Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hỡi người làm chồng—Hãy nhận biết quyền làm đầu của Đấng Christ

Hỡi người làm chồng—Hãy nhận biết quyền làm đầu của Đấng Christ

Hỡi người làm chồng—Hãy nhận biết quyền làm đầu của Đấng Christ

“Đấng Christ là đầu mọi người”.—1 CÔ-RINH-TÔ 11:3.

1, 2. (a) Có thể đánh giá sự thành công của một người chồng qua những cách nào? (b) Tại sao phải nhận biết hôn nhân là do Đức Chúa Trời sắp đặt?

BẠN có thể đánh giá sự thành công của một người chồng qua cách nào? Qua khả năng trí tuệ hay năng lực của anh ấy? Qua khả năng kiếm tiền, hay đặc biệt là qua cách anh đối xử yêu thương, tử tế với vợ con? Nếu đánh giá sự thành công qua cách đối xử, thì có lẽ nhiều người chồng đã thiếu sót trong vấn đề này, vì họ chịu ảnh hưởng của tinh thần thế gian và những tiêu chuẩn do người ta đặt ra. Tại sao? Chủ yếu là vì họ không biết và không áp dụng sự hướng dẫn của Đấng sáng lập hôn nhân—Đấng “dùng xương sườn đã lấy nơi A-đam làm nên một người nữ, đưa đến cùng A-đam”.—Sáng-thế Ký 2:21-24.

2 Chúa Giê-su Christ khẳng định lời Kinh Thánh nói hôn nhân là do Đức Chúa Trời sắp đặt. Ngài nói với những người hay phê bình vào thời đó: “Các ngươi há chưa đọc lời chép về Đấng Tạo-Hóa, hồi ban đầu, dựng nên một người nam, một người nữ, và có phán rằng: Vì cớ đó người nam sẽ lìa cha mẹ, mà dính-díu với vợ mình; hai người sẽ cùng nên một thịt hay sao? Thế thì, vợ chồng không phải là hai nữa, nhưng một thịt mà thôi. Vậy, loài người không nên phân-rẽ những kẻ mà Đức Chúa Trời đã phối-hiệp!” (Ma-thi-ơ 19:4-6) Đúng vậy, để có một hôn nhân hạnh phúc, cần nhận biết rằng Đức Chúa Trời là Đấng sáng lập hôn nhân, đồng thời phải áp dụng sự chỉ dẫn được ghi trong Lời Ngài, tức Kinh Thánh.

Bí quyết giúp người chồng thành công

3, 4. (a) Vì sao Chúa Giê-su hiểu biết nhiều về hôn nhân? (b) Theo nghĩa bóng, “vợ” của Chúa Giê-su là ai, và những người chồng nên đối xử với vợ như thế nào?

3 Một cách giúp người chồng thành công là anh ấy cần xem xét cẩn thận những lời Chúa Giê-su dạy và noi gương ngài. Chúa Giê-su có sự hiểu biết sâu rộng về vấn đề hôn nhân, vì ngài hiện diện khi cặp vợ chồng đầu tiên được tạo ra cũng như khi họ kết hôn. Giê-hô-va Đức Chúa Trời phán với ngài: “Chúng ta hãy làm nên loài người như hình ta và theo tượng ta”. (Sáng-thế Ký 1:26) Thật vậy, Đức Chúa Trời đã nói như thế với đấng được tạo ra trước tất cả các tạo vật khác, và đã “ở bên Ngài làm thợ cái”. (Châm-ngôn 8:22-30) Đấng này đã được “sanh ra đầu hết thảy mọi vật dựng nên”, “làm đầu cội-rễ cuộc sáng-thế của Đức Chúa Trời”, và hiện hữu trước khi vũ trụ được tạo ra.—Cô-lô-se 1:15; Khải-huyền 3:14.

4 Chúa Giê-su được gọi là “Chiên Con của Đức Chúa Trời”, và ngài được miêu tả là một người chồng theo nghĩa bóng. Một thiên sứ đã nói: “Hãy đến, ta sẽ chỉ cho ngươi thấy người vợ mới cưới là vợ Chiên Con”. (Giăng 1:29; Khải-huyền 21:9) Vậy, vợ mới cưới đó là ai? “Vợ Chiên Con” gồm những tín đồ trung thành được xức dầu, những người sẽ cùng Đấng Christ cai trị ở trên trời. (Khải-huyền 14:1, 3) Thế nên, qua cách Chúa Giê-su đối xử với các môn đồ lúc ngài sống trên đất, những người chồng học biết cách đối xử với vợ.

5. Chúa Giê-su là gương mẫu cho ai?

5 Thật thế, Kinh Thánh cho chúng ta biết Chúa Giê-su là gương mẫu cho tất cả các môn đồ, như chúng ta đọc: “Đấng Christ cũng đã chịu khổ cho anh em, để lại cho anh em một gương, hầu cho anh em noi dấu chân Ngài”. (1 Phi-e-rơ 2:21) Tuy nhiên, ngài đặc biệt là gương mẫu cho những người nam. Kinh Thánh nói: “Đấng Christ là đầu mọi người; người đàn-ông là đầu người đàn-bà; và Đức Chúa Trời là đầu của Đấng Christ”. (1 Cô-rinh-tô 11:3) Vì Đấng Christ là đầu người đàn ông, người chồng cần noi gương ngài. Vì vậy, nếu muốn thành công và hạnh phúc trong gia đình thì người chồng phải áp dụng nguyên tắc làm đầu. Để đạt mục tiêu này, người chồng cần đối xử với vợ cách yêu thương như Chúa Giê-su đối xử với “vợ” ngài, tức các môn đồ được xức dầu.

Làm sao giải quyết những khó khăn trong hôn nhân?

6. Người chồng nên “ăn-ở” như thế nào với vợ?

6 Trong thế giới hỗn loạn ngày nay, người chồng cần đặc biệt noi gương Chúa Giê-su về lòng kiên nhẫn, tình yêu thương, và tính kiên quyết giữ những nguyên tắc công bình. (2 Ti-mô-thê 3:1-5) Về gương mẫu của Chúa Giê-su, Kinh Thánh nói: “Hỡi người làm chồng, hãy tỏ điều khôn-ngoan ra trong sự ăn-ở với vợ mình”. (1 Phi-e-rơ 3:7) Thật vậy, người chồng phải giải quyết khó khăn trong hôn nhân cách khôn ngoan, tức với tinh thần hiểu biết, như Chúa Giê-su đã đương đầu với khó khăn. Ngài đã chịu những thử thách nặng nề hơn bất cứ người nào khác, nhưng ngài biết tất cả mọi việc ấy đều do Sa-tan, các quỉ của hắn và thế gian hung ác này gây ra. (Giăng 14:30; Ê-phê-sô 6:12) Chúa Giê-su không ngạc nhiên khi gặp khó khăn, thế nên các cặp vợ chồng cũng không nên lấy làm lạ khi có “khó-khăn về xác-thịt”. Kinh Thánh cảnh báo rằng những ai kết hôn có thể sẽ gặp những khó khăn như thế.—1 Cô-rinh-tô 7:28.

7, 8. (a) “Tỏ điều khôn-ngoan ra trong sự ăn-ở với vợ” bao hàm điều gì? (b) Tại sao người vợ đáng được “kính-nể”?

7 Hỡi những người chồng, Kinh Thánh khuyên các anh nên “tỏ điều khôn-ngoan ra trong sự ăn-ở với vợ mình, như là với giống yếu-đuối hơn”. (1 Phi-e-rơ 3:7) Thay vì cai trị vợ cách khắc nghiệt—như Kinh Thánh báo trước là người nam thường có khuynh hướng làm thế—một người chồng muốn được Đức Chúa Trời chấp nhận sẽ tôn trọng vợ mình. (Sáng-thế Ký 3:16) Anh sẽ đối xử với vợ như một món quà quý, không bao giờ dùng sức mạnh để làm tổn thương nàng. Thay vì thế, anh sẽ quan tâm đến cảm xúc và luôn tôn trọng nhân phẩm của vợ.

8 Tại sao người chồng nên tôn trọng vợ một cách thích đáng? Kinh Thánh trả lời: “Vì họ sẽ cùng anh em hưởng phước sự sống, nên phải kính-nể họ, hầu cho không điều gì làm rối-loạn sự cầu-nguyện của anh em”. (1 Phi-e-rơ 3:7) Người chồng phải hiểu rằng Đức Giê-hô-va không xem sự thờ phượng của người nam là đáng quý hơn của người nữ. Những người nữ được Ngài chấp nhận sẽ có cùng phần thưởng với người nam là sự sống đời đời—nhiều người nữ còn được sống ở trên trời, nơi “không còn đàn-ông hoặc đàn-bà”. (Ga-la-ti 3:28) Thế nên, người chồng cần nhớ rằng sự trung thành—chứ không phải vì người đó là nam hay nữ, chồng hay vợ, hay là con trẻ—làm cho một người trở nên đáng quý trước mắt Đức Chúa Trời.—1 Cô-rinh-tô 4:2.

9. (a) Theo Phi-e-rơ, tại sao người chồng nên tôn trọng vợ? (b) Qua cách nào Chúa Giê-su cho thấy ngài tôn trọng phụ nữ?

9 Việc người chồng cần đối xử tôn trọng với vợ được sứ đồ Phi-e-rơ nêu ra nơi phần cuối của câu: “Hầu cho không điều gì làm rối-loạn [“ngăn trở”, Tòa Tổng Giám Mục] sự cầu-nguyện của anh em”. Sự ngăn trở như thế có thể rất nguy hiểm! Lời cầu nguyện của người chồng có thể không thấu đến Đức Chúa Trời, như đã xảy ra đối với một số tôi tớ sao lãng bổn phận vào thời xưa. (Ca-thương 3:43, 44) Do đó, nam tín đồ Đấng Christ—người đã kết hôn và người dự định kết hôn—nên khôn ngoan học cách cư xử tôn trọng của Chúa Giê-su đối với phụ nữ. Ngài cho họ theo cùng khi ngài và các môn đồ đi rao giảng, đối xử với họ cách tử tế và tôn trọng. Vào dịp nọ, ngài còn tiết lộ trước tiên cho những người nữ về một sự thật đáng kinh ngạc, rồi bảo họ đi báo với các người nam!—Ma-thi-ơ 28:1, 8-10; Lu-ca 8:1-3.

Gương mẫu đặc biệt cho người chồng

10, 11. (a) Tại sao người chồng cần đặc biệt xem xét gương của Chúa Giê-su? (b) Người chồng nên thể hiện tình yêu thương đối với vợ như thế nào?

10 Như đã đề cập ở trên, Kinh Thánh ví mối quan hệ giữa vợ chồng như mối quan hệ giữa Đấng Christ và “vợ mới cưới” của ngài, tức hội thánh gồm những tín đồ được xức dầu. Kinh Thánh nói: “Chồng là đầu vợ, khác nào Đấng Christ là đầu Hội-thánh”. (Ê-phê-sô 5:23) Những lời này khuyến khích người chồng xem xét cách Chúa Giê-su thực hiện vai trò làm đầu, tức cách ngài lãnh đạo các môn đồ. Chỉ khi nào làm thế, người chồng mới có thể noi gương Chúa Giê-su và biết cách hướng dẫn, yêu thương, chăm sóc vợ, như ngài đã làm đối với hội thánh.

11 Kinh Thánh khuyên tín đồ Đấng Christ: “Hỡi người làm chồng, hãy yêu vợ mình, như Đấng Christ đã yêu Hội-thánh, phó chính mình vì Hội-thánh”. (Ê-phê-sô 5:25) Trong chương trước của sách Ê-phê-sô, “hội-thánh” được gọi là “thân-thể của Đấng Christ”. Thân thể theo nghĩa tượng trưng này gồm nhiều người, cả nam và nữ, tất cả đều góp phần giúp cho thân thể hoạt động hữu hiệu. Dĩ nhiên, Chúa Giê-su là “đầu của thân-thể, tức là đầu Hội-thánh”.—Ê-phê-sô 4:12; Cô-lô-se 1:18; 1 Cô-rinh-tô 12:12, 13, 27.

12. Chúa Giê-su đã biểu lộ tình yêu thương đối với “thân-thể” của ngài như thế nào?

12 Chúa Giê-su biểu lộ tình yêu thương đối với “thân-thể” của ngài, tức “hội-thánh”, đặc biệt qua cách ngài ân cần chăm lo cho những thành viên tương lai. Chẳng hạn, khi các môn đồ mệt mỏi, ngài phán: “Hãy đi tẻ ra trong nơi vắng-vẻ, nghỉ-ngơi một chút”. (Mác 6:31) Miêu tả hoạt động của Chúa Giê-su vài giờ trước khi ngài bị hành hình, một trong các sứ đồ viết: “[Chúa Giê-su] đã yêu kẻ thuộc về mình [là các thành viên trong thân thể tượng trưng]. . . thì cứ yêu cho đến cuối-cùng”. (Giăng 13:1) Chúa Giê-su đã để lại cho các người chồng một gương tuyệt hảo về cách họ phải đối xử với vợ!

13. Những người chồng được khuyên phải yêu vợ mình như thế nào?

13 Dùng gương của Chúa Giê-su, sứ đồ Phao-lô khuyên các người chồng: “Chồng phải yêu vợ như chính thân mình. Ai yêu vợ mình thì yêu chính mình vậy. Vì chẳng hề có người nào ghét chính thân mình, nhưng nuôi-nấng săn-sóc nó như Đấng Christ đối với Hội-thánh”. Ông nói thêm: “Mỗi người trong anh em phải yêu vợ mình như mình”.—Ê-phê-sô 5:28, 29, 33.

14. Người chồng đối xử thế nào với bản thân bất toàn, và điều này cho thấy anh nên đối xử thế nào với vợ?

14 Hãy suy nghĩ về lời trên của Phao-lô. Có người đàn ông bình thường nào lại cố ý làm tổn thương thân thể của mình không? Khi một người bị dập ngón chân, liệu anh có đánh ngón chân ấy vì nó đã làm cho anh vấp hay không? Chắc chắn không! Người chồng có tự làm nhục mình trước mặt bạn bè hoặc kể ra những điều sai sót của mình cho người khác biết không? Không! Vậy, tại sao anh ấy lại mắng nhiếc, hoặc thậm chí đối xử tệ hơn với vợ mỗi khi nàng lầm lỗi? Người chồng không chỉ xem xét lợi ích của chính mình mà còn phải nghĩ đến lợi ích của vợ nữa.—1 Cô-rinh-tô 10:24; 13:5.

15. (a) Chúa Giê-su đã làm gì khi các môn đồ thể hiện sự yếu đuối của con người? (b) Qua gương mẫu của ngài, chúng ta có thể rút ra những bài học nào?

15 Hãy xem Chúa Giê-su biểu lộ lòng quan tâm như thế nào với các môn đồ vào đêm trước khi ngài sẽ chịu chết. Đêm đó, các môn đồ đã thể hiện sự yếu đuối của con người. Mặc dù ngài đã nhiều lần nhắc họ hãy tỉnh thức và cầu nguyện, nhưng họ vẫn ngủ gục ba lần trong vườn Ghết-sê-ma-nê. Thình lình, đám đông người mang khí giới đến vây quanh ngài và các môn đồ. Chúa Giê-su hỏi: “Các ngươi tìm ai?” Khi những người đó trả lời: “Tìm Jêsus người Na-xa-rét”, ngài đáp: “Chính ta đây!” Biết rằng “giờ đã tới rồi”, ngài phán: “Vậy nếu các ngươi tìm bắt ta, thì hãy để cho những kẻ nầy đi”. Chúa Giê-su luôn quan tâm đến sự an toàn của các môn đồ—thuộc thành phần “vợ mới cưới” của ngài—và mở đường thoát cho họ. Khi xem xét cách Chúa Giê-su đối xử với các môn đồ, người chồng sẽ học được nhiều nguyên tắc có thể áp dụng khi cư xử với vợ.—Giăng 18:1-9; Mác 14:34-37, 41.

Tình yêu thương của Chúa Giê-su không đơn thuần là cảm xúc

16. Dù yêu mến Ma-thê, Chúa Giê-su đã sửa sai bà như thế nào?

16 Kinh Thánh nói: “Chúa Jêsus yêu Ma-thê, em người, và La-xa-rơ”. Họ thường tiếp đãi ngài tại nhà. (Giăng 11:5) Tuy nhiên, Chúa Giê-su đã không ngần ngại khuyên bảo Ma-thê khi bà quá chú trọng đến việc chuẩn bị bữa ăn nên không có nhiều thời giờ nghe ngài dạy dỗ về thiêng liêng. Ngài phán: “Hỡi Ma-thê, Ma-thê, ngươi chịu khó và bối-rối về nhiều việc; nhưng có một việc cần mà thôi”. (Lu-ca 10:41, 42) Lòng yêu mến của Chúa Giê-su đối với Ma-thê hẳn đã giúp bà dễ chấp nhận lời khuyên của ngài. Tương tự thế, người chồng nên đối xử cách tử tế, yêu thương, lựa lời mà nói với vợ. Tuy nhiên, khi cần phải sửa sai thì nên nói thẳng thắn như Chúa Giê-su.

17, 18. (a) Phi-e-rơ đã khuyên can Chúa Giê-su như thế nào, và tại sao Phi-e-rơ cần được sửa dạy? (b) Người chồng có trách nhiệm nào?

17 Trong một trường hợp khác, Chúa Giê-su giải thích với các sứ đồ rằng ngài phải đến thành Giê-ru-sa-lem, và sẽ bị ngược đãi bởi “những người trưởng-lão, thầy tế-lễ cả, cùng thầy thông-giáo, và phải bị giết, đến ngày thứ ba phải sống lại”. Nghe thế, Phi-e-rơ đem ngài ra một chỗ riêng và can rằng: “Hỡi Chúa, Đức Chúa Trời nào nỡ vậy! Sự đó sẽ không xảy đến cho Chúa đâu!” Rõ ràng, tình cảm đã làm mờ quan điểm của Phi-e-rơ. Ông cần điều chỉnh lại lối suy nghĩ. Vì vậy, Chúa Giê-su phán: “Ớ Sa-tan, hãy lui ra đằng sau ta! Ngươi làm gương xấu cho ta; vì ngươi chẳng nghĩ đến việc Đức Chúa Trời, song nghĩ đến việc người ta”.—Ma-thi-ơ 16:21-23.

18 Trong câu trên, Chúa Giê-su nói đến ý muốn của Đức Chúa Trời—đó là Chúa Giê-su phải trải qua nhiều sự khốn khổ và bị giết. (Thi-thiên 16:10; Ê-sai 53:12) Vì thế, Phi-e-rơ khuyên can Chúa Giê-su là sai. Thật vậy, Phi-e-rơ cần được sửa dạy nghiêm khắc, như tất cả chúng ta đôi khi cũng phải thế. Người chồng giữ vai trò làm đầu của gia đình, do đó anh có quyền và có trách nhiệm sửa sai các thành viên, kể cả người vợ. Dù đôi khi cần kiên quyết, người chồng cũng phải mềm mại và yêu thương. Như Chúa Giê-su đã giúp Phi-e-rơ có cái nhìn đúng đắn về sự việc, đôi khi người chồng cũng cần làm thế đối với vợ. Chẳng hạn, nếu thấy cách ăn mặc hoặc trang điểm của vợ bắt đầu thiếu sự khiêm tốn mà Kinh Thánh khuyên, người chồng có lẽ nên nhẹ nhàng chỉ ra một số khía cạnh cần điều chỉnh.—1 Phi-e-rơ 3:3-5.

Người chồng nên kiên nhẫn

19, 20. (a) Vấn đề nào nảy sinh giữa các sứ đồ, và Chúa Giê-su đã giải quyết như thế nào? (b) Nỗ lực của Chúa Giê-su mang lại kết quả nào?

19 Nếu vợ có một lỗi lầm cần được sửa sai, người chồng không nên nghĩ rằng nỗ lực chân thành của anh sẽ có kết quả ngay. Chúa Giê-su đã nỗ lực không ngừng để điều chỉnh thái độ của các sứ đồ. Chẳng hạn, vào lúc gần cuối thời gian Chúa Giê-su thi hành thánh chức, tinh thần cạnh tranh lại nảy sinh giữa các sứ đồ. Họ cãi nhau để xem ai là lớn hơn. (Mác 9:33-37; 10:35-45) Không lâu sau lần tranh cãi thứ nhì, Chúa Giê-su sắp đặt cử hành Lễ Vượt Qua lần cuối cùng với họ. Vào dịp đó, không một ai trong các sứ đồ chủ động làm công việc hèn mọn theo phong tục thời bấy giờ là rửa chân cho người khác. Chính Chúa Giê-su làm công việc này. Sau đó, ngài phán: “Ta đã làm gương cho các ngươi”.—Giăng 13:2-15.

20 Người chồng có thái độ khiêm tốn giống như Chúa Giê-su thường sẽ nhận được sự hợp tác và hỗ trợ của vợ. Nhưng anh cần kiên nhẫn. Sau buổi Lễ Vượt Qua đêm ấy, các sứ đồ lại cãi nhau để xem ai là lớn hơn hết. (Lu-ca 22:24) Những thay đổi về thái độ và lối cư xử thường đòi hỏi nhiều thời gian, và điều này diễn ra một cách từ từ. Nhưng khi đạt kết quả như ý thì thật đáng công, như trong trường hợp các sứ đồ!

21. Ngày nay, khi gặp khó khăn, các người chồng được khuyên hãy nhớ đến điều gì và phải làm gì?

21 Ngày nay hôn nhân nói chung đang gặp khó khăn hơn bao giờ hết. Nhiều người không còn xem trọng lời thề ước hôn nhân. Vì vậy, hỡi người chồng, hãy nghĩ về nguồn gốc của hôn nhân. Hãy nhớ rằng chính Giê-hô-va Đức Chúa Trời yêu thương của chúng ta đã thiết lập hôn nhân. Ngài ban Con Ngài, Chúa Giê-su, không những là Đấng Chuộc Tội—Đấng Cứu Rỗi của chúng ta—mà còn là gương mẫu để các người chồng noi theo.—Ma-thi-ơ 20:28; Giăng 3:29; 1 Phi-e-rơ 2:21.

Bạn trả lời thế nào?

• Tại sao chúng ta cần phải nhận biết nguồn gốc của hôn nhân?

• Người chồng được khuyến khích yêu thương vợ như thế nào?

• Chúa Giê-su đã nêu những gương nào khi đối xử với các môn đồ để người chồng biết cách thực hiện vai trò làm đầu như Đấng Christ?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 14]

Tại sao người chồng nên xem xét cách Chúa Giê-su đối xử với phụ nữ?

[Hình nơi trang 15]

Chúa Giê-su tỏ lòng quan tâm khi các môn đồ mệt mỏi

[Hình nơi trang 16]

Người chồng nên khuyên vợ một cách mềm mại và khéo léo