Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Wessel—“Người đi trước Phong Trào Cải Cách”

Wessel—“Người đi trước Phong Trào Cải Cách”

Wessel—“Người đi trước Phong Trào Cải Cách”

Luther, Tyndale và Calvin là những tên tuổi quen thuộc đối với những ai nghiên cứu Phong Trào Cải Cách của Tin Lành, bắt đầu vào năm 1517. Nhưng ít ai biết đến cái tên Wessel Gansfort. Ông được gọi là “Người đi trước Phong Trào Cải Cách”. Bạn có muốn biết thêm về nhân vật này không?

WESSEL sinh năm 1419, tại thị trấn Groningen, Hà Lan. Vào thế kỷ 15, không phải ai cũng được đi học, và Wessel là một trong những người may mắn đó. Dù học rất giỏi, nhưng cậu bé Wessel phải nghỉ học sớm vào năm chín tuổi vì nhà quá nghèo. May mắn thay, một góa phụ giàu có nghe nói về sự thông minh của cậu, nên đã đứng ra bảo trợ cho cậu ăn học. Nhờ thế, Wessel có thể tiếp tục con đường học vấn và đã đỗ học vị Thạc Sĩ Văn Chương. Dường như về sau, ông cũng lấy cả bằng tiến sĩ thần học.

Wessel là người có lòng khao khát vô tận đối với kiến thức. Tuy nhiên, vào thời ông lại không có nhiều thư viện. Mặc dù máy in xếp chữ ra đời thời đó, song phần lớn sách vẫn phải được chép tay và có giá rất đắt. Wessel thuộc một nhóm học giả thường đi hết thư viện này đến thư viện khác, tu viện này đến tu viện khác, để tìm những bản chép tay quý hiếm và những sách đã bị quên lãng từ lâu, rồi họ chia sẻ với nhau những điều tìm được. Wessel thu thập được rất nhiều kiến thức, các tập ghi chép của ông chứa đầy những câu và đoạn trích từ các tác phẩm cổ điển. Các nhà thần học khác thường nghi ngờ những gì ông chia sẻ, vì ông biết quá nhiều thứ mà họ chưa bao giờ nghe nói đến. Ông cũng được đặt cho biệt danh Magister Contradictionis, có nghĩa là bậc thầy tranh cãi.

“Sao ngài không hướng tôi đến Đức Ky-tô?”

Khoảng 50 năm trước Phong Trào Cải Cách, Wessel gặp Thomas à Kempis (khoảng 1379-1471), người được xem là tác giả của quyển sách nổi tiếng De Imitatione Christi (Bắt chước Đức Ky-tô). Thomas à Kempis là một tu sĩ thuộc Giáo Đoàn Đời Sống Chung, một dòng tu chú trọng đến lối sống sùng kính. Người viết tiểu sử của Wessel tường thuật rằng Thomas à Kempis đã nhiều lần khuyến khích Wessel cầu xin Trinh Nữ Ma-ri giúp đỡ. Để đáp lại, ông nói: “Sao ngài không hướng tôi đến Đức Ky-tô, Đấng đã nhân từ mời những ai gánh nặng đến cùng Người?”

Người ta nói rằng Wessel không muốn được phong chức linh mục. Khi được hỏi tại sao ông không chịu cạo tóc ở đỉnh đầu, một đặc điểm nhận diện giới tu sĩ, Wessel trả lời rằng ông không sợ giá treo cổ miễn là giữ được sự minh mẫn, sáng suốt cho đến cuối cùng. Dường như ông có ý ám chỉ quyền miễn tố của các linh mục, và trong thực tế, việc cạo tóc đã cứu nhiều linh mục khỏi giá treo cổ! Wessel cũng lên án một số thực hành tôn giáo phổ biến khác. Chẳng hạn, ông bị chỉ trích vì không chịu tin các phép lạ được viết trong một cuốn sách rất phổ biến thời bấy giờ là Dialogus Miraculorum. Lý do của ông là: “Đọc trong Kinh Thánh tốt hơn”.

“Có hỏi mới biết”

Wessel nghiên cứu tiếng Hê-bơ-rơ, tiếng Hy Lạp và có sự hiểu biết sâu rộng về tư tưởng của các Giáo Phụ thời ban đầu. Lòng say mê của ông đối với các ngôn ngữ gốc của Kinh Thánh là điều đặc biệt đáng chú ý, vì ông sống trước thời Erasmus và Reuchlin. * Trước thời Phong Trào Cải Cách, rất ít người biết tiếng Hy Lạp. Ở Đức, số học giả biết tiếng Hy Lạp chỉ đếm được trên đầu ngón tay, và không có công cụ gì giúp học ngôn ngữ này. Sau khi thành Constantinople bị chiếm vào năm 1453, dường như Wessel đã tiếp xúc với các tu sĩ Hy Lạp trốn sang phương Tây, và học được những điều cơ bản về tiếng Hy Lạp. Còn tiếng Hê-bơ-rơ thì vào thời đó, hầu như chỉ có người Do Thái mới biết. Wessel có lẽ cũng học được tiếng Hê-bơ-rơ cơ bản từ những người Do Thái cải đạo Công Giáo.

Wessel rất quý trọng Kinh Thánh. Ông xem đó là sách được Đức Chúa Trời soi dẫn, và tất cả các phần trong đó đều hoàn toàn hòa hợp với nhau. Theo Wessel, các câu Kinh Thánh phải được giải thích phù hợp với văn cảnh và không nên bị bóp méo ý nghĩa. Mọi giải thích gượng ép đều có thể bị xem là dị giáo. Một trong những câu Kinh Thánh mà ông tâm đắc nhất là Ma-thi-ơ 7:7. Câu này nói: “Cứ tìm thì sẽ thấy” (Tòa Tổng Giám Mục). Dựa vào câu Kinh Thánh này, Wessel tin chắc rằng việc đặt câu hỏi mang lại lợi ích; ông lý luận: “Có hỏi mới biết”.

Một lời thỉnh cầu lạ thường

Năm 1473, Wessel đến thăm Rome. Trong thời gian ở đó, ông được tiếp kiến Giáo Hoàng Sixtus IV, vị đầu tiên trong sáu vị giáo hoàng có tư cách đạo đức suy đồi đến độ dẫn đến Phong Trào Cải Cách của Tin Lành. Theo sử gia Barbara W. Tuchman, Sixtus IV đã khởi đầu thời đại “tranh giành quyền lợi và thế lực chính trị một cách vô độ, công khai và trắng trợn”. Việc ông ngang nhiên thiên vị người nhà đã khiến công chúng sửng sốt. Theo một sử gia khác, Sixtus có lẽ còn muốn truyền chức giáo hoàng cho người nhà của ông. Dĩ nhiên, ít ai dám lên tiếng phản đối những chuyện lạm quyền như thế.

Nhưng Wessel Gansfort thì khác. Có lần Sixtus bảo ông: “Con trai, con cần gì cứ nói, ta sẽ ban cho”. Wessel lập tức trả lời: “Thưa Đức Thánh Cha,. . . vì ngài giữ cương vị thượng tế và mục tử ở dưới thế, con xin ngài. . . hãy chu toàn trọng trách của mình sao cho khi Mục Tử Cao Cả đến,. . . Người có thể nói với ngài rằng: ‘Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!’ ” Sixtus đáp đó là trách nhiệm của ông, và Wessel nên chọn thứ gì đó cho mình. Wessel nói: “Vậy thì con xin ngài ban cho con cuốn Kinh Thánh tiếng Hy Lạp và tiếng Hê-bơ-rơ trong thư viện của tòa thánh”. Giáo hoàng chuẩn chấp lời thỉnh cầu của ông, rồi nhận xét rằng Wessel thật ngớ ngẩn, lẽ ra ông nên xin chức giám mục.

“Một sự dối trá và sai lầm”

Vì cần có nhiều tiền để xây Nhà Thờ Sistine nổi tiếng ngày nay, Sixtus đã dùng đến phương cách bán ân xá cho người chết. Việc mua bán này vô cùng phát đạt. Sách Vicars of Christ—The Dark Side of the Papacy (Mặt trái của các Giáo Hoàng) viết: “Những người mất vợ, mất chồng, những bậc cha mẹ mất con cái, tất cả đều sẵn sàng dâng hết tài sản để cứu người thân ra khỏi hỏa ngục”. Phép ân xá rất được dân chúng hưởng ứng, vì họ hoàn toàn tin rằng giáo hoàng có thể bảo đảm cho người thân quá cố của họ được lên thiên đàng.

Về phần Wessel, ông quả quyết rằng Giáo Hội Công Giáo, kể cả giáo hoàng, không có quyền tha tội. Ông công khai lên án việc bán ân xá là “một sự dối trá và sai lầm”. Ông cũng không tin người ta phải xưng tội với các linh mục mới được tha tội.

Wessel cũng phủ nhận tính bất khả ngộ của giáo hoàng. Ông lý luận rằng nền tảng của đạo sẽ không vững chắc nếu người ta luôn phải tin theo lời của các giáo hoàng, vì những vị này cũng mắc sai lầm. Wessel viết: “Nếu hàng giáo phẩm bỏ qua giới răn Thiên Chúa và tự đặt ra giới răn riêng,. . . thì việc làm và giới răn của họ là vô ích”.

Dọn đường cho Phong Trào Cải Cách

Wessel mất năm 1489. Tuy đã lên án một số sai trái của giáo hội, nhưng cho đến cuối đời ông vẫn là một người Công Giáo. Hơn nữa, ông chưa bao giờ bị giáo hội kết án dị giáo. Dù vậy, sau khi ông chết, các tu sĩ Công Giáo cuồng tín đã tìm cách thiêu hủy sách vở của ông vì cho rằng chúng chứa đựng tư tưởng lệch lạc. Đến thời Luther, tên tuổi Wessel hầu như đã chìm vào quên lãng, không có tác phẩm nào của ông được ấn hành, và cũng rất ít ghi chép của ông còn giữ lại được. Mãi đến khoảng giữa năm 1520 và 1522, các tác phẩm của ông mới được xuất bản lần đầu tiên. Trong ấn bản này có một lá thư do chính Luther viết, khuyến khích người ta đọc tác phẩm của Wessel.

Tuy không phải là một nhà Cải Cách như Luther, nhưng Wessel đã công khai lên án một số sai trái của giáo hội, mở đường cho Phong Trào Cải Cách. Thật thế, trong bách khoa từ điển Cyclopedia của McClintock và Strong, ông được mô tả là “nhân vật quan trọng nhất trong số những người mang dòng máu Đức đã dọn đường cho Phong trào Cải Cách”.

Luther tìm thấy nơi Wessel một đồng minh cho các tư tưởng của mình. Trong cuốn sách của ông, C. Augustijn viết: “Luther ví thời đại và hoàn cảnh của mình giống như của nhà tiên tri Ê-li. Nhà tiên tri đã tưởng rằng ông là người duy nhất sót lại chiến đấu cho Chúa, cũng vậy, Luther cảm thấy mình đơn độc trong cuộc chiến chống lại giáo hội. Tuy nhiên, khi đọc tác phẩm của Wessel, ông nhận ra rằng Chúa đã để ‘dành cho Ngài một số người sót lại trong Y-sơ-ra-ên’ ”. Tác giả cho biết thêm: “Thậm chí Luther còn nói: ‘Nếu tôi đọc tác phẩm của ông ấy sớm hơn, có lẽ kẻ thù của tôi sẽ nói rằng Luther đã hấp thu tư tưởng của Wessel, vì quan điểm của ông ấy cũng chính là quan điểm của tôi’ ”. *

“Cứ tìm thì sẽ thấy”

Phong Trào Cải Cách không phải là chuyển biến bất ngờ của thời cuộc. Dòng tư tưởng khơi nguồn cho phong trào này đã hình thành trước đó khá lâu. Wessel đã sớm biết rằng sự tha hóa của các giáo hoàng sẽ khiến công chúng bất bình và đòi cải cách. Ông từng nói với một học trò của mình: “Thầy nói với con, sẽ có ngày con nhìn thấy những giáo huấn của. . . các nhà thần học hay tranh cãi. . . bị bác bỏ bởi những học giả Ky-tô chân chính”.

Mặc dù nhận ra một số sai trái và sự lạm dụng quyền lực vào thời ông, Wessel chưa làm sáng tỏ được lẽ thật Kinh Thánh. Dù vậy, ông vẫn luôn xem trọng Kinh Thánh, xem đó là cuốn sách phải đọc và nghiên cứu. Theo cuốn A History of Christianity (Lịch sử Ky-tô Giáo), Wessel “tin rằng vì được Thánh Thần linh hứng, Kinh Thánh là nguồn thẩm quyền tối hậu trong vấn đề đức tin”. Ngày nay, các môn đồ chân chính của Chúa Giê-su cũng tin Kinh Thánh là lời được Đức Chúa Trời soi dẫn. (2 Ti-mô-thê 3:16) Nhưng lẽ thật Kinh Thánh không còn bị che khuất hay khó tìm như trước kia. Hơn bao giờ hết, nguyên tắc này chắc chắn nghiệm đúng thời nay: “Cứ tìm thì sẽ thấy”.—Ma-thi-ơ 7:7, TTGM; Châm-ngôn 2:1-6.

[Chú thích]

^ đ. 9 Đây là hai học giả góp phần quan trọng vào việc nghiên cứu các ngôn ngữ gốc của Kinh Thánh. Năm 1506, Reuchlin xuất bản một cuốn sách về ngữ pháp tiếng Hê-bơ-rơ. Cuốn sách này đã giúp ích rất nhiều cho những người muốn đào sâu phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ. Còn Erasmus thì xuất bản một văn bản chuẩn của phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp vào năm 1516.

^ đ. 21 Sách Wessel Gansfort (1419-1489) and Northern Humanism (Wessel Gansfort và chủ nghĩa nhân văn phương Bắc), trang 9, 15.

[Khung/​Hình nơi trang 14]

WESSEL VÀ DANH ĐỨC CHÚA TRỜI

Trong các tác phẩm của Wessel, danh Đức Chúa Trời thường được viết dưới dạng “Johavah”. Tuy nhiên, ít nhất hai lần ông đã dùng tên “Jehovah” (Giê-hô-va). Khi bàn về quan điểm của Wessel, tác giả H. A. Oberman cho biết Wessel tin rằng nếu Thomas Aquinas và những người khác biết tiếng Hê-bơ-rơ, “họ hẳn đã khám phá ra rằng danh Thiên Chúa mà Môi-se được tiết lộ không phải mang ý nghĩa ‘Ta là Đấng ta là’, nhưng đúng hơn phải là ‘Ta sẽ là Đấng ta sẽ là’ ”. * Bản Kinh Thánh New World Translation (Bản dịch Thế Giới Mới) đã dịch đúng ý nghĩa của danh Đức Chúa Trời như sau: “Ta sẽ trở thành Đấng ta sẽ trở thành”.—Xuất Ê-díp-tô Ký 3:13, 14, NW.

[Chú thích]

^ đ. 30 Sách Wessel Gansfort (1419-1489) and Northern Humanism, trang 105.

[Nguồn tư liệu]

Bản chép tay: Universiteitsbibliotheek, Utrecht

[Các hình nơi trang 15]

Wessel đã lên án việc bán ân xá được Giáo Hoàng Sixtus phê chuẩn