Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Các nhà sao chép xưa và Lời Đức Chúa Trời

Các nhà sao chép xưa và Lời Đức Chúa Trời

Các nhà sao chép xưa và Lời Đức Chúa Trời

KINH THÁNH phần tiếng Hê-bơ-rơ được hoàn tất vào cuối thế kỷ thứ năm TCN. Trong những thế kỷ sau đó, các học giả Do Thái—đặc biệt là nhóm Sopherim và kế đến là nhóm Masorete—đã bảo tồn kỹ lưỡng phần Kinh Thánh này. Tuy nhiên, những sách cổ nhất của Kinh Thánh có từ tận thời Môi-se và Giô-suê, cả ngàn năm trước thời người Sopherim. Vật liệu dùng để viết các sách này lại rất dễ hư nên các cuộn sách phải được sao chép nhiều lần. Người ta biết gì về nghề sao chép thời xa xưa ấy? Có những nhà sao chép giỏi ở xứ Y-sơ-ra-ên xưa không?

Ngày nay, bản chép tay Kinh Thánh cổ nhất mà chúng ta có là những phần của các cuộn sách tại vùng Biển Chết, trong đó một số bản và mảnh đã được sao chép từ thế kỷ thứ hai và thứ ba TCN. Giáo Sư Alan R. Millard, nhà nghiên cứu về khảo cổ và ngôn ngữ vùng Cận Đông, cho biết: “Chúng ta không có bản chép tay Kinh Thánh nào cổ hơn. Tuy nhiên, văn hóa của các dân tộc xung quanh có thể cho thấy cách làm việc của các nhà sao chép thời xưa, từ đó giúp chúng ta đánh giá tính trung thực của văn bản tiếng Hê-bơ-rơ và nguồn gốc của nó”.

Nghề sao chép thời xưa

Các văn bản lịch sử, tôn giáo, pháp lý, chuyên ngành và văn chương đã xuất hiện ở vùng Mê-sô-bô-ta-mi khoảng bốn ngàn năm về trước. Các trường dạy sao chép ngày càng phát triển, và một trong những môn họ dạy là cách sao chép trung thực với bản gốc. Các học giả thời nay chỉ tìm thấy những khác biệt rất nhỏ trong văn bản Ba-by-lôn, vốn được sao đi chép lại nhiều lần trong cả hơn mười thế kỷ.

Nghề sao chép không chỉ có ở vùng Mê-sô-bô-ta-mi. Cuốn The Oxford Encyclopedia of Archaeology in the Near East (Bách khoa từ điển Oxford về khảo cổ học vùng Cận Đông) cho biết: “Những nhà sao chép người Ba-by-lôn vào giữa thế kỷ 20 TCN có lẽ không lạ gì với phương pháp sao chép của các trường trong vùng Mê-sô-bô-ta-mi, Sy-ri, Ca-na-an và cả Ai Cập”. *

Vào thời Môi-se, người làm nghề sao chép có địa vị cao trọng ở Ai Cập. Công việc họ thường làm là chép lại những tác phẩm văn chương. Hoạt động này được mô tả bằng các hình vẽ trang hoàng trong các ngôi mộ Ai Cập có từ bốn ngàn năm trước. Bách khoa từ điển trên cũng nói về các nhà sao chép trong giai đoạn xa xưa này: “Đến thế kỷ 20 TCN, họ đã sao chép nhiều tác phẩm văn chương tiêu biểu của những nền văn minh lớn ở vùng Mê-sô-bô-ta-mi và Ai Cập, đồng thời đặt ra quy tắc cho ngành sao chép”.

“Quy tắc” này bao gồm việc phải thêm phần phụ chú ở cuối văn bản, trong đó ghi lại tên người sao chép, số dòng, ngày hoàn tất, nguồn và chủ nhân của bản sao v.v. . . Người sao chép thường ghi thêm như sau: “Bản này được sao chép và kiểm tra theo đúng nguyên bản”. Những chi tiết trên cho thấy các nhà sao chép thời xưa rất chú trọng đến tính chính xác của các bản sao.

Giáo sư Millard, được đề cập ở trên, cho biết: “Người ta có thể thấy công việc sao chép là một quá trình có quy củ, bao gồm việc kiểm tra và sửa lỗi, cùng với những phương pháp hẳn hoi để giảm thiểu sai sót. Một số phương pháp này, đặc biệt là việc đếm số dòng và từ, cũng xuất hiện trong cách làm việc của người Massorete vào đầu thời Trung Cổ”. Thế nên, vào thời Môi-se và Giô-suê, người Trung Đông đã có ý thức sao chép một cách cẩn thận và chính xác.

Dân Y-sơ-ra-ên xưa có những nhà sao chép giỏi không? Kinh Thánh cho thấy gì về điều này?

Những nhà sao chép của nước Y-sơ-ra-ên xưa

Môi-se lớn lên trong hoàng gia Ai Cập. (Xuất Ê-díp-tô Ký 2:10; Công-vụ 7:21, 22) Theo các học giả nghiên cứu về Ai Cập cổ đại, nền giáo dục Môi-se nhận được hẳn bao gồm việc đọc viết thành thạo ngôn ngữ Ai Cập và biết ít nhất một vài kỹ năng sao chép. Trong cuốn Israel in Egypt (Dân Y-sơ-ra-ên ở Ai Cập), Giáo Sư James K. Hoffmeier cho biết: “Có lý do để tin rằng Môi-se có khả năng ghi lại các sự kiện, những chuyến hành trình và thực hiện những công việc khác của một nhà sao chép, đúng theo tục truyền của người Do Thái”. *

Kinh Thánh nói đến nhiều người Y-sơ-ra-ên khác cũng có kỹ năng sao chép. Theo cuốn lịch sử Kinh Thánh The Cambridge History of the Bible, Môi-se “đã chọn những người biết chữ. . . để ghi lại những quyết định và tổ chức hệ thống nhân sự”. Kết luận này là dựa trên Phục-truyền Luật-lệ Ký 1:15. Câu này nói: “Bấy giờ, ta [Môi-se] chọn lấy những người quan-trưởng của các chi-phái. . . lập lên làm quan-tướng các ngươi, hoặc cai ngàn người, hoặc cai trăm người, hoặc cai năm mươi người, hoặc cai mười người, và làm quản-lý trong những chi-phái của các ngươi”. Những người quản lý này là ai?

Từ Hê-bơ-rơ dịch là người “quản-lý” xuất hiện nhiều lần trong Kinh Thánh liên quan đến thời Môi-se và Giô-suê. Các học giả giải thích từ này có nghĩa là “viên thư ký chuyên ghi lại”, “người ‘viết’ hoặc ‘chép lại’ ” và “viên chức giúp quan xét trong việc giấy tờ”. Số lần từ Hê-bơ-rơ này xuất hiện cho thấy có một số lớn người làm nghề này trong dân Y-sơ-ra-ên, và họ có trách nhiệm quan trọng trong guồng máy nhà nước lúc bấy giờ.

Một thí dụ khác là về các thầy tế lễ của Y-sơ-ra-ên. Cuốn Encyclopaedia Judaica (Bách khoa từ điển Do Thái) bình luận rằng “các hoạt động tôn giáo và ngoài đời đòi hỏi họ cần phải biết đọc biết viết”. Chẳng hạn, Môi-se ra lệnh cho những người nam thuộc dòng Lê-vi: “Cuối bảy năm. . . ngươi phải đọc luật nầy trước cả Y-sơ-ra-ên”. Các thầy tế lễ trở thành người giữ gìn bản sao chính thức của Luật Pháp. Họ chọn người sao chép và trực tiếp giám sát công việc đó.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 17:18, 19; 31:10, 11.

Hãy xem xét cách thực hiện bản sao đầu tiên của Luật Pháp. Trong tháng cuối cùng của đời mình, Môi-se nói với dân Y-sơ-ra-ên: “Khi ngươi đã qua sông Giô-đanh đặng vào xứ mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi ban cho ngươi, thì phải dựng những bia đá lớn và thoa vôi. . . hãy ghi trên các bia đá đó những lời của luật-pháp nầy”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 27:1-4) Sau khi hủy diệt thành Giê-ri-cô và A-hi, dân Y-sơ-ra-ên tụ họp lại ở núi Ê-banh, trung tâm của Đất Hứa. Tại đó, Giô-suê quả đã khắc trên các bia đá của bàn thờ ‘một bản luật-pháp của Môi-se’. (Giô-suê 8:30-32) Điều này chỉ được thực hiện khi người dân biết đọc biết viết. Như vậy, người Y-sơ-ra-ên thời ban đầu đã có đủ trình độ và kỹ năng cần thiết để bảo tồn tính chính xác cho các kinh sách của họ.

Sự toàn vẹn của Kinh Thánh

Sau thời Môi-se và Giô-suê, các cuộn sách khác của phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ được viết ra và sao chép bằng tay. Khi các bản chép tay này quá cũ hoặc bị hư hỏng vì không khí ẩm ướt và mốc, người ta đã chép lại những bản đó. Quá trình sao chép này được duy trì trong hàng thế kỷ.

Dù những nhà sao chép đã rất cẩn thận nhưng cũng không thể tránh khỏi một vài sai sót. Song những sai sót đó có ảnh hưởng đáng kể đến nội dung của Kinh Thánh không? Không. Khi cẩn thận đối chiếu các bản chép tay cổ này với nhau, người ta nhận thấy những lỗi này không quan trọng và không làm thay đổi nội dung của Kinh Thánh.

Đối với các tín đồ Đấng Christ, quan điểm của Chúa Giê-su về những sách Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ là một sự khẳng định về tính toàn vẹn của các văn bản Kinh Thánh. Chúa Giê-su từng nói: “Trong sách Môi-se có chép. . . ” và “Môi-se há chẳng ban luật-pháp cho các ngươi sao?” Rõ ràng, ngài xem những bản chép tay đã có khi ngài đến trên đất là đáng tin cậy. (Mác 12:26; Giăng 7:19) Hơn nữa, Chúa Giê-su cũng khẳng định tính toàn vẹn của cả phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ khi ngài nói: “Mọi sự đã chép về ta trong luật-pháp Môi-se, các sách tiên-tri, cùng các thi-thiên phải được ứng-nghiệm”.—Lu-ca 24:44.

Vì thế, chúng ta có lý do để tin chắc rằng từ thời xa xưa, Kinh Thánh đã được sao chép một cách chính xác, như nhà tiên tri Ê-sai được soi dẫn viết: “Cỏ khô, hoa rụng; nhưng lời của Đức Chúa Trời chúng ta còn mãi đời đời!”—Ê-sai 40:8.

[Chú thích]

^ đ. 6 Giô-suê, người sống vào giữa thế kỷ 20 TCN, có nói đến một thành ở Ca-na-an gọi là Ki-ri-át-Sê-phe. Tên này mang ý nghĩa “Thị trấn sách” hoặc “Thị trấn của các nhà sao chép”.—Giô-suê 15:15, 16.

^ đ. 12 Những vấn đề pháp lý do Môi-se ghi lại có thể xem ở Xuất Ê-díp-tô Ký 24:4, 7; 34:27, 28; Phục-truyền Luật-lệ Ký 31:24-26. Ông cũng ghi lại một bài hát nơi Phục-truyền Luật-lệ Ký 31:22, và chuyến hành trình trong đồng vắng nơi Dân-số Ký 33:2.

[Hình nơi trang 18]

Một người Ai Cập đang sao chép

[Hình nơi trang 19]

Những sách cổ nhất của Kinh Thánh có từ tận thời Môi-se