Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Hỡi kẻ làm con-cái, hãy vâng-phục cha mẹ mình”

“Hỡi kẻ làm con-cái, hãy vâng-phục cha mẹ mình”

“Hỡi kẻ làm con-cái, hãy vâng-phục cha mẹ mình”

“Hỡi kẻ làm con-cái, hãy vâng-phục cha mẹ mình trong Chúa, vì điều đó là phải lắm”.—Ê-PHÊ-SÔ 6:1.

1. Nhờ biết nghe lời, bạn được bảo vệ như thế nào?

CHÚNG TA có lẽ sống đến ngày nay nhờ biết nghe lời, trong khi nhiều người khác mất mạng vì đã không làm thế. Nghe theo điều gì? Chẳng hạn, nghe theo những dấu hiệu từ cơ thể ‘được dựng nên cách lạ lùng’ của chúng ta. (Thi-thiên 139:14) Mắt chúng ta thấy mây đen và tai nghe tiếng sấm nổ. Sau đó, điện tích trong không khí làm tóc chúng ta dựng đứng. Với những ai ý thức về mối nguy hiểm, những dấu hiệu này là lời cảnh báo phải tìm chỗ trú an toàn để tránh cơn bão sắp xảy đến cùng với sấm sét và mưa đá đe dọa tính mạng.

2. Tại sao trẻ em cần biết trước về những mối nguy hiểm, và tại sao các em phải vâng lời cha mẹ?

2 Hỡi các bạn trẻ, các em cần biết trước những mối nguy hiểm, và cha mẹ có trách nhiệm dạy các em. Có lẽ các em nhớ mình thường được dặn dò: “Đừng đụng bếp lò. Nó nóng lắm”. “Đừng đến gần vũng nước. Nguy hiểm lắm”. “Khi qua đường phải nhìn cả hai phía”. Đáng buồn thay, nhiều em đã bị thương, thậm chí mất mạng vì không nghe lời. Vâng lời cha mẹ “là phải lắm”—đúng và chính đáng. Đó cũng là điều “khôn-ngoan” nữa. (Châm-ngôn 8:33) Một câu Kinh Thánh khác nói việc đó “đẹp lòng” Chúa Giê-su Christ. Thật vậy, Đức Chúa Trời phán rằng các em phải vâng lời cha mẹ.—Cô-lô-se 3:20; 1 Cô-rinh-tô 8:6.

Phần thưởng lâu dài cho sự vâng lời

3. Đối với phần đông chúng ta, “sự sống thật” là gì, và làm thế nào trẻ em có hy vọng hưởng sự sống ấy?

3 Khi vâng lời cha mẹ, các em sẽ được che chở trong “đời nầy”, đồng thời có triển vọng vui hưởng sự sống “đời sau”, tức “sự sống thật”. (1 Ti-mô-thê 4:8; 6:19) Đối với phần đông chúng ta, sự sống thật là đời sống bất tận trên đất trong thế giới mới của Đức Chúa Trời. Đây là điều Ngài hứa với những ai trung thành tuân theo lời răn của Ngài. Một điều rất quan trọng trong những lời răn này là: “Hãy tôn-kính cha mẹ ngươi (ấy là điều-răn thứ nhứt, có một lời hứa nối theo), hầu cho ngươi được phước và sống lâu trên đất”. Vậy, nếu vâng lời cha mẹ, các em sẽ hạnh phúc, tương lai sẽ được bảo đảm và có thể được sống vĩnh viễn trong địa đàng!—Ê-phê-sô 6:2, 3.

4. Làm thế nào trẻ em có thể tôn kính Đức Chúa Trời và được lợi ích?

4 Qua việc tôn kính cha mẹ bằng cách vâng lời, các em cũng cho thấy mình tôn kính Đức Chúa Trời vì chính Ngài đã bảo các em phải làm thế. Đồng thời các em cũng được lợi ích. Kinh Thánh nói: “Ta là Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời ngươi, là Đấng dạy cho ngươi được ích”. (Ê-sai 48:17; 1 Giăng 5:3) Khi vâng lời, các em có những lợi ích nào? Đó là làm cho cha mẹ thỏa dạ, và khi họ biểu lộ sự hài lòng, các em sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn. (Châm-ngôn 23:22-25) Nhưng điều quan trọng hơn hết là, khi vâng lời, các em làm Cha trên trời vui lòng và sẽ được Ngài ban thưởng thật dồi dào! Chúng ta hãy xem Đức Giê-hô-va đã ban phước và bảo vệ Chúa Giê-su như thế nào. Con Đức Chúa Trời có lần nói về mình: “Ta hằng làm sự đẹp lòng Ngài”.—Giăng 8:29.

Chúa Giê-su—Một người siêng năng

5. Tại sao chúng ta nói rằng Chúa Giê-su là người siêng năng?

5 Chúa Giê-su là con đầu lòng của bà Ma-ri. Cha nuôi của ngài là Giô-sép, làm nghề thợ mộc. Chúa Giê-su cũng trở thành người thợ mộc, và hiển nhiên ngài học nghề từ Giô-sép. (Ma-thi-ơ 13:55; Mác 6:3; Lu-ca 1:26-31) Các em nghĩ Chúa Giê-su là người thợ mộc như thế nào? Lúc ở trên trời—trước khi được thụ thai bằng phép lạ trong lòng người mẹ đồng trinh—Chúa Giê-su là sự khôn ngoan được nhân cách hóa, ngài giải thích: “Ta ở bên [Đức Chúa Trời] làm thợ cái, hằng ngày ta là sự khoái-lạc Ngài, và thường thường vui-vẻ trước mặt Ngài”. Đức Chúa Trời hài lòng về Chúa Giê-su, một người “thợ” siêng năng khi ở trên trời. Các em có nghĩ rằng khi ở trên đất, lúc còn là một thiếu niên, ngài cũng đã cố gắng làm việc cần mẫn để trở thành người thợ mộc lành nghề không?—Châm-ngôn 8:30; Cô-lô-se 1:15, 16.

6. (a) Tại sao các em nghĩ Chúa Giê-su có lẽ đã làm việc nhà khi còn nhỏ? (b) Trẻ em có thể noi gương Chúa Giê-su như thế nào?

6 Khi còn nhỏ, hẳn Chúa Giê-su cũng tham gia các trò chơi, như Kinh Thánh nói về các con trẻ thời xưa. (Xa-cha-ri 8:5; Ma-thi-ơ 11:16, 17) Tuy nhiên, các em có thể chắc chắn là ngoài việc học nghề thợ mộc nơi Giô-sép, Chúa Giê-su còn có những việc khác để làm, vì ngài là con trưởng trong một gia đình nghèo và đông con. Về sau, Chúa Giê-su trở thành người giảng đạo và dành trọn đời để thi hành thánh chức, đến độ đã hy sinh đời sống tiện nghi. (Lu-ca 9:58; Giăng 5:17) Các em có thể noi gương Chúa Giê-su như thế nào? Cha mẹ có bảo em dọn phòng hay làm việc nhà không? Cha mẹ có khuyến khích em thờ phượng Đức Chúa Trời bằng cách tham dự các buổi họp đạo Đấng Christ và chia sẻ niềm tin với người khác không? Em nghĩ Chúa Giê-su khi còn trẻ phản ứng thế nào trước những lời chỉ bảo tương tự?

Một người siêng năng học và dạy Kinh Thánh

7. (a) Chúa Giê-su có lẽ đã đi dự Lễ Vượt Qua với ai? (b) Chúa Giê-su ở đâu khi những người khác lên đường về nhà, và tại sao ngài ở đó?

7 Hàng năm có ba lễ hội mà tất cả người nam trong một gia đình Do Thái đều phải lên đền thờ để thờ phượng Đức Giê-hô-va. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 16:16) Khi Chúa Giê-su lên 12 tuổi, có lẽ cả gia đình ngài đi đến Giê-ru-sa-lem để dự Lễ Vượt Qua, kể cả các em trai và em gái cùng mẹ khác cha. Tuy nhiên, có lẽ trong số những người cùng đi với gia đình Chúa Giê-su có Sa-lô-mê—có thể là chị hoặc em gái của Ma-ri—cùng với chồng là Xê-bê-đê và hai con trai là Gia-cơ và Giăng, sau này trở thành sứ đồ. * (Ma-thi-ơ 4:20, 21; 13:54-56; 27:56; Mác 15:40; Giăng 19:25) Khi trở về, Giô-sép và Ma-ri có lẽ đã nghĩ Chúa Giê-su cùng đi với bà con, thế nên lúc đầu họ không để ý đến sự vắng mặt của ngài. Ba ngày sau, khi Giô-sép và Ma-ri cuối cùng tìm được Chúa Giê-su thì ngài đang ở trong đền thờ, “ngồi giữa mấy thầy thông-thái, vừa nghe vừa hỏi”.—Lu-ca 2:44-46.

8. Chúa Giê-su làm gì trong đền thờ, và tại sao người ta ngạc nhiên?

8 Chúa Giê-su “hỏi” các thầy thông thái như thế nào? Cách ngài hỏi có thể không phải chỉ để thỏa mãn tính tò mò hoặc để biết điều gì đó. Từ Hy Lạp dùng ở đây có thể nói đến cách hỏi như thường thấy trong cuộc thẩm vấn của tòa án, và vì thế bao hàm ý chất vấn. Thật thế, ngay từ lúc còn nhỏ, Chúa Giê-su đã chăm chỉ học Kinh Thánh và có thể làm cho các thầy thông giáo uyên bác kinh ngạc! Kinh Thánh nói: “Ai nấy nghe, đều lạ-khen về sự khôn-ngoan và lời đối-đáp của Ngài”.—Lu-ca 2:47.

9. Các em có thể noi gương Chúa Giê-su như thế nào trong việc học Kinh Thánh?

9 Em có biết tại sao lúc còn ít tuổi mà Chúa Giê-su đã có thể làm các thầy thông giáo lão luyện phải ngạc nhiên về sự hiểu biết Kinh Thánh của ngài không? Tất nhiên, ngài được phước là có cha mẹ kính sợ Đức Chúa Trời, và từ thuở thơ ấu đã nhận được sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời. (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:24-27; Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:6-9; Ma-thi-ơ 1:18-20) Chúng ta có thể chắc chắn là Giô-sép đã dẫn con trẻ Giê-su đến nhà hội để nghe người ta đọc và thảo luận Kinh Thánh. Phải chăng các em cũng có phước là được cha mẹ hướng dẫn học Kinh Thánh và đưa đến các buổi họp đạo Đấng Christ? Các em có quý trọng công lao này của cha mẹ, giống như Chúa Giê-su đã biết ơn cha mẹ ngài không? Các em có chia sẻ với người khác những gì mình học được, như Chúa Giê-su đã làm không?

Chúa Giê-su phục tùng cha mẹ

10. (a) Tại sao cha mẹ Chúa Giê-su lẽ ra phải biết nên tìm ngài ở đâu? (b) Chúa Giê-su nêu gương tốt nào cho trẻ em?

10 Các em nghĩ Ma-ri và Giô-sép cảm thấy thế nào khi thấy Chúa Giê-su trong đền thờ, sau ba ngày tìm kiếm? Họ hẳn cảm thấy rất nhẹ nhõm. Tuy nhiên, Chúa Giê-su lại tỏ ra ngạc nhiên khi cha mẹ đã không biết ngài ở đâu. Cả hai đều biết Chúa Giê-su ra đời bằng phép lạ. Ngoài ra, tuy không rõ mọi chi tiết, hẳn họ biết ít nhiều về vai trò của ngài trong tương lai là Đấng cứu thế và Đấng cai trị Nước Trời. (Ma-thi-ơ 1:21; Lu-ca 1:32-35; 2:11) Vì thế, Chúa Giê-su hỏi cha mẹ: “Cha mẹ kiếm tôi làm chi? Há chẳng biết tôi phải lo việc Cha tôi sao?” Tuy nhiên, Chúa Giê-su đã phục tùng, đi theo cha mẹ về Na-xa-rét. Kinh Thánh nói: “[Ngài] chịu lụy cha mẹ”. Và “mẹ Ngài ghi các lời ấy vào lòng”.—Lu-ca 2:48-51.

11. Qua gương Chúa Giê-su, các em có thể rút ra bài học nào về sự vâng lời?

11 Các em có thấy dễ noi gương Chúa Giê-su, luôn luôn vâng phục cha mẹ không? Hay là các em cảm thấy cha mẹ thường không hiểu về thế giới tân tiến ngày nay và nghĩ rằng các em biết nhiều hơn cha mẹ? Đành rằng trong một số lĩnh vực nào đó, các em có thể biết nhiều hơn cha mẹ—chẳng hạn như dùng điện thoại di động, máy vi tính hoặc những vật dụng hiện đại khác. Nhưng hãy nghĩ về Chúa Giê-su, ngài làm các thầy thông giáo lão luyện phải ngạc nhiên về “sự khôn-ngoan và lời đối-đáp của Ngài”. Các em có lẽ đồng ý rằng so với ngài, các em biết rất ít. Thế nhưng, Chúa Giê-su đã vâng phục cha mẹ. Điều này không có nghĩa là ngài luôn luôn đồng tình với cha mẹ. Tuy nhiên, ngài “chịu lụy cha mẹ”—suốt thời niên thiếu. Các em nghĩ mình có thể rút ra bài học nào từ gương của ngài?—Phục-truyền Luật-lệ Ký 5:16, 29.

Vâng lời—Một thách đố

12. Vâng lời có thể giúp các em bảo toàn mạng sống như thế nào?

12 Vâng lời không phải lúc nào cũng dễ, như được thấy rõ trong trường hợp xảy ra cách đây vài năm. Hai thiếu nữ sắp băng qua xa lộ có sáu làn xe chạy thay vì đi trên cầu dành cho người đi bộ. Họ thúc giục một người bạn đang đi về phía cây cầu: “John, hãy đi đường này. Cậu đi với bọn tớ chứ?” Khi cậu ấy ngần ngừ, một trong hai thiếu nữ chế nhạo: “Cậu là đồ chết nhát!” Tuy không sợ nhưng John nói: “Tớ phải vâng lời mẹ”. Vài phút sau, khi đang đi trên cầu, John nghe tiếng xe thắng gấp và nhìn xuống thì thấy hai thiếu nữ ấy đã bị xe đụng. Một cô chết và cô kia bị thương trầm trọng đến nỗi phải cưa chân. Mẹ của hai cô gái đã căn dặn các con khi băng qua xa lộ phải đi trên cây cầu dành cho người đi bộ. Sau này bà nói với mẹ của John: “Phải chi chúng biết vâng lời như con trai chị”.—Ê-phê-sô 6:1.

13. (a) Tại sao các em nên vâng lời cha mẹ? (b) Khi nào thì con cái không phải làm theo lời cha mẹ?

13 Tại sao Đức Chúa Trời nói: “Hỡi kẻ làm con-cái, hãy vâng-phục cha mẹ mình”? Vì khi vâng lời cha mẹ, tức là các em vâng lời Đức Chúa Trời. Ngoài ra, cha mẹ có nhiều kinh nghiệm hơn. Thí dụ, chỉ 5 năm trước khi tai nạn kể trên xảy ra, mẹ của John có người bạn bị mất con vì cậu ấy cố băng qua xa lộ đó! Đành rằng, đôi khi không phải dễ để vâng lời cha mẹ, nhưng Đức Chúa Trời nói các em phải làm thế. Ngược lại, nếu cha mẹ—hoặc người nào khác—bảo các em nói dối, ăn cắp hoặc làm bất cứ điều gì không đẹp lòng Đức Chúa Trời, các em phải “vâng lời Đức Chúa Trời còn hơn là vâng lời người ta”. Vì lẽ đó, sau khi nói “hãy vâng-phục cha mẹ”, Kinh Thánh cũng thêm cụm từ “trong Chúa”. Điều này có nghĩa là các em vâng lời cha mẹ trong tất cả những điều phù hợp với luật pháp Đức Chúa Trời.—Công-vụ 5:29.

14. Tại sao một người hoàn toàn sẽ cảm thấy dễ vâng lời hơn, nhưng tại sao người đó cần học vâng lời?

14 Các em có nghĩ rằng nếu mình hoàn toàn—tức là “không ô-uế, biệt khỏi kẻ có tội”, giống như Chúa Giê-su—thì sẽ luôn luôn dễ dàng vâng lời cha mẹ không? (Hê-bơ-rơ 7:26) Nếu hoàn toàn, các em sẽ không có khuynh hướng làm điều trái như bây giờ. (Sáng-thế Ký 8:21; Thi-thiên 51:5) Tuy nhiên, chính Chúa Giê-su cũng phải học tập vâng lời. Kinh Thánh nói: “Dầu [Chúa Giê-su] là Con, cũng đã học-tập vâng lời bởi những sự khốn-khổ mình đã chịu”. (Hê-bơ-rơ 5:8) Làm thế nào việc chịu khổ đã giúp Chúa Giê-su học tập vâng lời, điều mà ngài chưa bao giờ phải học ở trên trời?

15, 16. Chúa Giê-su học tập vâng lời như thế nào?

15 Vâng theo chỉ thị của Đức Giê-hô-va, Giô-sép và Ma-ri đã che chở Chúa Giê-su khi ngài còn nhỏ. (Ma-thi-ơ 2:7-23) Thế nhưng, cuối cùng Đức Chúa Trời không dùng phép lạ để che chở Chúa Giê-su nữa. Chúa Giê-su phải chịu nhiều đau đớn cả về tinh thần lẫn thể chất, đến độ Kinh Thánh nói rằng ngài “đã kêu lớn tiếng khóc-lóc mà dâng những lời cầu-nguyện nài-xin”. (Hê-bơ-rơ 5:7) Sự kiện này xảy ra khi nào?

16 Nói cụ thể, sự kiện đó xảy ra vào những giờ cuối cùng trong cuộc sống trên đất của Chúa Giê-su, khi Sa-tan dốc sức để hủy hoại lòng trung kiên của ngài. Chúa Giê-su hẳn cảm thấy bị giày vò biết bao khi nghĩ đến việc ngài bị xử tử như một tội phạm có thể làm ô danh Cha. Bởi vậy, ngài “cầu-nguyện càng thiết [trong vườn Ghết-sê-ma-nê], mồ-hôi trở nên như giọt máu lớn rơi xuống đất”. Vài giờ sau, Chúa Giê-su phải chịu cái chết rất đau đớn trên cây khổ hình đến độ ngài “đã kêu lớn tiếng khóc-lóc”. (Lu-ca 22:42-44; Mác 15:34) Như thế, ngài “đã học-tập vâng lời bởi những sự khốn-khổ mình đã chịu” và nhờ đó làm Cha ngài vui lòng. Giờ đây ở trên trời, Chúa Giê-su cảm thông nỗi đau khổ của chúng ta khi phải phấn đấu để vâng lời.—Châm-ngôn 27:11; Hê-bơ-rơ 2:18; 4:15.

Rút ra bài học về sự vâng lời

17. Chúng ta nên nghĩ gì khi bị sửa phạt?

17 Khi cha mẹ sửa phạt các em, điều đó cho thấy họ yêu thương và muốn các em có được điều tốt nhất. Kinh Thánh nêu câu hỏi: “Có người nào là con mà cha không sửa-phạt?” Nếu cha mẹ không yêu thương dành ra thì giờ, công sức để sửa phạt các em, thì chẳng phải điều đó thật đáng buồn hay sao? Cũng thế, vì Đức Giê-hô-va yêu thương nên Ngài sửa phạt các em. “Thật các sự sửa-phạt lúc đầu coi như một cớ buồn-bã, chớ không phải sự vui-mừng; nhưng về sau sanh ra bông-trái công-bình và bình-an cho những kẻ đã chịu luyện-tập như vậy”.—Hê-bơ-rơ 12:7-11.

18. (a) Sự sửa phạt là bằng chứng cho thấy điều gì? (b) Các em thấy việc sửa phạt giúp ích cho người ta như thế nào?

18 Một vị vua ở xứ Y-sơ-ra-ên xưa mà Chúa Giê-su gọi là người khôn ngoan đã nói đến việc trẻ thơ cần được cha mẹ yêu thương sửa dạy. Người đó là Sa-lô-môn, ông viết: “Người nào kiêng roi-vọt ghét con trai mình; song ai thương con ắt cần lo sửa-trị nó”. Sa-lô-môn còn nói rằng người nào chịu sửa phạt thì có thể được giải cứu khỏi sự chết. (Châm-ngôn 13:24; 23:13, 14; Ma-thi-ơ 12:42) Một chị tín đồ Đấng Christ nhớ lại thời thơ ấu, những lúc chị không ngoan tại buổi họp, cha thường đe là sẽ phạt khi về nhà. Giờ đây mỗi lần nhớ lại, chị cảm thấy biết ơn là cha đã yêu thương sửa dạy để chị được nên người.

19. Tại sao các em nên đặc biệt vâng lời cha mẹ?

19 Nếu em được cha mẹ yêu thương dành thì giờ và công sức để sửa dạy thì hãy biết ơn. Hãy vâng lời cha mẹ, giống như Chúa Giê-su Christ đã vâng lời cha mẹ ngài là Giô-sép và Ma-ri. Nhưng hãy đặc biệt vâng lời cha mẹ vì Cha trên trời là Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã bảo các em làm thế. Như vậy, các em sẽ được lợi ích, cũng như “được phước và sống lâu trên đất”.—Ê-phê-sô 6:2, 3.

[Chú thích]

^ đ. 7 Xin xem Insight on the Scriptures, Tập 2, trang 841, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

Bạn trả lời thế nào?

• Nhờ vâng lời cha mẹ, trẻ em nhận được lợi ích nào?

• Lúc còn nhỏ, Chúa Giê-su nêu gương nào về việc vâng lời cha mẹ?

• Chúa Giê-su học tập vâng lời như thế nào?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 24]

Lúc lên 12 tuổi, Chúa Giê-su rất thông thạo Kinh Thánh

[Hình nơi trang 26]

Chúa Giê-su học tập vâng lời qua sự khốn khổ như thế nào?