Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bảo toàn mạng sống nhờ tin lời tiên tri trong Kinh Thánh

Bảo toàn mạng sống nhờ tin lời tiên tri trong Kinh Thánh

Bảo toàn mạng sống nhờ tin lời tiên tri trong Kinh Thánh

CHÚA GIÊ-SU đang rời khỏi thành Giê-ru-sa-lem lần cuối cùng, thì một môn đồ ngài thốt lên: “Thưa thầy, hãy xem đá và các nhà nầy là dường nào!” Đền thờ là niềm tự hào của dân tộc Do Thái. Nhưng Chúa Giê-su phán: “Ngươi thấy các nhà lớn nầy ư? Rồi ra sẽ không còn một hòn đá sót lại trên một hòn khác nữa: cả thảy đều đổ xuống”.—Mác 13:1, 2.

Quả là điều khủng khiếp! Đền thờ có những phiến đá khổng lồ. Hơn nữa, điều Chúa Giê-su nói không những ám chỉ sự hủy phá thành Giê-ru-sa-lem, mà có lẽ cả sự diệt vong của nước Do Thái, nơi đền thờ là trung tâm của sự thờ phượng. Vì thế, các môn đồ hỏi thêm: “Xin thầy nói cho chúng tôi biết lúc nào các điều đó xảy đến, và có điềm chi cho người ta biết các sự đó sẽ hoàn-thành?”—Mác 13:3, 4.

Chúa Giê-su lưu ý các môn đồ rằng sự “cuối-cùng” sẽ chưa đến ngay. Trước hết, họ sẽ nghe nói về chiến tranh, động đất, đói kém và dịch lệ ở nhiều nơi. Sau đó, nhiều biến cố lớn sẽ xảy ra, nhận chìm quốc gia Do Thái trong một thảm họa khủng khiếp chưa từng thấy trong lịch sử, thật vậy, trong “hoạn-nạn lớn”. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời sẽ can thiệp để cứu “các người được chọn”, tức các tín đồ trung thành của Đấng Christ. Bằng cách nào?—Mác 13:7; Ma-thi-ơ 24:7, 21, 22; Lu-ca 21:10, 11.

Chống lại La Mã

Hai mươi tám năm đã trôi qua nhưng các tín đồ Đấng Christ ở Giê-ru-sa-lem vẫn chưa thấy sự cuối cùng đó. Đế quốc La Mã đã bị giày xéo bởi chiến tranh, động đất, đói kém và dịch lệ (xin xem khung nơi trang 9). Xứ Giu-đê là một điểm nóng với nhiều cuộc xung đột trong dân chúng và giữa các sắc tộc. Tuy nhiên, bên trong sự bảo vệ của tường thành Giê-ru-sa-lem, cuộc sống tương đối bình lặng. Người ta vẫn ăn uống, làm việc, cưới hỏi và sinh con như thường lệ. Đền thờ nguy nga sừng sững nằm đó cho người ta cảm giác thành Giê-ru-sa-lem sẽ yên ổn, trường tồn.

Khoảng năm 61 CN, tín đồ Đấng Christ ở Giê-ru-sa-lem nhận được thư của sứ đồ Phao-lô. Ông khen ngợi lòng nhịn nhục của họ, nhưng cũng bày tỏ sự lo ngại là vài người trong hội thánh có vẻ thiếu tinh thần khẩn trương. Một số người đang bị trôi lạc về thiêng liêng hoặc tỏ ra thiếu thành thục. (Hê-bơ-rơ 2:1; 5:11, 12) Phao-lô khuyến giục họ: “Vậy chớ bỏ lòng dạn-dĩ mình. . . Còn ít lâu, thật ít lâu nữa, thì Đấng đến sẽ đến; Ngài không chậm-trễ đâu. Người công-bình của ta sẽ cậy đức-tin mà sống, nhưng nếu lui đi thì linh-hồn ta chẳng lấy làm đẹp chút nào”. (Hê-bơ-rơ 10:35-38) Quả là lời khuyên đúng lúc! Nhưng liệu các tín đồ Đấng Christ ở đó có thực hành đức tin và tiếp tục chú ý đến sự ứng nghiệm lời cảnh báo của Chúa Giê-su không? Sự cuối cùng, hay kết liễu, của thành Giê-ru-sa-lem có thật sự gần kề không?

Trong 5 năm sau đó, tình hình thành Giê-ru-sa-lem ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Cuối cùng vào năm 66 CN, Florus, một tổng trấn La Mã tham nhũng, đã làm người Do Thái vô cùng tức giận và nổi dậy chống chính quyền khi ông lấy danh nghĩa “tiền nợ thuế” để cướp đoạt 17 ta-lâng từ ngân khố của đền thờ thánh. Quân nổi dậy tràn vào khắp thành Giê-ru-sa-lem, đánh giết lính La Mã. Sau đó, họ hùng dũng tuyên bố Giu-đê là xứ độc lập, thoát khỏi sự đô hộ của La Mã. Giu-đê và La Mã bắt đầu tuyên chiến!

Chỉ trong ba tháng sau, tổng trấn La Mã xứ Sy-ri là Cestius Gallus đã chỉ huy 30.000 quân tiến về phía nam để dập tắt cuộc nổi dậy của người Do Thái. Quân đội của ông đến Giê-ru-sa-lem nhằm mùa Lễ Lều Tạm, và nhanh chóng băng qua vùng ngoại ô. Vì ít quân hơn, nên phe nổi dậy cố thủ bên trong pháo đài đền thờ. Lính La Mã nhanh chóng bắt tay phá tường đền thờ. Điều này khiến người Do Thái kinh hoảng, vì những kẻ ngoại giáo đang làm ô uế nơi chí thánh của Do Thái Giáo! Trong khi đó, các tín đồ Đấng Christ trong thành nhớ lại lời cảnh báo của Chúa Giê-su: ‘Khi các ngươi sẽ thấy sự gớm-ghiếc lập ra trong nơi thánh, thì ai ở trong xứ Giu-đê hãy trốn lên núi’. (Ma-thi-ơ 24:15, 16) Liệu họ có tin lời tiên tri của Chúa Giê-su và hành động phù hợp với lời ấy không? Như chúng ta sẽ thấy, sự sống của họ tùy thuộc vào việc vâng lời. Nhưng làm sao để trốn?

Bất ngờ thay, không rõ vì lý do gì, Cestius Gallus quyết định rút quân về phía bờ biển và bị phe nổi dậy ráo riết đuổi theo. Thật lạ lùng, thành Giê-ru-sa-lem nhanh chóng thoát nạn! Biểu lộ đức tin nơi lời cảnh báo của Chúa Giê-su, các tín đồ Đấng Christ nhanh chóng rời khỏi Giê-ru-sa-lem và đến trú ở Pella, một thành trung lập nằm trên vùng núi đối ngang Sông Giô-đanh. Họ đã kịp thời trốn thoát. Chẳng bao lâu sau, quân nổi dậy quay về Giê-ru-sa-lem và buộc tất cả cư dân còn lại trong thành phải tham gia cuộc nổi dậy. * Các tín đồ Đấng Christ, nay đã an toàn ở Pella, có thể bình an theo dõi diễn biến của cuộc chiến.

Rơi vào tình trạng hỗn loạn

Mấy tháng sau, một đạo binh La Mã khác bắt đầu hành quân về phía Giê-ru-sa-lem. Năm 67 CN, Tướng Vespasian và con trai ông, là Titus, tập hợp một đạo binh lên tới 60.000 quân. Suốt hai năm tiếp theo, đạo binh hùng hậu này tiến thẳng tới Giê-ru-sa-lem, đập tan mọi nỗ lực kháng cự trên đường đi của nó. Trong khi đó, bên trong thành Giê-ru-sa-lem, các đảng phái Do Thái lại chém giết lẫn nhau. Kho dự trữ lương thực của thành bị phá hủy, khu vực xung quanh đền thờ bị san thành bình địa, và hơn 20.000 người Do Thái bị giết. Tướng Vespasian cho quân đội đi chậm lại. Ông nói: ‘Trời là vị tướng La Mã tài ba hơn ta; quân thù đang tự giết lẫn nhau’.

Khi Hoàng Đế La Mã Nero qua đời, Vespasian lập tức quay về Rô-ma để bảo vệ ngai vàng, giao cho Titus trách nhiệm hoàn tất cuộc chinh phục xứ Giu-đê. Đạo quân của Titus đến Giê-ru-sa-lem vào gần Lễ Vượt Qua năm 70 CN và bao vây thành, khiến tất cả dân cư và người hành hương bị kẹt trong thành. Quân lính của ông đốn hết cây ở vùng nông thôn Giu-đê và đẽo nhọn đầu để dựng một tường rào dài 7 kilômét bao quanh thành, đúng như Chúa Giê-su tiên tri: “Quân nghịch đào hố xung-quanh mầy, vây mầy chặt bốn bề”.—Lu-ca 19:43.

Nạn đói nhanh chóng bao trùm khắp cả thành. Nhiều kẻ bất hảo trang bị vũ khí để đi cướp của những gia đình đã chết hết hoặc sắp chết. Ít nhất một phụ nữ đã lâm vào hoàn cảnh tuyệt vọng đến độ giết và ăn thịt chính con mình, làm ứng nghiệm lời tiên báo: “Trong lúc bị vây, và khi quân nghịch làm cho túng thế cùng đường, ngươi sẽ ăn hoa-quả của thân-thể mình, tức là ăn thịt của con trai và con gái mình”.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 28:53-57.

Cuối cùng, sau năm tháng bị vây hãm, thành Giê-ru-sa-lem hoàn toàn sụp đổ. Thành cùng với đền thờ nguy nga của nó bị cướp phá và thiêu hủy tàn khốc đến độ không còn hòn đá nào trên hòn đá nào. (Đa-ni-ên 9:26) Tổng số người thiệt mạng lên tới 1.100.000 người; 97.000 người khác bị bán làm nô lệ. * (Phục-truyền Luật-lệ Ký 28:68) Cả xứ Giu-đê, hầu như không còn một bóng người Do Thái. Quả thật, đó là một thảm họa chưa từng thấy, một bước ngoặt lớn trong đời sống chính trị, tôn giáo và văn hóa của người Do Thái. *

Trong khi đó, các tín đồ Đấng Christ ở Pella chân thành tạ ơn Đức Chúa Trời vì được thoát khỏi tai họa. Họ đã bảo toàn mạng sống nhờ tin lời tiên tri trong Kinh Thánh!

Khi xem lại những biến cố trên, mỗi người chúng ta nên tự hỏi: ‘Tôi có đủ đức tin để bảo toàn mạng sống qua ngày hoạn nạn lớn sắp đến không? Tôi có phải là “kẻ giữ đức-tin cho linh-hồn được cứu-rỗi” không?’—Hê-bơ-rơ 10:39; Khải-huyền 7:14.

[Chú thích]

^ đ. 10 Sử gia Josephus của Do Thái cho biết phe nổi dậy đuổi theo quân La Mã bảy ngày mới trở lại Giê-ru-sa-lem.

^ đ. 15 Theo một nguồn ước tính, hơn một phần bảy tổng số dân Do Thái trong đế quốc La Mã bị giết.

^ đ. 15 Học giả Kinh Thánh Alfred Edersheim, người Do Thái, viết: “Đối với nước Y-sơ-ra-ên, đây là thảm họa độc nhất vô nhị trong suốt lịch sử đầy xung đột của họ, và cả trong những năm đẫm máu về sau”.

[Biểu đồ/​Bảng thống kê nơi trang 9]

Những khía cạnh của điềm được ứng nghiệm vào thế kỷ thứ nhất

CHIẾN TRANH:

Xứ Gaul (39-40 CN)

Bắc Phi (41 CN)

Anh Quốc (43, 60 CN)

Armenia (58-62 CN)

Các cuộc xung đột trong dân chúng và giữa các sắc tộc ở xứ Giu-đê (50-66 CN)

ĐỘNG ĐẤT:

Rô-ma (54 CN)

Pompeii (62 CN)

Tiểu Á (53, 62 CN)

Cơ-rết (62 CN)

ĐÓI KÉM:

La Mã, Hy Lạp, Ai Cập (khoảng 42 CN)

Xứ Giu-đê (khoảng 46 CN)

DỊCH LỆ:

Ba-by-lôn (40 CN)

Rô-ma (60, 65 CN)

TIÊN TRI GIẢ:

Xứ Giu-đê (khoảng 56 CN)

[Bản đồ/​Hình nơi trang 10]

(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)

La Mã chinh phục xứ Giu-đê, năm 67-70 CN

Bê-tô-lê-mai

Biển Ga-li-lê

Pella

PHÊ-RÊ

SA-MA-RI

Giê-ru-sa-lem

Biển Mặn (Biển Chết)

GIU-ĐÊ

Sê-sa-rê

[Nguồn tư liệu]

Map only: Based on maps copyrighted by Pictorial Archive (Near Eastern History) Est. and Survey of Israel

[Hình nơi trang 11]

‘Quân thù đang tự giết lẫn nhau’.—Vespasian

[Các hình nơi trang 11]

Quân La Mã hủy phá thành Giê-ru-sa-lem vào năm 70 CN

[Nguồn hình ảnh nơi trang 11]

Phù điêu: Soprintendenza Archeologica di Roma; Vespasian: Bildarchiv Preussischer Kulturbesitz/Art Resource, NY