Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Thái Dương Hệ độc đáo bắt nguồn từ đâu?

Thái Dương Hệ độc đáo bắt nguồn từ đâu?

Thái Dương Hệ độc đáo bắt nguồn từ đâu?

THÁI DƯƠNG HỆ của chúng ta độc đáo trong vũ trụ là nhờ nhiều yếu tố phối hợp. Hệ mặt trời này nằm giữa hai vòng xoắn ốc của dải Ngân Hà, ở nơi có tương đối ít ngôi sao. Chính vì thế mà hầu hết các ngôi sao chúng ta nhìn thấy vào ban đêm đều ở cách xa Trái Đất đến độ dù có nhìn qua viễn vọng kính lớn nhất, chúng cũng chỉ là những đốm sáng mà thôi. Đó có phải là vị trí tốt nhất không?

Nếu Thái Dương Hệ nằm gần tâm của dải Ngân Hà, chúng ta sẽ gặp nguy hiểm vì ở trong vùng có mật độ sao dày đặc. Thí dụ, điều đó có thể khiến quỹ đạo Trái Đất mất ổn định, gây ảnh hưởng lớn đến sự sống con người. Trong thực tế, Thái Dương Hệ nằm ở vị trí tốt nhất trong dải Ngân Hà để tránh nguy hiểm này cùng những vấn đề khác, như nhiệt độ quá cao khi đi qua những đám mây khí, hay tác hại do ở gần các vì sao nổ và các nguồn phóng xạ độc hại khác.

Mặt Trời cũng có những đặc tính lý tưởng đáp ứng nhu cầu của chúng ta. Ngôi sao này đốt cháy đều đều và liên tục, có tuổi thọ cao, kích thước không quá lớn và nhiệt độ không quá nóng. Phần lớn các ngôi sao trong thiên hà chúng ta đều nhỏ hơn nhiều so với Mặt Trời, và không phát ra đúng loại ánh sáng hay nhiệt lượng cần thiết để duy trì sự sống cho một hành tinh như Trái Đất. Ngoài ra, đa số các vì sao đều bị tác động bởi lực hút của một hoặc nhiều vì sao khác, và quay quanh nhau. Nhưng Mặt Trời thì đứng một mình. Thái Dương Hệ khó có thể ổn định nếu chịu sức hút của hai hoặc nhiều mặt trời.

Một yếu tố khác khiến Thái Dương Hệ trở nên độc đáo là vị trí của các hành tinh khổng lồ xa Mặt Trời. Các hành tinh này có quỹ đạo gần như hình tròn, và trọng lực của chúng không gây ảnh hưởng đến các hành tinh có vỏ cứng ở gần Mặt Trời. * Không những thế, chúng còn có vai trò bảo vệ vì hút hoặc làm đổi hướng các vật thể nguy hiểm. Trong cuốn sách nhan đề Rare Earth—Why Complex Life Is Uncommon in the Universe (Trái Đất độc đáoTại sao sự sống phức tạp hiếm thấy trong vũ trụ), hai nhà khoa học Peter D. Ward và Donald Brownlee cho biết: “Cũng có những thiên thạch và sao chổi rơi vào Trái Đất, nhưng điều này không thường xảy ra nhờ có các hành tinh khí khổng lồ như Mộc Tinh ở ngoài chúng ta”. Người ta đã tìm thấy những hệ mặt trời khác có các hành tinh khổng lồ. Nhưng đa số những hành tinh khổng lồ đó có quỹ đạo sẽ gây nguy hiểm cho một hành tinh nhỏ hơn như Trái Đất.

Vai trò của Mặt Trăng

Từ xa xưa, con người đã trầm trồ ngưỡng mộ trước vẻ đẹp của mặt trăng. Thiên thể này là nguồn cảm hứng cho biết bao thi sĩ và nhạc sĩ. Chẳng hạn, một thi sĩ Do Thái xưa đã mô tả mặt trăng: “Được lập vững-bền mãi mãi. . . , như đấng chứng thành-tín tại trên trời vậy”.—Thi-thiên 89:37.

Một ảnh hưởng quan trọng của Mặt Trăng đối với Trái Đất là sức hút của nó tạo nên hiện tượng thủy triều. Người ta tin hiện tượng này có tác động lớn đến dòng chảy đại dương, vốn là yếu tố ảnh hưởng đến khí hậu.

Sức hút của Mặt Trăng còn có một vai trò lớn khác là làm ổn định độ nghiêng của trục Trái Đất so với bề mặt quỹ đạo của nó xung quanh Mặt Trời. Theo tạp chí Nature (Tự nhiên), nếu không có Mặt Trăng, với thời gian độ nghiêng của trục Trái Đất có thể dao động từ “gần 0 [độ] cho đến 85 [độ]”. Hãy tưởng tượng trục Trái Đất không có độ nghiêng! Chúng ta sẽ không có những khoảng thời gian giao mùa thú vị và cũng không có đủ lượng mưa. Độ nghiêng của Trái Đất cũng giúp cho nhiệt độ không quá nóng hoặc quá lạnh, nhờ thế chúng ta có thể sống được. Nhà thiên văn học Jacques Laskar kết luận: “Chúng ta có khí hậu ổn định là nhờ một điều kiện đặc biệt: sự hiện hữu của Mặt Trăng”. Sở dĩ Mặt Trăng thực hiện được vai trò này là nhờ nó có kích thước đủ lớn—tương đối lớn so với mặt trăng của các hành tinh khổng lồ.

Như người viết sách Sáng-thế Ký của Kinh Thánh đã nói, vệ tinh tự nhiên này của Trái Đất còn có một chức năng khác nữa là soi sáng ban đêm.—Sáng-thế Ký 1:16.

Do ngẫu nhiên hay có chủ đích?

Làm thế nào giải thích sự trùng hợp của vô số yếu tố giúp sự sống không chỉ có thể hiện hữu trên đất mà còn đem lại nhiều niềm vui? Chỉ có thể có hai khả năng: một là do ngẫu nhiên, hai là do một sự sắp đặt thông minh có chủ đích.

Hàng ngàn năm trước, Kinh Thánh nói vũ trụ đã được Đấng Tạo Hóa—Đức Chúa Trời Toàn Năng—thiết kế và tạo dựng nên. Nếu đó là sự thật, thì những điều kiện thuận lợi cho sự sống trong Thái Dương Hệ không phải do ngẫu nhiên, mà là do sự sắp đặt có chủ đích. Đấng Tạo Hóa đã cho ghi lại những bước Ngài đã thực hiện để tạo nên sự sống trên đất. Có lẽ bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng dù đã được viết cách đây khoảng 3.500 năm, nhưng lời tường thuật của Kinh Thánh về lịch sử vũ trụ trùng khớp về cơ bản với những gì các nhà khoa học tin là đã diễn ra. Lời tường thuật đó nằm trong sách Sáng-thế Ký của Kinh Thánh. Hãy xem sách này nói những gì.

Lời tường thuật về sự sáng tạo của sách Sáng-thế Ký

“Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất”. (Sáng-thế Ký 1:1) Lời mở đầu này của Kinh Thánh ám chỉ sự hình thành của Thái Dương Hệ, trong đó có Trái Đất, cũng như của vô số vì sao trong hàng tỉ thiên hà hợp thành vũ trụ. Theo Kinh Thánh, trước đây bề mặt của địa cầu là “vô-hình và trống-không”, không có lục địa mà cũng không có đất đai màu mỡ. Nhưng những lời tiếp theo nêu một yếu tố mà các nhà khoa học tin là thiết yếu nhất để có và duy trì sự sống—nhiều nước. Kinh Thánh nói thánh linh Đức Chúa Trời “vận-hành trên mặt nước”.—Sáng-thế Ký 1:2.

Để giữ nước trên bề mặt một hành tinh luôn ở thể lỏng, thì hành tinh ấy phải cách xa mặt trời của nó một khoảng vừa đủ. Andrew Ingersoll, một nhà khoa học chuyên nghiên cứu các hành tinh, cho biết: “Hỏa Tinh quá lạnh, Kim Tinh thì quá nóng, chỉ có Trái Đất là nằm ở đúng vị trí thích hợp”. Cũng thế, để các loài cây cỏ sinh sôi phát triển, cần có đủ ánh sáng. Và điều đáng chú ý là theo lời tường thuật của Kinh Thánh, trong giai đoạn sáng tạo đầu tiên sau khi hình thành địa cầu, Đức Chúa Trời đã làm cho ánh sáng mặt trời chiếu xuyên qua những đám mây hơi nước mờ tối bao bọc đại dương bên dưới, như một chiếc “khăn-vấn” quanh em bé.—Gióp 38:4, 9; Sáng-thế Ký 1:3-5.

Những câu tiếp theo trong sách Sáng-thế Ký cho biết Đấng Tạo Hóa tạo nên cái mà Kinh Thánh gọi là “khoảng-không”. (Sáng-thế Ký 1:6-8) Khoảng không này chứa một hỗn hợp khí, tạo thành bầu khí quyển của Trái Đất.

Sau đó, Kinh Thánh giải thích Đức Chúa Trời biến bề mặt chưa có hình dạng của hành tinh chúng ta thành đất liền. (Sáng-thế Ký 1:9, 10) Dường như Ngài đã làm vỏ địa cầu rung chuyển, tạo nên những trũng sâu, đồng thời đẩy thềm lục địa trồi lên khỏi mặt nước.—Thi-thiên 104:6-8.

Vào một lúc nào đó, Đức Chúa Trời đã tạo ra các loài tảo nhỏ li ti trong lòng đại dương. Nhờ năng lượng mặt trời, các sinh vật đơn bào có khả năng tự sinh sản này hút khí cacbonic làm thức ăn, và thải khí oxy vào bầu khí quyển. Đến giai đoạn sáng tạo thứ ba, quá trình sản xuất oxy được đẩy nhanh hơn khi các loài cây cỏ xuất hiện và dần dần phủ khắp mặt đất. Hàm lượng oxy trong khí quyển nhờ thế tăng lên, đủ để duy trì sự sống của con người và các loài thú xuất hiện sau đó.—Sáng-thế Ký 1:11, 12.

Để đất đai trù phú, Đấng Tạo Hóa đã tạo ra nhiều loại vi sinh vật sống trong đất. Những sinh vật bé nhỏ này có chức năng tổng hợp các chất vô cơ thành những chất cần thiết cho cây phát triển. Một số loại vi khuẩn đặc biệt còn có khả năng hấp thu khí ni-tơ và biến đổi chất thiết yếu này thành dạng mà cây cối có thể hấp thu để phát triển. Thật đáng kinh ngạc, một nắm đất màu mỡ có thể chứa tới sáu tỉ vi sinh vật!

Theo Sáng-thế Ký 1:14-19, Mặt Trời, Mặt Trăng và các ngôi sao xuất hiện vào giai đoạn sáng tạo thứ tư. Thoạt tiên, điều này có vẻ mâu thuẫn với phần giải thích trên. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng Môi-se, người viết Sáng-thế Ký, đã ghi lại quá trình sáng tạo từ góc độ của người quan sát trên mặt đất. Giả sử có người quan sát quá trình sáng tạo từ mặt đất, có thể đến giai đoạn đó họ mới nhìn thấy Mặt Trời, Mặt Trăng và các ngôi sao qua bầu khí quyển của Trái Đất.

Sách Sáng-thế Ký xếp sự xuất hiện của các động vật sống dưới nước vào giai đoạn sáng tạo thứ năm, còn động vật sống trên mặt đất và con người thì xuất hiện vào giai đoạn thứ sáu.—Sáng-thế Ký 1:20-31.

Vui hưởng cuộc sống trên đất

Bạn có cảm thấy việc sự sống xuất hiện trên đất, như được tường thuật trong sách Sáng-thế Ký, là nhằm đem lại niềm vui cho con người không? Có bao giờ bạn thức giấc vào một ngày đẹp trời, nắng ấm, hít thở không khí trong lành và vui sướng đón chào một ngày mới? Rồi bạn bước ra vườn, thưởng thức vẻ đẹp và hương thơm của các loài hoa; hay dạo bước trong vườn cây ăn trái và hái những quả chín, thơm ngon trên cành. Những khoảnh khắc sung sướng đó hẳn sẽ không bao giờ tìm được nếu không có những yếu tố sau: (1) nguồn nước dồi dào trên đất, (2) nhiệt lượng và ánh sáng vừa đủ từ mặt trời, (3) bầu khí quyển với hỗn hợp khí thích hợp cho sự sống, và (4) đất đai màu mỡ.

Tất cả những yếu tố trên—không có trên Hỏa Tinh, Kim Tinh và các hành tinh kề cận Trái Đất—không xuất hiện do ngẫu nhiên. Chúng được sắp đặt cách hài hòa để làm cho đời sống trên đất trở nên thú vị. Như bài tiếp theo sẽ trình bày, Kinh Thánh cho biết Đấng Tạo Hóa đã thiết kế hành tinh xinh đẹp của chúng ta để tồn tại mãi mãi.

[Chú thích]

^ đ. 5 Trong Thái Dương Hệ, bốn hành tinh ở gần Mặt Trời—Thủy Tinh, Kim Tinh, Trái Đất và Hỏa Tinh—có lớp vỏ cứng. Còn bốn hành tinh khổng lồ ở xa Mặt Trời—Mộc Tinh, Thổ Tinh, Thiên Vương Tinh và Hải Vương Tinh—chủ yếu cấu tạo bằng khí.

[Khung nơi trang 6]

“Là một nhà địa chất học, nếu tôi phải giải thích vắn tắt những khái niệm hiện đại về nguồn gốc trái đất và quá trình hình thành sự sống trên đất cho các bộ lạc du mục đơn sơ, như những độc giả đầu tiên của sách Sáng-thế Ký, thì không có cách nào tốt hơn là theo sát phần lớn lời mô tả trong chương đầu của sách này”.—Nhà địa chất học Wallace Pratt.

[Khung nơi trang 7]

“ĐÀI THIÊN VĂN” LÝ TƯỞNG

Nếu Mặt Trời nằm ở vị trí khác trong dải Ngân Hà, chúng ta sẽ không có điều kiện lý tưởng như hiện nay để quan sát các vì sao. Sách The Privileged Planet giải thích: “Thái Dương Hệ nằm. . . cách xa những vùng có nhiều bụi vũ trụ và bị nhiễu ánh sáng, do đó, chúng ta có thể quan sát rõ không chỉ những ngôi sao ở gần mà cả những vùng xa xôi trong vũ trụ”.

Hơn nữa, kích thước của Mặt Trăng và khoảng cách giữa Mặt Trăng và Trái Đất vừa đủ để Mặt Trăng che khuất Mặt Trời khi xảy ra nhật thực. Hiện tượng kỳ diệu hiếm thấy này tạo điều kiện cho các nhà thiên văn học nghiên cứu Mặt Trời. Các cuộc nghiên cứu ấy giúp họ khám phá những bí mật về hiện tượng phát sáng của các vì sao.

[Hình nơi trang 5]

Mặt Trăng có trọng lượng đủ lớn để ổn định độ nghiêng của trục Trái Đất

[Các hình nơi trang 7]

Sự sống hiện hữu trên đất nhờ những yếu tố nào? Nhờ nguồn nước dồi dào, nhiệt lượng và ánh sáng vừa đủ, bầu khí quyển và đất đai màu mỡ

[Nguồn tư liệu]

Địa cầu: Dựa trên hình NASA; lúa mì: Pictorial Archive (Near Eastern History) Est.