Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Có bao giờ sự tàn ác không còn nữa?

Có bao giờ sự tàn ác không còn nữa?

Có bao giờ sự tàn ác không còn nữa?

NHIỀU người đồng ý rằng tính ích kỷ là nguyên nhân chính dẫn đến sự tàn ác trên thế giới ngày nay. Hậu quả của lối sống ích kỷ từ nhiều thập niên trước đã tạo ra một xã hội phần lớn là những người chỉ biết nghĩ đến bản thân họ trước hết. Nhiều người sẵn sàng làm bất cứ điều gì để đạt được cái họ muốn, thường dẫn đến hành động tàn ác. Điều này không những chỉ đúng với từng cá nhân mà còn trên cả bình diện một quốc gia.

Người ta dường như không còn coi trọng mạng sống của người khác. Một số người thậm chí còn thích sự tàn ác. Họ xem đó là cách để giải trí, chẳng hạn như nhiều tên tội phạm đã thú nhận rằng chúng hại người khác chỉ để mua vui. Còn nói sao về việc hàng triệu người thích xem những phim hung bạo và tàn ác, khiến cho ngành công nghiệp điện ảnh ngày càng sản xuất thêm nhiều bộ phim như vậy? Những hình ảnh hung bạo thường được trình chiếu trên phương tiện truyền thông và giải trí khiến người xem gần như không còn nhạy cảm.

Sự tàn bạo thường gây tổn thương về tâm lý và tinh thần, đồng thời khiến người bị hại lại trở thành người đối xử độc ác với người khác. Về vấn đề tàn ác dẫn đến sự bạo động, bà Noemí Díaz Marroquín, giáo sư trường đại học National Autonomous University của Mexico, cho biết: “Hung bạo là một hành vi mà người ta bắt chước, nó là một lối sống. . . Khi môi trường cho phép và cổ vũ sự hung bạo, dần dần chúng ta cũng cư xử như thế”. Vì thế, những ai là nạn nhân của sự ngược đãi có thể cuối cùng cũng lại ngược đãi người khác, và có lẽ ngay cả làm giống y như cách họ bị đối xử.

Trong những trường hợp khác, những người lạm dụng các chất như rượu và ma túy có thể hành động hung bạo. Cũng không thể bỏ qua trường hợp những người bất mãn với chính phủ không đáp ứng đúng nhu cầu của người dân. Một vài người trong số họ quyết tâm cho mọi người biết quan điểm của mình, nên đã hành động một cách tàn ác và cổ vũ chủ nghĩa khủng bố, thường hại đến những người vô tội.

Bạn có lẽ thắc mắc: ‘Người ta có tự nhiên làm điều gian ác không? Điều gì ảnh hưởng đến tình trạng hiện nay?’

Ai thật sự đứng đằng sau sự tàn ác?

Kinh Thánh cho chúng ta biết Sa-tan Ma-quỉ đang gây ảnh hưởng mạnh mẽ trên thế giới, và gọi hắn là “chúa đời nầy”. (2 Cô-rinh-tô 4:4) Hắn là kẻ ích kỷ và ác độc nhất trong vũ trụ. Chúa Giê-su đã mô tả hắn một cách thích đáng là “kẻ giết người” và “cha sự nói dối”.—Giăng 8:44.

Ngay từ khi A-đam và Ê-va bất tuân với Đức Chúa Trời, nhân loại đã nằm trong tầm ảnh hưởng mạnh mẽ của Sa-tan. (Sáng-thế Ký 3:1-7, 16-19) Khoảng 15 thế kỷ sau khi cặp vợ chồng đầu tiên quay lưng lại với Đức Giê-hô-va, các thiên sứ phản nghịch đã mặc lấy hình người, quan hệ với các người nữ và sinh ra giống người lai gọi là Nê-phi-lim, được dịch là “người cao-lớn” trong bản Liên Hiệp Thánh Kinh Hội. Chúng có đặc điểm gì? “Người cao-lớn” theo nguyên ngữ có nghĩa “kẻ đánh ngã” hoặc “kẻ làm cho người khác ngã”. Hiển nhiên, chúng là những kẻ hung bạo và làm cho thế giới thời bấy giờ đầy dẫy sự hung ác, đồi bại đến độ chỉ có Trận Nước Lụt của Đức Chúa Trời mới có thể chấm dứt tình trạng đó. (Sáng-thế Ký 6:4, 5, 17) Mặc dù giống người cao lớn đó đã bị tuyệt diệt trong Trận Nước Lụt, nhưng cha của chúng đã quay về lãnh vực vô hình và trở thành những “thần linh”, tức các quỉ vô hình.—1 Phi-e-rơ (1 Phêrô) 3:19, 20, Nguyễn Thế Thuấn.

Tính ác độc của những thiên sứ phản nghịch được thấy rõ trong trường hợp đứa trẻ bị quỉ ám vào thời Chúa Giê-su. Quỉ liên tục làm đứa trẻ nổi cơn kinh phong, quăng em vào lửa và nước để giết em. (Mác 9:17-22) Rõ ràng, “các thần dữ” đó phản ánh tính tàn ác, nhẫn tâm của kẻ cầm đầu chúng, là Sa-tan Ma-quỉ.—Ê-phê-sô 6:12.

Ngày nay, các quỉ tiếp tục gây ảnh hưởng, khiến loài người làm điều tàn ác, như Kinh Thánh đã nói trước: “Trong ngày sau-rốt, sẽ có những thời-kỳ khó-khăn. Vì người ta đều tư-kỷ. . . khoe-khoang, xấc-xược. . . bội-bạc, không tin-kính, vô-tình, khó hòa-thuận, hay phao-vu, không tiết-độ, dữ-tợn, thù người lành, lường thầy phản bạn, hay nóng giận, lên mình kiêu-ngạo, ưa-thích sự vui chơi hơn là yêu-mến Đức Chúa Trời, bề ngoài giữ điều nhân-đức, nhưng chối-bỏ quyền-phép của nhân-đức đó”.—2 Ti-mô-thê 3:1-5.

Những lời tiên tri trong Kinh Thánh cho thấy thời kỳ của chúng ta đặc biệt khó khăn, vì Sa-tan và các quỉ của hắn đã bị quăng khỏi các từng trời sau khi Nước Trời do Chúa Giê-su cai trị được thiết lập vào năm 1914. Kinh Thánh nói rõ: “Khốn-nạn cho đất và biển! Vì ma-quỉ biết thì-giờ mình còn chẳng bao nhiêu, nên giận hoảng mà đến cùng các ngươi”.—Khải-huyền 12:5-9, 12.

Phải chăng tình trạng này không thể cải thiện được hay sao? Bà Díaz Marroquín, được đề cập ở trên, cho biết “người ta có khả năng dần dần bỏ đi” các hành vi xấu xa đã bị tiêm nhiễm trước kia. Tuy nhiên, vì Sa-tan ảnh hưởng toàn thể thế giới ngày nay, một người rất khó làm điều này nếu không để cho một lực khác mạnh hơn tác động đến lối suy nghĩ và hành động của mình. Lực này là gì?

Có thể thay đổi tính xấu xa—Như thế nào?

Tốt thay, thánh linh của Đức Chúa Trời là lực mạnh mẽ nhất trong vũ trụ, và có thể phá tan ảnh hưởng của các quỉ. Lực này thúc đẩy người ta yêu thương nhau và đem lại hạnh phúc cho họ. Để nhận được thánh linh Đức Chúa Trời, những ai muốn làm hài lòng Ngài phải tránh ngay cả những hành vi có vẻ như là độc ác. Điều này đòi hỏi phải thay đổi các tính nết sao cho phù hợp với ý muốn Đức Chúa Trời. Ý muốn đó là gì? Đức Chúa Trời muốn chúng ta hết sức đi theo đường lối Ngài, bao gồm việc chúng ta xem người khác theo quan điểm của Ngài.—Ê-phê-sô 5:1, 2; Cô-lô-se 3:7-10.

Tìm hiểu cách Đức Giê-hô-va hành động sẽ giúp bạn tin chắc Ngài luôn luôn quan tâm đến con người. Ngài không đối xử một cách bất công đối với loài người, và ngay cả loài vật. * (Phục-truyền Luật-lệ Ký 22:10; Thi-thiên 36:7; Châm-ngôn 12:10) Ngài không chấp nhận sự tàn ác và tất cả những kẻ làm điều đó. (Châm-ngôn 3:31, 32) Nhân cách mới mà Đức Giê-hô-va đòi hỏi tín đồ Đấng Christ phải vun trồng sẽ giúp họ tôn trọng người khác. (Phi-líp 2:2-4) Nhân cách đó bao gồm “lòng thương-xót. . . nhân-từ, khiêm-nhượng, mềm-mại, nhịn-nhục” và kể cả tình yêu thương “vì là dây liên-lạc của sự trọn-lành”. (Cô-lô-se 3:12-14) Bạn có đồng ý rằng thế giới sẽ tốt đẹp hơn nếu mọi người đều có những đức tính như thế không?

Tuy nhiên, bạn có lẽ thắc mắc liệu người ta có thể hoàn toàn thay đổi nhân cách không? Chúng ta hãy xem một trường hợp có thật. Trước kia, Martín * quát tháo vợ trước mặt con cái và đánh đập vợ một cách tàn nhẫn. Một ngày nọ, vì sợ nguy hiểm cho tính mạng của mẹ nên các con phải chạy qua nhà hàng xóm kêu cứu. Sau nhiều năm, cả gia đình bắt đầu học hỏi Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va. Martín biết được mình phải trở thành người như thế nào và nên cư xử với người khác ra sao. Ông có thể thay đổi được không? Vợ ông cho biết: “Trước đây khi nổi nóng, ông xã tôi biến thành một người hoàn toàn khác. Vì vậy, suốt một thời gian dài, gia đình tôi luôn luôn lục đục. Tôi không biết nói sao để cám ơn Đức Giê-hô-va đã giúp ông xã tôi thay đổi. Giờ đây anh ấy là một người cha tốt và một người chồng gương mẫu”.

Đó chỉ là một trường hợp mà thôi. Trên khắp thế giới, hàng triệu người tìm hiểu Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va đã từ bỏ những tính tàn ác. Thật thế, người ta có thể hoàn toàn thay đổi.

Không lâu nữa sự tàn ác sẽ không còn

Trong tương lai gần đây, Nước của Đức Chúa Trời sẽ cai trị toàn thể trái đất. Đây là một chính phủ đã được thiết lập ở trên trời dưới quyền của một vị vua đầy thương xót, Chúa Giê-su Christ. Nước này đã đuổi sạch các quỉ cùng với Sa-tan, là nguồn mọi sự tàn ác, ra khỏi trời. Không lâu nữa, Nước Trời sẽ đáp ứng mọi nhu cầu của các thần dân yêu hòa bình trên đất. (Thi-thiên 37:10, 11; Ê-sai 11:2-5) Đó là cách duy nhất để giải quyết mọi vấn đề trên thế giới. Tuy nhiên, trong khi chờ đợi Nước Trời, nếu bạn là nạn nhân của sự tàn ác thì sao?

Lấy ác trả ác không giải quyết được gì mà chỉ gây ra thêm sự tàn ác. Kinh Thánh khuyên chúng ta tin cậy nơi Đức Giê-hô-va vì vào đúng thời điểm, Ngài sẽ “báo cho mỗi người tùy đường họ đi, tùy kết-quả của việc họ làm”. (Giê-rê-mi 17:10) (Xin xem phần “Cách đối phó với sự tàn ác”). Có lẽ bạn phải chịu đựng đau khổ vì là nạn nhân của một tội ác, nhưng Đức Chúa Trời có thể sửa đổi những gì mà sự tàn ác gây ra, kể cả cái chết. Theo lời Đức Chúa Trời hứa, những ai bị thiệt mạng vì các hành động tàn ác và ở trong ký ức của Ngài sẽ được sống lại.—Truyền-đạo 9:11; Giăng 5:28, 29.

Dù có thể là nạn nhân của sự tàn ác sau này, chúng ta được an ủi khi có mối liên hệ mật thiết với Đức Chúa Trời và hoàn toàn tin tưởng nơi lời hứa của Ngài. Hãy xem trường hợp của bà Sara, người một thân một mình nuôi nấng và cho hai con trai ăn học thành tài. Nhưng hai con trai này lại bỏ bê bà khi bà về già, không chu cấp cũng không chăm sóc khi bà bệnh. Bà Sara nay đã là một tín đồ Đấng Christ. Bà tâm sự: “Dù hai đứa con làm tôi buồn, nhưng Đức Giê-hô-va đã không bỏ rơi tôi. Tôi cảm nhận được Ngài nâng đỡ qua các anh chị em thiêng liêng, những người luôn chăm sóc tôi. Tôi tin chắc rằng không lâu nữa, Ngài sẽ giải quyết không những các khó khăn của tôi mà còn của cả những ai tin cậy nơi quyền năng của Ngài và làm những gì Ngài đòi hỏi”.

Ai là những anh chị em thiêng liêng mà bà Sara nói đến? Đó là những người đồng đạo với bà, là Nhân Chứng Giê-hô-va. Họ hợp thành một đoàn thể anh em quốc tế, gồm những người đầy lòng yêu thương. Họ tin chắc rằng Đức Chúa Trời sẽ chấm dứt sự tàn ác trong một ngày gần đây. (1 Phi-e-rơ 2:17) Cả Sa-tan Ma-quỉ, kẻ đứng đầu sự tàn ác, và bất cứ ai có hành động tàn ác như hắn đều sẽ bị hủy diệt. “Thời buổi hung ác” này—cách một nhà văn miêu tả thời kỳ chúng ta đang sống—sẽ bị chìm vào quên lãng. Bạn có muốn tìm hiểu thêm về hy vọng này không? Xin hãy liên hệ với Nhân Chứng Giê-hô-va.

[Chú thích]

^ đ. 16 Muốn biết rõ về những đức tính và cá tính của Đức Chúa Trời, xin xem sách Hãy đến gần Đức Giê-hô-va, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

^ đ. 17 Một số tên đã đổi.

[Khung nơi trang 6]

Cách đối phó với sự tàn ác

Đức Chúa Trời cho chúng ta những lời khuyên thực tiễn về cách đối phó với sự tàn ác. Hãy xem bạn có thể áp dụng những lời khuyên khôn ngoan sau đây như thế nào:

“Chớ nói: Ta sẽ trả ác. Hãy chờ-đợi Đức Giê-hô-va, Ngài sẽ cứu-rỗi con”.—Châm-ngôn 20:22.

“Nếu. . . bạn thấy người nghèo bị áp bức, luật pháp và công lý bị chà đạp, thì chớ ngạc nhiên, bởi vì một người làm lớn còn có người lớn hơn canh chừng, và cả hai lại có người lớn hơn nữa”.—Truyền-đạo 5:8, Tòa Tổng Giám Mục (Giảng viên 5:7).

“Phước cho những kẻ nhu-mì, vì sẽ hưởng được đất!”—Ma-thi-ơ 5:5.

“Ấy vậy, hễ điều chi mà các ngươi muốn người ta làm cho mình, thì cũng hãy làm điều đó cho họ”.—Ma-thi-ơ 7:12.

“Chớ lấy ác trả ác cho ai; phải chăm tìm điều thiện trước mặt mọi người. Nếu có thể được, thì hãy hết sức mình mà hòa-thuận với mọi người. Hỡi kẻ rất yêu-dấu của tôi ơi, chính mình chớ trả thù ai, nhưng hãy nhường cho cơn thạnh-nộ của Đức Chúa Trời; vì có chép lời Chúa phán rằng: Sự trả thù thuộc về ta, ta sẽ báo-ứng”.—Rô-ma 12:17-19.

“Đấng Christ cũng đã chịu khổ cho anh em, để lại cho anh em một gương, hầu cho anh em noi dấu chân Ngài. . . Ngài bị rủa mà chẳng rủa lại, chịu nạn mà không hề ngăm-dọa, nhưng cứ phó mình cho Đấng xử-đoán công-bình”.—1 Phi-e-rơ 2:21-23.

[Các hình nơi trang 7]

Đức Giê-hô-va đã dạy nhiều người từ bỏ những tính tàn ác