Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hãy xây dựng hội thánh

Hãy xây dựng hội thánh

Hãy xây dựng hội thánh

“Hội-thánh. . . được hưởng sự bình-an, gây-dựng”.—CÔNG-VỤ 9:31.

1. Về “Hội-thánh của Đức Chúa Trời”, chúng ta có thể nêu những câu hỏi nào?

VÀO Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, Đức Giê-hô-va thừa nhận một nhóm tín đồ Đấng Christ là dân tộc mới, “dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời”. (Ga-la-ti 6:16) Những tín đồ được xức dầu bằng thánh linh này cũng trở thành “Hội-thánh của Đức Chúa Trời”. (1 Cô-rinh-tô 11:22) Việc đó bao hàm điều gì? “Hội-thánh của Đức Chúa Trời” được tổ chức ra sao? Bất kể các thành viên sống ở đâu, hội thánh ấy sẽ hoạt động như thế nào trên đất? Hội thánh có ảnh hưởng nào đến đời sống và hạnh phúc của chúng ta?

2, 3. Qua những lời nào, Chúa Giê-su cho thấy hội thánh sẽ là một sắp đặt có tổ chức?

2 Như được đề cập trong bài trước, Chúa Giê-su cho biết hội thánh các môn đồ được xức dầu sẽ được thành lập; ngài phán với sứ đồ Phi-e-rơ: “Ta sẽ lập Hội-thánh ta trên đá nầy [Chúa Giê-su Christ], các cửa âm-phủ chẳng thắng được hội đó”. (Ma-thi-ơ 16:18) Ngoài ra, khi còn ở với các sứ đồ, Chúa Giê-su cho biết về hoạt động và sự tổ chức trong hội thánh sắp được thành lập này.

3 Qua lời nói và hành động, Chúa Giê-su dạy rằng sẽ có một số người trong hội thánh giữ vai trò dẫn đầu. Họ sẽ phục vụ những người khác trong nhóm. Chúa Giê-su nói: “Các ngươi biết những người được tôn làm đầu cai-trị các dân ngoại, thì bắt dân phải phục mình, còn các quan lớn thì lấy quyền-thế trị dân. Song trong các ngươi không như vậy; trái lại, hễ ai muốn làm lớn trong các ngươi, thì sẽ làm đầy-tớ; còn ai trong các ngươi muốn làm đầu, thì sẽ làm tôi-mọi mọi người”. (Mác 10:42-44) Rõ ràng, “Hội-thánh của Đức Chúa Trời” không phải là những cá nhân sống rải rác, tách biệt, không có tổ chức. Thay vì thế, hội thánh là một sự sắp đặt gồm những cá nhân hợp tác với nhau.

4, 5. Làm sao chúng ta biết hội thánh cần sự hướng dẫn về thiêng liêng?

4 Đấng sẽ làm Đầu “Hội-thánh của Đức Chúa Trời” cho thấy, các sứ đồ và những người được ngài dạy dỗ sẽ có trách nhiệm cụ thể đối với hội thánh. Họ sẽ làm gì? Trách nhiệm quan trọng là cung cấp sự hướng dẫn thiêng liêng cho các thành viên trong hội thánh. Hãy nhớ, trước sự hiện diện của một số sứ đồ, Chúa Giê-su sau khi sống lại đã phán với Phi-e-rơ: “Hỡi Si-môn, con Giô-na, ngươi yêu ta chăng?” Phi-e-rơ thưa rằng: “Lạy Chúa, phải, Chúa biết rằng tôi yêu Chúa”. Chúa Jêsus phán rằng: “Hãy chăn những chiên con ta. . . Hãy chăn chiên ta”. (Giăng 21:15-17) Thật là một trọng trách!

5 Qua lời Chúa Giê-su, chúng ta thấy những người được thu nhóm vào hội thánh được ví như chiên trong bầy. Những chiên này—đàn ông, đàn bà và trẻ em tín đồ Đấng Christ—cần được nuôi dưỡng về thiêng liêng và được chăn giữ cách chu đáo. Hơn nữa, Chúa Giê-su phán những người theo ngài phải dạy dỗ người ta và đào tạo môn đồ, vì thế bất cứ ai trở thành chiên ngài cũng cần được huấn luyện cách thi hành sứ mạng do Đức Chúa Trời giao.—Ma-thi-ơ 28:19, 20.

6. Sau khi được thành lập, “Hội-thánh của Đức Chúa Trời” có những sắp đặt nào?

6 Khi “Hội-thánh của Đức Chúa Trời” được thành lập, các thành viên đều đặn nhóm lại để được dạy dỗ và khích lệ nhau: “Những người ấy bền lòng giữ lời dạy của các sứ-đồ, sự thông-công của anh em, lễ bẻ-bánh, và sự cầu-nguyện”. (Công-vụ 2:42, 46, 47) Chi tiết đáng chú ý khác trong lời tường thuật là một số người nam hội đủ điều kiện được chỉ định để chăm nom những vấn đề thiết thực. Họ được chọn không vì học vấn cao hoặc kỹ năng chuyên môn. Những người này “đầy-dẫy Đức Thánh-Linh và trí-khôn”. Một trong những người đó là Ê-tiên, và lời tường thuật nêu rõ ông là “người đầy đức-tin và Đức Thánh-Linh”. Nhờ sự sắp đặt của hội thánh, “đạo Đức Chúa Trời càng ngày càng tràn ra, số môn-đồ tại thành Giê-ru-sa-lem thêm lên nhiều lắm”.—Công-vụ 6:1-7.

Những người được Đức Chúa Trời dùng

7, 8. (a) Trong vòng tín đồ Đấng Christ thời ban đầu, các sứ đồ và trưởng lão ở Giê-ru-sa-lem giữ vai trò nào? (b) Các anh em tín đồ được lợi ích nào khi nhận được chỉ dẫn qua hội thánh?

7 Hiển nhiên, các sứ đồ giữ vai trò hướng dẫn trong hội thánh thời ban đầu, nhưng cũng có một số người khác nữa. Có lần Phao-lô và các bạn đồng hành trở lại thành An-ti-ốt, xứ Sy-ri. Công-vụ 14:27 tường thuật: “Hai người đến nơi, nhóm-họp Hội-thánh rồi, bèn thuật lại mọi việc Đức Chúa Trời đã cậy mình làm, và Ngài mở cửa đức-tin cho người ngoại là thể nào”. Trong khi họ còn ở lại với hội thánh địa phương, một vấn đề được nêu lên là các tín đồ thuộc Dân Ngoại có cần cắt bì hay không. Để giải quyết vấn đề này, Phao-lô và Ba-na-ba được phái “đi lên thành Giê-ru-sa-lem, đến cùng các sứ-đồ và trưởng-lão”, là thành viên của hội đồng lãnh đạo.—Công-vụ 15:1-3.

8 Trưởng lão Gia-cơ, em cùng mẹ khác cha của Chúa Giê-su nhưng không phải là sứ đồ, làm chủ tọa khi “các sứ-đồ và các trưởng-lão. . . họp lại để xem-xét về việc đó”. (Công-vụ 15:6) Sau khi suy xét kỹ và được thánh linh trợ giúp, họ đi đến quyết định phù hợp với Kinh Thánh. Họ viết thư thông báo cho các hội thánh địa phương. (Công-vụ 15:22-32) Nhận được thông tin, các anh em đồng ý và làm theo chỉ thị. Kết quả thế nào? Các anh chị em được khích lệ và vững vàng. Kinh Thánh tường thuật: “Ấy vậy, các Hội-thánh được vững-vàng trong đức-tin, và số người càng ngày càng thêm lên”.—Công-vụ 16:5.

9. Kinh Thánh nêu ra vai trò nào cho những nam tín đồ hội đủ điều kiện?

9 Tuy nhiên, hội thánh địa phương hoạt động như thế nào? Hãy xem trường hợp các hội thánh ở đảo Cơ-rết. Người dân ở đấy có tiếng xấu, nhưng một số đã thay đổi và trở thành tín đồ chân chính. (Tít 1:10-12; 2:2, 3) Họ sống trong nhiều thành và cách xa hội đồng lãnh đạo ở Giê-ru-sa-lem. Tuy nhiên, đó không phải là vấn đề lớn, vì như các nơi khác, trong mỗi hội thánh trên đảo Cơ-rết đều có “những trưởng-lão” được bổ nhiệm. Những người đó hội đủ điều kiện ghi trong Kinh Thánh. Họ có thể “theo đạo lành mà khuyên-dỗ người ta và bác lại kẻ chống-trả”. (Tít 1:5-9; 1 Ti-mô-thê 3:1-7) Ngoài ra, còn có những người nam khác hội đủ điều kiện để giúp hội thánh với tư cách chấp sự, hay tôi tớ thánh chức.—1 Ti-mô-thê 3:8-10, 12, 13.

10. Theo Ma-thi-ơ 18:15-17, những vấn đề nghiêm trọng cần được giải quyết như thế nào?

10 Chúa Giê-su cho thấy trước về sự sắp đặt như thế. Hãy nhớ lại lời tường thuật nơi Ma-thi-ơ 18:15-17. Ngài lưu ý rằng giữa hai người thờ phượng Đức Chúa Trời đôi khi có vấn đề nảy sinh, người này phạm lỗi với người kia. Người bị xúc phạm nên đến gặp và “trách” riêng người kia. Nếu bước này không giải quyết được vấn đề, có thể nhờ một hoặc hai người biết sự việc giúp. Nếu vẫn không đạt kết quả thì sao? Chúa Giê-su phán: “Nếu người không chịu nghe các người đó, thì hãy cáo cùng Hội-thánh, lại nếu người không chịu nghe Hội-thánh, thì hãy coi người như kẻ ngoại và kẻ thâu thuế vậy”. Khi Chúa Giê-su phán điều này, người Do Thái vẫn còn là “Hội-thánh của Đức Chúa Trời”, thế nên lời của Ngài lúc đầu áp dụng cho họ. * Tuy nhiên, khi hội thánh đạo Đấng Christ được thành lập thì chỉ dẫn của Chúa Giê-su được áp dụng cho hội thánh này. Đây là bằng chứng khác cho thấy dân Đức Chúa Trời sẽ có hội thánh được tổ chức nhằm gây dựng và hướng dẫn mỗi tín đồ.

11. Trưởng lão giữ vai trò nào trong việc giải quyết các vấn đề?

11 Trưởng lão đại diện cho hội thánh địa phương để giải quyết các vấn đề, hoặc xử lý những trường hợp phạm tội. Điều này phù hợp với những điều kiện để làm trưởng lão được ghi nơi Tít 1:9. Quả thật, những trưởng lão địa phương là người bất toàn, như Tít chẳng hạn, người đã được Phao-lô phái đến các hội thánh để “sắp-đặt mọi việc chưa thu-xếp”. (Tít 1:4, 5) Ngày nay, những người được đề cử làm trưởng lão phải chứng tỏ đức tin và lòng trung thành qua thời gian. Vì thế, những người khác trong hội thánh có lý do để tin cậy nơi sự hướng dẫn và lãnh đạo qua sắp đặt này.

12. Các trưởng lão có trách nhiệm nào đối với hội thánh?

12 Phao-lô nói với các trưởng lão ở hội thánh Ê-phê-sô: “Anh em hãy giữ lấy mình, và luôn cả bầy mà Đức Thánh-Linh đã lập anh em làm kẻ coi-sóc, để chăn Hội-thánh của Đức Chúa Trời, mà Ngài đã mua bằng chính huyết [Con] mình”. (Công-vụ 20:28) Ngày nay cũng vậy, các giám thị được bổ nhiệm để “chăn Hội-thánh của Đức Chúa Trời”. Họ nên thi hành trách nhiệm cách nhân từ, không lấy quyền mà “quản-trị [“thống trị”, Tòa Tổng Giám Mục]” bầy. (1 Phi-e-rơ 5:2, 3) Các giám thị nên cố gắng xây dựng và giúp đỡ “cả bầy”.

Gắn bó với hội thánh

13. Đôi khi có điều gì xảy ra trong hội thánh, và tại sao?

13 Các trưởng lão cũng như mọi người trong hội thánh đều bất toàn, vì thế đôi lúc nảy sinh vấn đề hoặc sự hiểu lầm, như trong thế kỷ thứ nhất khi một số sứ đồ vẫn còn sống. (Phi-líp 4:2, 3) Một giám thị hay người nào đó có thể nói lời thiếu nhã nhặn, không tử tế hoặc không chính xác. Hoặc chúng ta nghĩ rằng có điều gì trái với nguyên tắc Kinh Thánh đang xảy ra, nhưng các trưởng lão địa phương dù biết vẫn không sửa sai. Dĩ nhiên, vấn đề có thể đã hoặc đang được xử lý phù hợp với Kinh Thánh, dựa trên những sự kiện mà chúng ta không biết. Cho dù sự việc đúng như chúng ta nghĩ, hãy nhớ trường hợp này: Một vụ phạm tội nghiêm trọng đã kéo dài khá lâu trong hội thánh Cô-rinh-tô, hội thánh được Đức Giê-hô-va quan tâm. Cuối cùng, theo ý Ngài, vụ phạm tội được xử lý cách nghiêm minh và thích đáng. (1 Cô-rinh-tô 5:1, 5, 9-11) Chúng ta có thể tự hỏi: ‘Nếu sống ở Cô-rinh-tô thời đó, tôi phản ứng ra sao trong thời gian chờ đợi?’

14, 15. Tại sao một số người ngưng đi theo Chúa Giê-su, và chúng ta rút ra bài học nào?

14 Hãy xem một trường hợp khác liên quan đến hội thánh. Giả sử một người thấy điều dạy dỗ nào đó trong Kinh Thánh khó hiểu và khó chấp nhận. Người đó có lẽ đã nghiên cứu Kinh Thánh và các ấn phẩm có sẵn qua hội thánh và tìm sự giúp đỡ của những anh em tín đồ thành thục, kể cả các trưởng lão. Thế nhưng, người đó vẫn thấy khó hiểu hoặc khó chấp nhận. Anh có thể làm gì? Một trường hợp tương tự đã xảy ra khoảng một năm trước khi Chúa Giê-su chết. Ngài nói rằng ngài là “bánh của sự sống”, và ai muốn sống đời đời thì phải “ăn thịt của Con người, cùng. . . uống huyết Ngài”. Điều này gây sửng sốt cho một số môn đồ. Thay vì tìm lời giải thích hoặc chờ đợi với lòng tin, nhiều môn đồ “không đi với Ngài nữa”. (Giăng 6:35, 41-66) Nếu có mặt vào lúc đó, chúng ta sẽ làm gì?

15 Thời nay, một số người đã ngưng kết hợp với hội thánh địa phương, cảm thấy họ có thể tự phụng sự Đức Chúa Trời. Họ nêu lý do là họ bị tổn thương, họ nghĩ có điều sai trái mà không được sửa chữa, hoặc họ không thể chấp nhận một sự dạy dỗ nào đó. Phản ứng như thế có hợp lý không? Mặc dù mỗi tín đồ Đấng Christ nên có mối quan hệ riêng với Đức Chúa Trời, nhưng chúng ta không thể phủ nhận là Ngài đang dùng một hội thánh toàn cầu, như thời các sứ đồ. Hơn nữa, Đức Giê-hô-va dùng và ban phước cho các hội thánh địa phương vào thế kỷ thứ nhất, sắp đặt các trưởng lão và tôi tớ thánh chức hội đủ điều kiện để mang lại lợi ích cho hội thánh. Ngày nay cũng vậy.

16. Nếu có ý lìa bỏ hội thánh, một người nên nghĩ đến điều gì?

16 Nếu một tín đồ cảm thấy chỉ cần tin cậy nơi mối quan hệ giữa mình và Đức Chúa Trời thôi, thì người đó đang từ bỏ sự sắp đặt của Ngài—cả hội thánh toàn cầu và các hội thánh địa phương của dân Đức Chúa Trời. Người đó có thể tách riêng hoặc chỉ kết hợp với một ít người, nhưng còn sự sắp đặt về trưởng lão và tôi tớ thánh chức thì sao? Điều đáng chú ý là khi Phao-lô viết cho hội thánh ở Cô-lô-se và bảo cũng đọc thư này ở Lao-đi-xê, ông nói về việc “châm rễ và lập nền trong [Đấng Christ]”. Chỉ những người trong hội thánh, không phải những cá nhân tự tách biệt, mới nhận được lợi ích từ lời khuyên này.—Cô-lô-se 2:6, 7; 4:16.

Trụ và nền của lẽ thật

17. Nơi 1 Ti-mô-thê 3:15, chúng ta học được gì về hội thánh?

17 Trong lá thư thứ nhất gửi cho trưởng lão Ti-mô-thê, sứ đồ Phao-lô nêu rõ những điều kiện để làm trưởng lão và tôi tớ thánh chức trong hội thánh địa phương. Ngay sau đó, Phao-lô đề cập đến “Hội-thánh của Đức Chúa Trời hằng sống”, nói rằng đó là “trụ và nền của lẽ thật”. (1 Ti-mô-thê 3:15) Chắc chắn toàn thể hội thánh các tín đồ được xức dầu đã chứng tỏ là trụ vào thế kỷ thứ nhất. Rõ ràng, sự sắp đặt chính để những cá nhân tín đồ nhận được lẽ thật là qua hội thánh địa phương. Ở đấy, họ được giảng dạy về lẽ thật, đồng thời được vững mạnh trong đức tin.

18. Tại sao các buổi họp hội thánh là trọng yếu?

18 Tương tự, hội thánh toàn cầu của tín đồ Đấng Christ là nhà Đức Chúa Trời, “trụ và nền của lẽ thật”. Đều đặn có mặt và tham gia trong các buổi họp của hội thánh địa phương là cách chính yếu để giúp chúng ta xây dựng, củng cố mối quan hệ với Đức Chúa Trời và sẵn sàng làm theo ý muốn Ngài. Trong thư gửi hội thánh ở Cô-rinh-tô, Phao-lô lưu ý đến những gì được nói tại các buổi họp. Ông muốn những lời đó phải rõ ràng và dễ hiểu để người nghe “được gây-dựng”. (1 Cô-rinh-tô 14:12, 17-19) Ngày nay, chúng ta có thể được xây dựng nếu nhận thức rằng các hội thánh địa phương là sự sắp đặt của Giê-hô-va Đức Chúa Trời và được Ngài hỗ trợ.

19. Tại sao bạn cảm thấy biết ơn hội thánh của mình?

19 Thật vậy, nếu muốn được xây dựng trong đức tin, chúng ta phải ở trong hội thánh. Từ lâu, hội thánh đã chứng tỏ là sự che chở khỏi các dạy dỗ sai lầm. Đức Chúa Trời đã và đang dùng hội thánh hầu cho tin mừng về Nước của Đấng Mê-si được rao truyền trên khắp đất. Chắc chắn, Đức Chúa Trời đã thực hiện được nhiều điều qua hội thánh tín đồ Đấng Christ.—Ê-phê-sô 3:9, 10.

[Chú thích]

^ đ. 10 Học giả Kinh Thánh Albert Barnes thừa nhận rằng chỉ dẫn của Chúa Giê-su về việc “cáo cùng Hội-thánh” có thể ngụ ý nói với “những người có quyền xử lý các trường hợp đó—những người đại diện cho giáo hội. Người Do Thái thường đến nhà hội để nhờ các trưởng lão xét xử những vụ như thế”.

Bạn còn nhớ không?

• Tại sao chúng ta tin rằng Đức Chúa Trời dùng các hội thánh ở trên đất?

• Dù bất toàn, các trưởng lão làm được gì cho hội thánh?

• Qua hội thánh địa phương, bạn được xây dựng như thế nào?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 26]

Các sứ đồ và trưởng lão ở Giê-ru-sa-lem là thành viên của hội đồng lãnh đạo

[Hình nơi trang 28]

Trưởng lão và tôi tớ thánh chức được hướng dẫn để chu toàn trách nhiệm đối với hội thánh