Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Sự sống lại—Có thật đối với bạn không?

Sự sống lại—Có thật đối với bạn không?

Sự sống lại—Có thật đối với bạn không?

“Sẽ có sự sống lại”.—CÔNG-VỤ 24:15.

1. Tại sao sự chết dường như là điều chắc chắn?

“TRONG thế gian, không có điều gì chắc chắn ngoại trừ sự chết và thuế”. Lời bình luận này của chính khách Hoa Kỳ Benjamin Franklin vào năm 1789, được một số người nghĩ là sắc bén. Tuy nhiên, nhiều người gian lận trốn được thuế. Sự chết dường như là điều chắc chắn hơn. Nếu không có sự giúp đỡ thì cuối cùng chẳng ai trong chúng ta có thể tránh được sự chết. Như vực sâu không bao giờ đầy, “âm-phủ”—mồ mả chung của nhân loại—luôn sẵn sàng nuốt chửng những người thân yêu của chúng ta. (Châm-ngôn 27:20) Nhưng hãy xem xét một điều mang lại niềm an ủi.

2, 3. (a) Không như nhiều người nghĩ, tại sao sự chết là điều có thể tránh được? (b) Trong bài này, chúng ta sẽ xem xét điều gì?

2 Lời Đức Giê-hô-va đưa ra hy vọng chắc chắn về sự sống lại. Đây không phải là một ước mơ, và không quyền lực nào trong vũ trụ có thể cản trở Đức Giê-hô-va biến hy vọng này thành sự thật. Đối với một số người, sự chết chẳng phải là điều không tránh được như nhiều người ngày nay nghĩ. Tại sao? Vì sẽ có một đám đông “vô-số người” sống sót qua “cơn đại-nạn” sắp đến. (Khải-huyền 7:9, 10, 14) Sau đó họ sẽ tiếp tục sống, với triển vọng sống vĩnh cửu. Thế nên đối với họ, sự chết là điều có thể tránh được. Hơn nữa, sự chết sẽ “bị hủy-diệt”.—1 Cô-rinh-tô 15:26.

3 Chúng ta cần tin chắc về sự sống lại, như sứ đồ Phao-lô. Ông nói: “Sẽ có sự sống lại của người công-bình và không công-bình”. (Công-vụ 24:15) Chúng ta hãy xem xét ba câu hỏi liên quan đến sự sống lại. Thứ nhất, tại sao hy vọng này là điều rất chắc chắn? Thứ nhì, cá nhân bạn tìm được nguồn an ủi như thế nào qua hy vọng về sự sống lại? Thứ ba, hy vọng này ảnh hưởng thế nào đến lối sống của bạn ngay bây giờ?

Sự sống lại—Một điều chắc chắn

4. Tại sao sự sống lại là điều trọng yếu trong ý định của Đức Giê-hô-va?

4 Có một số yếu tố khiến cho sự sống lại là điều chắc chắn. Trước hết, sự sống lại là điều trọng yếu trong ý định của Đức Giê-hô-va. Hãy nhớ rằng Sa-tan đã đưa nhân loại vào tội lỗi, với hậu quả không tránh được là sự chết. Vì thế, Chúa Giê-su nói về Sa-tan: “Vừa lúc ban đầu nó đã là kẻ giết người”. (Giăng 8:44) Nhưng Đức Giê-hô-va hứa rằng “người nữ”, tức tổ chức trên trời được ví như người vợ, sẽ sinh ra một “dòng-dõi” giày đạp đầu “con rắn xưa”, nghĩa là hủy diệt Sa-tan. (Sáng-thế Ký 3:1-6, 15; Khải-huyền 12:9, 10; 20:10) Khi Đức Giê-hô-va dần dần tiết lộ ý định Ngài về Dòng Dõi Mê-si, chúng ta thấy rõ Dòng Dõi đó không chỉ hủy diệt Sa-tan mà thôi. Lời Ngài nói: “Con Đức Chúa Trời đã hiện ra để hủy-phá công-việc của ma-quỉ”. (1 Giăng 3:8) Trong các công việc của Sa-tan, việc chính mà Đức Giê-hô-va có ý định hủy phá qua Chúa Giê-su Christ, là sự chết do tội lỗi của A-đam gây ra. Về phương diện này, sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su và sự sống lại là điều trọng yếu.—Công-vụ 2:22-24; Rô-ma 6:23.

5. Tại sao sự sống lại sẽ làm vinh hiển danh Đức Giê-hô-va?

5 Đức Giê-hô-va nhất quyết làm vinh hiển danh thánh Ngài. Sa-tan vu khống Đức Chúa Trời và phổ biến những điều dối trá. Hắn nói dối A-đam và Ê-va là họ “chẳng chết đâu” nếu ăn trái cây mà Đức Chúa Trời cấm. (Sáng-thế Ký 2:16, 17; 3:4) Kể từ đó, Sa-tan đã cổ xúy những lời dối trá tương tự, chẳng hạn như giáo lý sai lầm là linh hồn tồn tại sau khi thể xác chết. Tuy nhiên, qua việc làm người chết sống lại, Đức Giê-hô-va sẽ vạch trần những lời dối trá ấy. Ngài sẽ chứng minh vĩnh viễn chỉ một mình Ngài là Đấng Bảo Tồn và Phục Hồi sự sống.

6, 7. Đức Giê-hô-va cảm thấy thế nào về việc làm người chết sống lại, và làm sao chúng ta biết được cảm xúc của Ngài?

6 Đức Giê-hô-va mong chờ làm cho người chết sống lại. Kinh Thánh cho thấy rõ cảm xúc của Đức Giê-hô-va về điều này. Chẳng hạn, hãy xem những lời được soi dẫn của người trung thành Gióp: “Nếu loài người chết, có được sống lại chăng! Trọn ngày giặc-giã tôi, tôi đợi-chờ, cho đến chừng tôi được buông-thả. Chúa sẽ gọi, tôi sẽ thưa lại; Chúa sẽ đoái [“mong chờ mòn mỏi”, Nguyễn Thế Thuấn] đến công-việc của tay Chúa”. (Gióp 14:14, 15) Những lời này có ý nghĩa gì?

7 Gióp biết rằng sau khi chết, ông phải chờ đợi một thời gian trước khi được giải thoát. Ông gọi thời gian đó là “ngày giặc-giã”, hay “thời gian khổ dịch” (theo bản Tòa Tổng Giám Mục). Đối với ông, sự giải thoát đó là điều chắc chắn. Ông biết nó sẽ đến. Tại sao? Vì ông biết cảm xúc của Đức Giê-hô-va. Ngài “mong chờ” gặp lại người tôi tớ trung thành của Ngài. Đúng vậy, Đức Chúa Trời trông mong làm sống lại mọi người công bình. Đức Giê-hô-va cũng cho những người khác cơ hội sống vĩnh cửu trong Địa Đàng. (Lu-ca 23:43; Giăng 5:28, 29) Một khi Đức Chúa Trời muốn thực hiện ý định ấy, ai ngăn được Ngài?

8. Đức Giê-hô-va “làm chứng chắc” như thế nào về hy vọng của chúng ta trong tương lai?

8 Sự sống lại của Chúa Giê-su là bằng chứng chắc chắn về hy vọng của chúng ta trong tương lai. Khi thuyết giảng ở thành A-thên, Phao-lô tuyên bố: “[Đức Chúa Trời] đã chỉ-định một ngày, khi Ngài sẽ lấy sự công-bình đoán-xét thế-gian, bởi Người Ngài đã lập, và Đức Chúa Trời đã khiến Người từ kẻ chết sống lại, để làm chứng chắc về điều đó cho thiên-hạ”. (Công-vụ 17:31) Một số người trong cử tọa nhạo báng khi nghe Phao-lô nói về sự sống lại. Tuy nhiên, một số khác đã tin và trở thành môn đồ. Họ chú ý có lẽ vì nghe có bằng chứng chắc chắn về hy vọng này. Khi làm Chúa Giê-su sống lại, Đức Giê-hô-va thực hiện phép lạ vĩ đại nhất. Chúa Giê-su được sống lại là một thần linh mạnh mẽ. (1 Cô-rinh-tô 15:20, 44) Sau khi sống lại, Chúa Giê-su có địa vị cao hơn trước khi xuống thế. Bất tử và chỉ đứng sau Đức Giê-hô-va về quyền lực, giờ đây Chúa Giê-su có thể đảm nhận những trách nhiệm tuyệt vời từ Cha ngài. Qua Chúa Giê-su, Đức Giê-hô-va làm cho những người khác sống lại—dù họ sống trên trời hoặc trên đất. Chính Chúa Giê-su nói: “Ta là sự sống lại và sự sống”. (Giăng 5:25; 11:25) Khi phục sinh Con Ngài, Đức Giê-hô-va làm chứng chắc về hy vọng ấy cho tất cả những người trung thành.

9. Làm thế nào lời tường thuật trong Kinh Thánh chứng minh sự sống lại là điều có thật?

9 Sự sống lại đã diễn ra trước sự chứng kiến của người khác và được ghi lại trong Lời Đức Chúa Trời. Kinh Thánh tường thuật chi tiết về tám trường hợp người chết được làm sống lại trên đất. Những phép lạ này không diễn ra cách bí mật, nhưng được thực hiện công khai trước sự chứng kiến của người khác. Chúa Giê-su làm sống lại La-xa-rơ, người đã chết bốn ngày, trước sự hiện diện của một nhóm người đang than khóc—gồm gia đình, bạn bè và láng giềng. Điều này cho thấy Chúa Giê-su do Đức Chúa Trời sai đến và là bằng chứng rất hùng hồn mà kẻ thù trong giới tôn giáo không hề phủ nhận. Thay vì thế, họ lập mưu giết Chúa Giê-su luôn cả La-xa-rơ! (Giăng 11:17-44, 53; 12:9-11) Do đó, chúng ta có thể tin sự sống lại là điều chắc chắn. Đức Chúa Trời đã cho ghi những tường thuật về sự sống lại trong quá khứ nhằm an ủi và xây dựng đức tin chúng ta.

Tìm được nguồn an ủi qua hy vọng về sự sống lại

10. Điều gì sẽ giúp chúng ta tìm được an ủi qua những tường thuật của Kinh Thánh về sự sống lại?

10 Bạn có mong muốn được an ủi khi đối mặt với sự chết không? Bạn có thể tìm được một nguồn an ủi chắc chắn qua các lời tường thuật của Kinh Thánh về sự sống lại. Đọc, suy ngẫm những lời đó và hình dung các sự kiện có thể giúp bạn cảm nhận hy vọng về sự sống lại là thật. (Rô-ma 15:4) Đây không chỉ là những câu chuyện hư cấu. Những sự kiện này đã thật sự xảy ra với những người có thật, đã sống vào một thời điểm và ở một nơi có thật. Chúng ta hãy xem xét vắn tắt một trường hợp—sự sống lại đầu tiên được ghi trong Kinh Thánh.

11, 12. (a) Tai họa nào xảy đến cho người góa phụ ở Sa-rép-ta, và lúc đầu bà phản ứng thế nào? (b) Hãy miêu tả tiên tri Ê-li làm gì cho người góa phụ nhờ quyền phép Đức Giê-hô-va.

11 Hãy tưởng tượng cảnh này. Trong vài tuần, tiên tri Ê-li trú ngụ trên căn gác nơi nhà của người góa phụ ở thành Sa-rép-ta. Đó là thời kỳ bi thảm. Nhiều người chết vì hạn hán và nạn đói đang hoành hành trong vùng. Đức Giê-hô-va đã dùng Ê-li để thực hiện phép lạ nhằm ban thưởng cho người góa phụ khiêm nhường này vì đã biểu lộ đức tin. Khi Ê-li mới đến thành, bà và con trai chỉ còn một bữa ăn cuối cùng, nhưng nhờ quyền phép Đức Chúa Trời, ông đã làm phép lạ để bột và dầu không cạn trong vò. Tuy nhiên giờ đây, tai họa xảy đến cho bà. Bất thình lình con bà lâm bệnh và tắt thở. Bà đau khổ vô cùng! Không có sự giúp đỡ của người chồng, cuộc sống đã khó khăn rồi, nay bà lại mất đứa con duy nhất. Trong nỗi đau buồn, bà thậm chí đổ lỗi cho Ê-li và Giê-hô-va Đức Chúa Trời ông! Nhà tiên tri sẽ làm gì?

12 Ê-li không khiển trách người góa phụ vì lời buộc tội đó. Thay vì thế, ông nói: “Hãy giao con nàng cho ta”. Sau khi đem đứa trẻ đã chết lên phòng của mình, Ê-li khẩn thiết cầu xin cho sự sống trở lại với đứa trẻ. Cuối cùng, Đức Giê-hô-va nhậm lời! Hãy hình dung niềm vui trên gương mặt Ê-li khi ông thấy ngực đứa trẻ bắt đầu phập phồng hơi thở. Mí mắt nó mở ra, và mắt nó ánh lên sự sống. Ê-li bồng đứa trẻ xuống cho người mẹ và nói: “Hãy xem, con nàng sống”. Người mẹ vui mừng khôn tả. Bà nói: “Bây giờ tôi nhìn-biết ông là một người của Đức Chúa Trời, và lời phán của Đức Giê-hô-va ở trong miệng ông là thật”. (1 Các Vua 17:8-24) Đức tin của bà nơi Đức Giê-hô-va và người đại diện Ngài vững mạnh hơn bao giờ hết.

13. Tại sao lời tường thuật về việc Ê-li làm sống lại con trai của bà góa mang lại an ủi cho chúng ta ngày nay?

13 Suy ngẫm về lời tường thuật như thế chắc chắn sẽ mang lại niềm an ủi lớn cho bạn. Rõ ràng Đức Giê-hô-va có khả năng đánh bại kẻ thù là sự chết! Hãy hình dung thời kỳ người chết được sống lại và hàng vạn người cảm nghiệm được niềm vui như của người góa phụ! Trên trời cũng có sự vui mừng lớn khi Đức Giê-hô-va hài lòng ra lệnh cho Con Ngài làm người chết sống lại trên bình diện toàn cầu. (Giăng 5:28, 29) Sự chết đã cướp mất một người thân yêu của bạn chăng? Thật tuyệt diệu khi biết rằng Đức Giê-hô-va có thể và sẽ làm cho người chết sống lại!

Niềm hy vọng và lối sống hiện tại của bạn

14. Hy vọng về sự sống lại có thể ảnh hưởng thế nào đến lối sống bạn?

14 Hy vọng về sự sống lại ảnh hưởng thế nào đến lối sống của bạn ngay bây giờ? Hy vọng này có thể giúp bạn thêm nghị lực khi đối đầu với nghịch cảnh, thử thách, bắt bớ và nguy hiểm. Sa-tan muốn bạn khiếp sợ sự chết đến mức chỉ một lời hứa suông cũng có thể khiến bạn sẵn sàng từ bỏ lòng trung kiên để được toàn mạng. Hãy nhớ rằng Sa-tan nói với Đức Giê-hô-va: “Phàm vật chi một người có, tất sẽ trao thế cho mạng-sống mình.” (Gióp 2:4) Qua lời đó, Sa-tan nói xấu tất cả chúng ta, kể cả bạn. Liệu bạn sẽ ngưng phụng sự Đức Chúa Trời khi gặp nguy hiểm không? Khi suy ngẫm về sự sống lại, bạn sẽ củng cố quyết tâm làm theo ý muốn Cha trên trời.

15. Khi chúng ta đối mặt với nguy hiểm, lời của Chúa Giê-su nơi Ma-thi-ơ 10:28 mang lại niềm an ủi nào?

15 Chúa Giê-su phán: “Đừng sợ kẻ giết thân-thể mà không giết được linh-hồn; nhưng thà sợ Đấng làm cho mất được linh-hồn và thân-thể trong địa-ngục [Ghê-hen-na]”. (Ma-thi-ơ 10:28) Chúng ta không cần phải sợ Sa-tan hay những kẻ làm tay sai cho hắn. Mặc dù những người này có thể gây tổn hại, thậm chí làm chúng ta mất mạng, nhưng điều tệ nhất họ gây ra cũng chỉ tạm thời mà thôi. Đức Giê-hô-va có thể và sẽ xóa bất cứ tổn hại nào xảy đến cho các tôi tớ trung thành của Ngài, ngay cả làm cho họ sống lại. Chỉ một mình Đức Giê-hô-va xứng đáng cho chúng ta sợ và tôn kính. Chỉ một mình Ngài có quyền cất đi mạng sống và mọi triển vọng cho sự sống trong tương lai, hủy diệt cả “linh-hồn” lẫn thân thể trong Ghê-hen-na. Phước thay, Đức Giê-hô-va không muốn điều đó xảy ra cho bạn. (2 Phi-e-rơ 3:9) Là tôi tớ của Đức Chúa Trời, chúng ta có thể tin chắc mình được an toàn nhờ hy vọng về sự sống lại. Nếu giữ lòng trung thành, triển vọng trước mắt chúng ta là sự sống vĩnh cửu, và Sa-tan hay thuộc hạ của hắn không thể làm gì để ngăn trở được.—Thi-thiên 118:6; Hê-bơ-rơ 13:6.

16. Quan niệm của chúng ta ảnh hưởng thế nào đến cách chúng ta đặt những ưu tiên trong cuộc sống?

16 Nếu cảm nhận hy vọng về sự sống lại là thật, điều đó có thể uốn nắn thái độ của chúng ta trong cuộc sống. Chúng ta nhận thức rằng “hoặc sống hoặc chết, [chúng ta] đều thuộc về Chúa”. (Rô-ma 14:7, 8) Vì thế khi đặt những điều ưu tiên, chúng ta áp dụng lời khuyên của Phao-lô: “Đừng làm theo đời nầy, nhưng hãy biến-hóa bởi sự đổi mới của tâm-thần mình, để thử cho biết ý-muốn tốt-lành, đẹp lòng và trọn-vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào”. (Rô-ma 12:2) Nhiều người hối hả làm thỏa mãn mọi ước muốn, tham vọng và ý thích bốc đồng. Vì quan niệm cuộc sống ngắn ngủi, họ gần như theo đuổi thú vui bằng mọi giá, và nếu họ có một hình thức thờ phượng nào thì chắc chắn cũng không phù hợp với “ý muốn tốt-lành” của Đức Chúa Trời.

17, 18. (a) Lời Đức Giê-hô-va thừa nhận sự ngắn ngủi của đời người như thế nào, nhưng Đức Chúa Trời muốn chúng ta hưởng điều gì? (b) Tại sao hằng ngày chúng ta muốn ngợi khen Đức Giê-hô-va?

17 Đúng thế, đời sống thật ngắn ngủi. “Đời sống chóng qua, rồi chúng tôi bay mất đi”, có lẽ trong khoảng 70 hoặc 80 năm. (Thi-thiên 90:10) Đời người như cây cỏ, như hơi thở, như bóng bay qua. (Thi-thiên 103:15; 144:3, 4) Nhưng Đức Chúa Trời không có ý định cho chúng ta lớn lên, thu thập một ít khôn ngoan và kinh nghiệm trong vài thập niên đầu, sau đó thì suy thoái, rồi mắc bệnh và chết. Đức Giê-hô-va tạo ra loài người với ước muốn sống vĩnh cửu. Kinh Thánh nói: “Ngài khiến cho sự đời đời ở nơi lòng loài người”. (Truyền-đạo 3:11) Có phải Đức Chúa Trời ban cho chúng ta ước muốn ấy nhưng lại tàn nhẫn không cho điều đó thực hiện được? Chắc chắn không phải vậy, vì “Đức Chúa Trời là sự yêu-thương”. (1 Giăng 4:8) Ngài sẽ làm sống lại những người đã chết để họ có thể hưởng sự sống đời đời.

18 Nhờ hy vọng về sự sống lại, chúng ta có được một tương lai chắc chắn. Chúng ta không cần phải vội vã cố phát huy hết mọi tiềm năng ngay bây giờ. Chúng ta không cần phải “tận hưởng” thế gian đang tàn lụi này. (1 Cô-rinh-tô 7:29-31; Bản Dịch Mới; 1 Giăng 2:17) Khác với những người không có hy vọng thật, chúng ta có món quà tuyệt diệu là biết rằng nếu trung thành với Giê-hô-va Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ ngợi khen Ngài và vui hưởng sự sống mãi mãi. Vậy, hằng ngày chúng ta hãy ngợi khen Đức Giê-hô-va, Đấng làm cho hy vọng về sự sống lại là điều chắc chắn!

Bạn trả lời thế nào?

• Chúng ta nên cảm thấy thế nào về sự sống lại?

• Những yếu tố nào khiến cho hy vọng về sự sống lại là điều chắc chắn?

• Bạn có thể tìm được nguồn an ủi như thế nào qua hy vọng về sự sống lại?

• Hy vọng về sự sống lại ảnh hưởng thế nào đến lối sống bạn?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 28]

Gióp biết Đức Giê-hô-va mong chờ làm cho người công bình sống lại

[Hình nơi trang 29]

“Hãy xem, con nàng sống”