Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tại sao nên tránh xu hướng cực đoan?

Tại sao nên tránh xu hướng cực đoan?

Tại sao nên tránh xu hướng cực đoan?

ĐỨC GIÊ-HÔ-VA là gương mẫu hoàn hảo về sự thăng bằng. ‘Công-việc của Ngài là trọn-vẹn’, và sự phán xét của Ngài là công bình nhưng không quá khắt khe vì trong đó luôn có lòng thương xót. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:4) Đức Chúa Trời yêu thương nhưng không quá dễ dãi vì Ngài luôn hành động phù hợp với luật pháp trọn vẹn của Ngài. (Thi-thiên 89:14; 103:13, 14) Tổ phụ chúng ta cũng được Ngài tạo ra hoàn hảo về mọi mặt. Họ không có xu hướng cực đoan. Tuy nhiên, vì “phạm tội”, họ đã trở nên bất toàn và mất đi sự thăng bằng.—Rô-ma 3:23.

Để minh họa: Bạn có bao giờ lái một chiếc xe hơi hoặc xe đạp mà bánh xe có chỗ bị phình to không? Chắc hẳn khiếm khuyết đó khiến cho chuyến đi trở nên khó khăn và nguy hiểm. Bánh xe cần phải được sửa chữa trước khi nó bị xẹp hoặc hỏng nặng. Tương tự thế, vì bản chất bất toàn nên chúng ta có nhiều khiếm khuyết. Nếu cứ để những “chỗ phình” đó to ra, hành trình cuộc sống của chúng ta sẽ rất bấp bênh, thậm chí nguy hiểm.

Đôi khi ưu điểm cũng có thể khiến chúng ta rơi vào thái cực. Chẳng hạn, Luật Pháp Môi-se quy định người Y-sơ-ra-ên phải may tua áo. Vì muốn nổi bật, người Pha-ri-si vào thời Chúa Giê-su đã ‘xủ cái tua áo họ cho dài’ quá mức bình thường. Họ làm thế để trông có vẻ thánh thiện hơn người khác.—Ma-thi-ơ 23:5; Dân-số Ký 15:38-40.

Vài người ngày nay cũng cố gây sự chú ý bằng mọi cách, ngay cả làm những việc kỳ quặc. Thật ra, đó có thể là tiếng kêu tuyệt vọng: “Hãy nhìn tôi đi! Tôi có mặt trên cõi đời mà!” Nhưng cách ăn mặc, thái độ và hành vi thái quá không đem lại sự thỏa nguyện thật sự cho tín đồ Đấng Christ.

Thái độ thăng bằng trong công việc

Dù chúng ta là ai hoặc sống ở nơi nào, có một công việc tốt giúp đời sống chúng ta trở nên ý nghĩa. Chúng ta thỏa nguyện khi làm việc vì đã được tạo ra như thế. (Sáng-thế Ký 2:15) Hơn nữa, Kinh Thánh lên án sự lười biếng. Sứ đồ Phao-lô thẳng thắn nói: “Nếu ai không khứng làm việc, thì cũng không nên ăn nữa”. (2 Tê-sa-lô-ni-ca 3:10) Thật vậy, thái độ lười biếng không những khiến chúng ta nghèo khổ và buồn chán, mà còn mất ân huệ của Đức Chúa Trời.

Nhiều người rơi vào thái cực ngược lại, trở nên tham công tiếc việc, tự nguyện làm nô lệ cho công việc của họ. Những người này thường đi làm từ sáng sớm đến tận tối mịt mới về, và lý luận rằng họ làm thế là vì lợi ích tốt nhất cho gia đình. Nhưng thật ra, gia đình họ lại trở thành nạn nhân của sự tận tụy thái quá đó. Hãy xem lời tâm sự của một phụ nữ ở nhà nội trợ, có chồng thường làm việc ngoài giờ: “Tôi sẵn sàng đánh đổi mọi thứ trong căn nhà sang trọng này để chồng tôi có thể ở nhà với tôi và các con”. Những người mải mê làm việc nên suy nghĩ nghiêm túc về kinh nghiệm của Vua Sa-lô-môn: “Ta xem-xét các công-việc tay mình đã làm, và sự lao-khổ mình đã chịu để làm nó; kìa, mọi điều đó là sự hư-không và theo luồng gió thổi”.—Truyền-đạo 2:11.

Thật vậy, chúng ta cần tránh cả hai thái cực trong công việc. Chúng ta nên làm việc chăm chỉ, nhưng hãy nhớ rằng trở thành nô lệ cho công việc sẽ cướp đi hạnh phúc của chúng ta, và có lẽ cả nhiều điều khác nữa.—Truyền-đạo 4:5, 6.

Tránh xu hướng cực đoan về việc giải trí

Kinh Thánh báo trước về thời kỳ chúng ta: “Người ta. . . ưa-thích sự vui chơi hơn là yêu-mến Đức Chúa Trời”. (2 Ti-mô-thê 3:2, 4) Thú vui đã trở thành một trong những thủ đoạn hiệu quả nhất của Sa-tan, nhằm lôi kéo người ta xa cách Đức Chúa Trời. Nhiều người ngày càng ham vui chơi, đặc biệt các môn thể thao mạo hiểm hoặc cảm giác mạnh. Những trò giải trí này càng lúc càng nhiều, và số người chơi cũng gia tăng. Tại sao? Cảm thấy đời sống vô vị, nhiều người muốn tìm những cảm giác mạnh. Nhưng để luôn có được cảm giác như thế, trò chơi phải mỗi lúc một nguy hiểm hơn. Các tín đồ Đấng Christ thận trọng sẽ tránh những trò thể thao mạo hiểm vì họ tôn trọng sự sống và Đấng ban món quà ấy.—Thi-thiên 36:9.

Khi tạo ra cặp vợ chồng đầu tiên, Đức Chúa Trời đã cho họ ở đâu? Ở vườn Ê-đen, trong ngôn ngữ gốc từ này có nghĩa là “Lạc thú”. (Sáng-thế Ký 2:8) Rõ ràng, ý định của Đức Giê-hô-va là con người được sống vui sướng và hạnh phúc.

Chúa Giê-su để lại cho chúng ta gương mẫu hoàn hảo về sự thăng bằng trong việc giải trí. Ngài tận tụy thực thi ý muốn Đức Giê-hô-va, và không bao giờ ngừng sống theo luật pháp và nguyên tắc của Đức Chúa Trời. Ngay cả khi mệt mỏi, Chúa Giê-su vẫn dành thời gian cho những người cần ngài. (Ma-thi-ơ 14:13, 14) Mặt khác, ngài cũng nhận lời mời dùng bữa và dành thời gian để nghỉ ngơi, giải trí. Hiển nhiên, Chúa Giê-su biết một số kẻ thù sẽ chỉ trích khi ngài làm thế. Họ nói rằng: “Ấy đó là người ham ăn mê uống”. (Lu-ca 7:34; 10:38; 11:37) Nhưng Chúa Giê-su không nghĩ rằng người tận tụy đích thực không được vui hưởng đời sống.

Rõ ràng, chúng ta nên khôn ngoan tránh xu hướng cực đoan về việc giải trí. Để việc vui chơi giải trí trở thành điều chính yếu trong đời sống sẽ không bao giờ mang lại hạnh phúc thật sự. Nó có thể khiến chúng ta lờ đi những điều quan trọng hơn, kể cả mối quan hệ với Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên sống khắc khổ hoặc chỉ trích người khác khi họ vui hưởng đời sống một cách thăng bằng.—Truyền-đạo 2:24; 3:1-4.

Đời sống thăng bằng mang lại hạnh phúc thật

Môn đồ Gia-cơ viết: “Chúng ta thảy đều vấp-phạm nhiều cách lắm”. (Gia-cơ 3:2) Dù luôn cố gắng nhưng có những lúc chúng ta không tránh được xu hướng cực đoan. Vậy, làm sao để giữ thăng bằng? Chúng ta cần có cái nhìn khách quan về bản thân, nhận ra ưu điểm và khuyết điểm của chính mình. Điều đó không dễ. Một người có thể rơi vào một thái cực nào đó mà không nhận ra. Vì thế, hãy khôn ngoan gần gũi với các tín đồ Đấng Christ thành thục và lắng nghe lời khuyên thăng bằng của họ. (Ga-la-ti 6:1) Chúng ta có thể tìm lời khuyên từ một người bạn đáng tin cậy hoặc một trưởng lão có kinh nghiệm trong hội thánh. Kinh Thánh và những lời khuyên dựa trên Kinh Thánh sẽ là chiếc “gương” để chúng ta soi vào, hầu biết mình có thăng bằng hay không trước mặt Đức Giê-hô-va.—Gia-cơ 1:22-25.

Thật tốt thay, xu hướng cực đoan là điều có thể tránh được! Với nỗ lực của bản thân và sự hỗ trợ của Đức Giê-hô-va, chúng ta có thể trở thành những người thăng bằng và nhờ vậy, tìm được hạnh phúc. Hơn nữa, chúng ta sẽ có mối quan hệ tốt hơn với anh em đồng đạo và là gương mẫu tốt cho những người chúng ta rao giảng. Trên hết, chúng ta sẽ trở nên giống Đức Giê-hô-va hơn, Đấng thăng bằng và đầy yêu thương.—Ê-phê-sô 5:1.

[Nguồn tư liệu nơi trang 28]

©Greg Epperson/age fotostock