Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Theo bước của Phao-lô đến Bê-rê

Theo bước của Phao-lô đến Bê-rê

Theo bước của Phao-lô đến Bê-rê

Vào khoảng năm 50 CN, công việc rao giảng của hai giáo sĩ đạt được kết quả mỹ mãn và rất nhiều người đã trở thành tín đồ. Rồi có một đám đông nổi lên chống đối họ. Vì lợi ích của hội thánh mới được thành lập và sự an toàn của chính mình, nên ngay giữa đêm khuya, hai giáo sĩ Phao-lô và Si-la phải lập tức rời thành phố cảng Tê-sa-lô-ni-ca ở xứ Ma-xê-đoan. Họ lên đường đến nơi rao giảng mới: thành Bê-rê.

TỪ XA, du khách thời nay cũng như khách lữ hành thời xưa, có thể thấy thành Bê-rê (Véroia) tọa lạc về phía đông của chân ngọn núi Bermios xum xuê. Thành Bê-rê cách Tê-sa-lô-ni-ca khoảng 65 cây số về hướng tây nam, và cách biển Aegean khoảng 40 cây số. Phía nam thì có núi Olympus. Theo truyền thuyết, đây là nơi cư ngụ của các vị thần quan trọng của Hy Lạp cổ xưa.

Thành Bê-rê là nơi thích thú đối với học viên Kinh Thánh vì đó là nơi sứ đồ Phao-lô rao giảng và giúp nhiều người cải đạo thành tín đồ Đấng Christ. (Công-vụ 17:10-15) Chúng ta hãy trở lại với hành trình của Phao-lô và tìm hiểu lịch sử của thành này.

Lịch sử thời ban đầu

Không ai biết chắc thành Bê-rê được thành lập từ khi nào. Dân cư đầu tiên, có lẽ thuộc các bộ lạc Phi-ri-gi, bị dân Ma-xê-đoan đánh đuổi ra khỏi vùng đó vào khoảng thế kỷ thứ bảy TCN. Ba thế kỷ sau, nhờ các cuộc chinh phục của A-léc-xan-đơ Đại Đế, xứ Ma-xê-đoan đã trở nên giàu có. Người ta đã xây dựng những tòa nhà và tường thành to lớn, cũng như các đền thờ của thần Zeus, Artemis, Apollo, Athena và những thần Hy Lạp khác.

Một sách sử ghi nhận rằng trong nhiều thế kỷ thành Bê-rê “đã đóng một vai trò chính yếu, không những trong khu vực đó mà trong cả các vùng khác của bắc Hy Lạp”. Thành này trở nên đặc biệt nổi tiếng vào triều đại cuối của các vua Ma-xê-đoan, triều đại Antigonid (306-168 TCN). Cuối cùng quân La Mã đã lật đổ triều đại này.

Theo bách khoa tự điển Encyclopædia Britannica, khi La Mã đánh bại Vua Philip V vào năm 197 TCN, “quyền thế đã rơi vào tay của La Mã và cường quốc này nắm toàn quyền ở vùng đông Địa Trung Hải”. Vào năm 168 TCN, tại Pydna cách miền nam Bê-rê vài cây số, một tướng La Mã đã hoàn toàn đánh thắng Perseus, người lãnh đạo cuối cùng của xứ Ma-xê-đoan xưa. Như được tiên tri trong Kinh Thánh, La Mã đã thay thế Hy Lạp và trở thành cường quốc thế giới. (Đa-ni-ên 7:6, 7, 23) Sau trận chiến đó, Bê-rê là một trong những thành phố đầu tiên ở Ma-xê-đoan đầu hàng La Mã.

Vào thế kỷ thứ nhất TCN, Ma-xê-đoan trở thành bãi chiến trường trong cuộc tranh chấp giữa Pompey và Julius Caesar. Pompey thậm chí đã đặt bộ chỉ huy và lính của mình tại vùng Bê-rê.

Phồn thịnh dưới sự cai trị của La Mã

Trong suốt thời kỳ Pax Romana, tức Hòa Bình La Mã, du khách tới Bê-rê đã thấy những con đường lót bằng đá. Dọc theo hai bên đường là các hàng cột. Thành phố có những nhà tắm công cộng, nhà hát, thư viện và đấu trường. Thành phố này có hệ thống dẫn nước qua những ống và hệ thống thoát nước nằm dưới mặt đất. Bê-rê trở thành nên một trung tâm thương mại nổi tiếng, có nhiều thương gia, nghệ sĩ, vận động viên lui tới. Cũng có nhiều người đi xem các môn thể thao và những trò giải trí khác. Người nước ngoài có thể đến những chỗ thờ phượng, nơi họ cử hành lễ của tôn giáo mình. Thật thế, thành phố này là nơi tập trung của nhiều giáo phái trong toàn thể đế quốc La Mã.

Các hoàng đế quá cố của La Mã được tôn làm thần và được thờ phượng trong số những thần mà người ta thờ tại Bê-rê. Điều này không lạ đối với dân ở thành này vì trước đây họ đã tôn thờ A-léc-xan-đơ Đại Đế như một vị thần. Một nguồn tài liệu Hy Lạp ghi: “Vì có thói quen xem vua như là thiên tử khi vua còn sống, nên người Hy Lạp ở miền đông đế quốc này cũng sẵn sàng tôn thờ hoàng đế La Mã. . . Đồng tiền có khắc hình hoàng đế như là một vị thần, trên đầu đội vương miện có tia sáng mặt trời tỏa ra. Họ cầu nguyện và tôn vinh hoàng đế bằng những bài thánh ca, giống như cách họ thường làm đối với các thần khác”. Nhiều bàn thờ và đền thờ đã được xây lên và họ dâng của cúng cho hoàng đế ở đó. Ngay cả các hoàng đế cũng đến dự những buổi lễ tôn giáo của quốc gia, gồm những cuộc thi đua thể thao, nghệ thuật và văn chương.

Tại sao thành Bê-rê là trung tâm thờ phượng của người ngoại giáo? Vì đó là nơi mà Koinon, tức hội đồng gồm các đại biểu của các thành phố xứ Ma-xê-đoan, thường xuyên họp lại để bàn về những công việc của thành phố và tỉnh, xử lý các vấn đề dưới sự giám sát của La Mã. Một công việc chính của hội đồng này là trông nom các buổi lễ tôn giáo quốc gia.

Đó là bối cảnh của thành phố Bê-rê, nơi mà Phao-lô và Si-la đến sau khi chạy khỏi thành Tê-sa-lô-ni-ca. Đến lúc này, La Mã đã chiếm đóng thành Bê-rê được hai thế kỷ.

Tin mừng được rao giảng ở thành Bê-rê

Phao-lô bắt đầu rao giảng trong nhà hội của thành Bê-rê. Người ta phản ứng ra sao? Lời tường thuật trong Kinh Thánh cho biết dân Do Thái ở đó “có ý hẳn-hoi [“cởi mở”, Tòa Tổng Giám Mục] hơn người Tê-sa-lô-ni-ca, đều sẵn lòng chịu lấy đạo, ngày nào cũng tra xem Kinh-thánh, để xét lời giảng có thật chăng”. (Công-vụ 17:10, 11) Vì có tinh thần “cởi mở”, họ không khăng khăng giữ truyền thống của mình. Mặc dù nghe những điều mới lạ, nhưng họ không nghi ngờ hoặc cảm thấy khó chịu. Thay vì từ chối, họ chú ý lắng nghe và không có thành kiến với thông điệp của Phao-lô.

Làm sao những người Do Thái đó nhận biết được những điều Phao-lô rao giảng là lẽ thật? Họ cẩn thận và chăm chỉ tra xét Kinh Thánh, cuốn sách tiêu chuẩn mà họ tin cậy nhất. Học giả Kinh Thánh là Matthew Henry kết luận: “Phao-lô dùng những câu Kinh Thánh để lý luận, và cho biết những câu đó nằm trong phần Cựu Ước để chứng minh những điều ông nói. Vì thế dân ở thành Bê-rê lấy Kinh Thánh ra và tìm những câu mà ông đề cập đến, rồi đọc thêm những câu có liên quan để biết nội dung cũng như ý nghĩa. Họ so sánh những câu này với những câu khác trong Kinh Thánh, xem những lời Phao-lô kết luận có đúng và hợp lý hay không. Họ cũng xem những điều ông lý luận dựa trên Kinh Thánh có đáng tin cậy không, rồi mới quyết định”.

Việc này không thể làm một cách hời hợt. Những người Do Thái ở thành Bê-rê tiếp tục siêng năng học hỏi. Họ dành thì giờ mỗi ngày để làm thế, chứ không phải chỉ vào ngày Sa-bát.

Kết quả là gì? Nhiều người Do Thái ở thành Bê-rê hưởng ứng thông điệp của Phao-lô và tin đạo. Cũng có nhiều người Hy Lạp tin đạo, trong đó có lẽ gồm một số người nhập đạo Do Thái. Tuy nhiên, điều này không khỏi không gây chú ý. Khi nghe đến chuyện này, người Do Thái ở Tê-sa-lô-ni-ca vội vã đến thành Bê-rê “để rải sự xao-xuyến [“sách động”, TTGM] rối-loạn trong dân-chúng”.—Công-vụ 17:4, 12, 13.

Phao-lô buộc phải rời thành Bê-rê, nhưng ông tiếp tục rao giảng ở nơi khác. Lần này ông lên thuyền đi A-thên. (Công-vụ 17:14, 15) Dù sao đi nữa, ông có thể vui mừng vì nhờ công việc rao giảng của ông ở thành Bê-rê, nên đạo Đấng Christ đã được thiết lập ở đó, và hiện nay phát triển tốt đẹp.

Ngày nay vẫn còn có người ở thành Bê-rê (Véroia) cẩn thận tra xem Kinh Thánh để “xem-xét mọi việc” cũng như “giữ lấy” những điều chân thật và đáng tin cậy. (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:21) Hai hội thánh của Nhân Chứng Giê-hô-va trong thành phố này tích cực rao giảng cũng giống như Phao-lô đã làm, đó là chia sẻ thông điệp của Kinh Thánh với những người khác. Họ tìm kiếm những người có lòng thành thật và dùng Kinh Thánh lý luận, để quyền lực của Kinh Thánh động đến lòng và giúp đỡ những người muốn biết về Giê-hô-va Đức Chúa Trời.—Hê-bơ-rơ 4:12.

[Bản đồ nơi trang 13]

(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)

Một đoạn của cuộc hành trình thứ nhì làm giáo sĩ của Phao-lô

MY-SI

Trô-ách

Nê-a-bô-li

Phi-líp

MA-XÊ-ĐOAN

Am-phi-bô-lít

Tê-sa-lô-ni-ca

Bê-rê

HY LẠP

A-thên

Cô-rinh-tô

A-CHAI

A-SI

Ê-phê-sô

RÔ-ĐƠ

[Hình nơi trang 13]

Đồng tiền bạc khắc hình A-léc-xan-đơ Đại Đế như một thần của Hy Lạp

[Nguồn tư liệu]

Đồng tiền: Pictorial Archive (Near Eastern History) Est.

[Hình nơi trang 14]

Một lối vào khu Do Thái tại thành Bê-rê (Véroia)

[Hình nơi trang 15]

Một nhà hội Do Thái cổ tại thành phố Bê-rê (Véroia) hiện đại