Khiêm nhường phục tùng những người chăn nhân từ
Khiêm nhường phục tùng những người chăn nhân từ
“Hãy vâng lời kẻ dắt-dẫn anh em và chịu phục các người ấy”.—HÊ-BƠ-RƠ 13:17.
1, 2. Những câu Kinh Thánh nào cho thấy Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su là hai Đấng Chăn Chiên nhân từ?
ĐỨC GIÊ-HÔ-VA và Con Ngài, Chúa Giê-su Christ, là hai Đấng Chăn Chiên nhân từ. Ê-sai tiên tri: “Nầy, Chúa Giê-hô-va sẽ lấy quyền-năng mà đến; Ngài dùng cánh tay mình mà cai-trị. . . Ngài sẽ chăn bầy mình như người chăn chiên; thâu các con chiên con vào cánh tay mình và ẵm vào lòng; từ-từ dắt các chiên cái đương cho bú”.—Ê-sai 40:10, 11.
2 Lời tiên tri đó về sự phục hưng được ứng nghiệm lần đầu tiên khi một nhóm người Do Thái còn sót lại trở về xứ Giu-đa vào năm 537 TCN. (2 Sử-ký 36:22, 23) Lời tiên tri này được ứng nghiệm lần thứ hai vào năm 1919 khi Si-ru Lớn, Chúa Giê-su, giải thoát những người xức dầu còn sót lại khỏi “Ba-by-lôn lớn”. (Khải-huyền 18:2; Ê-sai 44:28) Ngài là “cánh tay” của Đức Giê-hô-va để cai trị, thâu nhóm các con chiên và chăm sóc bầy cách dịu dàng. Chính Chúa Giê-su phán: “Ta là người chăn hiền-lành, ta quen chiên ta, và chiên ta quen ta”.—Giăng 10:14.
3. Về cách đối xử với chiên Ngài, Đức Giê-hô-va biểu lộ lòng quan tâm nhân từ như thế nào?
3 Lời tiên tri nơi Ê-sai 40:10, 11 làm nổi bật tính mềm mại khi Đức Giê-hô-va chăn giữ dân Ngài. (Thi-thiên 23:1-6) Trong thời gian thi hành thánh chức trên đất, Chúa Giê-su cũng biểu lộ lòng quan tâm đối với các môn đồ và người ta nói chung. (Ma-thi-ơ 11:28-30; Mác 6:34) Đức Giê-hô-va cũng như Chúa Giê-su đều ghét thái độ tàn nhẫn của những người chăn, tức các nhà lãnh đạo Y-sơ-ra-ên. Họ đã bỏ bê và bóc lột bầy chiên mà không biết xấu hổ. (Ê-xê-chi-ên 34:2-10; Ma-thi-ơ 23:3, 4, 15) Đức Giê-hô-va hứa: “Ta sẽ đến cứu bầy chiên ta, chúng nó sẽ không làm mồi nữa, và ta sẽ xét-đoán giữa chiên và chiên. Ta sẽ lập trên chúng nó chỉ một kẻ chăn, người sẽ chăn chúng nó, tức là Đa-vít, tôi-tớ ta. Ấy là người sẽ chăn chúng nó, người sẽ làm kẻ chăn chúng nó”. (Ê-xê-chi-ên 34:22, 23) Trong thời kỳ cuối cùng này, Chúa Giê-su, tức Đa-vít Lớn, là “một kẻ chăn” mà Đức Giê-hô-va bổ nhiệm để chăm sóc tất cả các tôi tớ Ngài trên đất, cả tín đồ được xức dầu lẫn các “chiên khác”.—Giăng 10:16.
Các ơn Đức Chúa Trời ban cho hội thánh
4, 5. (a) Đức Giê-hô-va đã ban ơn quý báu nào cho dân Ngài trên đất? (b) Chúa Giê-su đã ban ơn nào cho hội thánh?
4 Khi lập trên các tôi tớ Ngài “một kẻ chăn”—Chúa Giê-su—Đức Giê-hô-va ban một ơn quý báu cho hội thánh tín đồ Đấng Christ. Ơn này là một Đấng lãnh đạo hay “quan-trưởng” ở trên trời, đã được tiên tri nơi Ê-sai 55:4: “Nầy, ta đã lập người lên làm chứng-kiến cho các nước, làm quan-trưởng và quan-tướng cho muôn dân”. Tín đồ được xức dầu và thành viên của đám đông “vô-số người” được thu nhóm từ các nước, chi phái, các dân và mọi thứ tiếng. (Khải-huyền 5:9, 10; 7:9) Họ hợp thành một hội thánh quốc tế, “một bầy”, dưới sự lãnh đạo của “một người chăn” là Chúa Giê-su.
5 Chúa Giê-su cũng ban cho hội thánh ngài trên đất một ơn quý báu. Ngài đã sắp đặt những người chăn phụ trung thành. Họ noi gương Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su, chăn bầy cách dịu dàng. Sứ đồ Phao-lô nói về ơn tốt lành này trong thư gửi cho các tín đồ ở Ê-phê-sô. Ông viết: “Ngài đã lên nơi cao, dẫn muôn-vàn kẻ phu-tù, và ban các ơn cho loài người. Ấy chính Ngài đã cho người nầy làm sứ-đồ, kẻ kia làm tiên-tri, người khác làm thầy giảng Tin-lành, kẻ khác nữa làm mục-sư [“người chăn”, NW] và giáo-sư, để các thánh-đồ được trọn-vẹn về công-việc của chức-dịch và sự gây-dựng thân-thể Đấng Christ”.—Ê-phê-sô 4:8, 11, 12.
6. Khải-huyền 1:16, 20 miêu tả như thế nào về các giám thị được xức dầu phục vụ trong hội đồng trưởng lão? Và có thể nói gì về các trưởng lão thuộc lớp chiên khác?
6 “Các ơn” này là các giám thị, tức trưởng lão, được Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su bổ nhiệm qua thánh linh để chăn bầy cách dịu dàng. (Công-vụ 20:28, 29) Lúc ban đầu, tất cả những giám thị này đều là tín đồ Đấng Christ được xức dầu. Về những thành viên của các hội đồng trưởng lão trong hội thánh được xức dầu, Khải-huyền 1:16, 20 miêu tả họ là “ngôi sao” hay “thiên-sứ” trong tay hữu Đấng Christ, nghĩa là dưới quyền kiểm soát của ngài. Tuy nhiên, vào thời kỳ cuối cùng này, số giám thị được xức dầu còn sống trên đất ngày càng giảm, đại đa số các trưởng lão trong hội thánh đều thuộc lớp chiên khác. Họ được các đại diện của Hội Đồng Lãnh Đạo bổ nhiệm dưới sự hướng dẫn của thánh linh. Do đó, cũng có thể nói rằng họ ở dưới tay hữu (tức dưới sự điều khiển) của Người Chăn hiền lành là Chúa Giê-su. (Ê-sai 61:5, 6) Vì các trưởng lão phục tùng Đấng Christ, Đầu của hội thánh, họ xứng đáng để chúng ta hết lòng hợp tác.—Cô-lô-se 1:18.
Vâng lời và phục tùng
7. Sứ đồ Phao-lô khuyên chúng ta nên có thái độ nào đối với các giám thị đạo Đấng Christ?
7 Hai Đấng Chăn Chiên ở trên trời, Đức 1 Phi-e-rơ 5:5) Dưới sự soi dẫn, sứ đồ Phao-lô viết: “Hãy nhớ những người dắt-dẫn mình, đã truyền đạo Đức Chúa Trời cho mình; hãy nghĩ xem sự cuối-cùng đời họ là thể nào, và học-đòi đức-tin họ. Hãy vâng lời kẻ dắt-dẫn anh em và chịu phục các người ấy,—bởi các người ấy tỉnh-thức về linh-hồn anh em, dường như phải khai-trình,—hầu cho các người ấy lấy lòng vui-mừng mà làm xong chức-vụ mình, không phàn-nàn chi, vì ấy chẳng ích-lợi gì cho anh em”.—Hê-bơ-rơ 13:7, 17.
Giê-hô-va và Chúa Giê-su, đã giao phó trách nhiệm trong hội thánh cho những người chăn phụ và muốn chúng ta phải vâng lời, phục tùng những người này. (8. Phao-lô khuyên chúng ta “hãy nghĩ” đến điều gì, và chúng ta nên “vâng lời” với thái độ nào?
8 Trong câu trên, Phao-lô khuyên chúng ta “hãy nghĩ”, tức xem xét kỹ nếp sống trung thành của các trưởng lão mang lại kết quả nào và noi theo gương đức tin ấy. Ông cũng khuyên chúng ta phải vâng lời và phục tùng sự hướng dẫn của những người được bổ nhiệm. Học giả Kinh Thánh R. T. France giải thích rằng trong nguyên ngữ Hy Lạp, từ được dịch là “vâng lời” không phải là “từ thường dùng để chỉ sự vâng lời, nhưng theo nghĩa đen là ‘tin chắc’, hàm ý sẵn sàng chấp nhận sự hướng dẫn của họ”. Chúng ta vâng lời các trưởng lão không chỉ vì Lời Đức Chúa Trời bảo phải làm thế, mà còn vì chúng ta tin chắc họ quan tâm đến công việc Nước Trời cũng như lợi ích của chúng ta. Nếu sẵn sàng chấp nhận sự hướng dẫn của họ, chắc chắn chúng ta sẽ hạnh phúc.
9. Tại sao chúng ta không chỉ vâng lời mà còn phải phục tùng?
9 Nếu trong một vấn đề nào đó, chúng ta không chắc chắn sự hướng dẫn của trưởng lão là cách tốt nhất, thì sao? Đây là lúc cần thể hiện sự phục tùng. Vâng lời không phải là khó khi mọi sự đều rõ ràng và đúng ý chúng ta. Nhưng nếu làm theo chỉ dẫn dù chưa hiểu rõ, chúng ta cho thấy mình thật sự có tinh thần phục tùng. Phi-e-rơ, người sau này trở thành sứ đồ, đã thể hiện tinh thần ấy.—Lu-ca 5:4, 5.
Bốn lý do để sẵn sàng hợp tác
10, 11. Vào thế kỷ thứ nhất cũng như ngày nay, các giám thị “đã truyền đạo Đức Chúa Trời” cho anh em tín đồ Đấng Christ như thế nào?
10 Nơi Hê-bơ-rơ 13:7, 17, được trích ở trên, sứ đồ Phao-lô nêu ra bốn lý do tại sao chúng ta nên vâng lời và phục tùng các giám thị đạo Đấng Christ. Lý do thứ nhất là họ “đã truyền đạo Đức Chúa Trời” cho chúng ta. Hãy nhớ rằng “các ơn” mà Chúa Giê-su ban cho hội thánh là để “các thánh-đồ được trọn-vẹn”. (Ê-phê-sô 4:11, 12) Qua những người chăn phụ trung thành, Chúa Giê-su giúp các tín đồ vào thế kỷ thứ nhất được trọn vẹn trong lối suy nghĩ và cách ăn ở. Một số người chăn này được soi dẫn để viết thư cho các hội thánh. Ngài dùng những giám thị được thánh linh bổ nhiệm để hướng dẫn và làm vững mạnh tín đồ Đấng Christ thời ban đầu.—1 Cô-rinh-tô 16:15-18; 2 Ti-mô-thê 2:2; Tít 1:5.
11 Ngày nay, Chúa Giê-su hướng dẫn chúng ta qua “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan”. Đại diện cho lớp người này là Hội Đồng Lãnh Đạo và các trưởng lão được bổ nhiệm. (Ma-thi-ơ 24:45) Vì tôn kính “Đấng làm đầu các kẻ chăn chiên” là Chúa Giê-su, chúng ta làm theo lời khuyên của Phao-lô: “Xin anh em kính-trọng kẻ có công-khó trong vòng anh em, là kẻ tuân-theo Chúa mà chỉ-dẫn và dạy-bảo anh em”.—1 Phi-e-rơ 5:4; 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:12; 1 Ti-mô-thê 5:17.
12. Làm thế nào các giám thị “tỉnh-thức về linh-hồn [chúng ta]”?
12 Lý do thứ nhì để hợp tác với các giám thị là vì họ “tỉnh-thức về linh-hồn [chúng ta]”. Nếu nhận thấy điều gì trong thái độ và cách cư xử của chúng ta có thể tự gây nguy hại đến tình trạng thiêng liêng, họ sẽ nhanh chóng cho lời khuyên cần thiết để giúp chúng ta sửa lại. (Ga-la-ti 6:1) Từ Hy Lạp được dịch là “tỉnh-thức” có nghĩa đen là “không ngủ”. Theo một học giả Kinh Thánh, từ này “ám chỉ tinh thần luôn cảnh giác của người chăn”. Trưởng lão không những luôn cảnh giác, thậm chí còn mất ngủ vì lo lắng cho tình trạng thiêng liêng của chúng ta. Những người chăn phụ nhân từ này gắng sức noi theo cách chăm sóc dịu dàng của Chúa Giê-su, “Đấng chăn chiên lớn”. Vậy, chẳng phải chúng ta nên sẵn sàng hợp tác với họ hay sao?—Hê-bơ-rơ 13:20.
13. Các giám thị và tất cả tín đồ Đấng Christ đều phải khai trình với ai và phải khai trình như thế nào?
13 Lý do thứ ba để sẵn sàng hợp tác với các giám thị là vì họ “phải khai-trình” về cách chăn bầy. Các giám thị nhớ rằng họ là những người chăn phụ, làm việc dưới sự hướng dẫn của hai Đấng Chăn Chiên là Giê-hô-va Đức Chúa Trời và Chúa Giê-su. (Ê-xê-chi-ên 34:22-24) Đức Giê-hô-va là Chủ của bầy chiên vì Ngài “đã mua bằng chính huyết” Con Ngài. Các giám thị được bổ nhiệm phải ân cần với chiên và phải khai trình với Ngài về cách họ đối xử với bầy. (Công-vụ 20:28, 29) Vì thế, tất cả chúng ta đều chịu trách nhiệm với Đức Giê-hô-va về cách chúng ta đáp ứng sự hướng dẫn của Ngài. (Rô-ma 14:10-12) Khi vâng lời các trưởng lão, chúng ta cũng cho thấy mình phục tùng Đấng Christ, Đầu của hội thánh.—Cô-lô-se 2:19.
14. Điều gì có thể khiến cho các giám thị đạo Đấng Christ “phàn-nàn” khi làm chức vụ, và như thế mang lại hậu quả nào?
14 Phao-lô nêu ra lý do thứ tư tại sao chúng nên khiêm nhường phục tùng các giám thị. Ông viết: “Hầu cho các người ấy lấy lòng vui-mừng mà làm xong chức-vụ mình, không phàn-nàn chi, vì ấy chẳng ích-lợi gì cho anh em”. (Hê-bơ-rơ 13:17) Với trọng trách dạy dỗ, chăn bầy, dẫn đầu trong công việc rao giảng, chăm sóc gia đình và giải quyết các vấn đề trong hội thánh, các trưởng lão gánh vác rất nhiều trách nhiệm. (2 Cô-rinh-tô 11:28, 29) Nếu bất hợp tác, chúng ta chỉ chất thêm gánh nặng cho họ và sẽ khiến họ “phàn-nàn”. Đức Giê-hô-va không hài lòng khi chúng ta có thái độ bất hợp tác và điều đó không ích lợi gì cho chúng ta. Thay vì thế, khi chúng ta tỏ lòng kính trọng và hợp tác cách thích đáng, các trưởng lão có thể vui mừng mà chu toàn trách nhiệm, và điều này góp phần phát huy sự hợp nhất và niềm vui trong công việc rao giảng về Nước Trời.—Rô-ma 15:5, 6.
Thể hiện tính phục tùng
15. Chúng ta có thể cho thấy mình vâng lời và phục tùng như thế nào?
15 Có nhiều cách thiết thực để chúng ta hợp tác với các giám thị được bổ nhiệm. Nhằm thích nghi với hoàn cảnh mới trong khu vực, các trưởng lão có sắp đặt những buổi họp rao giảng vào ngày và giờ đòi hỏi chúng ta phải thay đổi thời biểu sinh hoạt thường lệ không? Hãy cố gắng ủng hộ những sắp đặt mới này. Chúng ta có thể nhận được ân phước bất ngờ. Phải chăng anh giám thị công tác đang đến thăm Buổi Học Cuốn Sách Hội Thánh? Chúng ta hãy hết lòng tham gia vào công việc rao giảng trong tuần đó. Chúng ta có được giao một bài giảng trong Trường Thánh Chức Thần Quyền không? Hãy cố gắng có mặt và làm tròn nhiệm vụ. Anh giám thị Buổi Học Cuốn Sách có thông báo là nhóm phải làm vệ sinh tại Phòng Nước Trời không? Tùy tình trạng sức khỏe của mình, chúng ta hãy hết lòng ủng hộ anh. Qua những cách này và nhiều cách khác, chúng ta cho thấy mình phục tùng những người mà Đức Giê-hô-va và Con Ngài đã bổ nhiệm để chăm sóc bầy.
16. Dù một trưởng lão không làm theo sự hướng dẫn, tại sao chúng ta không có lý do chính đáng để tỏ thái độ chống đối?
16 Đôi khi một trưởng lão không làm theo sự hướng dẫn của lớp đầy tớ trung tín và Hội Đồng Lãnh Đạo. Nếu cứ tiếp tục như thế, anh sẽ phải khai trình với Đức Giê-hô-va, “Đấng chăn-chiên và Giám-mục của linh-hồn [chúng ta]”. (1 Phi-e-rơ 2:25) Nhưng dù một số trưởng lão có lỗi hoặc không làm tròn nhiệm vụ, chúng ta cũng không có lý do chính đáng để tỏ thái độ bất phục tùng. Đức Giê-hô-va không ủng hộ hành động bất tuân và phản nghịch.—Dân-số Ký 12:1, 2, 9-11.
Đức Giê-hô-va ban phước cho người có tinh thần sẵn sàng hợp tác
17. Chúng ta nên có thái độ nào đối với các giám thị?
17 Giê-hô-va Đức Chúa Trời biết những người Ngài bổ nhiệm làm giám thị đều bất toàn. Dù vậy, Ngài vẫn dùng họ và qua thánh linh, Ngài chăn giữ dân sự trên đất. Đối với các trưởng lão cũng như tất cả chúng ta, “quyền-phép lớn dường ấy là bởi Đức Chúa Trời mà ra, chớ chẳng phải bởi chúng [ta]”. (2 Cô-rinh-tô 4:7) Vì vậy, chúng ta phải tạ ơn Đức Giê-hô-va về những gì Ngài đang thực hiện qua các giám thị trung thành, đồng thời thể hiện tinh thần sẵn sàng hợp tác với các anh này.
18. Khi phục tùng các giám thị, chúng ta cho thấy điều gì?
18 Nơi Giê-rê-mi 3:15, Đức Giê-hô-va miêu tả những người chăn mà Ngài bổ nhiệm để chăm sóc bầy trong những ngày sau rốt: “Ta sẽ ban các kẻ chăn-giữ vừa lòng ta cho các ngươi, các kẻ ấy sẽ lấy sự sáng-suốt khôn-ngoan mà chăn-nuôi các ngươi”. Các giám thị cố gắng sống đúng theo những lời này. Chắc chắn các trưởng lão trong vòng chúng ta đang làm tốt công việc dạy dỗ và che chở chiên của Đức Giê-hô-va. Mong sao chúng ta tiếp tục biểu lộ lòng biết ơn về nỗ lực của họ bằng cách sẵn sàng hợp tác, vâng lời và phục tùng. Khi làm thế, chúng ta cho thấy lòng biết ơn đối với hai Đấng Chăn Chiên ở trên trời, Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su.
Để ôn lại
• Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su chứng tỏ là hai Đấng Chăn Chiên nhân từ như thế nào?
• Tại sao chúng ta không chỉ vâng lời mà còn phải phục tùng?
• Chúng ta có thể biểu lộ tính phục tùng qua những cách thiết thực nào?
[Câu hỏi thảo luận]
[Hình nơi trang 27]
Các trưởng lão phục tùng sự lãnh đạo của Đấng Christ
[Các hình nơi trang 29]
Có nhiều cách để chúng ta biểu lộ tính phục tùng đối với những người chăn được Đức Giê-hô-va bổ nhiệm