Chờ đợi một nước ‘chẳng thuộc về thế-gian’
Tự Truyện
Chờ đợi một nước ‘chẳng thuộc về thế-gian’
Do Nikolai Gutsulyak kể lại
Suốt 41 ngày đêm, tôi bị kẹt giữa một cuộc nổi dậy của các tù nhân. Thình lình, tiếng súng đại bác khiến tôi bừng tỉnh. Xe tăng và quân đội tràn vào trại giam, tấn công các tù nhân. Mạng sống của tôi như ngàn cân treo sợi tóc.
LÀM SAO tôi lại ở trong tình thế này? Tôi xin kể lại. Sự kiện trên xảy ra vào năm 1954. Khi ấy, tôi được 30 tuổi. Như nhiều Nhân Chứng Giê-hô-va khác dưới chế độ Xô Viết, tôi bị tống giam vì giữ lập trường trung lập trong vấn đề chính trị, và vì công việc rao giảng về Nước Trời. Nhóm Nhân Chứng bị bắt giam của chúng tôi gồm 46 nam và 34 nữ. Chúng tôi bị nhốt trong một trại lao động gần làng Kengir, miền trung Kazakhstan. Ở đó, ngoài chúng tôi còn có hàng ngàn tù nhân khác.
Lãnh tụ của Liên Bang Xô Viết là Joseph Stalin vừa qua đời năm trước. Nhiều tù nhân hy vọng chế độ mới ở Moscow sẽ lắng nghe lời than phiền của họ về điều kiện khắc nghiệt trong tù. Sự bất bình của các tù nhân ngày càng sôi sục, dẫn đến cuộc nổi dậy công khai trong tù. Trong suốt cuộc nổi dậy đó, nhóm Nhân Chứng chúng tôi phải giải thích rõ lập trường của mình cả với những người nổi loạn và những lính canh. Phải có đức tin nơi Đức Chúa
Trời mới giữ vững được lập trường trung lập vào lúc ấy.Tù nhân nổi dậy
Vào ngày 16 tháng 5, cuộc nổi dậy của các tù nhân nổ ra. Hai ngày sau, hơn 3.200 tù nhân đình công, đòi phải có điều kiện tốt hơn trong trại và một số quyền lợi cho các tù nhân chính trị. Tình hình chuyển biến nhanh chóng. Đầu tiên, những người nổi loạn đẩy các lính gác ra ngoài trại. Rồi họ phá dỡ nhiều phần hàng rào bao quanh trại. Sau đó, họ đập nát bức tường phân chia hai khu tù nhân nam và nữ, tạo ra khu trại chung cho cả hai phái. Trong những ngày náo nhiệt sau đó, một vài tù nhân thậm chí còn tổ chức đám cưới, do các linh mục bị bắt giam làm lễ. Cuộc nổi dậy diễn ra trong ba khu trại, và phần đông trong số 14.000 tù nhân ở đó đều tham gia.
Những người nổi dậy lập nên một ủy ban để thương lượng với quân đội. Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau lại diễn ra tranh cãi giữa các thành viên trong ủy ban, cuối cùng quyền kiểm soát rơi vào tay phe cực đoan. Tình hình trong trại trở nên căng thẳng hơn. Những người đứng đầu cuộc nổi dậy thành lập các ban bảo vệ, ban quân sự và ban tuyên truyền để giữ gìn “trật tự”. Họ dùng những loa phóng thanh treo trên các cột trụ quanh trại để phát những tin kích động, nhằm giữ cho tinh thần nổi dậy luôn sôi sục. Những người nổi dậy cấm tù nhân chạy trốn, trừng phạt những ai chống lại họ và tuyên bố rằng họ sẵn sàng giết bất cứ ai họ ghét. Có nhiều lời đồn là một vài tù nhân đã bị xử tử.
Họ cũng chuẩn bị kỹ lưỡng vì dự đoán quân đội sẽ tấn công. Tất cả tù nhân được lệnh trang bị vũ khí nhằm bảo đảm số người bảo vệ trại ở mức tối đa. Để có vũ khí, họ tháo những song sắt cửa sổ, chế biến thành dao và những vũ khí khác. Họ còn thu gom súng và thuốc nổ.
Sức ép từ phe nổi dậy
Một hôm, hai người nổi dậy tiến đến chỗ tôi. Một người chìa ra một con dao vừa được mài sáng loáng. Ông ấy ra lệnh: “Cầm lấy để tự vệ”. Tôi thầm cầu xin Đức Giê-hô-va giúp tôi giữ bình tĩnh, rồi trả lời: “Tôi là tín đồ Đấng Christ, một Nhân Chứng Giê-hô-va. Các Nhân Chứng khác và tôi bị giam ở đây vì chúng tôi chiến đấu, không phải với người ta, mà với các thần vô hình. Vũ khí của chúng tôi là đức tin và hy vọng nơi Nước Đức Chúa Trời”.—Ê-phê-sô 6:12.
Ngạc nhiên thay, ông ấy gật đầu cho thấy ông hiểu. Tuy nhiên, người kia đã đánh tôi rất mạnh. Rồi họ bỏ đi. Những người nổi dậy đi từ phòng này đến phòng khác, cố gắng buộc các Nhân Chứng tham gia vào cuộc phản kháng. Nhưng tất cả các anh chị Nhân Chứng đều từ chối.
Vị thế trung lập của Nhân Chứng Giê-hô-va được đem ra bàn thảo tại cuộc họp ủy ban của những người nổi dậy. Họ nhận xét: “Thành viên của tất cả các tôn giáo—Ngũ tuần, Cơ Đốc Phục Lâm, Báp-tít và những đạo khác—đều tham gia vào cuộc nổi dậy. Chỉ có Nhân Chứng Giê-hô-va là không. Chúng ta làm gì với bọn chúng đây?” Có người đề nghị quăng một Nhân Chứng vào lò nướng của trại để dọa chúng tôi. Nhưng một tù nhân nguyên là sĩ quan quân đội, được mọi người kính trọng, đứng lên và nói: “Giải pháp đó không tốt. Chúng ta nên cho bọn chúng đến phòng giam ở phần rìa của trại, ngay gần cổng. Nếu quân đội tấn công bằng xe tăng, Nhân Chứng sẽ là những người trước tiên bị nghiền nát. Và chúng ta không phải mang tội giết chúng”. Mọi người đều đồng ý với đề nghị này.
Bị đặt trong tình thế hiểm nghèo
Không lâu sau, các tù nhân đi khắp trại và la lớn: “Ai là Nhân Chứng Giê-hô-va, đi ra ngoài!” Họ dồn 80 người chúng tôi đến phòng giam ngay rìa của trại. Họ kéo các giường ra ngoài để có đủ chỗ bên trong và ra lệnh cho chúng tôi vào đó. Căn phòng ấy trở thành nhà tù của chúng tôi trong trại tù.
Để có chút riêng tư, các chị trong nhóm đã may những tấm trải giường lại và chúng tôi ngăn căn phòng ra làm hai—một bên cho các anh và một bên cho các chị. (Về sau, một Nhân Chứng ở Nga đã vẽ lại căn phòng này, hình bên dưới). Khi bị giam trong căn phòng chật chội này, chúng tôi thường cầu nguyện với nhau, tha thiết xin Đức Giê-hô-va ban cho sự khôn ngoan và “quyền-phép lớn” vượt quá mức bình thường.—2 Cô-rinh-tô 4:7.
Suốt thời gian ấy, chúng tôi ở trong một vị trí nguy hiểm, giữa những người nổi dậy và quân đội Xô Viết. Không ai trong chúng tôi biết tiếp theo hai bên sẽ làm gì. Một anh trung thành lớn tuổi đã khuyên: “Anh chị đừng cố gắng đoán. Đức Giê-hô-va sẽ không bỏ rơi chúng ta”.
Những chị yêu quý của chúng tôi, cả lớn tuổi lẫn trẻ tuổi, đều thể hiện tinh thần chịu đựng đáng khâm phục. Trong số đó, có một chị khoảng 80 tuổi đang trong tình trạng sức khỏe yếu. Một số người khác thì bệnh và cần được chăm sóc y tế. Suốt thời gian đó, các cửa phòng luôn mở để những người nổi dậy có thể liên tục giám sát chúng tôi. Ban đêm, các tù nhân trang bị vũ khí đi vào phòng. Thỉnh thoảng, chúng tôi nghe họ nói: “Nước của Đức Chúa Trời ngủ rồi”. Ban ngày, khi được phép đến phòng ăn tập thể, chúng tôi luôn ở cùng với nhau và cầu xin Đức Giê-hô-va bảo vệ chúng tôi khỏi những kẻ bạo động.
Trong phòng giam, chúng tôi cố gắng nâng đỡ lẫn nhau về thiêng liêng. Chẳng hạn, thường thì một anh kể một câu chuyện trong Kinh Thánh, chỉ đủ lớn cho chúng tôi nghe. Rồi anh áp dụng câu chuyện đó cho trường hợp của chúng tôi. Một anh lớn tuổi đặc biệt thích nói về quân đội của Ghê-đê-ôn. Anh nhắc chúng tôi: “Nhân danh Đức Giê-hô-va, 300 người cùng với nhạc cụ trong tay đã chiến đấu với 135.000 quân lính được trang bị vũ khí. Tất cả 300 người đó đều trở về bình an”. (Các Quan Xét 7:16, 22; 8:10) Câu chuyện này và những gương khác trong Kinh Thánh cho chúng tôi thêm sức mạnh. Tôi chỉ mới trở thành Nhân Chứng, nhưng nhìn thấy đức tin mạnh mẽ nơi các anh chị có kinh nghiệm hơn đã khuyến khích tôi rất nhiều. Tôi cảm nhận được Đức Giê-hô-va đang thật sự ở với chúng tôi.
Cuộc chiến bùng nổ
Nhiều tuần trôi qua, áp lực trong trại càng nặng nề hơn. Những cuộc thương lượng giữa phe nổi dậy và chính quyền càng lúc càng căng thẳng. Những người đứng đầu cuộc nổi dậy đòi chính quyền trung ương ở Moscow cử đại diện đến gặp họ. Chính quyền thì yêu cầu họ đầu hàng, giao nộp vũ khí và trở lại làm việc. Hai bên đều từ chối thỏa hiệp. Lúc đó, quân đội đã bao vây trại, sẵn sàng tấn công ngay khi có lệnh. Phe nổi dậy cũng sẵn sàng chiến đấu, họ đã dựng những công sự và dự trữ vũ khí. Trận quyết chiến giữa quân đội và các tù nhân có thể xảy ra vào bất cứ lúc nào.
Vào đêm ngày 26 tháng 6, chúng tôi bừng tỉnh vì một tràn tiếng súng đại bác rầm trời. Xe tăng nghiền nát hàng rào và tiến vào trại. Theo sau là những đợt lính bắn súng liên thanh. Các tù nhân—nam và nữ—xông đến xe tăng đang tiến tới, la lên: “Tấn công!” và quăng đá, bom tự chế cùng bất cứ thứ gì họ vớ được trên tay. Trận chiến diễn ra quyết liệt và Nhân Chứng chúng tôi bị kẹt ở giữa. Đức Giê-hô-va đáp lời kêu cứu của chúng tôi như thế nào?
Bỗng nhiên, quân lính ập vào phòng của chúng tôi. Họ la lớn: “Ra khỏi đây mau,
những người thánh! Nhanh lên, hãy đi ra phía ngoài hàng rào!” Viên sĩ quan ra lệnh cho lính không được bắn chúng tôi mà ở lại để bảo vệ chúng tôi. Trong khi trận đấu đang diễn ra ác liệt, chúng tôi ngồi trên đồng cỏ bên ngoài trại. Suốt bốn giờ, chúng tôi nghe toàn là tiếng bom nổ, tiếng súng, tiếng la hét và kêu rên từ trại. Rồi, tất cả chìm vào yên lặng. Đến tảng sáng, quân lính mang những thi thể ra. Chúng tôi nghe nói có đến hàng trăm người bị thương và thiệt mạng.Cuối ngày hôm ấy, một viên sĩ quan tôi biết đã đến chỗ chúng tôi. Ông tự hào hỏi: “Sao, Nikolai, ai đã cứu các anh? Chúng tôi hay Giê-hô-va?” Chúng tôi thành thật cảm ơn sự giải cứu của ông, và nói thêm: “Chúng tôi tin rằng Đức Chúa Trời toàn năng, Đức Giê-hô-va, đã khiến ông đến giải thoát chúng tôi, giống như thời Kinh Thánh được viết ra, Ngài đã dùng người khác để giải cứu tôi tớ Ngài”.—E-xơ-ra 1:1, 2.
Viên sĩ quan ấy cũng giải thích làm thế nào họ biết chúng tôi là ai và ở đâu. Ông nói rằng trong một cuộc thương lượng, quân đội buộc tội phía nổi dậy đã giết những tù nhân không ủng hộ họ. Những người nổi dậy đã phủ nhận và nói rằng Nhân Chứng Giê-hô-va không tham gia nổi dậy nhưng họ không bị giết; tất cả Nhân Chứng chỉ phải chịu hình phạt là bị nhốt trong một phòng. Các sĩ quan quân đội ghi nhớ điều này.
Đứng vững vì Nước Trời
Trong cuốn sách The Gulag Archipelago của mình, nhà văn Aleksandr Solzhenitsyn nổi tiếng người Nga đã đề cập đến cuộc nổi dậy mà chúng tôi trải qua. Ông viết rằng sở dĩ cuộc nổi dậy diễn ra là vì “dĩ nhiên chúng tôi muốn tự do,. . . nhưng ai có thể cho chúng tôi điều đó?” Là Nhân Chứng Giê-hô-va bị giam trong trại tù ấy, chúng tôi cũng mong muốn tự do, nhưng không chỉ tự do ra khỏi tù mà sự tự do đến từ Nước Trời. Khi ở tù, chúng tôi biết rằng muốn giữ vững lập trường ủng hộ Nước Trời, chúng tôi cần có sức mạnh đến từ Đức Chúa Trời. Và Đức Giê-hô-va đã cung cấp mọi điều chúng tôi cần. Ngài giúp chúng tôi chiến thắng mà không cần dùng đến dao hay lựu đạn.—2 Cô-rinh-tô 10:3.
Chúa Giê-su nói với Phi-lát: “Nước của ta chẳng phải thuộc về thế-gian nầy. Ví bằng nước ta thuộc về thế-gian nầy, thì tôi-tớ của ta sẽ đánh trận”. (Giăng 18:36) Vì thế, là những người theo Đấng Christ, chúng tôi trung lập trong các cuộc đấu tranh chính trị. Chúng tôi vui mừng vì trong suốt cuộc nổi dậy ấy và sau đó, người khác nhìn thấy rõ lòng trung thành của chúng tôi với Nước Đức Chúa Trời. Solzhenitsyn nói về hạnh kiểm của chúng tôi như sau: “Nhân Chứng Giê-hô-va cảm thấy họ có quyền giữ đúng nguyên tắc riêng của mình, và từ chối xây công sự hoặc làm lính gác”.
Hơn 50 năm đã trôi qua kể từ cuộc nổi dậy dạo ấy. Thế nhưng, tôi vẫn thường vui mừng nhìn lại thời kỳ đó vì tôi đã học được nhiều bài học có giá trị lâu dài, chẳng hạn như chờ đợi Đức Giê-hô-va và hoàn toàn tin cậy nơi cánh tay quyền năng của Ngài. Vâng, cũng như những anh chị Nhân Chứng thân thương ở Liên Bang Xô Viết cũ, tôi cảm nhận Đức Giê-hô-va thật sự ban sự tự do, bảo vệ và giải cứu cho những ai chờ đợi một Nước ‘chẳng thuộc về thế-gian’.
[Các hình nơi trang 8, 9]
Trại lao động ở Kazakhstan, nơi chúng tôi bị giam
[Hình nơi trang 10]
Hình vẽ phòng giam Nhân Chứng, phía các chị
[Hình nơi trang 11]
Với các anh em đồng đạo khi chúng tôi được thả