Quý trọng trái đất xinh đẹp
Quý trọng trái đất xinh đẹp
CÁC nhà thiên văn học đã nhận ra rằng ngôi nhà của nhân loại chỉ là một chấm nhỏ trong sự bao la mênh mông của vũ trụ. Trong vũ trụ rộng lớn ấy, người ta chưa tìm thấy sự sống trên bất kỳ hành tinh nào khác. Chỉ hành tinh Trái Đất mới có đúng những điều kiện cần thiết để sự sống nảy nở.
Hơn nữa, đời sống trên hành tinh xinh đẹp này rất thú vị. Thật dễ chịu làm sao khi được sưởi ấm dưới ánh nắng mặt trời trong một ngày giá rét! Ai trong chúng ta lại không rung động trước cảnh bình minh hay hoàng hôn rực rỡ? Dĩ nhiên, mặt trời không chỉ mang lại cảm giác thích thú mà còn rất thiết yếu cho sự sống.
Hàng triệu năm qua, lực hút của Mặt Trời đã giữ cho Trái Đất và các hành tinh khác trong Thái Dương Hệ quay trên những quỹ đạo nhất định. Và như chúng ta đã học ở trường, toàn bộ Thái Dương Hệ cũng quay trên quỹ đạo của nó xung quanh tâm dải Ngân Hà, tên thiên hà của chúng ta. Tuy nhiên, trong thiên hà này, Mặt Trời chỉ là một trong hơn 100 tỉ vì sao đang chuyển động như thế.
Do lực hấp dẫn, dải Ngân Hà và một số thiên hà khác kết thành một chùm, gồm khoảng 35 thiên hà. Trong vũ trụ có những chùm lớn hơn gồm cả hàng ngàn thiên hà. Thái Dương Hệ hẳn sẽ không ổn định nếu nằm trong chùm lớn hơn và có nhiều thiên hà hơn. Trong cuốn sách nhan đề The Privileged Planet (Hành tinh được ưu đãi), hai tác giả Guillermo Gonzalez và Jay W. Richards cho biết trên thực tế, ít vùng nào trong vũ trụ “có điều kiện thích hợp cho sự sống phức tạp như [chùm thiên hà] của chúng ta”.
Phải chăng sự sống xuất hiện trên địa cầu một cách ngẫu nhiên, do kết quả bất ngờ của vụ nổ “big bang”? Hay sự sống trên hành tinh tuyệt đẹp này được tạo ra có chủ đích?
Nhiều người đồng ý rằng địa cầu đã được thiết kế đặc biệt để có sự sống. * Nhiều thế kỷ trước, một thi sĩ người Do Thái đã viết về bầu trời và trái đất như sau: “Khi tôi nhìn-xem các từng trời là công-việc của ngón tay Chúa, mặt trăng và các ngôi sao mà Chúa đã đặt, loài người là gì?” (Thi-thiên 8:3, 4) Thi sĩ ấy tin rằng có một Đấng Tạo Hóa. Niềm tin đó có hợp lý không trong thời đại khoa học tân tiến này?
[Chú thích]
^ đ. 7 Xem sách Thi-thiên trong Kinh Thánh, đặc biệt bài 8.
[Khung/Hình nơi trang 3]
“Nhìn từ xa, Trái Đất ánh lên như một hòn ngọc xanh giữa vũ trụ tối thăm thẳm”, The Illustrated Science Encyclopedia—Amazing Planet Earth (Bách khoa từ điển khoa học có hình minh họa—Hành tinh Trái Đất kỳ diệu).
[Nguồn tư liệu]
Địa cầu: U.S. Fish & Wildlife Service, Washington, D.C./NASA