Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Giê-hô-va là Đức Chúa Trời đầy ân nghĩa

Giê-hô-va là Đức Chúa Trời đầy ân nghĩa

Giê-hô-va là Đức Chúa Trời đầy ân nghĩa

“Đức Chúa Trời không phải là không công-bình mà bỏ quên công-việc và lòng yêu-thương của anh em đã tỏ ra vì danh Ngài”.—HÊ-BƠ-RƠ 6:10.

1. Trong trường hợp của người nữ Mô-áp là Ru-tơ, Đức Giê-hô-va cho thấy Ngài quý trọng bà như thế nào?

ĐỨC GIÊ-HÔ-VA rất quý trọng nỗ lực của những người thành tâm làm theo ý muốn Ngài, và Ngài ban thưởng cho họ dồi dào. (Hê-bơ-rơ 11:6) Một người trung thành là Bô-ô đã biết về đức tính nổi bật này của Đức Chúa Trời. Ông nói với Ru-tơ, một người nữ Mô-áp hết lòng chăm sóc mẹ chồng góa bụa: “Nguyện Đức Giê-hô-va báo-đáp điều nàng đã làm;. . . cầu-xin Ngài thưởng cho nàng cách trọn-vẹn”. (Ru-tơ 2:12) Người nữ Ru-tơ có được Đức Chúa Trời ban phước không? Chắc chắn có! Thật thế, câu chuyện của bà đã được ghi lại trong Kinh Thánh! Ngoài ra, bà còn kết hôn với Bô-ô, trở thành tổ mẫu của Vua Đa-vít và Chúa Giê-su Christ. (Ru-tơ 4:13, 17; Ma-thi-ơ 1:5, 6, 16) Đó chỉ là một trong nhiều câu chuyện Kinh Thánh cho thấy lòng quý trọng của Đức Giê-hô-va đối với các tôi tớ Ngài.

2, 3. (a) Tại sao việc Đức Giê-hô-va biểu lộ lòng quý trọng là điều đáng chú ý? (b) Tại sao Đức Giê-hô-va biểu lộ lòng quý trọng chân thành đối với tôi tớ Ngài? Hãy cho minh họa.

2 Đức Giê-hô-va xem Ngài là Đấng không công bình nếu Ngài thiếu lòng quý trọng. Hê-bơ-rơ 6:10 nói: “Đức Chúa Trời không phải là không công-bình mà bỏ quên công-việc và lòng yêu-thương của anh em đã tỏ ra vì danh Ngài, trong khi hầu việc các thánh-đồ và hiện nay đương còn hầu việc nữa”. Câu này đặc biệt đáng chú ý vì Đức Chúa Trời biểu lộ lòng quý trọng đối với các tôi tớ tận tụy, dù họ là người tội lỗi và thiếu mất sự vinh hiển của Ngài.—Rô-ma 3:23.

3 Vì bất toàn, chúng ta có thể cho rằng những hành động tin kính của mình không có gì đáng kể, và không xứng đáng để nhận ân phước của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va biết rõ động lực và hoàn cảnh của chúng ta. Ngài thật sự quý trọng tinh thần hết lòng phụng sự của chúng ta. (Ma-thi-ơ 22:37) Hãy xem minh họa sau: Một người mẹ thấy trên bàn mình có gói quà là một chuỗi hạt rẻ tiền. Bà có thể xem vật đó không đáng giá và bỏ sang một bên. Tuy nhiên, tấm thiệp gửi kèm cho biết đó là món quà của cô con gái nhỏ. Cô bé đã dốc hết số tiền dành dụm để mua tặng mẹ. Giờ đây, người mẹ có cảm nghĩ khác về món quà. Có lẽ với đôi mắt rưng rưng lệ, bà ôm cô bé vào lòng và bày tỏ lòng quý trọng chân thành.

4, 5. Trong việc biểu lộ lòng quý trọng, Chúa Giê-su noi gương Đức Giê-hô-va thế nào?

4 Vì biết rõ động lực và giới hạn của chúng ta nên Đức Giê-hô-va quý trọng những gì tốt nhất mà chúng ta dâng lên Ngài, dù nhiều hay ít. Về phương diện này, Chúa Giê-su phản ánh hoàn toàn bản tính Cha ngài. Hãy nhớ lại lời tường thuật Kinh Thánh về câu chuyện người đàn bà góa dâng của. “Đức Chúa Jêsus vừa ngó lên, thấy những kẻ giàu bỏ tiền lễ vào rương, lại thấy một mụ góa nghèo bỏ vào hai đồng tiền. Ngài phán rằng: Quả thật, ta nói cùng các ngươi, mụ góa nghèo nầy đã bỏ vào nhiều hơn hết mọi người khác. Vì mọi người kia đều lấy của dư mình mà làm của dâng; nhưng mụ nầy thiếu-thốn, mà đã dâng hết của mình có để nuôi mình”.—Lu-ca 21:1-4.

5 Thật vậy, biết rõ hoàn cảnh người đàn bà này—góa bụa và nghèo nàn—Chúa Giê-su hiểu giá trị món quà bà dâng, và ngài quý trọng tấm lòng của bà. Đức Giê-hô-va cũng vậy. (Giăng 14:9) Không khích lệ sao khi biết rằng, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, bạn cũng có thể nhận được ân huệ của Đức Chúa Trời đầy ân nghĩa và Con Ngài?

Đức Giê-hô-va ban thưởng cho người Ê-thi-ô-bi có lòng kính sợ Ngài

6, 7. Tại sao Đức Giê-hô-va quý trọng Ê-bết-Mê-lết, và Ngài biểu lộ như thế nào?

6 Kinh Thánh có nhiều lời tường thuật về việc Đức Giê-hô-va biểu lộ lòng quý trọng với những người làm theo ý muốn Ngài. Hãy xem trường hợp Đức Chúa Trời đối xử với Ê-bết-Mê-lết, người Ê-thi-ô-bi có lòng kính sợ Ngài. Ông sống cùng thời với Giê-rê-mi và phục vụ trong cung Vua Sê-đê-kia, một vị vua bội nghịch của xứ Giu-đa. Ê-bết-Mê-lết biết các quan trưởng của Giu-đa khép nhà tiên tri Giê-rê-mi vào tội xúi dân phản loạn, và đã ném Giê-rê-mi xuống một cái hố, toan để cho ông bị chết đói ở đấy. (Giê-rê-mi 38:1-7) Biết Giê-rê-mi bị căm ghét vì thông điệp ông loan báo, Ê-bết-Mê-lết liều mạng đến nài xin vua. Người Ê-thi-ô-bi này mạnh dạn tâu cùng vua rằng: “Muôn tâu chúa tôi, những người nầy đãi tiên-tri Giê-rê-mi cách như vậy, vả lại quăng người xuống hố, là ác lắm. Người sẽ chết đói tại đó”. Theo lệnh vua, Ê-bết-Mê-lết đem 30 người đến cứu nhà tiên tri của Đức Chúa Trời lên khỏi hố.—Giê-rê-mi 38:8-13.

7 Đức Giê-hô-va thấy Ê-bết-Mê-lết có đức tin, và đức tin ấy đã giúp ông vượt qua mọi nỗi sợ hãi. Thế nên qua Giê-rê-mi, Ngài biểu lộ lòng quý trọng Ê-bết-Mê-lết: “Ta sẽ làm ra trước mặt ngươi mọi lời mà ta đã phán nghịch cùng thành nầy, cho nó mang họa và chẳng được phước. . . Nhưng trong ngày đó, ta sẽ giải-cứu ngươi, thì ngươi sẽ không bị nộp trong tay những người mình sợ. Vì ta sẽ cứu ngươi chắc thật. . . ngươi sẽ lấy được sự sống mình như của-cướp, vì đã để lòng trông-cậy trong ta”. (Giê-rê-mi 39:16-18) Thật vậy, Đức Giê-hô-va đã giải cứu Ê-bết-Mê-lết cùng Giê-rê-mi khỏi tay các quan trưởng gian ác của xứ Giu-đa, và sau này là khỏi tay những người Ba-by-lôn đánh chiếm thành Giê-ru-sa-lem. Thi-thiên 97:10 (Bản Dịch Mới) nói: “Chúa bảo vệ mạng sống những kẻ trung tín với Ngài, giải cứu họ khỏi tay những kẻ ác”.

“Cha ngươi, là Đấng thấy trong chỗ kín-nhiệm, sẽ thưởng cho ngươi”

8, 9. Như Chúa Giê-su cho thấy, lời cầu nguyện như thế nào thì được Đức Giê-hô-va quý trọng?

8 Qua những gì Kinh Thánh nói về việc cầu nguyện, chúng ta có thể thấy Đức Giê-hô-va quý trọng những lời cầu nguyện với lòng tin kính. Một người khôn ngoan đã viết: “Lời cầu-nguyện của người ngay-thẳng được đẹp lòng [Đức Chúa Trời]”. (Châm-ngôn 15:8) Vào thời Chúa Giê-su, nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo đã cầu nguyện trước mặt nhiều người, không phải vì lòng tin kính chân thành, nhưng vì muốn gây ấn tượng với người khác. Chúa Giê-su phán: “Bọn đó đã được phần thưởng của mình rồi”. Sau đó, ngài dạy các môn đồ: “Song khi ngươi cầu-nguyện, hãy vào phòng riêng, đóng cửa lại, rồi cầu-nguyện Cha ngươi, ở nơi kín-nhiệm đó; và Cha ngươi, là Đấng thấy trong chỗ kín-nhiệm, sẽ thưởng cho ngươi”.—Ma-thi-ơ 6:5, 6.

9 Dĩ nhiên Chúa Giê-su không lên án việc cầu nguyện trước mặt nhiều người, vì chính ngài cũng làm thế trong một vài trường hợp. (Lu-ca 9:16) Khi chúng ta cầu nguyện với lòng chân thành, không cố ý gây ấn tượng với người khác, thì Đức Giê-hô-va quý trọng sâu xa những lời cầu nguyện ấy. Thật thế, những lời cầu nguyện cá nhân cho thấy lòng yêu thương sâu đậm và sự tin cậy của chúng ta đối với Đức Chúa Trời. Vì vậy, chẳng lạ gì khi Chúa Giê-su thường tìm nơi vắng vẻ để cầu nguyện. Có lần ngài đã cầu nguyện vào buổi sáng, khi “trời còn mờ-mờ”. Vào một dịp khác, “ngài lên núi để cầu-nguyện riêng”. Trước khi chọn 12 sứ đồ, Chúa Giê-su thức thâu đêm để cầu nguyện riêng với Đức Chúa Trời.—Mác 1:35; Ma-thi-ơ 14:23; Lu-ca 6:12, 13.

10. Khi lời cầu nguyện phản ánh lòng chân thành và tha thiết, chúng ta có thể tin chắc điều gì?

10 Hãy thử tưởng tượng Đức Giê-hô-va chăm chú như thế nào khi lắng nghe những lời cầu nguyện chân thành của Con Ngài! Thật thế, đôi khi Chúa Giê-su “kêu lớn tiếng khóc-lóc mà dâng những lời cầu-nguyện nài-xin. . . và vì lòng nhân-đức Ngài, nên được nhậm lời”. (Hê-bơ-rơ 5:7; Lu-ca 22:41-44) Khi lời cầu nguyện phản ánh lòng chân thành và tha thiết, chúng ta có thể tin chắc rằng Cha trên trời chăm chú lắng nghe và quý trọng lời cầu nguyện ấy. Thật thế, “Đức Giê-hô-va ở gần mọi người. . . có lòng thành-thực cầu-khẩn Ngài”.—Thi-thiên 145:18.

11. Đức Giê-hô-va nghĩ thế nào về những gì chúng ta làm trong cuộc sống riêng?

11 Nếu chúng ta cầu nguyện riêng với Đức Giê-hô-va mà còn được Ngài quý trọng như thế, vậy khi chúng ta vâng phục Ngài từ trong lòng thì Ngài hẳn quý trọng đến dường nào! Thật vậy, Đức Giê-hô-va thấy những gì chúng ta làm trong cuộc sống riêng. (1 Phi-e-rơ 3:12) Thế nên, khi chúng ta giữ lòng trung thành và vâng phục—dù không ai thấy—thì điều đó chứng tỏ chúng ta “hết lòng” hướng về Đức Giê-hô-va với động lực trong sạch và lòng cương quyết làm điều đúng. (1 Sử Ký 28:9) Thái độ đó hẳn làm Đức Giê-hô-va đẹp lòng!—Châm-ngôn 27:11; 1 Giăng 3:22.

12, 13. Làm sao chúng ta có thể giữ gìn lòng và trí để được như môn đồ trung thành Na-tha-na-ên?

12 Do đó, là những tín đồ trung thành của Đấng Christ, chúng ta tránh lén lút phạm những điều khiến lòng và trí trở nên bại hoại, chẳng hạn như xem hình ảnh khiêu dâm hay bạo lực. Dù một số tội lỗi có thể che giấu khỏi mắt người ta, chúng ta ý thức rằng “thảy đều trần-trụi và lộ ra trước mắt Đấng mà chúng ta phải thưa lại”. (Hê-bơ-rơ 4:13; Lu-ca 8:17) Khi cố gắng tránh những điều làm buồn lòng Đức Giê-hô-va, chúng ta có được lương tâm trong sạch và niềm vui vì biết rằng mình được Ngài chấp nhận. Thật vậy, chắc chắn Đức Giê-hô-va quý trọng người “đi theo sự ngay-thẳng, làm điều công-bình, và nói chân-thật trong lòng mình”.—Thi-thiên 15:1, 2.

13 Vậy, làm sao chúng ta có thể giữ gìn lòng và trí khi sống giữa một thế gian đầy dẫy điều ác? (Châm-ngôn 4:23; Ê-phê-sô 2:2) Ngoài việc tận dụng mọi điều mà Đức Giê-hô-va cung cấp về mặt thiêng liêng, chúng ta phải cương quyết tránh điều ác và làm điều lành. Chúng ta phải nhanh chóng loại bỏ những ham muốn không chính đáng dẫn đến tội lỗi. (Gia-cơ 1:14, 15) Hãy tưởng tượng bạn vui sướng như thế nào nếu được Chúa Giê-su nói về bạn, như ngài đã nói về Na-tha-na-ên: “Nầy, một người Y-sơ-ra-ên thật, trong người không có điều dối-trá chi hết”. (Giăng 1:47) Na-tha-na-ên, còn được gọi là Ba-thê-lê-my, sau này có đặc ân trở thành một trong 12 sứ đồ của Chúa Giê-su.—Mác 3:16-19.

“Thầy tế-lễ thượng-phẩm hay thương-xót và trung-tín”

14. Khác với nhiều người, Chúa Giê-su đã phản ứng thế nào trước hành động của bà Ma-ri?

14 Là “hình-ảnh của Đức Chúa Trời không thấy được”, Chúa Giê-su luôn luôn noi gương Cha ngài—Đức Giê-hô-va—một cách hoàn hảo khi biểu lộ lòng quý trọng những tôi tớ phụng sự với tấm lòng trong sạch. (Cô-lô-se 1:15) Chẳng hạn, năm ngày trước khi hy sinh mạng sống, Chúa Giê-su và một số môn đồ đến dự tiệc tại nhà của Si-môn ở thành Bê-tha-ni. Đến chiều tối, Ma-ri—chị em của La-xa-rơ và Ma-thê—“lấy một cân dầu cam-tùng-hương thật, rất quí giá” (trị giá khoảng một năm tiền lương), đổ dầu ấy lên đầu và chân Chúa Giê-su. (Giăng 12:3) Một số người nói rằng: “Sao phí của như vậy?” Tuy nhiên, Chúa Giê-su có một quan điểm khác về hành động của Ma-ri. Ngài xem đó là hành động thể hiện tính rộng rãi và có ý nghĩa sâu xa, bởi vì ngài sắp chịu chết và được chôn cất. Thế nên, thay vì trách Ma-ri, Chúa Giê-su đã khen ngợi bà. Ngài nói: “Khắp cả thế-gian, hễ nơi nào Tin-lành nầy được giảng ra, thì cũng thuật lại việc người ấy đã làm để nhớ đến người”.—Ma-thi-ơ 26:6-13.

15, 16. Qua việc Chúa Giê-su xuống thế gian để làm người và phụng sự Đức Chúa Trời, chúng ta nhận được lợi ích nào?

15 Chúng ta được đặc ân lớn biết bao khi có một Đấng Lãnh Đạo đầy ân nghĩa như Chúa Giê-su! Thật thế, nhờ trải qua đời sống trên đất, Chúa Giê-su có thể gánh vác trách nhiệm mà Đức Giê-hô-va giao, trước hết là làm Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm và Vua của hội thánh gồm những người xức dầu, và sau này là cho cả thế giới.—Cô-lô-se 1:13; Hê-bơ-rơ 7:26; Khải-huyền 11:15.

16 Trước khi xuống thế gian, Chúa Giê-su đã rất quan tâm và yêu mến loài người. (Châm-ngôn 8:31) Nhờ cuộc sống làm người, ngài thấu hiểu hơn về những thử thách chúng ta gặp khi phụng sự Đức Chúa Trời. Sứ đồ Phao-lô viết: “Ngài [Chúa Giê-su] phải chịu làm giống như anh em mình trong mọi sự, hầu cho đối với Đức Chúa Trời, trở nên thầy tế-lễ thượng-phẩm, hay thương-xót và trung-tín. . . Vả, vì chính mình Ngài chịu khổ trong khi bị cám-dỗ, nên có thể cứu những kẻ bị cám-dỗ vậy”. Chúa Giê-su có thể “cảm-thương sự yếu-đuối chúng ta”, vì ngài “bị thử-thách trong mọi việc cũng như chúng ta, song chẳng phạm tội”.—Hê-bơ-rơ 2:17, 18; 4:15, 16.

17, 18. (a) Những lá thư gửi cho bảy hội thánh ở Tiểu Á cho biết điều gì về lòng quý trọng sâu xa của Chúa Giê-su? (b) Những tín đồ Đấng Christ được xức dầu đã sẵn sàng thực hiện công việc nào?

17 Lòng thấu cảm sâu sắc của Chúa Giê-su đối với những thử thách của các môn đồ được thấy rõ sau khi ngài sống lại. Hãy xem xét các lá thư ngài gửi cho bảy hội thánh ở Tiểu Á, do sứ đồ Giăng viết. Chúa Giê-su nói với hội thánh Si-miệc-nơ: “Ta biết sự khốn-khó nghèo-khổ của ngươi”. Qua câu này, Chúa Giê-su có ý nói: ‘Ta hiểu rõ những thử thách mà các ngươi gặp phải; ta thật sự biết những khó khăn ngươi phải đương đầu’. Vì chính ngài đã chịu khổ, thậm chí đến chết, nên Chúa Giê-su bày tỏ lòng trắc ẩn và đã cam đoan với các môn đồ: “Khá giữ trung-tín cho đến chết, rồi ta sẽ ban cho ngươi mũ triều-thiên của sự sống”.—Khải-huyền 2:8-10.

18 Lời lẽ trong những lá thư gửi cho bảy hội thánh cho thấy Chúa Giê-su hiểu rõ những thử thách của các môn đồ, và ngài thành thật quý trọng đời sống trung kiên của họ. (Khải-huyền 2:1–3:22) Hãy nhớ rằng những người mà Chúa Giê-su nói đến là các tín đồ được xức dầu, với hy vọng cùng cai trị bên cạnh ngài ở trên trời. Noi gương Chúa của họ, với lòng trắc ẩn sâu xa, các môn đồ này sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ cao cả là giúp nhân loại nhận được lợi ích từ giá chuộc của Đấng Christ.—Khải-huyền 5:9, 10; 22:1-5.

19, 20. Những người hợp thành đám đông biểu lộ lòng biết ơn đối với Đức Giê-hô-va và Con Ngài bằng cách nào?

19 Dĩ nhiên, tình yêu thương của Chúa Giê-su đối với các tín đồ được xức dầu cũng thể hiện đối với những tín đồ trung thành thuộc lớp “chiên khác”. Hàng triệu người trong nhóm này hiện nay có triển vọng ở trong đám đông ‘vô-số người bởi mọi nước mà ra’, đó là những người sẽ sống sót qua “cơn đại-nạn”. (Giăng 10:16; Khải-huyền 7:9, 14) Những người này chọn theo Chúa Giê-su vì họ biết ơn về sự hy sinh làm giá chuộc của ngài và về hy vọng sống vĩnh cửu. Họ biểu lộ lòng biết ơn ra sao? Bằng cách “ngày đêm hầu việc [Đức Chúa Trời]”.—Khải-huyền 7:15-17.

20 Báo cáo hoạt động rao giảng trên khắp thế giới năm 2006, đăng nơi trang 27 đến 30, cho thấy rõ là những người trung thành này thật sự “ngày đêm hầu việc” Đức Giê-hô-va. Thật thế, trong năm vừa qua, cùng với số ít tín đồ Đấng Christ được xức dầu còn sót lại, họ đóng góp 1.333.966.199 giờ cho công việc rao giảng—tương đương với hơn 150.000 năm!

Hãy tiếp tục biểu lộ lòng biết ơn!

21, 22. (a) Ngày nay, tại sao tín đồ Đấng Christ phải chú ý hơn đến việc biểu lộ lòng biết ơn? (b) Trong bài tiếp theo, chúng ta sẽ xem xét điều gì?

21 Đức Giê-hô-va và Con Ngài đã biểu lộ lòng quý trọng vô cùng sâu đậm trong việc đối xử với loài người bất toàn. Tuy nhiên, đáng buồn thay, đa số người ta ít nghĩ đến Đức Chúa Trời mà chỉ chú trọng đến việc riêng. Miêu tả những người sống trong “ngày sau-rốt”, sứ đồ Phao-lô viết: “Người ta đều tư kỷ, tham tiền. . . bội-bạc [“vong ân bội nghĩa”, BDM]”. (2 Ti-mô-thê 3:1-5) Thật là một sự tương phản với tín đồ thật của Đấng Christ. Qua lời cầu nguyện chân thành, sẵn sàng vâng lời và hết lòng hầu việc Đức Chúa Trời, các tín đồ chân chính biểu lộ lòng biết ơn về tất cả những gì Ngài đã làm cho họ!—Thi-thiên 62:8; Mác 12:30; 1 Giăng 5:3.

22 Trong bài tiếp theo, chúng ta sẽ xem xét một số điều mà Đức Giê-hô-va đã yêu thương cung cấp về phương diện thiêng liêng. Khi suy ngẫm về những “ân-điển tốt-lành” này, mong sao lòng biết ơn của chúng ta ngày càng sâu đậm hơn.—Gia-cơ 1:17.

Bạn trả lời thế nào?

• Đức Giê-hô-va cho thấy Ngài là Đức Chúa Trời đầy ân nghĩa như thế nào?

• Trong đời sống riêng, bằng cách nào bạn có thể làm Đức Giê-hô-va vui lòng?

• Chúa Giê-su biểu lộ lòng quý trọng qua những cách nào?

• Làm thế nào cuộc sống trên đất đã giúp Chúa Giê-su trở thành nhà cai trị đầy ân nghĩa và có lòng thấu cảm?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 17]

Như người mẹ quý một món quà nhỏ của con, Đức Giê-hô-va quý trọng điều tốt nhất chúng ta dâng lên Ngài