Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Chọn tôn giáo có quan trọng không?

Chọn tôn giáo có quan trọng không?

Chọn tôn giáo có quan trọng không?

KHI đi mua sắm, phần đông chúng ta đều muốn có nhiều sản phẩm để lựa chọn. Nếu chợ bày bán nhiều loại trái cây và rau củ, chúng ta có thể chọn loại mình thích nhất và tốt cho gia đình. Nếu một cửa hàng quần áo trưng bày nhiều mặt hàng, với đủ thứ kiểu và màu sắc khác nhau, chúng ta có thể chọn bộ thích hợp nhất cho mình. Nhiều lựa chọn trong đời sống chúng ta thuần túy là theo sở thích. Tuy nhiên, cũng có những lựa chọn ảnh hưởng lâu dài đến đời sống một người, thí dụ như việc chọn thức ăn bổ dưỡng hay những người bạn khôn ngoan. Còn việc chọn tôn giáo thì sao? Tôn giáo phải chăng chỉ là vấn đề thị hiếu? Hay đó là vấn đề ảnh hưởng lớn đến hạnh phúc chúng ta?

Trên thế giới có rất nhiều tôn giáo để lựa chọn. Ngày nay, nhiều nước bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, và người ta ngày càng ít cảm thấy bị bắt buộc phải theo đạo ông bà truyền lại. Một cuộc thăm dò ở Hoa Kỳ cho thấy 80 phần trăm người Mỹ “tin rằng có nhiều đường dẫn đến sự cứu rỗi”. Cuộc thăm dò trên cũng cho biết “cứ trong năm người trả lời phỏng vấn thì có một người nói rằng họ đã đổi đạo lúc trưởng thành”. Theo một cuộc khảo sát khác ở Brazil, gần một phần tư dân số Brazil đã từng đổi đạo.

Trước đây, những giáo lý khác nhau giữa các đạo thường gây tranh cãi gay gắt. Còn ngày nay, đa số người ta đều quan niệm: ‘Đạo nào cũng được’. Quan niệm đó có đúng không? Việc lựa chọn tôn giáo có ảnh hưởng đến đời sống của bạn không?

Một người mua hàng cẩn thận thường hỏi thăm về nguồn gốc sản phẩm. Cũng thế, bạn nên khôn ngoan đặt ra câu hỏi: ‘Tất cả các tôn giáo này hình thành thế nào, và do đâu?’ Kinh Thánh cung cấp lời giải đáp.

Các tôn giáo hình thành thế nào?

Khoảng một ngàn năm trước khi Chúa Giê-su giáng sinh, Vua Giê-rô-bô-am của nước Y-sơ-ra-ên phương bắc đã khởi xướng một tôn giáo mới. Ông là vị vua đầu tiên của nước tự trị này sau khi vương quốc Y-sơ-ra-ên bị chia hai. Một trong những thách thức mà ông phải đối phó là làm sao thu phục lòng dân. “Vua bàn-định, rồi truyền làm hai con bò con bằng vàng, và nói với dân-sự rằng: Các ngươi đi lên Giê-ru-sa-lem thật khó thay! Hỡi Y-sơ-ra-ên! Nầy là các thần người”. (1 Các Vua 12:28) Rõ ràng, vị vua này muốn dùng tôn giáo để xoay chuyển lòng trung thành của dân chúng khỏi thành Giê-ru-sa-lem ở phía nam, nơi họ thường thờ phượng Đức Chúa Trời trước đây. Tôn giáo mà Giê-rô-bô-am khởi xướng tồn tại trong vài thế kỷ và cuối cùng dẫn đến sự diệt vong của hàng triệu người, khi Đức Chúa Trời thực thi sự phán xét trên vương quốc bội đạo này. Tôn giáo đó chỉ là một con bài chính trị của Giê-rô-bô-am. Một số quốc giáo khác vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay cũng hình thành theo cách tương tự, nhằm mục đích củng cố quyền lực chính trị.

Sứ đồ Phao-lô cho biết có một động lực khác thúc đẩy người ta khởi xướng tôn giáo mới. Ông nói: “Tôi biết rằng sau khi tôi đi, sẽ có muông-sói dữ-tợn xen vào trong vòng anh em, chẳng tiếc bầy đâu; lại giữa anh em cũng sẽ có những người nói lời hung-ác dấy lên, ráng sức dỗ môn-đồ theo họ”. (Công-vụ 20:29, 30) Những nhà lãnh đạo tôn giáo có tinh thần kiêu ngạo thường lập ra phái mới để tạo danh tiếng. Chính vì thế mà khối đạo tự xưng theo Đấng Christ (Ky-tô) đã phân chia thành vô số nhánh.

Các tôn giáo muốn làm hài lòng ai?

Một số người lập ra tôn giáo mới để đáp ứng thị hiếu của số đông. Thí dụ, tạp chí Economist đã viết về hiện tượng xuất hiện các nhà thờ siêu lớn ở Hoa Kỳ. Bài báo nhận xét rằng các nhà thờ này ngày càng phát triển vì họ hoạt động “theo cùng nguyên tắc như các doanh nghiệp thành đạt: khách hàng là Thượng Đế”. Một số nhà thờ “làm cho các buổi lễ thêm sôi động bằng cách dùng phim, kịch và nhạc hiện đại”. Đôi khi những người đứng đầu còn hô hào rằng họ có thể dạy giáo dân cách để có đời sống “thịnh vượng, khỏe mạnh và vô tư”. Mặc dù những nhà thờ này bị chỉ trích vì làm kinh doanh trong lãnh vực giải trí hay tư vấn, bài báo cũng nhận xét rằng “họ chỉ đơn giản đáp ứng thị hiếu”. Tờ báo kết luận: “Liên doanh giữa tôn giáo và thương mại đã thành công mỹ mãn”.

Một số tôn giáo khác có thể không mang màu sắc thương mại trắng trợn như thế. Tuy nhiên, kiểu tôn giáo “đáp ứng thị hiếu” này khiến chúng ta không khỏi nghĩ đến lời cảnh báo của sứ đồ Phao-lô. Ông viết: “Sẽ có một thời kia, người ta không chịu nghe đạo lành; nhưng vì họ ham nghe những lời êm tai, theo tư-dục mà nhóm-họp các giáo-sư xung-quanh mình, bịt tai không nghe lẽ thật, mà xây hướng về chuyện huyễn”.—2 Ti-mô-thê 4:3, 4.

Rõ ràng, nhiều tôn giáo hình thành không phải để làm hài lòng Đức Chúa Trời, mà là để thỏa mãn tham vọng chính trị, tạo danh tiếng và đáp ứng thị hiếu của số đông. Do đó, không lạ gì khi giới tôn giáo thường dính vào các vụ bê bối như lạm dụng tình dục trẻ em, gian lận, chiến tranh hay khủng bố. Tôn giáo thường là công cụ lừa đảo. Làm sao để bạn khỏi bị lừa?

[Câu nổi bật nơi trang 4]

Nhiều tôn giáo hình thành không phải để làm hài lòng Đức Chúa Trời, mà là để thỏa mãn tham vọng chính trị, tạo danh tiếng và đáp ứng thị hiếu của số đông