúng tôi nghe anh Joseph Rutherford nói một bài giảng đặc biệt về trẻ em. Khi mẹ con tôi chịu phép báp têm vào kỳ đại hội đó, tôi nhận thấy những người từng giúp chúng tôi tiến bộ về thiêng liêng đã biểu lộ niềm vui khôn tả. Lúc ấy, tôi chưa cảm nghiệm được niềm vui của việc đào tạo môn đồ Đấng Christ.
TỪ NĂM 1940, chúng tôi bắt đầu có ước muốn trở thành môn đồ Đấng Christ. Tôi vẫn nhớ cái ngày kinh hoàng vào tháng 9 năm 1939, ngày Thế Chiến II bùng nổ. Tôi thấy nước mắt mẹ tuôn dài mỗi khi mẹ hỏi: “Tại sao thế giới không có hòa bình?” Cha mẹ tôi đều phục vụ trong quân đội thời Thế Chiến I, và đã trải nghiệm sự khủng khiếp của cuộc chiến đó. Mẹ đến hỏi một mục sư Anh giáo ở Bristol về câu hỏi ấy. Ông chỉ đáp: “Chiến tranh lúc nào cũng có, và sẽ không bao giờ thay đổi”.
Tuy nhiên, một thời gian ngắn sau thì có một phụ nữ lớn tuổi đến gõ cửa nhà chúng tôi. Bác ấy là một Nhân Chứng Giê-hô-va, và mẹ tôi cũng hỏi: “Tại sao thế giới không có hòa bình?” Bác trả lời rằng chiến tranh là một trong những khía cạnh của điềm cho thấy chúng ta đang sống trong thời kỳ cuối cùng của thế gian hung bạo ngày nay. (Ma-thi-ơ 24:3-14) Không lâu sau, con gái của bác dạy chúng tôi Kinh Thánh. Mẹ con bác ấy cũng ở trong số những người cảm thấy vui mừng khi chứng kiến chúng tôi báp têm. Tại sao công việc đào tạo môn đồ lại khiến người ta vui đến thế? Sau này thì tôi đã hiểu. Tôi xin chia sẻ một số điều mà tôi nghiệm được qua hơn 65 năm đào tạo môn đồ.
Tìm được niềm vui trong việc đào tạo môn đồ
Năm lên 11 tuổi, tôi bắt đầu tham gia công việc rao giảng về Nước Trời ở Bristol. Một anh đưa cho tôi cái máy hát đĩa và thẻ làm chứng, rồi nói: “Bây giờ em đi đến những nhà ở phía bên kia đường”. Thế là, tôi cứ thế mà đi một mình. Dĩ nhiên là tôi rất sợ. Tôi mở máy hát đĩa để phát thanh một bài giảng thu âm sẵn, sau đó cho chủ nhà xem thẻ làm chứng mời nhận ấn phẩm giải thích Kinh Thánh.
Vào đầu thập niên 1950, chúng tôi được khuyến khích đọc câu Kinh Thánh khi đi rao giảng từng nhà. Lúc đầu, do tính nhút nhát nên tôi cảm thấy việc nói chuyện với người khác và giải thích Kinh Thánh quả là một thách đố. Nhưng dần dần tôi cũng có được sự tự tin. Đó là lúc tôi bắt đầu thích công việc rao giảng. Một số người từng xem chúng tôi chỉ là những người bán sách, nhưng bây giờ thấy chúng tôi đọc và giải thích Kinh Thánh, họ nhận ra chúng tôi là những người dạy Lời Đức Chúa Trời. Tôi rất thích công việc này nên muốn làm nhiều hơn nữa. Vì vậy, đến tháng 9 năm 1955, tôi tham gia rao giảng trọn thời gian, tức công việc tiên phong.
Sự kiên trì mang lại kết quả
Một trong những điều đầu tiên tôi học được là sự kiên trì có thể mang lại kết quả. Có lần, tôi để lại một cuốn Tháp Canh cho một phụ nữ tên là Violet Morice. Khi tôi trở lại thăm, cô ấy mở rộng cửa, đứng khoanh tay và chăm chú lắng nghe tôi giải thích Kinh Thánh. Mỗi lần tôi đến thăm, cô tỏ vẻ thành thật chú ý đến Kinh Thánh. Tuy nhiên, khi tôi mời học Kinh Thánh đều đặn, cô đáp: “Không được. Khi nào con tôi lớn, tôi sẽ học”. Thật nản lòng biết bao! Kinh Thánh nói: “Có kỳ tìm,. . . và có kỳ ném bỏ”. (Truyền-đạo 3:6) Và tôi quyết không bỏ cuộc.
Một tháng sau, tôi trở lại và thảo luận với cô ấy thêm vài câu Kinh Thánh. Cứ như thế, cô học mỗi tuần tại cửa nhà. Cuối cùng cô nói: “Tôi nghĩ mình nên vào nhà nhé?” Violet trở thành một chị đồng đạo và là người bạn thân tuyệt vời của tôi! Quả vậy, Violet đã báp têm trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va.
Ngày nọ, Violet choáng váng khi hay tin chồng chị tự ý bán căn nhà của họ và bỏ rơi chị. Mừng thay, nhờ sự giúp đỡ của một người bạn đồng đạo, chị có ngôi nhà khác ngay chiều hôm ấy. Quá đỗi biết ơn Đức Giê-hô-va, chị quyết định sẽ làm tiên phong suốt đời. Khi thấy thánh linh của Đức Giê-hô-va tác động, khiến chị có lòng sốt sắng đối với sự thờ phượng thật, tôi hiểu tại sao công việc đào tạo môn đồ mang lại niềm vui đến thế. Thật vậy, đây sẽ là sự nghiệp của đời tôi!
Năm 1957, tôi và Mary Robinson được bổ nhiệm làm tiên phong ở khu công nghiệp Rutherglen, thuộc thành phố Glasgow, Scotland. Chúng tôi đi rao giảng dưới sương mù, gió, mưa và tuyết. Nhưng thật đáng công. Ngày nọ tôi gặp Jessie. Tôi rất thích khi hướng dẫn cô ấy học Kinh Thánh. Wally, chồng của Jessie, là một người theo chủ nghĩa xã hội. Lúc đầu anh ấy tránh né tôi. Khi học Kinh Thánh và hiểu rằng chỉ có Nước Trời mới mang lại điều kiện tốt nhất cho con người, anh ấy rất phấn khởi. Với thời gian, cả hai vợ chồng đều trở thành những người đào tạo môn đồ.
Có thể kết luận sai về phản ứng ban đầu
Sau đó chúng tôi được phái đến thị trấn Paisley, Scotland. Một ngày nọ, trong lúc tôi đang rao giảng ở khu vực ấy, một phụ nữ đóng sập cửa trước mặt tôi, nhưng sau đó tìm tôi để xin lỗi. Tuần sau, khi tôi trở lại, cô nói: “Tôi cảm thấy như mình đã đóng sập cửa trước mặt Đức Chúa
Trời. Vì vậy tôi phải đi tìm chị”. Người phụ nữ ấy tên là Pearl. Qua lời tâm sự, tôi hiểu cô rất thất vọng về bạn bè và người thân nên đã cầu xin Đức Chúa Trời giúp tìm được một người bạn chân thật. Cô cho biết: “Và rồi chị đến nhà tôi. Giờ đây tôi nghĩ rằng chị hẳn là người bạn ấy”.Làm bạn của Pearl không phải dễ. Nhà cô ấy ở trên một đỉnh đồi dốc đứng, và tôi phải lội bộ lên đó. Khi đến nhà để giúp cô đi dự buổi nhóm họp đầu tiên, gió và mưa gần như cuốn bay tôi. Cây dù thì bị gió xé toang nên tôi phải vứt nó. Chỉ sáu tháng sau cái ngày đóng sập cửa trước mặt tôi, Pearl biểu trưng sự dâng mình cho Đức Chúa Trời bằng phép báp têm.
Ít lâu sau, chồng chị ấy cũng học Kinh Thánh, và chỉ trong thời gian ngắn, anh ấy cùng tôi đi rao giảng từng nhà. Như thường lệ, trời lại đổ mưa, nhưng anh ấy nói: “Đừng lo. Tôi từng đứng hàng giờ dưới mưa để xem bóng đá, thì chắc chắn tôi có thể dầm mưa để phụng sự Đức Giê-hô-va”. Tôi vẫn luôn ngưỡng mộ tinh thần kiên quyết của người Scotland.
Sau nhiều năm, tôi trở lại đó và thấy đa số những người học Kinh Thánh với tôi vẫn trung thành giữ đức tin, tôi thật mãn nguyện! Đó là niềm vui của công việc đào tạo môn đồ. (1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:17-20) Năm 1966, sau hơn tám năm tham gia công việc tiên phong ở Scotland, tôi được mời dự khóa huấn luyện giáo sĩ tại Trường Kinh Thánh Ga-la-át của Hội Tháp Canh.
Trong cánh đồng hải ngoại
Tôi được phái đến một thành phố vùng nhiệt đới là Santa Cruz, thuộc Bolivia. Hội thánh nơi đây có khoảng 50 người công bố. Thành phố này gợi cho tôi nhớ đến Miền Tây Hoang Dã, cảnh thường thấy trong những bộ phim của Hollywood. Ngẫm lại, tôi thấy mình chỉ là một giáo sĩ bình thường. Tôi chưa bao giờ bị cá sấu tấn công, bị đám đông hành hung, bị lạc lối giữa sa mạc, hoặc bị đắm tàu giữa biển cả. Tuy nhiên, đối với tôi, công việc đào tạo môn đồ còn hứng thú hơn.
Một trong những phụ nữ đầu tiên học Kinh Thánh với tôi ở Santa Cruz là Antonia. Quả khó khăn cho tôi khi phải dạy chị ấy bằng tiếng Tây Ban Nha. Có lần, cậu con trai nhỏ của chị nói: “Mẹ ơi, có phải cô ấy cố ý nói sai để mình cười không mẹ?” Rồi Antonia và con gái là Yolanda cũng trở thành môn đồ Đấng Christ. Yolanda có một người bạn là sinh viên khoa luật, tên Dito. Cậu ấy cũng bắt đầu học Kinh Thánh và tham dự nhóm họp. Đối với chàng trai này, tôi nghiệm thêm được một điều trong việc dạy lẽ thật Kinh Thánh: Đôi khi người ta cần sự thúc đẩy nhẹ nhàng.
Khi Dito bắt đầu bỏ vài buổi học Kinh Thánh, tôi nói: “Dito à, Đức Giê-hô-va không bắt buộc cậu phải ủng hộ Nước Trời. Nhưng cậu phải chọn lựa”. Nghe Dito trả lời rằng cậu ấy muốn phụng sự Đức Chúa Trời, tôi nói: “Trong nhà cậu có trưng nhiều hình của một lãnh tụ cách mạng. Nếu ai đó nhìn thấy những tấm ảnh, liệu họ có nghĩ rằng cậu đã chọn ủng hộ Nước Trời không?” Đó là sự thúc đẩy nhẹ nhàng cần thiết cho cậu ấy.
Hai tuần sau, một cuộc cách mạng bùng nổ, và có cuộc nổ súng giữa sinh viên với cảnh sát. “Hãy chạy ra khỏi đây!” Dito hét lên để thúc giục người bạn của cậu. Nhưng người bạn ấy trả lời: “Không! Đây là ngày trọng đại mà chúng ta chờ đợi”. Nói xong anh ta chộp lấy khẩu súng trường và leo lên mái nhà trường đại học. Anh ta là một trong tám người bạn của Dito đã bị mất mạng trong ngày hôm ấy. Bạn có tưởng tượng tôi vui mừng đến mức nào không khi thấy Dito thoát chết nhờ quyết định trở thành tín đồ thật của Đấng Christ?
Thấy thánh linh của Đức Giê-hô-va hoạt động
Một ngày kia, tôi bỏ qua một ngôi nhà vì nghĩ rằng mình đã gõ cửa nhà đó rồi, nhưng người phụ nữ trong nhà ấy gọi tôi. Chị tên là Ignacia. Chị ấy biết Nhân Chứng Giê-hô-va nhưng bị chồng là Adalberto—một nhân viên cảnh sát lực lưỡng—chống đối dữ dội nên không tiến bộ về thiêng liêng. Chị chưa hiểu rõ
về nhiều dạy dỗ căn bản của Kinh Thánh, vì vậy tôi bắt đầu hướng dẫn chị học Kinh Thánh. Mặc dù Adalberto kiên quyết cản trở những buổi học Kinh Thánh, tôi vẫn có thể nói với anh khá lâu về những chuyện khác. Đây là bước đầu tiên để làm bạn.Hãy tưởng tượng niềm vui của tôi khi thấy Ignacia trở thành một thành viên đáng mến trong hội thánh, luôn an ủi và chăm lo cho nhiều người về mặt thiêng liêng lẫn thể chất khi họ cần. Theo thời gian, chồng của chị và ba con đều trở thành Nhân Chứng. Thật thế, khi Adalberto hiểu được ý nghĩa của tin mừng, anh trở về sở cảnh sát, nhiệt thành nói với đồng nghiệp về điều đó và nhận được 200 phiếu đặt báo dài hạn Tháp Canh và Tỉnh Thức!
Đức Giê-hô-va làm cho lớn lên
Sau khi phụng sự sáu năm ở Santa Cruz, tôi được phái đến La Paz, thủ đô của Bolivia, và ở đấy 25 năm. Vào đầu thập niên 1970, trụ sở chi nhánh của Nhân Chứng Giê-hô-va ở La Paz chỉ có 12 người. Khi công việc rao giảng được mở rộng, cần những cơ sở lớn hơn, một văn phòng chi nhánh mới được xây dựng ở thành phố Santa Cruz đang phát triển nhanh chóng. Chi nhánh chuyển đến đấy vào năm 1998, và tôi được mời làm thành viên. Hiện nay văn phòng chi nhánh có hơn 50 người.
Năm 1966, ở Santa Cruz chỉ có một hội thánh, nay có hơn 50 hội thánh. Bấy giờ trong cả xứ Bolivia chỉ có 640 Nhân Chứng, ngày nay con số này gia tăng đến gần 18.000 người!
Vui mừng thay, công việc của tôi ở Bolivia đạt nhiều kết quả. Tuy nhiên, tôi luôn cảm thấy được khích lệ bởi lòng trung thành của anh em đồng đạo ở khắp nơi. Chúng ta đều vui mừng khi thấy ân phước của Đức Giê-hô-va trong hoạt động rao giảng về Nước Trời. Được chia sẻ công việc đào tạo môn đồ quả là một niềm vui.—Ma-thi-ơ 28:19, 20.
[Hình nơi trang 13]
Làm tiên phong ở Scotland
[Các hình nơi trang 15]
Phụng sự tại văn phòng chi nhánh ở Bolivia; (hình nhỏ bên trong) tại lễ tốt nghiệp khóa 42 Trường Ga-la-át