Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Khi sự trông đợi không thành

Khi sự trông đợi không thành

Khi sự trông đợi không thành

SỰ THẤT VỌNG có thể nảy sinh trong bất kỳ cuộc hôn nhân nào, ngay cả với những cặp dường như rất hợp nhau trong thời gian tìm hiểu. Trước khi kết hôn, có những cặp khiến người ta tưởng chừng họ sinh ra là để dành cho nhau, nhưng sau khi kết hôn lại hoàn toàn khác. Làm sao điều đó có thể xảy ra?

Kinh Thánh nói những người lập gia đình sẽ có “sự khó-khăn”. (1 Cô-rinh-tô 7:28) Những khó khăn đó thường một phần là do sự bất toàn của con người. (Rô-ma 3:23) Bên cạnh đó, có thể một trong hai người hoặc cả hai không áp dụng nguyên tắc Kinh Thánh. (Ê-sai 48:17, 18) Tuy nhiên, cũng có người bước vào hôn nhân với những trông đợi thiếu thực tế. Trong những trường hợp này, sự hiểu lầm có thể gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng.

Sự trông đợi thiếu thực tế

Khi mới lập gia đình, giống như đa số người khác, có lẽ bạn cũng có một số trông đợi nào đó cho hôn nhân của mình. Hãy dành vài phút suy nghĩ về đời sống gia đình mà bạn mơ ước. Hôn nhân của bạn hiện nay có được như thế không? Nếu không, đừng vội cho rằng tình trạng đó không thể thay đổi được. Áp dụng nguyên tắc Kinh Thánh sẽ giúp bạn cải thiện hôn nhân. * (2 Ti-mô-thê 3:16) Đồng thời, cũng nên xem xét lại một số niềm trông đợi của mình.

Chẳng hạn, một số người nghĩ rằng hôn nhân sẽ đầy những giây phút lãng mạn, như trong truyện cổ tích. Hoặc vợ chồng sẽ dành phần lớn thời gian bên nhau, và có thể giải quyết một cách chín chắn, êm thắm mọi bất đồng. Nhiều người tưởng rằng khi đã kết hôn thì không cần tự chủ trong vấn đề tình dục nữa. Những trông đợi thường gặp đó đều có phần thiếu thực tế và chắc chắn sẽ khiến nhiều người thất vọng.—Sáng-thế Ký 3:16.

Một trông đợi thiếu thực tế khác là sau khi kết hôn, người ta chắc chắn sẽ thấy hạnh phúc. Dĩ nhiên, một người bạn đời có thể mang lại nhiều niềm vui trong cuộc sống. (Châm-ngôn 18:22; 31:10; Truyền-đạo 4:9) Nhưng chúng ta có nên mong chờ phép lạ là sau khi kết hôn, mọi bất đồng sẽ tự dưng tan biến không? Những ai nghĩ như thế sẽ phải nhanh chóng tỉnh ngộ!

Sự trông đợi thầm lặng

Không phải trông đợi nào cũng thiếu thực tế. Trái lại, có những niềm trông đợi xem ra rất hợp lý. Tuy nhiên, những trông đợi hợp lý cũng có thể làm nảy sinh vấn đề. Một nhà tư vấn về hôn nhân nhận xét: “Tôi đã thấy các cặp vợ chồng giận nhau vì người này mong mỏi người kia làm điều gì đó cho mình, nhưng người kia thì không hề hay biết”. Để hiểu vấn đề nảy sinh ra sao, hãy xem một thí dụ.

Chị Mai và anh Dũng sống cách nhau hàng trăm kilômét. Trước khi kết hôn, chị đã biết rằng sẽ gặp nhiều khó khăn khi dọn về nhà chồng—đặc biệt vì bản tính chị vốn nhút nhát. Nhưng chị tin rằng anh Dũng sẽ giúp chị dần dần làm quen với môi trường mới. Chị trông đợi anh sẽ luôn ở bên cạnh và giúp chị làm quen với những người bạn của anh. Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra. Khi gặp bạn bè, anh Dũng cứ mải mê trò chuyện với họ mà không đếm xỉa gì đến chị Mai. Vì thế, chị cảm thấy lạc lõng và bị bỏ rơi. Chị cứ ray rứt: ‘Sao anh ấy lại vô tâm đến thế?’

Phải chăng niềm trông đợi của chị Mai là không thực tế? Không hẳn vậy. Chị chỉ có ước muốn đơn giản là được chồng giúp làm quen với môi trường mới. Vì nhút nhát nên chị sợ gặp nhiều người lạ. Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ chị Mai chưa bao giờ nói cho anh Dũng biết cảm xúc của mình. Do đó, anh Dũng không hề hay biết về nỗi khổ tâm của chị. Điều gì sẽ xảy ra nếu tình trạng này cứ tiếp diễn? Chị Mai sẽ ngày càng chất chứa hờn giận và đến một lúc nào đó, chị có thể cho rằng chồng hoàn toàn không quan tâm đến cảm xúc của mình.

Đôi khi hẳn bạn cũng cảm thấy thất vọng hay buồn bực vì người hôn phối có vẻ thờ ơ với nhu cầu của mình. Trong trường hợp đó, bạn có thể làm gì?

Hãy sẻ chia

Thật đáng buồn khi sự trông đợi không thành. (Châm-ngôn 13:12) Tuy nhiên, bạn có thể cải thiện tình thế. Một câu châm ngôn trong Kinh Thánh nói: “Trí khôn ngoan làm miệng nên khéo léo và thêm sức thuyết phục cho đôi môi”. (Châm-ngôn 16:23, Tòa Tổng Giám Mục) Vì thế, nếu cảm thấy mình có một trông đợi hợp lý nhưng không được thỏa mãn, hãy nói chuyện với người hôn phối.

Cố gắng chọn đúng lúc, đúng dịp và đúng lời để nói lên những trăn trở của bạn. (Châm-ngôn 25:11) Hãy nói một cách tôn trọng và điềm tĩnh, nên nhớ rằng mục tiêu của bạn là cho người hôn phối biết những cảm xúc và mong mỏi của mình, chứ không phải là để chỉ trích.Châm-ngôn 15:1.

Tại sao phải làm thế? Nếu biết quan tâm, chẳng phải người hôn phối tự khắc sẽ nhận ra nhu cầu của bạn hay sao? Có thể người ấy đang nhìn vấn đề từ một góc cạnh khác, và sẽ sẵn lòng lắng nghe những mong mỏi của bạn, nếu bạn chịu giải thích. Nói lên ước muốn hay nhu cầu của mình không có nghĩa là hôn nhân của bạn lỏng lẻo, hay người hôn phối của bạn vô tâm.

Do đó, hãy thảo luận vấn đề với người hôn phối. Chẳng hạn, trong thí dụ trên, chị Mai có thể nói: “Em có một chuyện muốn nói với anh. Em cảm thấy rất ngại khi phải gặp nhiều người lạ. Anh có thể giúp em từ từ làm quen với mọi người được không?”

Hãy “mau nghe”

Giờ đây, hãy xem xét vấn đề ở góc độ khác. Giả sử bạn là người chưa đáp ứng những mong mỏi hợp lý của người hôn phối; người ấy đang buồn bực và muốn nói chuyện với bạn. Trong trường hợp đó, hãy lắng nghe! Cố gắng đừng tự ái. Thay vì thế, hãy “mau nghe mà chậm nói, chậm giận”. (Gia-cơ 1:19; Châm-ngôn 18:13) Sứ đồ Phao-lô khuyên các tín đồ Đấng Christ: “Chớ ai tìm lợi riêng cho mình, nhưng ai nấy hãy tìm cho kẻ khác”.—1 Cô-rinh-tô 10:24.

Bạn sẽ dễ dàng làm thế nếu đặt mình vào vị trí của người hôn phối. Kinh Thánh nói: “Hỡi người làm chồng, hãy tỏ điều khôn-ngoan ra trong sự ăn-ở với vợ mình”. (1 Phi-e-rơ 3:7) Bản J. B. Phillips dịch câu này như sau: “Người làm chồng nên cố gắng hiểu vợ”. Tất nhiên, những người làm vợ cũng nên cố gắng đối xử như thế với chồng.

Hãy nhớ rằng dù tương xứng đến đâu, không phải lúc nào vợ chồng bạn cũng có đồng quan điểm. (Xem khung “Cùng phong cảnh, cách nhìn khác”). Thật ra, đó là điều tốt vì như thế các bạn có thể học hỏi lẫn nhau. Khi kết hôn, các bạn có những trông đợi riêng vì mỗi người lớn lên trong một nền văn hóa và môi trường gia đình khác nhau. Do đó, dù yêu nhau thắm thiết, có thể các bạn vẫn có những trông đợi khác nhau.

Chẳng hạn, hầu như các cặp vợ chồng tín đồ Đấng Christ đều biết rõ về nguyên tắc làm đầu. (Ê-phê-sô 5:22, 23) Nhưng cụ thể quyền làm đầu và sự vâng phục được thể hiện thế nào trong gia đình bạn? Vợ chồng bạn có để nguyên tắc này hướng dẫn mình không? Các bạn có thật sự cố gắng sống theo nguyên tắc đó không?

Chắc hẳn các bạn cũng có quan niệm khác nhau về những vấn đề khác nữa trong đời sống hằng ngày. Ai sẽ đảm đương việc này, việc kia trong nhà? Nên dành thời gian với bà con trong những dịp nào, và bao lâu? Làm thế nào các cặp vợ chồng tín đồ Đấng Christ cho thấy họ đặt Nước Trời lên hàng đầu? (Ma-thi-ơ 6:33) Trong vấn đề tài chánh, rất dễ rơi vào cảnh nợ nần, vì thế nên cố gắng cần kiệm. Nhưng thế nào là cần kiệm? Những vấn đề này cần được bàn bạc một cách tôn trọng và cởi mở. Điều đó sẽ mang lại nhiều lợi ích cho gia đình bạn.

Những cuộc trò chuyện như thế có thể giúp gia đình bạn đầm ấm hơn, dù vẫn còn những trông đợi chưa thành. Thật vậy, các bạn sẽ áp dụng tốt hơn lời khuyên của sứ đồ Phao-lô: “Nếu một người trong anh em có sự gì phàn-nàn với kẻ khác, thì hãy nhường-nhịn nhau và tha-thứ nhau”.—Cô-lô-se 3:13.

[Chú thích]

^ đ. 5 Sách Bí quyết giúp gia đình hạnh phúc, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản, có nhiều lời khuyên rất hữu ích cho các cặp vợ chồng.

[Khung/​Hình nơi trang 10]

CÙNG PHONG CẢNH, CÁCH NHÌN KHÁC

“Hãy tưởng tượng đám đông du khách ngắm xem một phong cảnh đẹp như tranh. Mặc dù cả nhóm nhìn cùng một phong cảnh, mỗi người thấy một cách khác nhau. Tại sao thế? Bởi vì mỗi người đều nhìn từ một vị trí khác nhau. Không có hai người nào đứng cùng một chỗ cả. Hơn nữa, không phải mỗi người đều tập trung vào cùng một phần của phong cảnh. Mỗi người thấy một khía cạnh khác nhau đặc biệt hấp dẫn đối với mình. Đối với vấn đề hôn nhân cũng đúng như vậy. Ngay cả khi hai người đều rất tương xứng nhau, không hai người nào có cùng một quan điểm giống nhau. . . Sự thông tri bao hàm cố gắng để hòa lẫn những điểm khác nhau này vào mối liên lạc một-thịt. Điều này đòi hỏi phải bỏ thì giờ ra để nói chuyện”.—Tháp Canh ngày 1-5-1994, trang 4.

[Khung nơi trang 11]

NHỮNG ĐIỀU NÊN LÀM

• Hãy xem lại những trông đợi của mình. Chúng có thực tế không? Bạn có đòi hỏi quá nhiều nơi người hôn phối không?—Phi-líp 2:4; 4:5.

• Cố gắng điều chỉnh những trông đợi thiếu thực tế. Chẳng hạn, thay vì nói: “Chúng tôi sẽ không bao giờ bất đồng ý kiến”, hãy quyết tâm giải quyết các bất đồng một cách êm thắm.—Ê-phê-sô 4:32.

• Nói cho người hôn phối biết những trông đợi của bạn. Trò chuyện là bước quan trọng để tập bày tỏ tình yêu thương và sự tôn trọng lẫn nhau.—Ê-phê-sô 5:33.

[Hình nơi trang 9]

Hãy “mau nghe” khi người hôn phối nói lên những trăn trở của mình