Tại sao nên tham dự nhóm họp?
Tại sao nên tham dự nhóm họp?
SAU KHI kết hôn đã 20 năm, chồng của chị Christine đột ngột bỏ đi. Chị phải một mình nuôi đàn con gồm bảy trai một gái, tuổi từ 7 đến 18. Chị than: “Giờ đây tôi phải tự quyết định mọi chuyện quan trọng. Tôi cảm thấy trách nhiệm đè nặng trên vai, luôn mong mỏi có sự nâng đỡ và hướng dẫn”. Vậy, chị tìm được sự giúp đỡ cần thiết ở đâu?
Chị Christine nói: “Đối với tôi và gia đình, các buổi họp đạo Đấng Christ như huyết mạch thiết yếu cho đời sống. Qua các buổi họp, chúng tôi được bạn bè nâng đỡ và được Lời Đức Chúa Trời hướng dẫn. Đều đặn tham dự các buổi nhóm họp mang lại lợi ích cho chúng tôi trong mọi khía cạnh quan trọng của đời sống”.
Trong “thời-kỳ khó-khăn” này, tất cả chúng ta đều phải đương đầu với nhiều thử thách. (2 Ti-mô-thê 3:1) Như chị Christine, bạn có thể xem các buổi họp của Nhân Chứng Giê-hô-va rất thiết yếu về mặt thiêng liêng, là phần quan trọng trong sự thờ phượng thật. Năm buổi họp hàng tuần của hội thánh hẳn giúp bạn phát huy tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời, củng cố hy vọng về tương lai và giúp bạn có được sự hướng dẫn dựa trên Kinh Thánh để biết cách đối phó với thử thách.
Tuy nhiên, có những người thấy khó đều đặn tham dự các buổi nhóm họp. Họ rất mệt mỏi vào cuối ngày. Khi nghĩ đến việc phải ăn mặc chỉnh tề và đi nhóm họp, họ cảm thấy ngao ngán. Một số người khác vì công ăn việc làm nên không thể đều đặn tham dự nhóm họp. Nếu tham dự tất cả các buổi nhóm, họ sẽ mất một số thu nhập hoặc có thể mất việc. Có người bỏ nhóm họp vì cảm thấy thư thái hơn với một loại hình giải trí nào đó thay vì kết hợp với hội thánh.
Vậy, có những lý do quan trọng nào để tham dự các buổi họp đạo Đấng Christ? Bằng cách nào cá nhân bạn có thể cảm thấy được khích lệ qua những buổi họp đó? Để giải đáp, chúng ta hãy xem xét lời mời nồng ấm của Chúa Giê-su nơi Ma-thi-ơ 11:28-30. Ngài phán: “Hỡi những kẻ mệt-mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên-nghỉ. Ta có lòng nhu-mì, khiêm-nhường; nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta; thì linh-hồn các ngươi sẽ được yên-nghỉ. Vì ách ta dễ chịu và gánh ta nhẹ-nhàng”.
“Hãy đến cùng ta”
Chúa Giê-su phán: “Hãy đến cùng ta”. Một cách để đáp lời mời đó là Ma-thi-ơ 18:20.
đều đặn tham dự nhóm họp. Có lý do quan trọng để hiện diện tại buổi họp, vì vào một dịp khác Chúa Giê-su nói: “Nơi nào có hai ba người nhân danh ta nhóm nhau lại, thì ta ở giữa họ”.—Vào thế kỷ thứ nhất, chính Chúa Giê-su mời nhiều người theo ngài. Như thế, ngài cho họ cơ hội kết hợp mật thiết với ngài. Một số người chấp nhận ngay lập tức. (Ma-thi-ơ 4:18-22) Những người khác đã để cho những thứ như của cải vật chất cản trở họ. (Mác 10:21, 22; Lu-ca 9:57-62) Đối với những người theo ngài, Chúa Giê-su đã nói lời khích lệ này: “Chẳng phải các ngươi đã chọn ta, bèn là ta đã chọn. . . các ngươi”.—Giăng 15:16.
Sau khi chết và được sống lại, về thể chất, Chúa Giê-su không ở cùng các môn đồ nữa. Nhưng ngài vẫn ở với họ theo nghĩa ngài hướng dẫn hoạt động và quan sát phản ứng của họ đối với lời khuyên của ngài. Chẳng hạn, khoảng 70 năm sau khi sống lại, Chúa Giê-su cho lời khuyên và khuyến khích bảy hội thánh ở Tiểu Á. Lời nhận xét của ngài cho thấy ngài biết rõ ưu và khuyết điểm của những cá nhân trong các hội thánh đó.—Khải-huyền 2:1–3:22.
Chúa Giê-su vẫn quan tâm sâu sắc đến từng môn đồ. Ngài hứa: “Nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận-thế”. (Ma-thi-ơ 28:20) Vì đang sống trong thời kỳ cuối cùng, chúng ta cần hưởng ứng lời mời của Chúa Giê-su là theo ngài. Một trong những điều cần làm là đều đặn tham dự nhóm họp. Chúa Giê-su muốn chúng ta lắng nghe ngài và ‘được ngài dạy dỗ’ qua các buổi học cũng như bài giảng dựa trên Kinh Thánh. (Ê-phê-sô 4:20, 21) Bạn có đang hưởng ứng lời mời “hãy đến cùng ta” của Chúa Giê-su không?
“Hỡi những kẻ mệt-mỏi và gánh nặng”
Lý do quan trọng để tham dự buổi họp đạo Đấng Christ là để nhận sự khích lệ. (Hê-bơ-rơ 10:24, 25) Chắc chắn, nhiều người trong chúng ta đang “mệt-mỏi và gánh nặng” về nhiều phương diện. Bạn có thể bị trĩu nặng vì những lo âu riêng, chẳng hạn như vấn đề về sức khỏe. Tại các buổi họp, bạn có thể được anh chị em khích lệ. (Rô-ma 1:11, 12) Bạn sẽ nghe những lời bình luận xây dựng về thiêng liêng, được nhắc nhở về hy vọng dựa trên Kinh Thánh và thấy đức tin của những anh em đang chịu đựng thử thách. Tất cả những điều này có thể giúp bạn đương đầu với các vấn đề và giữ quan điểm thăng bằng.
Hãy xem xét lời phát biểu của một nữ tín đồ Đấng Christ mắc phải chứng bệnh kinh niên. Chị nói: “Tôi phải nằm viện một thời gian. Sau khi ra viện, đi nhóm họp là điều hơi khó khăn đối với tôi, nhưng hội thánh là nơi tôi gắn bó. Sự nồng ấm và tình yêu thương của anh chị em giúp tôi có lại niềm vui. Sự dạy dỗ cũng như hướng dẫn từ Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su làm cho đời sống tôi có ý nghĩa”.
“Ách ta dễ chịu và gánh ta nhẹ-nhàng”
Hãy để ý trong câu Kinh Thánh chúng ta đang phân tích, Chúa Giê-su phán: “Học theo ta”. Khi học theo Chúa Giê-su, chúng ta trở thành môn đồ ngài. Chúng ta gánh lấy ách của ngài khi dâng mình cho Đức Chúa Trời và làm báp têm. (Ma-thi-ơ 28:19, 20) Đều đặn tham gia các chương trình của buổi họp là điều thiết yếu để tiếp tục làm môn đồ của Chúa Giê-su. Tại sao? Vì tại các buổi nhóm họp, chúng ta được học biết về Chúa Giê-su, về những dạy dỗ và phương pháp của ngài.
Đấng Christ muốn chúng ta mang gánh nào? Đó cũng chính là gánh mà ngài đã mang—đặc ân làm theo ý muốn Đức Chúa Trời. (Giăng 4:34; 15:8) Muốn vâng theo điều răn của Đức Chúa Trời, chúng ta phải nỗ lực, nhưng gánh này không quá nặng nề. Nó có thể nặng nếu chúng ta chỉ dùng sức riêng. Tuy nhiên, nếu cầu xin thánh linh và tiếp nhận thức ăn thiêng liêng trình bày tại các buổi họp, chúng ta sẽ nhận được “quyền-phép lớn” từ Đức Chúa Trời. (2 Cô-rinh-tô 4:7) Khi chuẩn bị và tham gia vào các buổi họp, tình yêu thương của chúng ta đối với Đức Giê-hô-va ngày càng vững mạnh. Và khi chúng ta được thôi thúc bởi tình yêu thương, những điều răn của Đức Chúa Trời “chẳng phải là nặng-nề”.—1 Giăng 5:3.
Người ta nói chung phải đối mặt với những khó khăn như kiếm sống, bệnh tật và giải quyết những vấn đề riêng. Tuy nhiên, để đối phó, chúng ta không nương cậy nơi sự khôn ngoan của loài người. Các buổi họp của hội thánh giúp chúng ta không lo lắng, vì Đức Giê-hô-va cung cấp những gì chúng ta cần và giúp chúng ta đương đầu với các vấn đề. (Ma-thi-ơ 6:25-33) Thật thế, các buổi họp đạo Đấng Christ là cách Đức Chúa Trời biểu lộ tình yêu thương đối với chúng ta.
“Ta có lòng nhu-mì, khiêm-nhường”
Chúa Giê-su có thói quen đến nhà hội, nơi người ta thảo luận về Lời Đức Chúa Trời. Vào một dịp nọ, Chúa Giê-su mở sách Ê-sai và đọc: “Thần của Chúa ngự trên ta; vì Ngài đã xức dầu cho ta đặng truyền tin lành cho kẻ nghèo; Ngài đã sai ta để rao cho kẻ bị cầm được tha, kẻ mù được sáng, kẻ bị hà-hiếp được tự-do; và để đồn ra năm lành của Chúa”. (Lu-ca 4:16, 18, 19) Nếu có mặt lúc ấy, thật phấn khích khi nghe Chúa Giê-su áp dụng những lời trên: “Hôm nay đã được ứng-nghiệm lời Kinh-thánh mà các ngươi mới vừa nghe đó”!—Lu-ca 4:21.
Là “đầu các kẻ chăn chiên” và có lòng nhu mì, Chúa Giê-su vẫn giám sát việc chăm sóc các môn đồ về thiêng liêng. (1 Phi-e-rơ 5:1-4) Dưới sự hướng dẫn của ngài, “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” đã bổ nhiệm những người chăn trong các hội thánh của Nhân Chứng Giê-hô-va trên khắp đất. (Ma-thi-ơ 24:45-47; Tít 1:5-9) Những người này “chăn Hội-thánh của Đức Chúa Trời” cách nhân từ và nêu gương tốt qua việc đều đặn tham dự nhóm họp. Bạn có thể tỏ lòng quý trọng về “các ơn” này, tức những người chăn, bằng cách có mặt tại các buổi họp. Khi hiện diện và tham gia vào chương trình, bạn có thể khích lệ người khác.—Công-vụ 15:30-33; 20:28; Ê-phê-sô 4:8, 11, 12.
“Các ngươi sẽ được yên-nghỉ”
Khi tham dự các buổi họp đạo Đấng Christ, làm sao bạn có thể chắc chắn những dịp này sẽ mang lại sự “yên-nghỉ”, thư thái cho tâm hồn? Một cách là áp dụng lời khuyên của Chúa Giê-su: “Hãy coi chừng về cách các ngươi nghe”. (Lu-ca 8:18) Những người muốn học hỏi đã cẩn thận chú ý đến lời dạy của Chúa Giê-su. Họ xin ngài giải thích các minh họa và nhờ đó họ nhận được sự hiểu biết sâu xa.—Ma-thi-ơ 13:10-16.
Bạn có thể noi theo những người khao khát về thiêng liêng bằng cách chăm chú lắng nghe bài giảng tại các buổi họp. (Ma-thi-ơ 5:3, 6) Để giữ tâm trí được tập trung, hãy cố theo dõi lập luận của diễn giả. Hãy tự hỏi những câu như sau: ‘Tôi có thể áp dụng điểm này như thế nào trong đời sống? Làm sao có thể dùng điểm này để giúp người khác? Tôi có thể giải thích điểm này như thế nào?’ Ngoài ra, hãy tra những câu Kinh Thánh mà diễn giả dùng để hỗ trợ những điểm chính. Càng chú ý đến cách bạn lắng nghe trong buổi họp, bạn càng cảm thấy tâm hồn được thư thái.
Sau buổi nhóm họp, hãy nói chuyện với người khác về những gì đã được trình bày và cách áp dụng. Nhờ những cuộc nói chuyện có tính cách xây dựng, bạn sẽ cảm thấy rất được khích lệ.
Chắc chắn chúng ta có nhiều lý do để nhóm họp. Sau khi xem lại những lợi ích vừa nêu, sao không tự hỏi ‘Tôi đang hưởng ứng thế nào lời mời “hãy đến cùng ta” của Chúa Giê-su?’
[Các hình nơi trang 11]
Các hoạt động khác có cản trở bạn tham dự nhóm họp không?