Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hỡi người vợ—Hãy kính trọng chồng

Hỡi người vợ—Hãy kính trọng chồng

Hỡi người vợ—Hãy kính trọng chồng

“Hỡi kẻ làm vợ, phải vâng-phục chồng mình”.—Ê-PHÊ-SÔ 5:22.

1. Tại sao việc kính trọng chồng thường là điều khó thực hiện?

TẠI nhiều xứ, khi một cặp nam nữ kết hôn, cô dâu hứa nguyện sẽ kính trọng chồng sâu xa. Tuy nhiên, cách đối xử của nhiều người chồng có thể làm cho người vợ thấy khó thực hiện lời hứa nguyện ấy. Nhưng hôn nhân từng có một khởi đầu tốt đẹp. Đức Chúa Trời đã lấy một xương sườn của A-đam, người nam đầu tiên, để tạo nên người nữ. A-đam thốt lên: “Người nầy là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi mà ra”.—Sáng-thế Ký 2:19-23.

2. Trong thời gian gần đây, tình trạng hôn nhân và vai trò người phụ nữ có những thay đổi nào?

2 Dù hôn nhân có sự khởi đầu tốt đẹp, nhưng vào đầu thập niên 1960, một phong trào giải phóng phụ nữ được khởi xướng ở Hoa Kỳ, nhằm giải thoát phụ nữ khỏi sự thống trị của người đàn ông. Thời đó, cứ khoảng 300 người đàn ông bỏ gia đình thì có 1 người phụ nữ từ bỏ mái ấm, nhưng đến cuối thập niên 1960 thì tỉ lệ này là 100 trên 1. Ngày nay, dường như cũng có nhiều phụ nữ văng tục, uống rượu, hút thuốc và ăn ở buông tuồng như nam giới. Vậy, phụ nữ có hạnh phúc hơn không? Không. Tại một số nước, người ta dự đoán rằng khoảng phân nửa số người kết hôn sẽ ly dị. Nỗ lực của một số phụ nữ nhằm cải thiện đời sống hôn nhân đã mang lại kết quả tốt hơn hay tệ hơn?—2 Ti-mô-thê 3:1-5.

3. Vấn đề cơ bản nào ảnh hưởng đến hôn nhân?

3 Vấn đề cơ bản là gì? Một phần là do vấn đề đã nảy sinh từ khi Ê-va bị cám dỗ bởi một thiên sứ phản nghịch, “con rắn xưa, gọi là ma-quỉ và Sa-tan”. (Khải-huyền 12:9; 1 Ti-mô-thê 2:13, 14) Sa-tan đã làm giảm hiệu lực những lời dạy dỗ của Đức Chúa Trời. Chẳng hạn, Ma-quỉ làm cho người ta cảm thấy hôn nhân có vẻ quá gò bó và khắt khe. Những lời tuyên truyền mà hắn cổ xúy qua phương tiện truyền thông của thế gian này—do hắn cai trị—nhằm làm cho những dạy dỗ của Đức Chúa Trời có vẻ bất công và lỗi thời. (2 Cô-rinh-tô 4:3, 4) Tuy nhiên, nếu xem xét những gì Đức Chúa Trời nói về vai trò của người phụ nữ trong hôn nhân với tinh thần cởi mở, chúng ta sẽ thấy Lời Ngài thật khôn ngoan và thiết thực.

Lời cảnh báo cho những người có ý định kết hôn

4, 5. (a) Tại sao người phụ nữ nên thận trọng khi nghĩ đến việc kết hôn? (b) Người nữ nên làm gì trước khi nhận lời kết hôn?

4 Kinh Thánh cảnh báo rằng trong thế gian do Ma-quỉ cai trị, ngay cả những người thành công trong hôn nhân cũng sẽ gặp “khó-khăn”. Vì vậy, dù hôn nhân là sự sắp đặt của Đức Chúa Trời, nhưng Kinh Thánh đã đưa ra lời cảnh báo cho những người kết hôn. Về trường hợp phụ nữ góa chồng và có quyền tái giá, một người được soi dẫn nói: “Nếu cứ ở vậy, thì có phước hơn”. Chúa Giê-su cũng khuyên “người nào lãnh nổi” lời ấy hãy cứ ở độc thân. Tuy nhiên, nếu ai muốn lập gia đình thì phải kết hôn “theo ý Chúa”, nghĩa là kết hôn với người đã dâng mình và làm báp têm để phụng sự Đức Chúa Trời.—1 Cô-rinh-tô 7:28, 36-40; Ma-thi-ơ 19:10-12.

5 Lý do khiến người phụ nữ nên đặc biệt cẩn thận lưu ý đến người mà mình sắp kết hôn là vì Kinh Thánh đã cảnh báo: “Đàn-bà có chồng. . . thì luật-pháp buộc phải theo chồng”. Chỉ khi nào chồng chết hoặc phạm tội vô luân và hai người ly dị vì lý do đó, thì người vợ mới “được thoát khỏi luật-pháp đã buộc mình với chồng”. (Rô-ma 7:2, 3) Sự rung động phút ban đầu có thể đủ để có được một cuộc tình lãng mạn, nhưng thường thì không đủ để làm nền tảng cho cuộc hôn nhân hạnh phúc. Thế nên, người nữ độc thân cần tự hỏi: ‘Tôi có muốn bước vào hôn nhân, một sự sắp đặt đòi hỏi tôi phải sống theo luật pháp buộc mình với người nam này không?’ Thời gian để suy ngẫm câu hỏi này là trước khi kết hôn, chứ không phải sau đó.

6. Đa số phụ nữ ngày nay thường có quyền quyết định điều gì, và tại sao quyết định ấy rất quan trọng?

6 Nhiều nơi ngày nay, phụ nữ có quyền nhận hoặc từ chối một lời cầu hôn. Tuy nhiên, chọn đúng người là điều khó nhất trong đời người phụ nữ, vì họ rất khao khát tình cảm yêu thương và mối quan hệ mật thiết mà hôn nhân có thể mang lại. Một nhà văn ghi nhận: “Càng muốn thực hiện một việc gì—dù đó là kết hôn hoặc leo lên một đỉnh núi—chúng ta càng nhìn sự việc qua lăng kính màu hồng, và chỉ nghe những gì mình thích mà thôi”. Một quyết định thiếu suy nghĩ có thể khiến người leo núi trả giá bằng mạng sống, kết hôn lầm người cũng hết sức tai hại.

7. Có lời khuyên khôn ngoan nào về việc chọn người hôn phối?

7 Người phụ nữ nên nghiêm túc xét xem luật pháp buộc mình với người cầu hôn có thể bao hàm điều gì. Nhiều năm trước đây, một thiếu nữ Ấn Độ đã khiêm tốn thừa nhận rằng: “Cha mẹ nhiều tuổi và khôn ngoan hơn nên không dễ bị đánh lừa như chúng tôi. . . Tôi thì dễ phạm sai lầm”. Sự giúp đỡ của cha mẹ và nhiều người khác là quan trọng. Từ lâu, một người khôn ngoan đã khuyên người trẻ nên tìm hiểu cha mẹ của người mình muốn kết hôn, cũng như cẩn thận quan sát cách anh ứng xử với cha mẹ và người nhà của anh.

Chúa Giê-su vâng phục như thế nào?

8, 9. (a) Chúa Giê-su có quan điểm nào về việc vâng phục Đức Chúa Trời? (b) Sự vâng phục có thể mang lại lợi ích gì?

8 Dù sự vâng phục có thể là một thách đố, người phụ nữ nên xem đó là việc đáng làm. Chính Chúa Giê-su đã làm như thế. Ngài tìm thấy niềm vui trong việc vâng phục Đức Chúa Trời, dù điều ấy đòi hỏi ngài phải chịu chết trên cây khổ hình. (Lu-ca 22:41-44; Hê-bơ-rơ 5:7, 8; 12:3) Những người nữ có thể noi gương Chúa Giê-su, vì Kinh Thánh viết: “Người đàn-ông là đầu người đàn-bà; và Đức Chúa Trời là đầu của Đấng Christ”. (1 Cô-rinh-tô 11:3) Tuy nhiên, điều đáng chú ý là không phải chỉ những người nữ kết hôn mới phục dưới quyền làm đầu của người nam.

9 Kinh Thánh giải thích rằng người nữ, dù đã kết hôn hay còn độc thân, phải vâng phục quyền làm đầu của các anh trông coi hội thánh đạo Đấng Christ, là những người hội đủ điều kiện về thiêng liêng. (1 Ti-mô-thê 2:12, 13; Hê-bơ-rơ 13:17) Khi làm theo sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời, người nữ nêu gương cho các thiên sứ trong tổ chức của Ngài. (1 Cô-rinh-tô 11:8-10) Ngoài ra, với gương tốt và những lời khuyên hữu ích, những người nữ kết hôn nay đã cao tuổi có thể dạy cho các phụ nữ trẻ “vâng-phục chồng mình”.—Tít 2:3-5.

10. Chúa Giê-su đã nêu gương vâng phục như thế nào?

10 Chúa Giê-su hiểu giá trị của việc vâng phục thích đáng. Vào một dịp nọ, ngài bảo sứ đồ Phi-e-rơ trả thuế cho nhà cầm quyền, thậm chí ngài còn cho ông biết phải làm gì để có tiền đóng thuế cho cả hai. Sau này, Phi-e-rơ viết: “Vì cớ Chúa, hãy phục theo mọi phép-tắc loài người lập lên”. (1 Phi-e-rơ 2:13; Ma-thi-ơ 17:24-27) Về gương mẫu nổi bật của Chúa Giê-su trong việc vâng phục, chúng ta đọc: “Ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi-tớ và trở nên giống như loài người; Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng-phục cho đến chết”.—Phi-líp 2:5-8.

11. Tại sao Phi-e-rơ khuyến khích người vợ phải vâng phục chồng, dù chồng không cùng đức tin?

11 Khi khuyến khích tín đồ Đấng Christ vâng phục ngay cả các bậc cầm quyền khắt khe và không công bình của thế gian này, Phi-e-rơ viết: “Anh em đã được kêu-gọi đến sự đó, vì Đấng Christ cũng đã chịu khổ cho anh em, để lại cho anh em một gương, hầu cho anh em noi dấu chân Ngài”. (1 Phi-e-rơ 2:21) Sau khi miêu tả Chúa Giê-su chịu đau đớn đến mức nào và ngài đã chịu đựng ra sao, Phi-e-rơ khuyến khích những người vợ có chồng không cùng đức tin: “Hỡi người làm vợ, hãy phục chồng mình, hầu cho nếu có người chồng nào không vâng theo Đạo, dẫu chẳng lấy lời khuyên-bảo, chỉ bởi cách ăn-ở của vợ, cũng đủ hóa theo, vì thấy cách ăn-ở của chị em là tinh-sạch và cung-kính”.—1 Phi-e-rơ 3:1, 2.

12. Sự vâng phục của Chúa Giê-su mang lại những lợi ích nào?

12 Người ta có thể cho rằng việc vâng phục, bất kể sự chế giễu và lăng mạ, là biểu hiện của tính nhu nhược. Tuy nhiên, Chúa Giê-su không nghĩ như thế. Phi-e-rơ viết: “Ngài bị rủa mà chẳng rủa lại, chịu nạn mà không hề ngăm-dọa”. (1 Phi-e-rơ 2:23) Sau khi chứng kiến sự đau đớn của Chúa Giê-su, một số người đã tin ngài, chẳng hạn như tên trộm bị đóng đinh bên cạnh Chúa Giê-su và thầy đội đứng xem ngài bị hành hình. (Ma-thi-ơ 27:38-44, 54; Mác 15:39; Lu-ca 23:39-43) Tương tự thế, Phi-e-rơ cho thấy một số người chồng không tin đạo—thậm chí có những người ngược đãi vợ—sẽ trở thành tín đồ Đấng Christ vì thấy thái độ vâng phục của vợ. Chúng ta đã thấy những trường hợp đó xảy ra ngày nay.

Làm sao cảm hóa được chồng?

13, 14. Việc vâng phục người chồng không tin đạo đã mang lại lợi ích nào?

13 Sau khi tin đạo, nhiều người vợ cảm hóa được chồng nhờ có cách cư xử giống như Đấng Christ. Gần đây, tại đại hội địa hạt của Nhân Chứng Giê-hô-va, một người chồng nói về vợ mình như sau: “Có lẽ tôi đã đối xử thô lỗ với vợ. Dù vậy, nàng vẫn một mực tôn trọng và không bao giờ xem thường tôi. Vợ tôi không cố ép tôi theo niềm tin của nàng. Nàng chăm sóc tôi một cách yêu thương. Trước khi đi dự hội nghị, vợ tôi lo chuẩn bị trước các bữa ăn cho tôi và hoàn tất công việc nhà. Thái độ của nàng khiến tôi chú ý đến Kinh Thánh. Và, hôm nay tôi là một Nhân Chứng!” Thật vậy, anh ấy đã được cảm hóa bởi cách ăn ở của vợ, dẫu nàng “chẳng lấy lời khuyên-bảo”.

14 Như Phi-e-rơ nói rõ, kết quả không tùy thuộc vào những gì người vợ nói mà là những gì chị làm. Điều này được minh chứng qua kinh nghiệm của một chị đã có gia đình. Chị học Kinh Thánh và quyết tâm tham dự các buổi họp đạo Đấng Christ. Khi chị sửa soạn đi nhóm họp, chồng của chị hét lên: “Agnes, nếu cô bước qua cánh cửa đó thì đừng hòng trở về!” Chị đã không đi ra bằng “cửa đó”, nhưng bằng một cửa khác. Vào tối có buổi nhóm kế tiếp, chồng chị đe dọa: “Khi cô trở về nhà sẽ không thấy mặt tôi”. Và ông đã bỏ nhà ra đi trong ba ngày liền. Khi ông trở về, chị ân cần hỏi chồng: “Anh có muốn ăn chút gì không?” Agnes không bao giờ nhượng bộ trong việc thờ phượng Đức Giê-hô-va. Cuối cùng, chồng của chị chấp nhận tìm hiểu Kinh Thánh, dâng mình cho Đức Chúa Trời và sau đó phụng sự với tư cách là một giám thị có nhiều trọng trách.

15. Các người vợ tín đồ Đấng Christ được khuyên dùng “sự trang-sức” nào?

15 Sứ đồ Phi-e-rơ đã khuyên một điều mà những người vợ vừa đề cập ở trên đã thể hiện, đó là “sự trang-sức”, nhưng không phải bằng cách quá chú tâm đến việc “gióc tóc” hoặc “mặc áo quần lòe-loẹt”. Thay vì thế, Phi-e-rơ nói: “Hãy tìm-kiếm sự trang-sức bề trong giấu ở trong lòng, tức là sự tinh-sạch chẳng hư-nát của tâm-thần dịu-dàng im-lặng, ấy là giá quí trước mặt Đức Chúa Trời”. Tinh thần này được phản ánh qua giọng nói và cung cách đối xử thích hợp, chứ không có thái độ thách thức hoặc khắt khe. Vì vậy, người vợ tín đồ Đấng Christ thể hiện lòng kính trọng sâu xa đối với chồng.—1 Phi-e-rơ 3:3, 4.

Những gương để noi theo

16. Bà Sa-ra nêu gương mẫu nào cho các người vợ tín đồ Đấng Christ?

16 Phi-e-rơ viết: “Các bà thánh xưa kia, trông-cậy Đức Chúa Trời, vâng-phục chồng mình, đều trau-giồi mình dường ấy”. (1 Phi-e-rơ 3:5) Những người nữ ấy ý thức rằng nếu họ làm đẹp lòng Đức Giê-hô-va bằng cách để ý đến lời khuyên của Ngài, thì cuối cùng họ sẽ có gia đình hạnh phúc và nhận phần thưởng sự sống đời đời. Phi-e-rơ nhắc đến bà Sa-ra, người vợ đẹp của Áp-ra-ham, và cho biết bà đã “vâng-phục Áp-ra-ham, gọi người là chúa mình”. Bà Sa-ra ủng hộ người chồng tin kính được Đức Giê-hô-va phái đến một xứ xa. Bà đã từ bỏ cuộc sống tiện nghi và thậm chí lâm vào hoàn cảnh nguy hiểm. (Sáng-thế Ký 12:1, 10-13) Phi-e-rơ khen ngợi gương can đảm của bà: “Nếu các chị em làm điều lành, không sợ chi hết mà rối trí, thì trở nên con gái của Sa-ra vậy”.—1 Phi-e-rơ 3:6.

17. Tại sao có thể nói rằng Phi-e-rơ cũng xem A-bi-ga-in là một gương cho các người vợ tín đồ Đấng Christ?

17 Phi-e-rơ có lẽ cũng đã nghĩ đến A-bi-ga-in, một phụ nữ can đảm và trông cậy nơi Đức Chúa Trời. Bà “thông-minh tốt-đẹp”, nhưng người chồng là Na-banh “thì cứng-cỏi hung-ác”. Khi Na-banh từ chối giúp đỡ Đa-vít và những người theo ông, thì họ toan giết Na-banh và cả nhà ông. Nhưng A-bi-ga-in đã nhanh chóng hành động để cứu gia đình. Bà chất lương thực lên lưng lừa và lên đường đến gặp Đa-vít cùng quân lính của ông. Vừa nhìn thấy Đa-vít, bà vội xuống lừa, sấp mình xuống chân ông, nài xin Đa-vít chớ hành động hấp tấp. Đa-vít vô cùng xúc động. Ông nói: “Đáng ngợi-khen Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên, vì đã sai ngươi đến đón ta ngày nay! Đáng khen sự khôn-ngoan ngươi và chúc phước cho ngươi”.—1 Sa-mu-ên 25:2-33.

18. Nếu bị cám dỗ bởi sự theo đuổi của người đàn ông khác, các người vợ có thể suy ngẫm gương của ai, tại sao?

18 Nàng Su-la-mít là một gương mẫu khác cho các người vợ. Su-la-mít giữ lòng chung thủy với vị hôn phu là chàng chăn chiên hiền lành. Tình yêu của nàng không hề lay chuyển trước sự theo đuổi của một vị vua giàu sang, si tình. Diễn đạt cảm xúc của mình đối với chàng chăn chiên trẻ tuổi, Su-la-mít nói: “Hãy để tôi như một cái ấn nơi lòng chàng, như một cái ấn trên cánh tay chàng; vì ái-tình mạnh như sự chết. . . Nước nhiều không tưới tắt được ái-tình, các sông chẳng nhận chìm nó được”. (Nhã-ca 8:6, 7) Mong sao tất cả các chị nhận lời cầu hôn cũng sẽ quyết tâm giữ lòng chung thủy và tôn trọng chồng sâu xa.

Những lời khuyên khác đến từ Đức Chúa Trời

19, 20. (a) Những người vợ nên vâng phục chồng vì lý do nào? (b) Các người vợ cần noi gương tốt nào?

19 Cuối cùng, hãy xem xét văn cảnh của câu Kinh Thánh chủ đề: “Hỡi kẻ làm vợ, phải vâng-phục chồng mình”. (Ê-phê-sô 5:22) Tại sao cần phải vâng phục? Câu Kinh Thánh kế tiếp nói: “Vì chồng là đầu vợ, khác nào Đấng Christ là đầu Hội-thánh”. Vì vậy, các người vợ được khuyên: “Như Hội-thánh phục dưới Đấng Christ, thì đàn-bà cũng phải phục dưới quyền chồng mình trong mọi sự”.—Ê-phê-sô 5:23, 24, 33.

20 Vâng theo mệnh lệnh này, các người vợ cần xem xét và noi gương hội thánh gồm các môn đồ được xức dầu của Đấng Christ. Hãy đọc 2 Cô-rinh-tô 11:23-28 để xem những gì mà một thành viên trong hội thánh—sứ đồ Phao-lô—đã chịu đựng để giữ lòng trung thành với Chúa Giê-su Christ là Đầu của ông. Như Phao-lô, các người vợ cũng như mọi thành viên khác trong hội thánh cần vâng phục Chúa Giê-su cách trung thành. Những người vợ thể hiện tinh thần này qua việc vâng phục chồng.

21. Điều gì có thể khích lệ các người vợ tiếp tục vâng phục chồng?

21 Tuy ngày nay nhiều người vợ cảm thấy bực bội với ý tưởng vâng phục chồng, nhưng một phụ nữ khôn ngoan sẽ xem xét những lợi ích của việc này. Chẳng hạn, trong trường hợp chồng không cùng đức tin, khi người vợ vâng phục quyền làm đầu trong mọi sự mà không vi phạm luật pháp hoặc các nguyên tắc của Đức Chúa Trời, thì chị có thể gặt được kết quả tuyệt diệu là “cứu được chồng mình”. (1 Cô-rinh-tô 7:13, 16) Ngoài ra, chị có thể tìm được sự thỏa lòng khi biết Giê-hô-va Đức Chúa Trời chấp nhận cách cư xử của chị và sẽ ban thưởng dồi dào vì chị đã noi theo gương Con yêu quý của Ngài.

Bạn còn nhớ không?

• Tại sao kính trọng chồng có thể là một thách đố với người vợ?

• Tại sao chấp nhận lời cầu hôn là việc hệ trọng?

• Chúa Giê-su đã nêu gương thế nào cho các người vợ, và noi gương ngài có thể mang lại những lợi ích nào?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 19]

Tại sao việc quyết định có nên nhận lời cầu hôn hay không là điều hệ trọng?

[Hình nơi trang 21]

Qua những gương trong Kinh Thánh, chẳng hạn như gương của A-bi-ga-in, các người vợ có thể học được gì?