Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Vui mừng chờ đợi Đức Giê-hô-va

Vui mừng chờ đợi Đức Giê-hô-va

Vui mừng chờ đợi Đức Giê-hô-va

BẠN đã từng ăn trái cây chưa chín không? Chắc hẳn bạn không thích mùi vị trái cây ấy. Trái cây cần thời gian để chín, và chờ đợi đến lúc đó là điều đáng công. Trong nhiều trường hợp khác, việc chờ đợi cũng mang lại phần thưởng. Kinh Thánh cho biết: “Thật tốt cho người trông-mong và yên-lặng đợi-chờ sự cứu-rỗi của Đức Giê-hô-va”. (Ca-thương 3:26; Tít 2:13) Tín đồ Đấng Christ phải chờ đợi Đức Giê-hô-va qua những cách nào? Làm thế nào chúng ta có thể được lợi ích trong khi chờ đợi Đức Giê-hô-va?

Chờ đợi Đức Chúa Trời—Bao hàm điều gì?

Là tín đồ Đấng Christ, chúng ta đang “chờ-đợi trông-mong cho ngày Đức Chúa Trời mau đến”. Chúng ta trông chờ được giải cứu, khi Đức Chúa Trời ra tay “hủy-phá kẻ ác”. (2 Phi-e-rơ 3:7, 12) Chính Đức Giê-hô-va cũng nóng lòng muốn chấm dứt sự gian ác, nhưng Ngài vẫn tiếp tục kiên nhẫn hầu giải cứu tôi tớ Ngài theo cách làm thánh danh Ngài. Kinh Thánh nói: “Đức Chúa Trời muốn tỏ ra cơn thạnh-nộ và làm cho biết quyền-phép Ngài, đã lấy lòng khoan-nhẫn lớn chịu những bình đáng giận sẵn cho sự hư-mất, để cũng làm cho biết sự giàu-có của vinh-hiển Ngài bởi những bình đáng thương-xót”. (Rô-ma 9:22, 23) Cũng như thời Nô-ê, Đức Giê-hô-va biết lúc nào là thời điểm thích hợp nhất để giải cứu dân tộc của Ngài ngày nay. (1 Phi-e-rơ 3:20) Vì vậy, chờ đợi Đức Chúa Trời bao hàm chờ đợi thời điểm Ngài đã định.

Trong khi chờ đợi ngày của Đức Giê-hô-va, đôi lúc chúng ta cảm thấy nản lòng vì tiêu chuẩn đạo đức ngày càng suy đồi của thế gian. Vào những lúc như thế, xem xét lời nhà tiên tri của Đức Chúa Trời là Mi-chê sẽ khích lệ chúng ta. Mi-chê viết: “Người tin-kính đã mất đi khỏi đất; không còn có kẻ ngay-thẳng trong loài người”. Rồi ông nói thêm: “Nhưng ta, ta sẽ nhìn-xem Đức Giê-hô-va, chờ-đợi Đức Chúa Trời của sự cứu-rỗi ta”. (Mi-chê 7:2, 7) Chúng ta nên “chờ-đợi” Đức Chúa Trời với thái độ nào? Vì việc chờ đợi thường dẫn đến buồn bực, vậy làm sao chúng ta có thể tìm thấy niềm vui trong khi chờ đợi Đức Chúa Trời?

Vui mừng trong khi chờ đợi

Chúng ta có thể học được thái độ đúng từ Đức Giê-hô-va. Ngài luôn là “Đức Chúa Trời hạnh-phước”. (1 Ti-mô-thê 1:11) Đức Chúa Trời vẫn hạnh phúc trong khi chờ đợi vì Ngài tiếp tục làm việc để hoàn thành ý định ban đầu, đó là đem những người yêu mến Ngài trở lại tình trạng hoàn toàn như khi loài người mới được dựng nên. (Rô-ma 5:12; 6:23) Đức Chúa Trời nhìn thấy kết quả đầy vui mừng của công việc Ngài—hàng triệu người đã được kéo đến với sự thờ phượng thật. Chúa Giê-su nói: “Cha ta làm việc cho đến bây giờ, ta đây cũng làm việc như vậy”. (Giăng 5:17) Làm điều tốt cho người khác là điều thiết yếu mang lại hạnh phúc. (Công-vụ 20:35) Cũng vậy, tín đồ thật của Đấng Christ không chờ đợi một cách thụ động. Thay vì thế, họ tiếp tục giúp người khác học biết về ý định của Đức Chúa Trời đối với nhân loại.

Trong khi chờ đợi thời điểm Đức Chúa Trời đã định, những người trung thành luôn vui mừng ngợi khen Ngài. Hãy xem trường hợp của một người viết Thi-thiên là Đa-vít. Ông bị một vị vua bắt bớ, một bầy tôi thân cận và chính con trai phản bội. Trong mỗi hoàn cảnh đó, Đa-vít có thể vui mừng chờ đợi Đức Giê-hô-va giải cứu vào đúng thời điểm Ngài định không? Bài Thi-thiên 71, được cho là của Đa-vít, có nói: “Tôi sẽ trông-cậy luôn luôn, và ngợi-khen Chúa càng ngày càng thêm. Hằng ngày miệng tôi sẽ thuật sự công-bình và sự cứu-rỗi của Chúa”. (Thi-thiên 71:14, 15) Thay vì buồn bực chờ đợi, Đa-vít vui mừng vì ông không ngừng ngợi khen Đức Giê-hô-va và khuyến khích người khác trung thành trong sự thờ phượng thật.—Thi-thiên 71:23.

Chờ đợi Đức Giê-hô-va không khiến chúng ta bực dọc như khi chờ xe buýt đến trễ. Đúng hơn, nó giống như niềm vui của cha mẹ khi chờ đợi con cái lớn lên, trở thành những người mà họ có thể tự hào. Cha mẹ luôn bận rộn trong những năm tháng ấy—dạy dỗ, hướng dẫn và uốn nắn con—nhằm đạt được kết quả mong muốn. Cũng thế, trong lúc chờ đợi Đức Giê-hô-va, chúng ta tìm được hạnh phúc khi giúp người khác đến gần Ngài. Hơn nữa, chúng ta cũng muốn làm sao để chính mình được Đức Chúa Trời chấp nhận và cuối cùng được cứu.

Giữ vững niềm hy vọng

Chờ đợi Đức Giê-hô-va cũng có nghĩa là vừa tiếp tục yêu mến và phụng sự Ngài, vừa giữ vững niềm hy vọng. Điều này không phải dễ. Nhiều tôi tớ Đức Chúa Trời ngày nay sống trong những xã hội mà người ta chế nhạo việc sống theo đức tin nơi lời hứa của Đức Chúa Trời. Dù vậy, hãy xem gương của những người Y-sơ-ra-ên trung thành thời xưa, những người đã giữ vững hy vọng trong suốt 70 năm lưu đày ở Ba-by-lôn. Nhờ đâu mà họ làm được như thế? Chắc hẳn việc đọc sách Thi-thiên đã củng cố tinh thần họ. Một bài Thi-thiên rất khích lệ, có lẽ được viết vào thời kỳ đó, nói như sau: “Tôi trông-cậy lời của Ngài. Linh-hồn tôi trông-đợi Chúa hơn người lính canh trông-đợi sáng, thật hơn người lính canh trông-đợi sáng. Hỡi Y-sơ-ra-ên, hãy trông-cậy nơi Đức Giê-hô-va”.—Thi-thiên 130:5-7.

Những người Do Thái đó đã giữ vững hy vọng nhờ đọc và nói về niềm mong đợi ấy. Họ được tưởng thưởng xứng đáng khi thành Ba-by-lôn bị chinh phục. Hàng ngàn người Do Thái trung thành đã nhanh chóng lên đường trở về Giê-ru-sa-lem. Thời kỳ ấy được ghi lại như sau: “Khi Đức Giê-hô-va dẫn các phu-tù của Si-ôn về,. . . miệng chúng tôi đầy sự vui-cười”. (Thi-thiên 126:1, 2) Những người Do Thái trung thành đã không bỏ cuộc, mà ngược lại, họ tiếp tục củng cố đức tin của mình. Hơn nữa, họ không bao giờ ngừng hát ngợi khen Đức Giê-hô-va.

Cũng vậy, khi chờ đợi Đức Chúa Trời trong kỳ cuối cùng của hệ thống này, các tín đồ thật không ngừng nỗ lực giữ vững đức tin. Họ học Lời của Đức Giê-hô-va, khuyến khích lẫn nhau và tiếp tục ngợi khen Ngài qua công việc rao giảng tin mừng về Nước Trời.—Ma-thi-ơ 24:3, 14.

Kiên nhẫn chờ đợi để sự sửa trị sanh kết quả

Nhà tiên tri của Đức Chúa Trời là Giê-rê-mi viết: “Thật tốt cho người trông-mong và yên-lặng đợi-chờ sự cứu-rỗi của Đức Giê-hô-va”. (Ca-thương 3:26) Giê-rê-mi ngụ ý dân Đức Chúa Trời không nên than phiền về cách Ngài sửa phạt họ, khi Ngài để cho thành Giê-ru-sa-lem bị hủy diệt. Thay vì thế, họ nên rút ra bài học bằng cách ngẫm nghĩ về sự bất tuân của mình và việc cần phải thay đổi thái độ.—Ca-thương 3:40, 42.

Sự sửa trị của Đức Giê-hô-va có thể ví như quá trình phát triển của trái cây. Kinh Thánh nói sự sửa trị này “về sau sanh ra bông-trái công-bình và bình-an cho những kẻ đã chịu luyện-tập như vậy”. (Hê-bơ-rơ 12:11) Như trái cây cần thời gian để chín, chúng ta cũng cần thời gian để chỉnh lại quan điểm hầu đáp lại sự sửa trị của Đức Chúa Trời. Chẳng hạn, nếu hành vi sai trái của bản thân khiến chúng ta mất đặc ân trong hội thánh, kiên nhẫn chờ đợi Đức Chúa Trời sẽ giúp chúng ta tránh nản lòng và bỏ cuộc. Trong những trường hợp đó, lời được soi dẫn của Đa-vít thật khích lệ: “Sự giận [của Đức Chúa Trời] chỉ trong một lúc, còn ơn của Ngài có trọn một đời; sự khóc-lóc đến trọ ban đêm, nhưng buổi sáng bèn có sự vui-mừng”. (Thi-thiên 30:5) Nếu tập kiên nhẫn chờ đợi và áp dụng lời khuyên nhận được từ Lời Đức Chúa Trời và tổ chức Ngài, thời gian “vui-mừng” rồi sẽ đến với chúng ta.

Thành thục cần có thời gian

Nếu là người trẻ hoặc vừa mới làm báp têm, có lẽ bạn hăng hái muốn đảm nhận một vài trách nhiệm trong hội thánh. Tuy nhiên, để đủ trưởng thành về thiêng liêng hầu có thể gánh vác những trách nhiệm, một người cần có thời gian. Vì thế, hãy tận dụng những năm tháng còn trẻ để tiến bộ về thiêng liêng. Chẳng hạn, tuổi trẻ là thời gian thích hợp để đọc toàn bộ Kinh Thánh, vun trồng những đức tính của tín đồ Đấng Christ và rèn luyện kỹ năng đào tạo môn đồ. (Truyền-đạo 12:1) Nếu bạn khiêm nhường chờ đợi, sẽ đến lúc Đức Giê-hô-va giao thêm nhiệm vụ cho bạn.

Đào tạo môn đồ cũng đòi hỏi tính kiên nhẫn. Công việc này tương tự như việc người nông dân kiên trì tưới nước cho đến khi Đức Chúa Trời làm hạt giống nảy mầm và lớn lên. (1 Cô-rinh-tô 3:7; Gia-cơ 5:7) Để giúp người khác vun trồng đức tin và lòng biết ơn Đức Giê-hô-va, phải mất nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm kiên trì học hỏi Kinh Thánh với họ. Chờ đợi Đức Giê-hô-va bao hàm việc kiên trì, ngay cả dù lúc đầu, học viên chưa đáp lại sự dạy dỗ của Kinh Thánh. Nếu học viên có bày tỏ phần nào lòng biết ơn, đó có thể là dấu hiệu cho thấy họ đang đáp lại tác động của thánh linh Đức Giê-hô-va. Với lòng kiên nhẫn, có thể bạn sẽ cảm nhận được niềm vui khi nhìn thấy Đức Giê-hô-va làm những học viên Kinh Thánh lớn lên, trở thành môn đồ của Đấng Christ.—Ma-thi-ơ 28:20.

Thể hiện tình yêu thương qua việc chờ đợi

Trường hợp của một cụ bà sống ở vùng hẻo lánh của miền núi Andes, Nam Mỹ, là một thí dụ cho thấy việc chờ đợi là biểu hiện của tình yêu thương và lòng tin cậy. Cụ và một phụ nữ khác là hai Nhân Chứng Giê-hô-va duy nhất trong làng. Bạn có thể hình dung hai Nhân Chứng này mong mỏi sự viếng thăm của các anh em đồng đạo đến thế nào không? Trong chuyến viếng thăm họ lần đầu tiên, anh giám thị lưu động bị lạc đường. Anh phải đi ngược trở lại đường cũ nên đã đến trễ nhiều tiếng. Cuối cùng, anh cũng nhìn thấy được ngôi làng từ đằng xa. Lúc ấy đã là quá nửa đêm. Vì vùng này không có điện, nên anh giám thị ngạc nhiên khi nhìn thấy ánh sáng le lói ở phía trước. Anh vui mừng biết bao khi đến được lối vào làng và nhìn thấy ánh sáng ấy phát ra từ ngọn đèn dầu trên tay cụ! Tin chắc là anh sẽ đến nên cụ đã đứng đợi anh.

Chúng ta cũng vui mừng chờ đợi Đức Giê-hô-va với lòng kiên nhẫn như thế. Chúng ta tin chắc Ngài sẽ thực hiện lời hứa của Ngài. Giống như anh giám thị lưu động nói trên, chúng ta quý trọng những ai yêu thương chờ đợi mình. Vì thế, không có gì đáng ngạc nhiên khi Đức Chúa Trời hài lòng về những người chờ đợi Ngài. Kinh Thánh nói: “[Đức Giê-hô-va] đẹp lòng. . . kẻ trông-đợi sự nhân-từ của Ngài”.—Thi-thiên 147:11.

[Hình nơi trang 18]

Những người tiếp tục ngợi khen Đức Giê-hô-va tìm được niềm vui trong khi chờ đợi Ngài