Công việc đào tạo môn đồ đã định hướng đời tôi
Tự Truyện
Công việc đào tạo môn đồ đã định hướng đời tôi
Do Lynette Peters kể lại
Họ đến để giúp chúng tôi di tản. Một người lính bắn tỉa đứng trên nóc tòa nhà. Lính thủy quân lục chiến nằm sấp trên cỏ, súng lên đạn sẵn sàng. Khi chạy gấp đến chiếc máy bay trực thăng đang đợi vào sáng Chủ Nhật hôm đó, những người bạn giáo sĩ và tôi phải cố hết sức giữ bình tĩnh. Trong phút chốc, trực thăng cất cánh, và mười phút sau chúng tôi an toàn lên một chiếc tàu chiến đậu ngoài khơi.
SÁNG hôm sau, chúng tôi được tin là quân nổi loạn đã ném bom vào khách sạn mà chúng tôi lánh nạn đêm hôm trước. Những năm xung đột trong nước cuối cùng đã đưa Sierra Leone vào cuộc nội chiến toàn diện. Tất cả người nước ngoài, kể cả chúng tôi, đành phải rời nước này ngay khi được báo là có chiến tranh. Tại sao tôi rơi vào hoàn cảnh đó, xin để tôi giải thích từ đầu.
Tôi lớn lên ở nước Guiana thuộc Anh Quốc, được đổi tên thành Guyana kể từ năm 1966. Tuổi thơ của tôi vào thập niên 1950 là những chuỗi ngày vô tư và hồn nhiên. Hầu hết các bậc cha mẹ đều coi trọng học vấn và muốn con cái mình học giỏi. Tôi nhớ lại là có lần một người thư ký nhà băng đã hỏi ba tôi: “Sao ông đầu tư cho con ăn học nhiều như vậy?” Ba tôi trả lời: “Học giỏi mới bảo đảm tương lai cho chúng nó”. Lúc đó, ba tôi nghĩ rằng những trường nổi tiếng mới dạy giỏi, nhưng về sau ba tôi thay đổi quan điểm.
Khi tôi lên 11 tuổi, mẹ tôi bắt đầu học Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va. Trước đó mẹ có đến Phòng Nước Trời với một bà hàng
xóm. Những gì mà hai người nghe tối hôm đó khiến họ tin là đã tìm được lẽ thật. Sau đó, mẹ tôi kể cho một bà hàng xóm khác những điều đã được thảo luận. Không lâu sau, cả ba đều học với giáo sĩ Daphne Harry (sau này gọi là chị Baird) và Rose Cuffie. Chưa đầy một năm, mẹ và hai người bạn đều làm báp têm. Sau 5 năm, ba tôi bỏ giáo hội Cơ Đốc Phục Lâm và làm báp têm để trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va.Khi còn nhỏ, tôi và hai em gái—ba chị em lớn trong gia đình có mười người con—thường đến nhà giáo sĩ, nơi chị Daphne và chị Rose cư ngụ. Chúng tôi rất vui và ở lại đó hàng giờ. Vào những dịp này, chúng tôi nghe các chị kể lại những kinh nghiệm rao giảng. Các chị giáo sĩ luôn vui vẻ, không mệt mỏi khi chăm sóc người khác về mặt thiêng liêng. Gương của các chị đã khắc ghi vào lòng tôi niềm khao khát được làm giáo sĩ.
Tuy nhiên, điều gì đã giúp tôi tiếp tục giữ vững mục tiêu làm thánh chức trọn thời gian trong khi họ hàng và bạn bè theo đuổi công danh, sự nghiệp? Có rất nhiều cơ hội trước mắt tôi—tôi có thể chọn theo ngành luật, âm nhạc, y khoa hoặc những ngành khác. Tuy nhiên, gương tốt của cha mẹ hướng tôi đi theo đường lối đúng. Cha mẹ tôi sống theo lẽ thật, siêng năng học Kinh Thánh, và tận tụy giúp người khác hiểu biết về Đức Giê-hô-va. * Hơn nữa, cha mẹ thường mời những anh chị phục vụ trọn thời gian đến nhà. Niềm vui và sự mãn nguyện nơi các anh chị đó càng nung nấu trong tôi lòng ao ước để công việc đào tạo môn đồ định hướng đời tôi.
Lúc 15 tuổi, tôi làm báp têm và khi học xong trung học, tôi tham gia vào công việc tiên phong đều đều. Cô Philomena, một nhân viên bệnh viện, là người đầu tiên tôi giúp tiến bộ đến việc dâng mình và làm báp têm. Niềm vui khi thấy cô ngày càng yêu mến Đức Giê-hô-va đã thôi thúc tôi tiếp tục thánh chức trọn thời gian. Không lâu sau đó, tôi được đề nghị một việc làm tốt hơn tại một cơ quan chính phủ, nơi tôi đang làm thư ký. Song tôi từ chối để tiếp tục công việc tiên phong.
Tôi vẫn sống với cha mẹ, và các giáo sĩ tiếp tục đến thăm chúng tôi. Tôi rất thích nghe những kinh nghiệm của họ! Tất cả những điều này khiến tôi càng ao ước được làm giáo sĩ, mặc dù đó có vẻ là một điều xa vời. Hồi đó và ngay cả bây giờ, nhiều giáo sĩ vẫn tiếp tục được gửi đến Guyana. Một ngày vào năm 1969, tôi ngạc nhiên nhưng rất sung sướng khi được mời học Trường Kinh Thánh Ga-la-át của Hội Tháp Canh tại Brooklyn, New York.
Một nhiệm vụ bất ngờ
Có 54 học viên đến từ 21 nước tham dự khóa thứ 48 của Trường Ga-la-át. Trong số
đó, 17 người chúng tôi là những người nữ độc thân. Dù 37 năm đã trôi qua, nhưng tôi vẫn nhớ rõ khoảng thời gian 5 tháng đó. Có rất nhiều điều mà chúng tôi phải học—không những các lẽ thật của Kinh Thánh mà còn cả những đề nghị thực tiễn và những lời khuyên cho đời sống làm giáo sĩ trong tương lai. Chẳng hạn như tôi học cách làm theo các chỉ dẫn, biết giữ thăng bằng trong việc ăn mặc và bền chí dù gặp hoàn cảnh khó khăn.Cha mẹ tôi bao giờ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đi nhóm họp. Nếu ai không đi nhóm họp vào Chủ Nhật vì không được khỏe thì người đó cũng không thể bỗng dưng khỏe lại để đi nghe nhạc hoặc xem kịch tối hôm sau. Tuy nhiên, một thời gian trong khi tham dự trường Ga-la-át, tôi không đi nhóm họp đầy đủ. Một tối Thứ Sáu, tôi cố tìm cách bào chữa với anh Don và chị Dolores Adams, cặp vợ chồng ở nhà Bê-tên thường cho tôi đi nhờ xe. Ôi! Bài vở quá nhiều! Sao tôi có đủ thì giờ để tham dự Trường Thánh Chức Thần Quyền và Buổi Họp Công Tác? Sau khi lý luận với tôi một lúc, anh Adams nói: “Em hãy để lương tâm hướng dẫn”. Tôi nghe lời anh khuyên và không bỏ nhóm họp tối hôm đó hoặc bất cứ tối nào sau đó. Qua năm tháng, ngoại trừ trong những trường hợp bất đắc dĩ, tôi không để bất cứ điều gì cản trở tôi đi nhóm họp.
Khoảng giữa khóa học, các học viên bắt đầu bàn tán về chuyện ai sẽ được gửi đi nước nào. Tôi luôn nghĩ thầm rằng mình sẽ được gửi đi Guyana, nơi đang cần nhiều người rao giảng. Hãy tưởng tượng tôi ngạc nhiên đến mức nào khi được biết mình không trở về quê nhà. Thay vì đi Guyana, tôi được gửi đi Sierra Leone, Tây Phi. Tôi thật biết ơn Đức Giê-hô-va xiết bao vì ước nguyện được làm giáo sĩ xa nhà cuối cùng đã thành sự thật!
Nhiều điều cần phải học
“Đẹp như tranh!” Đó là những từ thích hợp nhất để nói lên cảm tưởng đầu tiên của tôi đối với Sierra Leone, một đất nước với nhiều đồi, núi, vịnh và bãi biển. Tuy nhiên, cái đẹp thực sự của đất nước Tây Phi này là ở nơi con người. Lòng nhân từ và tử tế của họ khiến ngay cả người nước ngoài cũng cảm thấy thoải mái. Điều này thật sự giúp các giáo sĩ mới quên đi nỗi nhớ nhà. Người dân Sierra Leone thích nói về phong tục cũng như văn hóa của mình, và nhất là giúp những người mới đến thông thạo tiếng Krio, ngôn ngữ phổ thông của nước đó.
Tiếng Krio có nhiều câu tục ngữ sống động. Thí dụ, “Khỉ nhỏ làm, khỉ lớn ăn” có nghĩa người trồng không luôn luôn là người được ăn trái. Câu này miêu tả thật đúng biết bao sự bất công thường thấy trên khắp thế giới!—Ê-sai 65:22.
Tôi cảm thấy việc rao giảng và đào tạo môn đồ ở đó luôn đem lại sự vui mừng. Hiếm khi tôi gặp người không lưu ý đến Kinh Thánh. Qua nhiều năm tháng, các giáo sĩ và những tôi tớ phụng sự Đức Giê-hô-va lâu năm đã giúp được nhiều người—cả già lẫn trẻ, thuộc mọi tầng lớp xã hội và bộ lạc—chấp nhận lẽ thật.
Chị Erla St. Hill, bạn rao giảng đầu tiên của tôi trong công việc làm giáo sĩ, là người làm việc không biết mệt. Chị sốt sắng trong công việc rao giảng nhưng cũng không kém siêng Mác 10:29, 30.
năng chu toàn trách nhiệm trong nhà giáo sĩ. Chị giúp tôi hiểu tầm quan trọng của nhiều điều, chẳng hạn như làm quen với những người hàng xóm, đi thăm những anh chị Nhân Chứng ốm đau và những người chú ý, cũng như phụ giúp công việc trong những buổi tang lễ nếu có thể được. Chị còn giúp tôi ý thức rõ tầm quan trọng của việc không bao giờ rời khu vực sau khi rao giảng mà không ghé thăm anh chị em sống trong khu vực, dù chỉ chốc lát. Khi làm những điều này, tôi thấy không lâu sau tôi có thêm mẹ, anh chị em cũng như bạn bè, và nơi này trở thành quê hương của tôi.—Tôi cũng kết thân với những người bạn giáo sĩ thành thục cùng phụng sự với tôi. Trong số những người này có chị bạn chung phòng với tôi là chị Adna Byrd, người phụng sự tại Sierra Leone từ năm 1978 tới 1981, và chị Cheryl Ferguson, bạn chung phòng với tôi trong 24 năm qua.
Nội chiến đưa đến nhiều thử thách
Vào năm 1997, khoảng một tháng sau khi khánh thành văn phòng chi nhánh mới ở Sierra Leone, chiến tranh buộc chúng tôi phải di tản ra khỏi nước này, như tôi kể lúc đầu. Sáu năm trước đó, chúng tôi lấy làm cảm kích khi thấy đức tin của các anh chị Liberia, những Nhân Chứng đã phải bỏ quê hương, chạy sang Sierra Leone để lánh nạn. Một số anh chị này đến với hai bàn tay trắng. Dù hoàn cảnh khó khăn, họ vẫn tham gia vào thánh chức mỗi ngày. Tôi thật cảm động khi thấy họ bày tỏ lòng yêu mến Đức Giê-hô-va và tình yêu thương đối với người khác.
Giờ đây thì chính chúng tôi là những người tị nạn ở nước Guinea. Chúng tôi noi gương những anh chị Liberia, tiếp tục tin cậy nơi Đức Giê-hô-va và đặt quyền lợi Nước Trời lên hàng đầu. Một năm sau, chúng tôi mới có thể trở lại Sierra Leone, nhưng chỉ trong vòng bảy tháng, chiến tranh bùng nổ và chúng tôi lại phải di tản sang Guinea một lần nữa.
Không bao lâu sau, chúng tôi biết được là lính của một phe đã đóng tại nhà giáo sĩ của chúng tôi ở Kissy và họ lấy hoặc hủy phá những đồ dùng cá nhân của chúng tôi. Thay vì buồn bực, chúng tôi cám ơn Đức Chúa Trời là mình vẫn còn sống. Chúng tôi chỉ còn vài manh áo, nhưng vẫn lo liệu được.
Sau khi di tản lần thứ nhì, bạn chung phòng với tôi là chị Cheryl và tôi ở lại Guinea. Điều này có nghĩa là chúng tôi phải học tiếng Pháp. Một vài người bạn giáo sĩ nhanh chóng nói những câu mà họ học được. Họ không ngượng ngùng khi nói sai. Riêng tôi, tôi không thích nói sai, vì thế tôi chỉ nói tiếng Pháp khi nào thật cần thiết mà thôi. Tôi cảm thấy rất khổ sở. Mỗi ngày tôi phải nhắc mình nhớ lý do tại sao tôi ở Guinea. Đó là giúp người khác biết về Đức Giê-hô-va.
Dần dần tôi tiến bộ nhờ học và nghe những người nói giỏi, và nhờ các em nhỏ trong hội thánh giúp vì các em không ngại sửa lỗi của tôi. Rồi, bỗng nhiên có sự trợ giúp đúng lúc đến từ tổ chức của Đức Giê-hô-va. Từ tháng 9 năm 2001, tờ Thánh Chức Nước Trời đưa ra thêm những lời đề nghị về cách giới thiệu tạp chí, ngoài những ý kiến để mời những người theo các đạo khác nhận sách và sách mỏng. Giờ đây tôi cảm thấy tự tin khi đi rao giảng dù tôi vẫn chưa nói được tiếng Pháp một cách trôi chảy như tiếng mẹ đẻ.
Nhờ lớn lên trong gia đình đông con nên tôi đã có thể thích nghi để sống chung với nhiều người—có lần con số này lên đến 17 người trong nhà giáo sĩ. Trong suốt 37 năm làm giáo sĩ, tôi đã sống chung với hơn 100 giáo sĩ khác. Thật là một đặc ân được biết rất nhiều người—tất cả đều có cá tính khác nhau, nhưng cùng làm việc vì một mục đích! Tôi cũng thật vui mừng được là bạn cùng làm việc với Đức Chúa Trời và được góp phần vào công việc giúp người khác chấp nhận lẽ thật của Kinh Thánh!—1 Cô-rinh-tô 3:9.
Trong những năm làm giáo sĩ, tôi đã không có mặt được tại nhiều dịp quan trọng của gia đình, như đám cưới của hầu hết các em tôi. Ngoài ra, tôi cũng không thể thăm các cháu nhiều như tôi muốn. Đây là một sự hy sinh đối với tôi, và cũng là một sự hy sinh đối với gia đình. Gia đình tôi muốn tôi ở nhà để cùng chung vui, nhưng họ luôn khuyến khích tôi tiếp tục làm giáo sĩ.
Tuy nhiên, những gì mà tôi mất mát vì xa nhà, thì lại được đền bù vào lúc này hoặc lúc khác trong công việc giáo sĩ. Mặc dù quyết định sống độc thân, nhưng tôi có nhiều đứa con tinh thần, không chỉ là những người mà tôi đã giúp học Kinh Thánh mà cả những người tôi có quan hệ mật thiết. Hơn nữa, tôi được thấy con cái những người đó lớn lên, lập gia đình, nuôi nấng và dạy dỗ con cái họ theo đường lối của lẽ thật. Cũng như tôi, một vài người trong số họ đã để công việc đào tạo môn đồ định hướng đời mình.
[Chú thích]
^ đ. 9 Mẹ tôi làm tiên phong hơn 25 năm, còn cha làm tiên phong phụ trợ sau khi về hưu.
[Bản đồ nơi trang 15]
(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)
Tôi được gửi đi Sierra Leone, Tây Phi
GUINEA
SIERRA LEONE
[Hình nơi trang 13]
Đây là hai em gái của tôi vào thập niên 1950. Chúng tôi thường đến chơi với các giáo sĩ và có nhiều kỷ niệm rất vui
[Hình nơi trang 14]
Tôi cùng với các bạn khóa thứ 48 của Trường Ga-la-át
[Hình nơi trang 16]
Lễ khánh thành văn phòng chi nhánh mới ở Sierra Leone