Vui hưởng cuộc sống trong sự kính sợ Đức Giê-hô-va
Vui hưởng cuộc sống trong sự kính sợ Đức Giê-hô-va
“Hỡi các thánh của Đức Giê-hô-va, hãy kính-sợ Ngài; vì kẻ nào kính-sợ Ngài chẳng thiếu-thốn gì hết”.—THI-THIÊN 34:9.
1, 2. (a) Các đạo xưng theo Đấng Christ đưa ra hai quan điểm nào về sự kính sợ Đức Chúa Trời? (b) Chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi nào?
NHỮNG người thuyết giảng của các đạo xưng theo Đấng Christ thường dạy rằng người ta phải sợ Đức Chúa Trời, vì những người có tội sẽ bị Ngài hành phạt đời đời trong hỏa ngục. Giáo lý ấy trái với điều Kinh Thánh dạy về Đức Giê-hô-va, Ngài là Đức Chúa Trời yêu thương và công bình. (Sáng-thế Ký 3:19; Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:4; Rô-ma 6:23; 1 Giăng 4:8) Những nhà truyền giáo khác lại đưa ra một quan điểm hoàn toàn trái ngược. Họ không bao giờ đề cập đến việc kính sợ Đức Chúa Trời. Thay vì thế, họ dạy rằng Đức Chúa Trời khoan dung và chấp nhận hầu hết mọi người, bất kể lối sống của họ. Kinh Thánh cũng không dạy như thế.—Ga-la-ti 5:19-21.
2 Thật ra, Kinh Thánh khuyến khích chúng ta hãy kính sợ Đức Chúa Trời. (Khải-huyền 14:7) Sự dạy dỗ này dẫn đến một số thắc mắc. Tại sao một Đức Chúa Trời nhân từ lại muốn chúng ta sợ Ngài? Đức Chúa Trời đòi hỏi chúng ta kính sợ Ngài như thế nào? Sự kính sợ Đức Chúa Trời mang lại lợi ích nào? Chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi này khi tiếp tục thảo luận bài Thi-thiên 34.
Tại sao phải kính sợ Đức Chúa Trời?
3. (a) Bạn nghĩ thế nào về mệnh lệnh phải kính sợ Đức Chúa Trời? (b) Tại sao những người kính sợ Đức Giê-hô-va lại hạnh phúc?
3 Là Đấng Tạo Hóa và Đấng Cai Trị Tối Thượng của vũ trụ, Đức Giê-hô-va xứng đáng để chúng ta kính sợ. (1 Phi-e-rơ 2:17) Tuy nhiên, đây không phải là nỗi khiếp sợ một vị thần hung ác, mà là lòng tôn kính sâu xa vì địa vị của Đức Giê-hô-va. Điều đó cũng bao hàm việc sợ làm buồn lòng Ngài. Lòng kính sợ Đức Chúa Trời là điều cao quý và mang tính khích lệ, chứ không làm chúng ta buồn rầu hay khiếp sợ. Đức Giê-hô-va là “Đức Chúa Trời hạnh-phước”, Ngài muốn con người vui hưởng sự sống. (1 Ti-mô-thê 1:11) Tuy nhiên để được vậy, chúng ta phải sống phù hợp với những điều Đức Chúa Trời đòi hỏi. Đối với nhiều người, điều đó có nghĩa là họ phải thay đổi lối sống. Tất cả những ai làm thế đều cảm nghiệm được lời của người viết Thi-thiên là Đa-vít: “Khá nếm thử xem Đức Giê-hô-va tốt-lành dường bao! Phước cho người nào nương-náu mình nơi Ngài! Hỡi các thánh của Đức Giê-hô-va, hãy kính-sợ Ngài; vì kẻ nào kính-sợ Ngài chẳng thiếu-thốn gì hết”. (Thi-thiên 34:8, 9) Vì có mối quan hệ tốt với Đức Chúa Trời, tất cả những người kính sợ Ngài không thiếu điều gì có giá trị lâu dài.
4. Cả Đa-vít và Chúa Giê-su đều đoan chắc điều gì?
4 Hãy để ý rằng Đa-vít đã tôn trọng những người theo ông khi gọi họ là “các thánh”, theo cách từ này được dùng vào thời ấy. Họ thuộc về dân tộc thánh của Đức Chúa Trời. Họ cũng liều mạng để theo Đa-vít. Dù những người này phải chạy trốn Vua Sau-lơ, Đa-vít vẫn tin chắc rằng Đức Giê-hô-va luôn cung cấp cho họ những điều cần thiết. Đa-vít viết: “Sư-tử tơ bị thiếu-kém, và đói; nhưng người nào tìm-cầu Đức Giê-hô-va sẽ chẳng thiếu của tốt gì”. (Thi-thiên 34:10) Chúa Giê-su cũng đoan chắc với các môn đồ như vậy.—Ma-thi-ơ 6:33.
5. (a) Nhiều người theo Chúa Giê-su thuộc tầng lớp nào? (b) Chúa Giê-su khuyên thế nào về sự lo sợ?
5 Trong số những người nghe Chúa Giê-su giảng, có nhiều người thuộc tầng lớp thấp kém và thua thiệt trong xã hội Do Thái. Vì vậy, Chúa Giê-su “động lòng thương-xót, vì họ cùng-khốn, và tan-lạc như chiên không có kẻ chăn”. (Ma-thi-ơ 9:36) Những người thấp kém như thế có lòng can đảm để theo Chúa Giê-su không? Muốn thế họ phải vun trồng lòng kính sợ Đức Giê-hô-va, chứ không phải loài người. Chúa Giê-su nói: “Đừng sợ kẻ giết xác rồi sau không làm gì được nữa. Song ta chỉ cho các ngươi biết phải sợ ai: phải sợ Đấng khi đã giết rồi, có quyền bỏ xuống địa-ngục [“Ghê-hen-na”, NW]; phải, ta nói cùng các ngươi, ấy là Đấng các ngươi phải sợ! Người ta há chẳng bán năm con chim sẻ giá hai đồng tiền sao? Nhưng Đức Chúa Trời không quên một con nào hết. Dầu đến tóc trên đầu các ngươi cũng đã đếm cả rồi. Đừng sợ chi, vì các ngươi trọng hơn nhiều chim sẻ”.—Lu-ca 12:4-7.
6. (a) Những lời nào của Chúa Giê-su làm vững mạnh đức tin tín đồ Đấng Christ? (b) Tại sao Chúa Giê-su là gương mẫu xuất sắc nhất trong việc bày tỏ lòng kính sợ Đức Chúa Trời?
6 Khi những người kính sợ Đức Giê-hô-va bị kẻ thù gây áp lực buộc phải ngưng phụng sự Ngài, họ có thể nhớ đến lời khuyên của Chúa Giê-su: “Ai sẽ xưng ta trước mặt thiên-hạ, thì Con người cũng sẽ xưng họ trước mặt thiên-sứ của Đức Chúa Trời. Nhưng ai chối ta trước mặt thiên-hạ, thì họ sẽ bị chối trước mặt thiên-sứ của Đức Chúa Trời”. (Lu-ca 12:8, 9) Những lời này làm vững mạnh đức tin của tín đồ Đấng Christ, đặc biệt ở những xứ sự thờ phượng thật bị cấm đoán. Họ tiếp tục ngợi khen Đức Giê-hô-va, nhưng một cách thận trọng, tại các buổi họp và khi đi rao giảng. (Công-vụ 5:29) Chúa Giê-su nêu gương mẫu xuất sắc nhất trong việc bày tỏ “lòng kính-sợ” Đức Chúa Trời. (Hê-bơ-rơ 5:7, Ghi-đê-ôn) Kinh Thánh nói trước về ngài: “Thần của Đức Giê-hô-va sẽ ngự trên Ngài, tức là thần. . . kính-sợ Đức Giê-hô-va. Ngài lấy sự kính-sợ Đức Giê-hô-va làm vui”. (Ê-sai 11:2, 3) Vì vậy, Chúa Giê-su có đủ tư cách để dạy chúng ta về lợi ích của sự kính sợ Đức Chúa Trời.
7. (a) Tín đồ Đấng Christ hưởng ứng như thế nào lời mời tương tự như lời của Đa-vít? (b) Cha mẹ có thể noi gương tốt của Đa-vít như thế nào?
7 Tất cả những người noi gương Chúa Giê-su và vâng lời ngài đúng là đang hưởng ứng lời mời tương tự như lời của Đa-vít: “Hỡi các con, hãy đến nghe ta; ta sẽ dạy các con sự kính-sợ Đức Giê-hô-va”. (Thi-thiên 34:11) Không lạ gì khi Đa-vít gọi những người theo ông là “các con”, vì họ xem ông là người lãnh đạo. Chính Đa-vít đã giúp họ biết kính sợ Đức Giê-hô-va để họ được hợp nhất và hưởng ân huệ của Ngài. Thật là một gương đáng để các bậc cha mẹ tín đồ đấng Christ noi theo! Đức Giê-hô-va giao cho họ quyền dạy dỗ con cái, “dùng sự sửa-phạt khuyên-bảo của Chúa mà nuôi-nấng chúng nó”. (Ê-phê-sô 6:4) Bằng cách mỗi ngày nói về điều thiêng liêng và đều đặn hướng dẫn con cái học Kinh Thánh, cha mẹ giúp các con có niềm vui trong sự kính sợ Đức Giê-hô-va.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:6, 7.
Làm thế nào kính sợ Đức Chúa Trời?
8, 9. (a) Vì sao chúng ta muốn có lối sống kính sợ Đức Chúa Trời? (b) “Giữ lưỡi mình” có nghĩa gì?
8 Như đã đề cập ở đầu bài, sự kính sợ Đức Giê-hô-va không làm chúng ta mất niềm vui. Đa-vít hỏi: “Ai là người ưa-thích sự sống, và mến ngày lâu dài để hưởng phước-lành?” (Thi-thiên 34:12) Rõ ràng, sự kính sợ Đức Giê-hô-va là bí quyết để có đời sống lâu dài và hưởng phước lành. Tuy nhiên, nói rằng “tôi kính sợ Đức Chúa Trời” là một chuyện, nhưng thể hiện điều này qua lối sống lại là chuyện khác. Vì vậy trong những câu kế tiếp, Đa-vít cho biết cách để tỏ lòng kính sợ Đức Chúa Trời.
9 “Khá giữ lưỡi mình khỏi lời ác, và môi mình khỏi nói sự dối-gạt”. (Thi-thiên 34:13) Sứ đồ Phi-e-rơ được soi dẫn để trích câu này sau khi ông khuyên các tín đồ Đấng Christ hãy có tình yêu anh em. (1 Phi-e-rơ 3:8-12) “Giữ lưỡi mình khỏi lời ác” có nghĩa là chúng ta phải tránh phổ biến những chuyện thày lay tai hại. Thay vì thế khi trò chuyện, chúng ta luôn cố gắng nói những lời lành có ích cho người nghe. Hơn nữa, chúng ta sẽ cố gắng vun trồng tính can đảm và nói sự thật.—Ê-phê-sô 4:25, 29, 31; Gia-cơ 5:16.
10. (a) Hãy giải thích tránh sự ác có nghĩa gì. (b) Làm điều lành bao hàm những gì?
10 “Hãy tránh sự ác, và làm điều lành, hãy tìm-kiếm sự hòa-bình, và đeo-đuổi sự ấy”. (Thi-thiên 34:14) Chúng ta tránh những gì Đức Giê-hô-va lên án, chẳng hạn như tình dục vô luân, tài liệu khiêu dâm, trộm cắp, ma thuật, hung bạo, say sưa và lạm dụng ma túy. Chúng ta cũng phải tránh những phương tiện giải trí có nội dung đồi bại như thế. (Ê-phê-sô 5:10-12) Thay vì thế, chúng ta dùng thời gian để làm những điều lành. Điều tốt nhất chúng ta có thể làm là đều đặn tham gia công việc rao giảng về Nước Trời và đào tạo môn đồ, giúp người khác được giải cứu. (Ma-thi-ơ 24:14; 28:19, 20) Làm điều lành cũng bao hàm việc chuẩn bị và tham dự các buổi họp, đóng góp cho công việc khắp thế giới, chăm sóc Phòng Nước Trời và quan tâm đến nhu cầu của những tín đồ thiếu thốn.
11. (a) Bằng cách nào Đa-vít làm đúng điều ông nói về việc theo đuổi hòa bình? (b) Trong hội thánh, làm sao bạn có thể ‘đeo-đuổi hòa-bình’?
11 Đa-vít nêu gương tốt trong việc theo đuổi sự hòa bình. Ông đã có hai cơ hội để giết Sau-lơ. Nhưng ông đã tránh hành động hung bạo và sau đó ông nói với vua cách tôn trọng, hy vọng có thể giảng hòa. (1 Sa-mu-ên 24:9-12; 26:17-20) Ngày nay, chúng ta có thể làm gì khi có vấn đề đe dọa sự bình an của hội thánh? Chúng ta nên “tìm-kiếm sự hòa-bình, và đeo-đuổi sự ấy”. Vì vậy, nếu cảm thấy có sự căng thẳng trong mối quan hệ với một anh chị cùng đức tin, chúng ta làm theo lời khuyên của Chúa Giê-su: “[Hãy] giảng-hòa với anh em trước đã”. Sau đó, chúng ta mới tiếp tục tham gia những khía cạnh khác của sự thờ phượng thật.—Ma-thi-ơ 5:23, 24; Ê-phê-sô 4:26.
Kính sợ Đức Chúa Trời mang lại ân phước dồi dào
12, 13. (a) Ngày nay, những người kính sợ Đức Chúa Trời được hưởng lợi ích nào? (b) Không lâu nữa những người trung thành sẽ nhận được ân phước lớn nào?
12 “Mắt Đức Giê-hô-va đoái-xem người công-bình, lỗ tai Ngài nghe tiếng kêu-cầu của họ”. (Thi-thiên 34:15) Lời tường thuật về cách Đức Chúa Trời đối xử với Đa-vít chứng thực câu Kinh Thánh này. Ngày nay, chúng ta cảm nghiệm sâu sắc niềm vui và sự bình an nội tâm vì biết rằng được Đức Giê-hô-va chăm sóc. Chúng ta tin chắc Ngài sẽ luôn đáp ứng nhu cầu của chúng ta, ngay cả trong những lúc vô cùng khó khăn. Như được báo trước, chúng ta biết tất cả những người thờ phượng thật sắp phải đương đầu với sự tấn công của Gót ở đất Ma-gốc, và đối mặt với “ngày lớn và kinh-khiếp của Đức Giê-hô-va”. (Giô-ên 2:11, 31; Ê-xê-chi-ên 38:14-18, 21-23) Đến lúc ấy, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta cũng sẽ cảm nghiệm được lời của Đa-vít: “Người công-bình kêu-cầu, Đức Giê-hô-va bèn nghe, và giải-cứu người khỏi các sự gian-truân”.—Thi-thiên 34:17.
13 Lúc ấy, thật phấn khích khi thấy Đức Giê-hô-va tôn cao danh thánh của Ngài! Hơn bao giờ hết, chúng ta sẽ cảm thấy kính sợ Đức Chúa Trời cách sâu xa, và tất cả những kẻ chống đối sẽ bị hủy diệt cách nhục nhã. “Mặt Đức Giê-hô-va làm nghịch cùng kẻ làm ác, đặng diệt kỷ-niệm chúng nó khỏi đất”. (Thi-thiên 34:16) Thật là một ân phước dồi dào khi cảm nghiệm được sự giải cứu vĩ đại đó và bước vào thế giới mới công bình của Đức Chúa Trời!
Những lời hứa giúp chúng ta chịu đựng
14. Điều gì sẽ giúp chúng ta chịu đựng, bất chấp tai họa?
14 Trong khi chờ đợi, để luôn vâng lời Đức Giê-hô-va trong thế giới đồi bại và đầy áp lực, chúng ta phải chịu đựng. Lòng kính sợ Đức Chúa Trời giúp ích chúng ta rất nhiều để vun trồng tinh thần vâng phục. Vì sống trong thời kỳ khó khăn, một số tôi tớ của Đức Giê-hô-va phải trải qua những thử thách vô cùng khắc nghiệt khiến lòng họ đau đớn và thống khổ. Tuy nhiên, họ có thể tin chắc rằng nếu trông đợi Đức Giê-hô-va, Ngài sẽ giúp họ chịu đựng. Lời của Đa-vít đem lại niềm an ủi thật sự: “Đức Giê-hô-va ở gần những người có lòng đau-thương, và cứu kẻ nào có tâm-hồn thống-hối”. (Thi-thiên 34:18) Lời kế tiếp của Đa-vít cũng rất khích lệ: “Người công-bình bị nhiều tai-họa, nhưng Đức Giê-hô-va cứu người khỏi hết”. (Thi-thiên 34:19) Dù chúng ta gặp nhiều tai họa thế nào đi nữa, Đức Giê-hô-va chắc chắn có đủ quyền năng để giải cứu chúng ta.
15, 16. (a) Ít lâu sau khi sáng tác bài Thi-thiên 34, Đa-vít đã nghe tin về tai họa nào? (b) Điều gì sẽ giúp chúng ta chịu đựng thử thách?
Thi-thiên 34, Đa-vít nghe về tai họa đã xảy đến cho dân cư thành Nóp—Sau-lơ tàn sát họ và phần lớn các thầy tế lễ. Đa-vít hẳn buồn khổ xiết bao khi nhớ lại ông đã đến thành Nóp, vì thế Sau-lơ nổi giận! (1 Sa-mu-ên 22:13, 18-21) Đa-vít hẳn đã cầu xin Đức Giê-hô-va giúp đỡ, và ông được an ủi nhờ niềm hy vọng về sự sống lại của “người công-bình” trong tương lai.—Công-vụ 24:15.
15 Ít lâu sau khi sáng tác bài16 Ngày nay, hy vọng về sự sống lại cũng làm vững mạnh đức tin của chúng ta. Chúng ta biết rằng kẻ thù không thể làm gì để gây tổn hại lâu dài cho chúng ta. (Ma-thi-ơ 10:28) Đa-vít cũng bày tỏ niềm tin vào những lời này: “Ngài giữ hết thảy xương-cốt người [công-bình], chẳng một cái nào bị gãy”. (Thi-thiên 34:20) Theo nghĩa đen, câu đó đã được ứng nghiệm trong trường hợp của Chúa Giê-su. Dù Chúa Giê-su bị hành hình một cách tàn nhẫn, nhưng không một cái xương nào của ngài “bị gãy”. (Giăng 19:36) Nói theo nghĩa rộng, Thi-thiên 34:20 bảo đảm rằng dù những tín đồ được xức dầu và các bạn đồng hành thuộc lớp “chiên khác” phải đương đầu với bất cứ thử thách nào, họ sẽ không bị tổn hại lâu dài. Nói theo nghĩa bóng, xương cốt họ sẽ không bao giờ bị gãy.—Giăng 10:16.
17. Những người ghét dân sự Đức Giê-hô-va mà không biết ăn năn sẽ gặp tai họa nào?
17 Kết cuộc của kẻ ác thì ngược lại. Chẳng bao lâu, họ sẽ gặt những điều ác họ đã gieo. “Sự dữ sẽ giết kẻ ác; những kẻ ghét người công-bình sẽ bị định tội”. (Thi-thiên 34:21) Tất cả những ai tiếp tục chống lại dân sự Đức Chúa Trời sẽ gặp sự dữ, hay tai họa, thê thảm nhất. Khi Chúa Giê-su hiện đến, họ “sẽ bị hình-phạt hư-mất đời đời”.—2 Tê-sa-lô-ni-ca 1:9.
18. Đám đông đã được cứu chuộc theo nghĩa nào, và họ sẽ cảm nghiệm điều gì trong tương lai?
18 Bài Thi-thiên của Đa-vít kết thúc bằng những lời đảm bảo này: “Đức Giê-hô-va chuộc linh-hồn của kẻ tôi-tớ Ngài; phàm ai nương-náu mình nơi Ngài ắt không bị định tội”. (Thi-thiên 34:22) Gần cuối triều đại 40 năm của ông, Vua Đa-vít nói: “[Đức Chúa Trời] đã giải-cứu mạng-sống ta khỏi các hoạn-nạn!” (1 Các Vua 1:29) Như Đa-vít, một ngày gần đây, những người kính sợ Đức Giê-hô-va có thể nhìn lại và vui mừng vì được chuộc khỏi tội lỗi và thoát khỏi mọi thử thách. Tới nay, phần lớn các tín đồ được xức dầu của Đấng Christ đã nhận được phần thưởng trên trời. Một đám đông “vô-số người” từ mọi nước đang kết hợp với những anh em còn lại của Chúa Giê-su để phụng sự Đức Giê-hô-va, và nhờ vậy có được vị thế trong sạch trước mắt Ngài. Đó là nhờ họ thực hành những điều họ tin nơi quyền lực cứu chuộc của huyết Chúa Giê-su. Trong Triều Đại Một Ngàn Năm sắp đến của Đấng Christ, họ sẽ nhận lợi ích trọn vẹn của sự hy sinh làm giá chuộc đó và đạt đến tình trạng hoàn toàn.—Khải-huyền 7:9, 14, 17; 21:3-5.
19. Những người thuộc đám đông “vô-số người” quyết tâm làm gì?
19 Tại sao đám đông “vô-số người” sẽ được hưởng tất cả những ân phước này? Vì họ quyết tâm kính sợ Đức Giê-hô-va, phụng sự Ngài với lòng tôn kính và vâng phục. Thật thế, sự kính sợ Đức Giê-hô-va làm cho đời sống vui vẻ trong hiện tại và giúp chúng ta “cầm lấy sự sống thật”—sự sống đời đời trong thế giới mới của Đức Chúa Trời.—1 Ti-mô-thê 6:12, 18, 19; Khải-huyền 15:3, 4.
Bạn còn nhớ không?
• Tại sao chúng ta phải kính sợ Đức Chúa Trời, và điều này có nghĩa gì?
• Sự kính sợ Đức Chúa Trời nên tác động thế nào đến lối sống chúng ta?
• Sự kính sợ Đức Chúa Trời mang lại ân phước nào?
• Những lời hứa nào giúp chúng ta chịu đựng?
[Câu hỏi thảo luận]
[Hình nơi trang 26]
Những người kính sợ Đức Giê-hô-va phải thận trọng trong giai đoạn bị cấm đoán
[Hình nơi trang 28]
Điều tốt nhất chúng ta có thể làm cho người lân cận là chia sẻ tin mừng về Nước Trời