Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hãy luôn vun trồng lòng biết ơn

Hãy luôn vun trồng lòng biết ơn

Hãy luôn vun trồng lòng biết ơn

“Hỡi Đức Chúa Trời, các tư-tưởng Chúa quí-báu cho tôi thay! Số các tư-tưởng ấy thật lớn thay!”—THI-THIÊN 139:17.

1, 2. Tại sao chúng ta nên quý trọng Lời Đức Chúa Trời, và người viết Thi-thiên bày tỏ lòng quý trọng Lời Ngài như thế nào?

THẬT LÀ một phát hiện khác thường! Trong khi tiến hành việc sửa sang đền của Đức Giê-hô-va ở Giê-ru-sa-lem, Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm Hinh-kia tìm thấy “cuốn sách Luật Pháp của Đức Giê-hô-va truyền lại bởi Môi-se”, chắc hẳn đó là bản gốc đã được viết ra khoảng 800 năm trước! Bạn có thể hình dung cảm xúc của Vua Giô-si-a—vị vua kính sợ Đức Chúa Trời—khi người ta trình lên vua sách ấy không? Thật vậy, vua quý sách đó vô cùng và lập tức truyền cho thư ký Sa-phan đọc lớn tiếng.—2 Sử-ký 34:14-18.

2 Ngày nay, hàng tỉ người có thể đọc Lời Đức Chúa Trời, trọn bộ hoặc một phần. Có phải vì vậy mà Kinh Thánh không còn quý như trước, hoặc kém quan trọng hơn không? Chắc chắn không! Sự thật là Kinh Thánh chứa đựng ý tưởng của Đấng Toàn Năng, được ghi lại vì lợi ích cho chúng ta. (2 Ti-mô-thê 3:16) Người viết Thi-thiên là Đa-vít đã bày tỏ cảm nghĩ về Lời Đức Chúa Trời như sau: “Hỡi Đức Chúa Trời, các tư-tưởng Chúa quí-báu cho tôi thay! Số các tư-tưởng ấy thật lớn thay!”—Thi-thiên 139:17.

3. Điều gì cho thấy Đa-vít là một người hiểu biết sâu sắc về mặt thiêng liêng?

3 Đa-vít không bao giờ suy giảm lòng quý trọng đối với Đức Giê-hô-va, về Lời Ngài cũng như các sắp đặt về sự thờ phượng thật. Đa-vít đã sáng tác nhiều bài Thi-thiên rất hay để diễn đạt cảm nghĩ của ông. Chẳng hạn, nơi Thi-thiên 27:4, ông viết: “Tôi đã xin Đức Giê-hô-va một điều, và sẽ tìm-kiếm điều ấy! Ấy là tôi muốn trọn đời được ở trong nhà Đức Giê-hô-va, để nhìn-xem sự tốt-đẹp của Đức Giê-hô-va, và cầu-hỏi [“suy gẫm”, Bản Diễn Ý] trong đền của Ngài”. Trong nguyên ngữ, từ Hê-bơ-rơ được dịch là “cầu-hỏi” hay “suy gẫm” cũng bao hàm nghĩa xem xét kỹ, chiêm ngưỡng, vui thích, thán phục. Rõ ràng Đa-vít là một người hiểu biết sâu sắc về mặt thiêng liêng. Ông thật sự quý trọng những điều Đức Giê-hô-va cung cấp, vui thích tiếp nhận mọi lẽ thật mà Ngài tiết lộ, dù chỉ là một chi tiết nhỏ. Gương về lòng quý trọng của ông thật đáng để noi theo.—Thi-thiên 19:7-11.

Biết ơn vì hiểu được lẽ thật Kinh Thánh

4. Tại sao Chúa Giê-su ‘nức lòng bởi Thánh-Linh’?

4 Sự hiểu biết sâu sắc về Lời Đức Chúa Trời không tùy thuộc vào trí năng hoặc trình độ học vấn theo thế gian, là những điều thường dẫn đến sự kiêu ngạo. Thay vì thế, sự hiểu biết này tùy thuộc vào ân điển của Đức Giê-hô-va. Ngài ban ân điển cho những người có lòng khiêm nhường, thành thật và “ý thức về nhu cầu thiêng liêng”. (Ma-thi-ơ 5:3, NW; 1 Giăng 5:20) Khi suy ngẫm về việc một số người bất toàn được ghi tên trên trời, “Đức Chúa Jêsus nức lòng bởi Đức Thánh-Linh, bèn nói rằng: Lạy Cha, là Chúa trời đất, tôi ngợi-khen Cha, vì Cha đã giấu những sự nầy với kẻ khôn-ngoan, người sáng dạ, mà tỏ ra cho trẻ nhỏ hay!”—Lu-ca 10:17-21.

5. Tại sao các môn đồ của Chúa Giê-su không nên xem nhẹ những lẽ thật quý báu về Nước Trời đã được tiết lộ cho họ?

5 Sau lời cầu nguyện thành tâm ấy, Chúa Giê-su quay về phía các môn đồ và phán rằng: “Phước cho mắt nào được thấy điều các ngươi thấy! Vì ta nói cùng các ngươi, có nhiều đấng tiên-tri và vua-chúa ước-ao thấy điều các ngươi thấy, mà chẳng từng thấy, ước-ao nghe điều các ngươi nghe, mà chẳng từng nghe”. Thật vậy, Chúa Giê-su khuyến khích các môn đồ trung thành không nên xem nhẹ những lẽ thật quý báu về Nước Trời đã được tiết lộ cho họ. Những lẽ thật này chưa được tiết lộ cho các tôi tớ Đức Chúa Trời trong những thế hệ trước, và chắc chắn không được tiết lộ cho những “kẻ khôn-ngoan, người sáng dạ” vào thời của Chúa Giê-su!—Lu-ca 10:23, 24.

6, 7. (a) Chúng ta có những lý do nào để quý trọng lẽ thật từ Đức Chúa Trời? (b) Ngày nay, có sự tương phản nào giữa tôn giáo thật và tôn giáo sai lầm?

6 Ngày nay, chúng ta càng có nhiều lý do để quý trọng lẽ thật của Đức Chúa Trời, vì qua trung gian “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan”, Đức Giê-hô-va đã ban cho dân Ngài sự hiểu biết còn sâu hơn nữa về Lời Ngài. (Ma-thi-ơ 24:45; Đa-ni-ên 12:10) Nói về thời kỳ cuối cùng, nhà tiên tri Đa-ni-ên viết: “Nhiều kẻ sẽ đi qua đi lại, và sự học-thức sẽ được thêm lên”. (Đa-ni-ên 12:4) Chẳng lẽ bạn không đồng ý rằng sự hiểu biết về Đức Chúa Trời đã “được thêm lên” vào thời nay, và các tôi tớ của Đức Giê-hô-va được cung cấp dồi dào về thức ăn thiêng liêng hay sao?

7 Thật là một sự tương phản giữa tình trạng thịnh vượng về thiêng liêng của dân Đức Chúa Trời và tình trạng lộn xộn của Ba-by-lôn Lớn! Vì lẽ đó, nhiều người vỡ mộng hoặc chán ghét tôn giáo sai lầm và tìm đến sự thờ phượng thật. Họ là những người giống như chiên, không muốn “dự phần tội-lỗi với [Ba-by-lôn Lớn]”, hoặc “chịu những tai-họa” cùng với nó. Đức Giê-hô-va và các tôi tớ Ngài mời tất cả những người như thế gia nhập hội thánh thật của đạo Đấng Christ.—Khải-huyền 18:2-4; 22:17.

Những người có lòng biết ơn tìm đến Đức Chúa Trời

8, 9. Ngày nay, lời tiên tri nơi A-ghê 2:7 được ứng nghiệm như thế nào?

8 Nói về sự thờ phượng thật, Đức Giê-hô-va báo trước: “Ta cũng làm rúng-động hết thảy các nước, và những sự ao-ước của các nước hầu đến; rồi ta sẽ làm cho vinh-quang đầy-dẫy nhà nầy”. (A-ghê 2:7) Lời tiên tri tuyệt diệu này đã ứng nghiệm một lần vào thời A-ghê, khi những người còn sót lại trong dân sự của Đức Chúa Trời được trở về Giê-ru-sa-lem để khôi phục đền thờ. Ngày nay, lời này của A-ghê ứng nghiệm thêm một lần nữa liên quan đến sự thờ phượng Đức Giê-hô-va.

9 Hàng triệu người đã kéo đến đền thờ, theo nghĩa bóng, để thờ phượng Đức Chúa Trời với “tâm-thần và lẽ thật”. Mỗi năm, hàng trăm ngàn người thuộc về “những sự ao-ước của các nước” tiếp tục kéo đến đền thờ này. (Giăng 4:23, 24) Chẳng hạn, báo cáo hoạt động rao giảng trên khắp thế giới trong năm công tác 2006 cho thấy 248.327 người đã biểu trưng sự dâng mình cho Đức Chúa Trời bằng phép báp têm. Như vậy, trung bình mỗi ngày thêm 680 người mới! Qua lòng yêu mến đối với lẽ thật và lòng ao ước được phụng sự Đức Giê-hô-va với tư cách người công bố về Nước Trời, họ cho thấy rằng họ đã được Ngài kéo đến.—Giăng 6:44, 65.

10, 11. Hãy kể lại một kinh nghiệm cho thấy làm sao người ta bắt đầu quý trọng lẽ thật Kinh Thánh.

10 Trong số những người có lòng thành này, nhiều người đã đến với lẽ thật vì họ biết “phân-biệt giữa kẻ công-bình và kẻ gian-ác, giữa kẻ hầu-việc Đức Chúa Trời và kẻ không hầu-việc Ngài”. (Ma-la-chi 3:18) Hãy xem xét kinh nghiệm của Wayne và Virginia, một cặp vợ chồng thuộc nhà thờ Tin Lành nhưng có nhiều thắc mắc không được giải đáp thỏa đáng. Họ chán ghét chiến tranh, nên rất hoang mang khi thấy hàng giáo phẩm ban phép cho binh lính và khí giới. Càng lớn tuổi, họ cảm thấy không được nhà thờ quan tâm, dù Virginia từng dạy lớp giáo lý vào ngày Chủ Nhật trong nhiều năm. Họ nói: “Không ai thăm viếng hoặc bày tỏ lòng quan tâm đến đời sống tâm linh của chúng tôi. Họ chỉ muốn tiền của chúng tôi mà thôi. Chúng tôi cảm thấy thất vọng”. Cặp vợ chồng này càng thất vọng hơn khi nhà thờ chấp nhận quan điểm dễ dãi về vấn đề đồng tính luyến ái.

11 Trong thời gian ấy, cháu ngoại và rồi đến con gái của Wayne và Virginia trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va. Mặc dù lúc đầu hai ông bà bất bình về việc này, nhưng sau đó họ thay đổi ý kiến và chấp nhận học Kinh Thánh. Ông Wayne nói: “Chỉ trong vòng ba tháng, chúng tôi hiểu Kinh Thánh nhiều hơn những gì đã học trong suốt 70 năm qua! Chúng tôi chưa bao giờ biết danh Đức Chúa Trời là Giê-hô-va, và hoàn toàn không biết gì về Nước Trời cũng như về Địa Đàng”. Chẳng bao lâu, cặp vợ chồng có lòng thành thật này bắt đầu tham dự các buổi nhóm họp của đạo Đấng Christ và tham gia công việc rao giảng. Bà Virginia nói: “Chúng tôi muốn cho mọi người biết về lẽ thật”. Cả hai đều ngoài tám mươi, và đã làm báp têm vào năm 2005. Họ nói: “Chúng tôi đã tìm được đại gia đình thật của tín đồ Đấng Christ”.

Biết ơn vì được “sắm sẵn để làm mọi việc lành”

12. Đức Giê-hô-va luôn cung cấp điều gì cho các tôi tớ Ngài, và chúng ta phải làm gì để nhận được lợi ích?

12 Đức Giê-hô-va luôn giúp đỡ các tôi tớ Ngài để thực thi ý muốn Ngài. Chẳng hạn như Nô-ê. Ông đã nhận được những chỉ dẫn rõ ràng, cụ thể về việc đóng một chiếc tàu—một công trình phải được thực hiện chính xác ngay từ đầu! Và nó đã được hoàn tất đúng như lời chỉ dẫn. Nhờ đâu? Nhờ Nô-ê “làm các điều nầy y như lời Đức Chúa Trời đã phán dặn”. (Sáng-thế Ký 6:14-22) Ngày nay cũng thế, Đức Giê-hô-va trang bị đầy đủ cho các tôi tớ để họ làm theo ý muốn Ngài. Dĩ nhiên, công việc chính của chúng ta là rao giảng tin mừng về Nước Trời đã được thành lập, và giúp những người xứng đáng trở thành môn đồ của Chúa Giê-su Christ. Cũng như Nô-ê, chúng ta có thành công hay không là tùy thuộc nơi sự vâng lời. Chúng ta phải vâng theo sự hướng dẫn mà Đức Giê-hô-va cung cấp qua Lời và tổ chức của Ngài.—Ma-thi-ơ 24:14; 28:19, 20.

13. Đức Giê-hô-va huấn luyện chúng ta qua cách nào?

13 Nhằm hoàn thành công việc đó, chúng ta phải biết sử dụng công cụ chính—Lời Đức Chúa Trời—cách “ngay thẳng”. Lời ấy “có ích cho sự dạy-dỗ, bẻ-trách, sửa-trị, dạy người trong sự công-bình, hầu cho người thuộc về Đức Chúa Trời được trọn-vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành”. (2 Ti-mô-thê 2:15; 3:16, 17) Như vào thế kỷ thứ nhất, Đức Giê-hô-va cung cấp cho chúng ta sự huấn luyện hữu ích qua hội thánh của đạo Đấng Christ. Ngày nay, trong hơn 99.770 hội thánh trên khắp đất, Trường Thánh Chức Thần Quyền và Buổi Họp Công Tác được tổ chức hằng tuần để giúp chúng ta trong thánh chức rao giảng. Bạn có biểu lộ lòng biết ơn về những buổi nhóm họp quan trọng này bằng cách đều đặn tham dự và áp dụng những gì đã học được hay không?—Hê-bơ-rơ 10:24, 25.

14. Các tôi tớ của Đức Giê-hô-va biểu lộ lòng biết ơn như thế nào đối với đặc ân phụng sự? (Hãy bình luận về bảng thống kê nơi trang 27-30).

14 Qua nỗ lực trong thánh chức, hàng triệu người thuộc dân Đức Chúa Trời trên khắp đất đang thể hiện lòng biết ơn về sự huấn luyện họ nhận được. Chẳng hạn, trong năm công tác 2006, có 6.741.444 người công bố về Nước Trời đã dành 1.333.966.199 giờ cho công việc rao giảng, kể cả việc điều khiển 6.286.618 cuộc học hỏi Kinh Thánh tại nhà. Đây chỉ là vài điểm trong số những điểm khích lệ mà chúng ta rút ra từ bảng báo cáo trên khắp thế giới. Chúng tôi mời các bạn xem kỹ bảng báo cáo này và cảm nhận được sự khích lệ. Anh em chúng ta vào thế kỷ thứ nhất chắc hẳn cũng rất được khích lệ khi nghe báo cáo về sự mở rộng của công việc làm chứng vào thời của họ.—Công-vụ 1:15; 2:5-11, 41, 47; 4:4; 6:7.

15. Tại sao không nên buồn nản khi đã hết lòng phụng sự Đức Giê-hô-va?

15 Hằng năm, qua công việc vĩ đại mà các tôi tớ Đức Giê-hô-va thực hiện để ngợi khen Ngài, họ cho thấy lòng biết ơn sâu xa về đặc ân được biết và làm chứng về Ngài. (Ê-sai 43:10) Thật thế, của lễ ngợi khen mà một số anh chị cao tuổi, bệnh tật hay ốm yếu dâng lên Đức Chúa Trời, có thể ví như hai đồng tiền của người đàn bà góa. Thế nhưng, chúng ta chớ quên rằng Đức Giê-hô-va và Con Ngài rất quý trọng tất cả những tôi tớ hết lòng và tận lực phụng sự Ngài.—Lu-ca 21:1-4; Ga-la-ti 6:4.

16. Các công cụ dạy dỗ nào được Đức Giê-hô-va cung cấp trong thời gian gần đây?

16 Ngoài việc huấn luyện chúng ta trong thánh chức rao giảng, qua tổ chức của Ngài, Đức Giê-hô-va còn trang bị cho chúng ta nhiều công cụ dạy dỗ rất hữu ích. Trong những thập niên gần đây, các công cụ ấy bao gồm sách Lẽ thật duy-nhất dẫn đến sự sống đời đời, Bạn có thể sống đời đời trong Địa-đàng trên đất, Sự hiểu biết dẫn đến sự sống đời đời, và hiện nay là sách Kinh Thánh thật sự dạy gì? Những người thật sự quý trọng các công cụ này sẽ tận dụng chúng trong thánh chức rao giảng.

Khéo sử dụng sách Kinh Thánh dạy

17, 18. (a) Trong thánh chức, bạn thích nêu bật phần nào của sách Kinh Thánh dạy? (b) Một giám thị vòng quanh nhận xét thế nào về sách này?

17 Sách Kinh Thánh thật sự dạy gì? gồm 19 chương và phần phụ lục rất chi tiết. Với lời văn giản dị và dễ hiểu, sách này là công cụ rất hữu ích trong thánh chức rao giảng. Chẳng hạn, chương 12 nói về chủ đề “Sống cho vừa lòng Đức Chúa Trời”. Bài này giúp học viên Kinh Thánh biết làm thế nào để trở thành bạn của Đức Chúa Trời. Đây là điều nhiều người chưa bao giờ nghĩ đến hoặc không dám nghĩ đến. (Gia-cơ 2:23) Ấn phẩm giúp hiểu Kinh Thánh này được hưởng ứng như thế nào?

18 Một giám thị vòng quanh ở Úc báo cáo, sách Kinh Thánh dạy “thu hút ngay sự chú ý của chủ nhà và dễ cho chúng ta bắt chuyện với họ”. Anh cho biết thêm là sách này rất dễ dùng, “khiến nhiều người công bố cảm thấy tự tin và vui hơn trong thánh chức. Chẳng lạ gì khi một số anh chị gọi đó là Sách Vàng!”

19-21. Hãy kể lại vài kinh nghiệm nêu bật giá trị của sách Kinh Thánh dạy.

19 Ở Guyana, một phụ nữ nói với người tiên phong đến nhà bà: “Chắc hẳn Đức Chúa Trời đã phái anh đến đây”. Người đàn ông mà bà chung sống vừa bỏ nhà ra đi, để bà ở lại với hai đứa con nhỏ. Anh tiên phong mở chương 1 của sách Kinh Thánh dạy và đọc cho bà ấy nghe đoạn 11, với tiểu tựa “Đức Chúa Trời cảm thấy thế nào về sự bất công mà chúng ta gặp phải?” Anh kể: “Những điểm nêu ra trong phần đó khiến bà xúc động vô cùng. Thật vậy, bà phải đứng lên đi vào phía sau cửa hàng và khóc nức nở”. Người phụ nữ này nhận lời đề nghị đều đặn tìm hiểu Kinh Thánh với một chị tiên phong ở địa phương, và bà tiếp tục tiến bộ.

20 Ông José, ở Tây Ban Nha, đã mất vợ trong một tai nạn giao thông. Ông tìm sự khuây khỏa qua ma túy, và cũng nhờ đến bác sĩ chuyên môn. Tuy nhiên, các nhà tâm lý học không thể giải đáp thắc mắc đã làm ông bối rối nhất: “Tại sao Đức Chúa Trời để cho vợ tôi chết?” Một ngày kia, ông José gặp Francesc, bạn cùng làm việc trong công ty. Ông Francesc gợi ý là họ sẽ cùng nhau thảo luận chương 11 của sách Kinh Thánh dạy, chủ đề là “Tại sao Đức Chúa Trời để cho có đau khổ?” Lời giải thích căn cứ trên Kinh Thánh và minh họa về thầy giáo và một học sinh đã gây ấn tượng mạnh mẽ với José. Ông bắt đầu sốt sắng tìm hiểu Kinh Thánh, dự hội nghị vòng quanh và giờ đây tham dự các buổi nhóm họp ở Phòng Nước Trời tại địa phương.

21 Ở Ba Lan, một thương gia 40 tuổi tên Roman luôn tỏ ra quý trọng Lời Đức Chúa Trời. Thế nhưng, vì quá bận rộn trong công việc làm ăn nên ông không tiến bộ nhiều trong việc học Kinh Thánh. Tuy nhiên, sau khi dự đại hội địa hạt và nhận sách Kinh Thánh dạy, ông tiến bộ rõ rệt. Ông nói: “Qua sách này, tất cả các dạy dỗ căn bản của Kinh Thánh dường như hợp thành một bức tranh hoàn chỉnh, giống như trò chơi ghép hình”. Hiện nay Roman học Kinh Thánh đều đặn và tiến bộ nhiều.

Hãy tiếp tục vun trồng lòng biết ơn

22, 23. Làm thế nào chúng ta tiếp tục biểu lộ lòng biết ơn về hy vọng trước mắt?

22 Như được giải thích trong đại hội địa hạt đầy hào hứng với chủ đề “Sự giải cứu gần kề!”, tín đồ Đấng Christ chân chính mong chờ sự giải cứu đời đời mà Đức Chúa Trời đã hứa và sẽ thực hiện dựa trên giá chuộc hy sinh của Chúa Giê-su Christ. Cách tốt nhất để thể hiện lòng biết ơn chân thành về hy vọng tuyệt diệu này là tiếp tục làm sạch lương tâm “khỏi công việc chết đặng hầu việc Đức Chúa Trời hằng sống”.—Hê-bơ-rơ 9:12, 14.

23 Chưa bao giờ người ta bị ảnh hưởng bởi lối sống ích kỷ như hiện nay, nhưng quả là một phép lạ khi có hơn sáu triệu người kiên trì phụng sự Đức Chúa Trời. Đây cũng là bằng chứng cho thấy các tôi tớ của Đức Giê-hô-va hết lòng biết ơn về vinh dự được phụng sự Ngài, và biết “công-khó của [họ] trong Chúa chẳng phải là vô-ích”. Mong sao chúng ta luôn vun trồng lòng biết ơn đó!—1 Cô-rinh-tô 15:58; Thi-thiên 110:3.

Bạn trả lời thế nào?

• Về lòng biết ơn đối với Đức Chúa Trời và những gì Ngài cung cấp về phương diện thiêng liêng, người viết Thi thiên dạy chúng ta điều gì?

• Ngày nay, lời ghi nơi A-ghê 2:7 đang được ứng nghiệm như thế nào?

• Đức Giê-hô-va đã trang bị cho các tôi tớ Ngài như thế nào để họ phụng sự cách hữu hiệu?

• Bạn có thể làm gì để biểu lộ lòng biết ơn về sự tốt lành của Đức Giê-hô-va?

[Câu hỏi thảo luận]

[Biểu đồ/​Bảng thống kê nơi trang 27-30]

BÁO CÁO RAO GIẢNG TRÊN KHẮP THẾ GIỚI CỦA NHÂN CHỨNG GIÊ-HÔ-VA NĂM 2006

(Xin xem ấn phẩm)

[Các hình nơi trang 25]

Đức Giê-hô-va trang bị đầy đủ để chúng ta làm theo ý muốn Ngài