Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

An-ne tìm được sự bình an!

An-ne tìm được sự bình an!

An-ne tìm được sự bình an!

MỘT người phụ nữ trung thành cất tiếng cầu nguyện và ngợi khen Đức Giê-hô-va. Bà cảm nhận được Đức Chúa Trời đã ‘đem bà ra khỏi bụi đất’, thay thế tâm trạng buồn rầu của bà bằng nỗi vui mừng hân hoan.

Người phụ nữ ấy tên là An-ne. Điều gì đã khiến tâm trạng của bà hoàn toàn thay đổi? Tại sao giờ đây bà vui mừng đến thế? Chúng ta học được gì từ trường hợp của bà? Để trả lời những câu hỏi này, hãy xem câu chuyện của An-ne.

Căng thẳng trong gia đình

An-ne là một trong hai người vợ của Ên-ca-na, một người Lê-vi sống trong địa phận Ép-ra-im. (1 Sa-mu-ên 1:1, 2a; 1 Sử-ký 6:33, 34) Mặc dù tục đa thê không nằm trong ý định của Đức Chúa Trời đối với loài người, Luật Pháp Môi-se cho phép và đưa ra một số điều luật liên quan đến tục này. Gia đình Ên-ca-na thờ phượng Đức Giê-hô-va, nhưng cũng không tránh khỏi sự lục đục mà tục đa thê thường gây ra.

An-ne vốn hiếm muộn, trong khi vợ thứ của Ên-ca-na là Phê-ni-na thì có con. Phê-ni-na luôn kình địch với An-ne.—1 Sa-mu-ên 1:2b.

Đối với phụ nữ Y-sơ-ra-ên, hiếm muộn là một điều nhục nhã và là dấu hiệu họ mất ân huệ của Đức Chúa Trời. Nhưng Kinh Thánh không nói việc An-ne hiếm muộn là do Đức Chúa Trời không hài lòng với bà. Dù vậy, thay vì an ủi An-ne, Phê-ni-na dùng lợi thế có con để làm An-ne đau khổ.

Những chuyến đi đến đền Đức Giê-hô-va

Tuy căng thẳng như thế, hằng năm gia đình Ên-ca-na vẫn đi dâng của-lễ cho Đức Giê-hô-va ở đền Ngài tại Si-lô. * Chuyến hành trình cả đi lẫn về dài khoảng 60 kilômét và hầu như họ phải đi bộ. Đây là những lúc đặc biệt khó khăn cho An-ne vì trong khi Phê-ni-na và các con bà nhận được nhiều phần của-lễ thù ân thì An-ne chỉ nhận một phần. * Phê-ni-na lợi dụng cơ hội đó để trêu chọc An-ne, làm bà đau khổ vì dường như Đức Giê-hô-va đã ‘khiến cho bà son-sẻ’. Cảnh này cứ tái diễn hằng năm, An-ne khóc than và không ăn. Những chuyến hành trình lẽ ra phải đầy vui mừng, nay lại trở thành khoảng thời gian đau đớn cho bà. Nhưng An-ne vẫn tiếp tục đi đến đền Đức Giê-hô-va.—1 Sa-mu-ên 1:3-7.

Bạn có thấy An-ne nêu gương mẫu nào cho chúng ta không? Bạn thường làm gì khi nản lòng? Bạn có tự cô lập và tránh tiếp xúc với anh em đồng đạo không? An-ne đã không làm thế. Bà có thói quen là luôn kết hợp với những người thờ phượng Đức Giê-hô-va. Chúng ta cũng nên làm như thế cho dù gặp phải khó khăn nào đi nữa.—Thi-thiên 26:12; 122:1; Châm-ngôn 18:1; Hê-bơ-rơ 10:24, 25.

Ên-ca-na cố gắng an ủi An-ne và khuyến khích bà nói ra những tâm sự u uất trong lòng. Ông hỏi: “Hỡi An-ne, sao nàng khóc? Cớ sao không ăn và lòng buồn-bực dường ấy? Ta há chẳng đáng cho nàng hơn mười đứa con trai ư?” (1 Sa-mu-ên 1:8) Có lẽ Ên-ca-na không biết những hành động của Phê-ni-na, và dường như An-ne muốn chịu đựng trong im lặng thay vì than vãn. Dù trong trường hợp nào, người phụ nữ tin kính này cũng cầu nguyện với Đức Giê-hô-va để tìm sự bình an.

Lời hứa nguyện của An-ne

Người ta ăn của-lễ thù ân trong đền Đức Giê-hô-va. Sau khi rời phòng ăn, An-ne đi cầu nguyện với Đức Chúa Trời. (1 Sa-mu-ên 1:9, 10) Bà cầu xin: “Ôi, Đức Giê-hô-va của vạn-quân, nếu Ngài đoái xem nỗi sầu-khổ của con đòi Ngài, nhớ lại nó chẳng quên, và ban cho con đòi Ngài một đứa trai, thì tôi sẽ phú dâng nó trọn đời cho Đức Giê-hô-va, và dao cạo sẽ chẳng đưa ngang qua đầu nó”.—1 Sa-mu-ên 1:11.

Lời cầu xin của An-ne rất cụ thể. Bà xin một con trai và hứa nguyện rằng con trai ấy sẽ được dâng cho Đức Giê-hô-va để làm người Na-xi-rê trọn đời. (Dân-số Ký 6:1-5) Lời hứa nguyện ấy phải được chồng bà chấp thuận, và sau này hành động của Ên-ca-na cho thấy ông đồng tình với lời hứa nguyện của người vợ yêu dấu.—Dân-số Ký 30:6-8.

Cách An-ne cầu nguyện đã khiến cho Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm Hê-li tưởng bà say. Môi bà mấp máy, nhưng vì An-ne nói thầm trong lòng nên ông không nghe tiếng bà. Bà cầu nguyện tha thiết. (1 Sa-mu-ên 1:12-14) Hãy thử nghĩ xem An-ne cảm thấy thế nào khi Hê-li đến quở trách bà, nói rằng bà say! Tuy thế, An-ne vẫn lễ phép trả lời. Khi Hê-li hiểu An-ne đang cầu nguyện về “nỗi đau-đớn và ưu-phiền quá độ [của bà]”, ông nói: “Nguyện Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên nhậm lời nàng”. (1 Sa-mu-ên 1:15-17) Sau đó, An-ne lui về và ăn, “nét mặt nàng chẳng còn ra ưu-sầu nữa”.—1 Sa-mu-ên 1:18.

Chúng ta có thể học được gì từ những điều này? Khi cầu nguyện về những nỗi lo lắng riêng, hãy nói lên cảm xúc của mình và tha thiết cầu xin Đức Chúa Trời giúp giải quyết vấn đề. Nếu chúng ta không thể làm gì hơn, hãy để vấn đề lại cho Đức Giê-hô-va. Đó là con đường tốt nhất.—Châm-ngôn 3:5, 6.

Sau khi cầu xin một cách chân thành, tôi tớ Đức Giê-hô-va thường cảm nghiệm được sự bình an như An-ne. Về việc cầu nguyện, Phao-lô nói: “Chớ lo-phiền chi hết, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu-nguyện, nài-xin, và sự tạ ơn mà trình các sự cầu-xin của mình cho Đức Chúa Trời. Sự bình-an của Đức Chúa Trời vượt-quá mọi sự hiểu-biết, sẽ giữ-gìn lòng và ý-tưởng anh em trong Đức Chúa Jêsus-Christ”. (Phi-líp 4:6, 7) Khi trao gánh nặng cho Đức Giê-hô-va, chúng ta phải để Ngài lo. Như An-ne, một khi đã làm thế, chúng ta không cần buồn rầu nữa.—Thi-thiên 55:22.

Một con trai dâng cho Đức Giê-hô-va

Bây giờ Đức Chúa Trời nhớ đến An-ne; bà có thai và sinh một con trai. (1 Sa-mu-ên 1:19, 20) Đây là một trong vài trường hợp Kinh Thánh ghi lại việc Đức Giê-hô-va can thiệp vào sự chào đời của tôi tớ Ngài. Sa-mu-ên, con trai của Ên-ca-na và An-ne, sẽ trở thành nhà tiên tri của Đức Giê-hô-va và là người giữ vai trò quan trọng trong việc thiết lập triều đại vua chúa ở Y-sơ-ra-ên.

Chắc hẳn An-ne đã bắt đầu dạy Sa-mu-ên về Đức Giê-hô-va từ thuở bé. Nhưng bà có quên lời hứa nguyện của mình không? Hoàn toàn không! Bà nói: “Khi đứa trẻ dứt sữa, tôi sẽ dẫn nó lên, để nó ra mắt Đức Giê-hô-va, và ở đó luôn luôn”. Khi Sa-mu-ên dứt sữa, có lẽ được ba tuổi hoặc hơn, An-ne mang Sa-mu-ên đến đền Đức Giê-hô-va, đúng như lời bà hứa nguyện.—1 Sa-mu-ên 1:21-24; 2 Sử-ký 31:16.

Sau khi dâng của-lễ cho Đức Giê-hô-va, An-ne và chồng dẫn Sa-mu-ên đến gặp Hê-li. Có lẽ bà đã nắm tay con trai bé bỏng trong khi nói với Hê-li: “Xin lỗi, chúa! Xưa có người đàn-bà đứng tại đây, gần bên ông, đặng cầu-khẩn Đức Giê-hô-va; tôi chỉ sanh-mạng ông mà thề rằng tôi là người đó. Ấy vì đứa trẻ nầy mà tôi cầu-nguyện. Đức Giê-hô-va đã nhậm lời tôi đã cầu-xin cùng Ngài. Vì vậy, tôi cũng dâng nó cho Đức Giê-hô-va; tôi cho Đức Giê-hô-va mượn nó trọn đời nó”. Kể từ đó, Sa-mu-ên bắt đầu cuộc đời phụng sự Đức Giê-hô-va.—1 Sa-mu-ên 1:25-28; 2:11.

Thời gian trôi qua, hiển nhiên An-ne không quên Sa-mu-ên. Kinh Thánh cho biết: “Mỗi năm, mẹ người may cho một cái áo dài nhỏ, đem ban cho người trong khi đi lên với chồng đặng dâng của-lễ hằng năm”. (1 Sa-mu-ên 2:19) Chắc chắn An-ne tiếp tục cầu nguyện cho Sa-mu-ên. Khi đến thăm con hằng năm, hẳn bà luôn khuyến khích Sa-mu-ên giữ trung thành trong công việc phụng sự Đức Chúa Trời.

Một dịp nọ, Hê-li chúc phước cho cha mẹ Sa-mu-ên và nói với Ên-ca-na rằng: “Cầu-xin Đức Giê-hô-va ban cho ngươi những con-cái bởi người nữ nầy, để đổi lấy đứa mà nàng đã cầu nơi Đức Giê-hô-va!” Đúng với lời này, Ên-ca-na và An-ne được ban phước có thêm ba con trai và hai con gái.—1 Sa-mu-ên 2:20, 21.

Ên-ca-na và An-ne quả là gương mẫu tốt cho các bậc cha mẹ theo đạo Đấng Christ! Có thể nói là nhiều cha mẹ đã sẵn lòng dâng con trai con gái mình cho Đức Giê-hô-va qua việc khuyến khích con cái theo đuổi một hình thức của thánh chức trọn thời gian xa nhà. Thật đáng khen ngợi những bậc cha mẹ đầy yêu thương đó về những gì họ đã hy sinh! Đức Giê-hô-va sẽ ban thưởng cho họ.

Lời cầu nguyện vui mừng của An-ne

Trước kia từng hiếm muộn, nay An-ne hạnh phúc biết bao! Kinh Thánh hiếm khi ghi lại lời cầu nguyện của người nữ. Tuy nhiên, chúng ta đọc được hai lời cầu nguyện của An-ne. Một là nói lên cảm xúc của bà khi bị trêu chọc và đau khổ. Hai là lời cảm tạ đầy vui mừng của bà. Bà bắt đầu như sau: “Đức Giê-hô-va khiến lòng tôi khấp-khởi vui-mừng”. Bà hân hoan vì “người đàn-bà vốn son-sẻ, sanh-sản bảy lần”, và ca ngợi Đức Giê-hô-va là Đấng ‘đem người khốn-cùng ra khỏi bụi-đất’. (1 Sa-mu-ên 2:1-10) Thật vậy, Ngài “nâng kẻ khốn cùng lên khỏi đống phân tro”.—1 Sa-mu-ên 2:7, Bản Dịch Mới.

Lời tường thuật được soi dẫn về câu chuyện An-ne cho thấy chúng ta có thể bị tổn thương vì bản chất bất toàn hay vì ác ý của người khác. Tuy nhiên, chúng ta không để những thử thách đó cướp đi niềm vui trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va. Ngài là Đấng vĩ đại nghe lời cầu nguyện, đáp lại lời kêu cầu của những người trung thành, giải cứu họ khỏi hoạn nạn và ban cho họ sự bình an dư dật cùng những ân phước khác.—Thi-thiên 22:23-26; 34:6-8; 65:2.

[Chú thích]

^ đ. 9 Kinh Thánh gọi trung tâm thờ phượng thật là “đền” của Đức Giê-hô-va. Tuy nhiên, trong giai đoạn lịch sử này của dân Y-sơ-ra-ên, hòm giao ước vẫn còn ở trong trại, hay đền tạm. Đền thờ đầu tiên của Đức Giê-hô-va được xây cất dưới triều Vua Sa-lô-môn.—1 Sa-mu-ên 1:9; 2 Sa-mu-ên 7:2, 6; 1 Các Vua 7:51; 8:3, 4.

[Hình nơi trang 17]

An-ne dâng Sa-mu-ên cho Đức Giê-hô-va

[Chú thích]

^ đ. 9 Theo bản Tòa Tổng Giám Mục, câu 1 Sa-mu-ên 1:5 nói: “Còn bà An-na, thì ông chia cho một phần ngon”.