Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Làm thế nào con cái có được nền giáo dục hữu ích?

Làm thế nào con cái có được nền giáo dục hữu ích?

Làm thế nào con cái có được nền giáo dục hữu ích?

VIỆC giáo dục một đứa trẻ có thể ví như cuộc hành trình lý thú và đầy thách đố. Đó là cuộc hành trình mà bạn và con bạn đều tham gia. Bạn khích lệ và yêu thương hướng dẫn, giúp chúng tiến tới trên đường đời. Có rất nhiều điều chúng cần học hỏi!

Để thật sự thành công và hạnh phúc trong đời sống, trẻ con phải được dạy dỗ về những giá trị đạo đức và thiêng liêng, biết phân biệt điều lành và dữ. Nếu chúng học biết và yêu mến Đức Giê-hô-va, nền giáo dục mà chúng hấp thu sẽ mang lại kết quả tốt và lâu dài. Là bậc cha mẹ, bạn giữ vai trò chính yếu về những gì con cái học được và cách chúng đánh giá cũng như hiểu điều chúng học.

Có những thách thức cha mẹ phải vượt qua trong cuộc hành trình này. Trẻ em rất dễ bị ảnh hưởng, và qua môi trường bên ngoài, chúng có thể học nhiều điều không lành mạnh. Chúng ta sống trong thế gian phục dưới quyền Sa-tan Ma-quỉ. (1 Giăng 5:19) Hắn muốn giáo dục con cái bạn, nhưng vì những lý do khác hẳn. Sa-tan là kẻ có tài và kinh nghiệm dạy dỗ—nhưng hắn quả thật là kẻ gian ác. Mặc dù mạo làm “thiên-sứ sáng-láng”, nhưng sự khôn sáng hắn đưa ra đều giả dối, đi ngược lại Lời và ý định Đức Giê-hô-va. (2 Cô-rinh-tô 4:4; 11:14; Giê-rê-mi 8:9) Sa-tan và các quỉ đều rất lão luyện trong việc lừa dối, cổ xúy tính ích kỷ, bất lương và luân lý đồi bại.—1 Ti-mô-thê 4:1.

Bạn có thể làm gì để giúp con cái không bị lầm lạc? Làm sao có thể dạy chúng tiếp nhận những điều chân thật và hữu ích? Một bước quan trọng là tự xét mình. Bạn phải nêu gương tốt. Bạn cần đảm nhận trách nhiệm dạy dỗ con cái và dành thì giờ để làm việc này. Tuy nhiên, trước khi xem xét những điểm đó, chúng ta hãy xác định nền tảng của sự giáo dục mang lại lợi ích.

Nền tảng của sự giáo dục chân chính

Chúng ta có thể học nơi Vua Sa-lô-môn của Y-sơ-ra-ên, một trong những người khôn ngoan nhất từ xưa đến nay. Kinh Thánh nói: “Đức Chúa Trời ban cho Sa-lô-môn sự khôn-ngoan, sự thông-sáng rất cao, cùng lòng rộng-rãi như cát trên bờ biển. Sự khôn-ngoan của Sa-lô-môn trổi hơn sự khôn-ngoan của mọi người phương-đông, và sự khôn-ngoan của người Ê-díp-tô”. Sa-lô-môn có thể “nói ba ngàn câu châm-ngôn, và làm một ngàn năm bài thơ”. Ông hiểu biết sâu sắc về đời sống thực vật cũng như động vật. (1 Các Vua 4:29-34) Vua Sa-lô-môn cũng giám sát các công trình xây dựng ở Y-sơ-ra-ên, kể cả việc xây cất đền thờ nguy nga của Đức Giê-hô-va ở Giê-ru-sa-lem.

Các sách Sa-lô-môn viết, chẳng hạn như sách Truyền-đạo, cho thấy ông hiểu biết uyên thâm về bản chất con người. Ông được Đức Chúa Trời soi dẫn để nêu rõ nền tảng của sự giáo dục chân chính. Sa-lô-môn nói: “Sự kính-sợ Đức Giê-hô-va là khởi-đầu sự tri-thức”. Vị vua khôn ngoan này cũng tuyên bố: “Kính-sợ Đức Giê-hô-va, ấy là khởi đầu sự khôn-ngoan; sự nhìn-biết Đấng Thánh, đó là sự thông-sáng”.—Châm-ngôn 1:7; 9:10.

Nếu kính sợ Đức Chúa Trời, chúng ta tôn kính Ngài và cẩn thận không làm phật ý Ngài. Chúng ta nhận thức Ngài là Đấng Tối Cao và chúng ta phải chịu trách nhiệm trước mặt Ngài. Những người xem thường Đấng tạo dựng chúng ta, có thể được con người xem là khôn ngoan nhưng sự khôn ngoan đó “trước mặt Đức Chúa Trời là sự dại-dột”. (1 Cô-rinh-tô 3:19) Con cái bạn cần sự giáo dục dựa trên “sự khôn-ngoan từ trên mà xuống”.—Gia-cơ 3:15, 17.

Sự kính sợ Đức Giê-hô-va gắn liền với lòng yêu mến đối với Ngài. Đức Giê-hô-va muốn các tôi tớ vừa kính sợ vừa yêu mến Ngài. Môi-se nói: “Hỡi Y-sơ-ra-ên, bây giờ Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi đòi ngươi điều chi? há chẳng phải đòi ngươi kính-sợ Giê-hô-va, Đức Chúa Trời ngươi, đi theo các đạo Ngài, hết lòng hết ý kính-mến và phục-sự Giê-hô-va, Đức Chúa Trời ngươi, giữ các điều-răn và luật-lệ của Đức Giê-hô-va, mà ta truyền cho ngươi ngày nay, để ngươi được phước?”—Phục-truyền Luật-lệ Ký 10:12, 13.

Nếu khắc ghi vào lòng con trẻ sự kính sợ Đức Giê-hô-va, chúng ta sẽ đặt nền tảng cho sự giáo dục giúp con cái thật sự khôn ngoan. Khi tiếp tục xây trên nền đó, chúng sẽ càng quý trọng Đấng Tạo Hóa, Nguồn của mọi hiểu biết thật. Điều này sẽ giúp con cái chúng ta hiểu đúng những gì chúng học được, không đi đến những kết luận sai lầm. Chúng sẽ phát triển khả năng “phân-biệt điều lành và dữ”. (Hê-bơ-rơ 5:14) Nền tảng như thế cũng sẽ giúp chúng giữ thái độ khiêm nhường và tránh làm điều ác.—Châm-ngôn 8:13; 16:6.

Con cái đang quan sát bạn!

Tuy nhiên, làm thế nào chúng ta có thể giúp con cái yêu mến và kính sợ Đức Giê-hô-va? Câu trả lời được tìm thấy trong Luật Pháp mà Đức Giê-hô-va ban cho dân Y-sơ-ra-ên qua nhà tiên tri Môi-se. Các bậc cha mẹ Y-sơ-ra-ên được dặn bảo: “Ngươi phải hết lòng, hết ý, hết sức kính-mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi. Các lời mà ta truyền cho ngươi ngày nay sẽ ở tại trong lòng ngươi; khá ân-cần dạy-dỗ điều đó cho con-cái ngươi, và phải nói đến, hoặc khi ngươi ngồi trong nhà, hoặc khi đi ngoài đường, hoặc lúc ngươi nằm, hay là khi chỗi dậy”.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:5-7.

Đoạn Kinh Thánh này dạy các bậc cha mẹ những điều quan trọng. Một trong các điều đó là: Làm cha mẹ, bạn phải nêu gương tốt. Muốn dạy con cái yêu mến Đức Giê-hô-va, chính bạn phải yêu mến Đức Chúa Trời, và lời Ngài phải khắc ghi trong lòng bạn. Tại sao điều này rất quan trọng? Vì bạn là người giữ vai trò chính yếu trong việc dạy dỗ con cái. Những gì chúng học qua gương của bạn sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến chúng. Và không điều gì tác động đến đời sống một đứa trẻ nhiều hơn là gương cha mẹ.

Nguyện vọng, lý tưởng, giá trị và sở thích của bạn không chỉ thể hiện qua lời nói mà còn qua hành động của bạn. (Rô-ma 2:21, 22) Từ tuổi thơ ấu, con cái học hỏi qua việc quan sát kỹ cha mẹ. Con cái nhận biết điều gì là quan trọng đối với cha mẹ, và những điều này thường trở nên quan trọng đối với chúng. Nếu bạn thật sự yêu mến Đức Giê-hô-va, con bạn sẽ nhận thức điều đó. Chẳng hạn, chúng sẽ thấy rõ việc đọc và học Kinh Thánh là quan trọng đối với bạn. Chúng sẽ hiểu rõ là bạn đặt quyền lợi Nước Trời lên hàng đầu trong đời sống. (Ma-thi-ơ 6:33) Khi bạn đều đặn có mặt tại các buổi họp đạo Đấng Christ và tham gia công việc rao giảng về Nước Trời, điều này cho chúng thấy thánh chức phụng sự Đức Giê-hô-va là quan trọng nhất đối với bạn.—Ma-thi-ơ 28:19, 20; Hê-bơ-rơ 10:24, 25.

Gánh vác trách nhiệm

Một điều khác mà cha mẹ học được qua Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:5-7 là: Bạn có trách nhiệm dạy dỗ con cái. Trong vòng dân sự Đức Giê-hô-va thời xưa, cha mẹ là người giáo dục con cái. Trong vòng tín đồ Đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất, cha mẹ tiếp tục giữ vai trò trọng yếu này. (2 Ti-mô-thê 1:5; 3:14, 15) Khi viết cho các anh em tín đồ, sứ đồ Phao-lô cho thấy rằng người cha đặc biệt phải “dùng sự sửa-phạt khuyên-bảo của Chúa mà nuôi-nấng [con cái]”.—Ê-phê-sô 6:4.

Dưới áp lực của những đòi hỏi trong đời sống ngày nay, cũng như của việc làm và nhiều hoạt động khác, cha mẹ có thể muốn để cho người khác giáo dục con mình, chẳng hạn như thầy cô và những người trông trẻ. Thế nhưng, không ai có thể thay thế người cha hay người mẹ đầy lòng yêu thương và quan tâm. Chớ bao giờ đánh giá thấp tầm quan trọng và ảnh hưởng của bạn. Nếu bạn cần sự giúp đỡ thì hãy khôn ngoan chọn lựa, nhưng chớ bao giờ từ bỏ nhiệm vụ thiêng liêng của mình.

Dành thì giờ dạy dỗ con cái

Một điều khác cha mẹ học qua Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:5-7 là: Dạy dỗ con cái đòi hỏi thì giờ và nỗ lực. Các bậc cha mẹ Y-sơ-ra-ên phải “ân-cần dạy-dỗ” con cái về lẽ thật của Đức Chúa Trời. Nguyên ngữ Hê-bơ-rơ dịch là “ân-cần dạy-dỗ” có nghĩa “lặp lại”, “nói đi nói lại nhiều lần”. Họ phải ân cần dạy dỗ suốt ngày, đúng vậy, từ sáng đến tối, khi ở “trong nhà” và “khi đi ngoài đường”. Cần dành thì giờ và nỗ lực để dạy con cái và uốn nắn thái độ cũng như hành vi của chúng hầu cho chúng làm vui lòng Đức Chúa Trời.

Vậy, bạn có thể làm gì để con cái có được nền giáo dục hữu ích? Có nhiều điều bạn có thể làm. Hãy dạy chúng yêu mến Đức Giê-hô-va và kính sợ Ngài. Hãy nêu gương tốt. Hãy gánh vác trách nhiệm dạy dỗ con cái và dành thì giờ cần thiết để rèn luyện chúng. Bạn là người bất toàn và sẽ có những sai lầm. Nhưng nếu bạn chân thành cố gắng làm theo ý Đức Chúa Trời, con cái bạn sẽ biết ơn về nỗ lực của bạn và được lợi ích. Châm-ngôn 22:6 nói: “Hãy dạy cho trẻ-thơ con đường nó phải theo; dầu khi nó trở về già, cũng không hề lìa-khỏi đó”.

Sự giáo dục là cuộc hành trình kéo dài suốt đời. Nếu bạn và con cái yêu mến Đức Chúa Trời, thì đó là cuộc hành trình mà bạn sẽ vui thích đến đời đời. Thật thế, vì sẽ luôn có nhiều điều để học biết về Đức Giê-hô-va và về cách làm theo ý định Ngài.—Truyền-đạo 3:10, 11.

[Hình nơi trang 15]

Bạn có đọc Kinh Thánh cho con cái nghe không?

[Hình nơi trang 16]

Hãy dành thì giờ dạy con cái về Đấng Tạo Hóa