Những điểm nổi bật trong sách Ca-thương
Lời Đức Giê-hô-va sống động
Những điểm nổi bật trong sách Ca-thương
NHÀ TIÊN TRI Giê-rê-mi thấy được sự ứng nghiệm của thông điệp phán xét mà ông đã công bố trong 40 năm. Nhà tiên tri này cảm thấy thế nào khi chính ông chứng kiến thành phố thân yêu của mình bị hủy diệt? Trong lời mở đầu của bản Septuagint tiếng Hy Lạp về sách Ca-thương cho biết cảm nghĩ của nhà tiên tri này. Bản Nguyễn Thế Thuấn dịch phần đó như sau: “Tiên tri Yêrêmya ngồi khóc; ông xướng lên bài ai ca này trên Yêrusalem”. Sách Ca-thương được soạn vào năm 607 TCN. Khi ấy, nhà tiên tri Giê-rê-mi vẫn nhớ như in việc thành Giê-ru-sa-lem bị bao vây suốt 18 tháng trước khi bị chìm trong biển lửa. Nhờ thế, sách Ca-thương miêu tả sống động niềm đau xót của Giê-rê-mi. (Giê-rê-mi 52:3-5, 12-14) Chưa từng có những lời ai oán bi thương như thế về một thành phố nào khác trong lịch sử.
Sách Ca-thương là một tập gồm năm bài thơ được phổ nhạc. Bốn bài đầu là những bài ca thương hoặc ai oán; bài thứ năm là những lời nài xin hoặc khẩn cầu. Bốn bài ca đầu tiên thuộc thể thơ chữ đầu, mỗi câu bắt đầu với một chữ cái, lần lượt theo thứ tự 22 chữ cái trong bảng mẫu tự Hê-bơ-rơ. Mặc dù bài thứ năm có 22 câu đúng với số chữ cái trong bảng mẫu tự tiếng Hê-bơ-rơ, nhưng bài này không được sắp xếp theo thứ tự chữ cái tiếng Hê-bơ-rơ.
“MẮT TA HAO-MÒN VÌ CHẢY NƯỚC MẮT”
“Thành nầy xưa vốn đông dân lắm, kìa nay ngồi một mình! Xưa vốn làm lớn giữa các dân, nay như đàn-bà góa! Xưa vốn làm nữ-chủ các quận, nay phải nộp thuế-khóa!” Đó là lời nhà tiên tri Giê-rê-mi mở đầu bài ca thương nói về thành Giê-ru-sa-lem. Nhà tiên tri cho biết lý do dẫn đến tai họa này: “Đức Giê-hô-va làm khốn-khổ nó, bởi cớ tội-lỗi nó nhiều lắm”.—Ca-thương 1:1, 5.
Thành Giê-ru-sa-lem được nhân cách hóa như một góa phụ khóc than chồng và thương tiếc con mình, nàng hỏi: “Có sự buồn-bực nào đọ được sự buồn-bực đã làm cho ta?” Về kẻ thù, nàng cầu nguyện Đức Chúa Trời: “Nguyền cho mọi tội chúng nó bày ra trước mặt Ngài! Xin đãi chúng nó như đãi tôi bởi cớ mọi tội-lỗi tôi; vì tôi than-thở nhiều, và lòng tôi mòn-mỏi”.—Ca-thương 1:12, 22.
Giê-rê-mi cảm thấy sầu não và nói: “Trong cơn nóng giận, [Đức Giê-hô-va] chặt hết sừng của Y-sơ-ra-ên. Ngài đã rút tay hữu lại từ trước mặt kẻ nghịch-thù. Ngài đã đốt-cháy Gia-cốp như lửa hừng thiêu-nuốt cả tư bề”. Nhà tiên tri miêu tả nỗi đau khổ cùng cực của mình: “Mắt ta hao-mòn vì chảy nước mắt, lòng ta bối-rối; gan ta đổ trên đất”. Ngay cả những người qua đường cũng bàng hoàng thốt lên: “Có phải nầy là thành mà người ta gọi là sự đẹp-đẽ trọn-vẹn, sự vui-mừng của cả đất chăng?”—Ca-thương 2:3, 11, 15.
Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:
1:15—Đức Giê-hô-va “đã giày-đạp như trong bàn ép con gái đồng-trinh của Giu-đa” như thế nào? Khi hủy diệt thành Giê-ru-sa-lem—được gọi là gái đồng trinh—quân Ba-by-lôn làm đổ máu nhiều đến độ được so sánh như việc đạp nho trong nơi ép nho. Đức Giê-hô-va báo trước điều này và để nó xảy ra, vì thế có thể nói rằng Ngài “đã giày-đạp như trong bàn ép”.
2:1—‘Sự đẹp-đẽ Y-sơ-ra-ên bị ném từ trên trời xuống đất’ như thế nào? Vì “các từng trời cao hơn đất”, nên việc những điều cao trọng bị hạ xuống đôi khi được tượng trưng bởi việc chúng ‘bị ném từ trên trời xuống đất’. “Sự đẹp-đẽ Y-sơ-ra-ên”—sự vinh hiển và quyền năng mà xứ này có khi được Đức Giê-hô-va ban phước—đã bị quăng xuống lúc thành Giê-ru-sa-lem bị hủy diệt và xứ Giu-đa bị hoang vu.—Ê-sai 55:9.
2:1, 6—“Bệ-chân” và “nhà tạm” của Đức Giê-hô-va là gì? Người viết Thi-thiên hát: “Chúng tôi sẽ vào nơi-ở Ngài, thờ-lạy trước bệ chân Ngài”. (Thi-thiên 132:7) Vì thế, “bệ-chân” nơi Ca-thương 2:1 nói đến nơi ở của Đức Giê-hô-va, tức là nơi thờ phượng hoặc đền thờ của Ngài. Quân Ba-by-lôn đã “đốt nhà Đức Giê-hô-va” như thể là một nhà tạm, hoặc chỉ là một cái chòi trong vườn.—Giê-rê-mi 52:12, 13.
2:17—Đức Giê-hô-va đã làm trọn “lời” đặc biệt nào liên quan đến Giê-ru-sa-lem? Lời đó dường như được nói đến nơi Lê-vi Ký 26:17: “Ta sẽ nổi giận cùng các ngươi; các ngươi sẽ bị quân thù-nghịch đánh-đập; kẻ nào ghét các ngươi sẽ lấn-lướt các ngươi, và các ngươi sẽ chạy trốn không ai đuổi theo”.
Bài học cho chúng ta:
1:1-9. Giê-ru-sa-lem khóc nức nở ban đêm, nước mắt tràn đôi má. Mọi cửa thành hoang vu và các thầy tế lễ thở than. Các gái đồng trinh của thành bị sầu khổ và chính thành này phải chịu cay đắng. Tại sao vậy? Vì Giê-ru-sa-lem phạm tội trọng. Váy nó dơ bẩn. Hậu quả của việc phạm tội không đem lại sự vui mừng mà chỉ đem lại nước mắt, thở than, sầu khổ và cay đắng.
1:18. Khi trừng phạt những kẻ phạm tội, Đức Giê-hô-va luôn luôn tỏ ra chính trực và công bình.
2:20. Dân Y-sơ-ra-ên được cảnh báo rằng nếu họ không nghe theo tiếng phán của Đức Giê-hô-va, họ sẽ phải đối mặt với sự rủa sả, hay gặp tai vạ, gồm cả việc “ăn thịt của con trai và con gái mình”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 28:15, 45, 53) Thật thiếu khôn ngoan biết bao khi chọn con đường bất tuân với Đức Chúa Trời!
“XIN ĐỪNG BỊT TAI KHỎI. . . LỜI KÊU-VAN TÔI”
Trong chương 3 của sách Ca-thương, quốc gia Y-sơ-ra-ên được gọi là “người”. Bất kể nghịch cảnh, người này vẫn hát: “Đức Giê-hô-va ban sự nhân-từ cho những kẻ trông-đợi Ngài, cho linh-hồn tìm-cầu Ngài”. Trong lời cầu nguyện với Đức Chúa Trời, người nài xin: “Ngài chắc đã nghe tiếng tôi, xin đừng bịt tai khỏi hơi-thở và lời kêu-van tôi”. Người xin Đức Giê-hô-va lưu ý đến việc kẻ thù sỉ nhục dân Ngài: “Hỡi Đức Giê-hô-va, Ngài sẽ báo-trả chúng nó tùy theo việc tay chúng nó làm”.—Ca-thương 3:1, 25, 56, 64.
Giê-rê-mi bày tỏ hết cảm nghĩ về hậu quả tang thương của việc thành Giê-ru-sa-lem bị bao vây suốt 18 tháng khi ông than thở: “Tội-lỗi [“sự hình phạt”, Bản Dịch Mới] con gái dân ta lớn hơn tội-lỗi [“sự hình phạt”, BDM] Sô-đôm, là thành bị đổ như trong giây-phút, chẳng ai giơ tay ra trên nó”. Giê-rê-mi nói tiếp: “Những người bị gươm giết may hơn kẻ bị chết đói: Vì thiếu sản-vật ngoài đồng, người lần-lần hao-mòn như bị đâm”.—Ca-thương 4:6, 9.
Bài thơ thứ năm được viết như thể cư dân thành Giê-ru-sa-lem đang nói. Họ thưa: “Hỡi Đức Giê-hô-va, xin nhớ sự đã giáng trên chúng tôi; hãy đoái xem sự sỉ-nhục chúng tôi!” Khi kể lại những hoạn nạn đã trải qua, họ nài xin: “Hỡi Đức Giê-hô-va, Ngài còn đời đời, ngôi Ngài còn từ đời nầy sang đời kia! Hỡi Đức Giê-hô-va, hãy xây chúng tôi trở về Ngài thì chúng tôi sẽ trở về, làm những ngày chúng tôi lại mới như thuở xưa!”—Ca-thương 5:1, 19, 21.
Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:
3:16—Câu “Ngài đã lấy sỏi bẻ răng ta” có nghĩa gì? Một tài liệu tham khảo cho biết: “Trên đường đi lưu đày, dân Do Thái buộc phải nướng bánh trong những hố đất, nên bánh có sạn”. Ăn những chiếc bánh đó có thể khiến họ bị mẻ răng.
4:3, 10—Tại sao Giê-rê-mi so sánh “con gái dân [ông]” với “chim đà ở nơi đồng-vắng”? Gióp 39:19 cho biết chim đà điểu đối xử “khắc-khổ với con nó, dường như không thuộc về nó”. Thí dụ, sau khi trứng nở, đà điểu mẹ bỏ đi với các con đà điểu mẹ khác trong khi đà điểu cha ở lại nuôi con. Và chúng làm gì khi gặp nguy hiểm? Cả đà điểu cha lẫn đà điểu mẹ đều bỏ tổ chạy, để mặc con ở lại. Trong thời gian thành Giê-ru-sa-lem bị lính Ba-by-lôn bao vây, nạn đói ở đó trầm trọng đến độ những người mẹ, thông thường yêu thương con, giờ đây trở nên độc ác đối với con mình, giống như chim đà điểu nơi hoang dã. Điều này thật khác biệt với tình mẫu tử của loài chó rừng.
5:7—Đức Giê-hô-va có bắt người ta chịu trách nhiệm vì lỗi lầm của tổ tiên họ không? Không, Đức Giê-hô-va không trừng phạt người ta vì tội lỗi của tổ tiên họ. Kinh Thánh nói: “Mỗi người trong chúng ta sẽ khai-trình việc mình với Đức Chúa Trời”. (Rô-ma 14:12) Tuy nhiên, hậu quả của sự lầm lỗi có thể kéo dài và ảnh hưởng đến các thế hệ sau. Thí dụ, việc dân Y-sơ-ra-ên xưa quay sang thờ hình tượng khiến ngay cả những người Y-sơ-ra-ên trung thành sau này khó theo sát con đường công bình.—Xuất Ê-díp-tô Ký 20:5.
Bài học cho chúng ta:
3:8, 43, 44. Trong thời gian thành Giê-ru-sa-lem gặp tai họa, Đức Giê-hô-va không nghe lời kêu cứu của dân trong thành. Tại sao vậy? Vì họ không vâng lời Ngài, và vẫn không chịu ăn năn. Nếu muốn Đức Giê-hô-va nhậm lời cầu nguyện, chúng ta phải vâng lời Ngài.—Châm-ngôn 28:9.
3:21-26, 28-33. Làm thế nào chúng ta có thể chịu đựng ngay cả trong những lúc đau khổ cùng cực? Trong các câu này, Giê-rê-mi cho chúng ta biết cách chịu đựng. Chúng ta chớ quên rằng Đức Giê-hô-va đầy lòng nhân từ và thương xót. Chúng ta nên nhớ rằng sự kiện chúng ta đang sống là cơ sở để chúng ta không mất hy vọng, và cũng nhớ rằng chúng ta không nên than phiền nhưng cần phải kiên nhẫn, yên lặng đợi chờ sự cứu rỗi của Đức Giê-hô-va. Ngoài ra, chúng ta nên “để miệng [mình] trong bụi-đất”. Điều này có nghĩa là khiêm nhường chấp nhận các thử thách, nhận biết rằng những điều Đức Chúa Trời cho phép xảy ra đều có lý do chính đáng.
3:27. Đối phó với những thử thách về đức tin khi còn trẻ có thể có nghĩa là phải chịu đựng khó khăn và bị người ta chế nhạo. Tuy nhiên, “thật tốt cho người mang ách lúc trẻ-thơ”. Vì sao thế? Bởi vì tập mang ách đau khổ khi còn trẻ sẽ giúp một người đối phó với thử thách trong những năm về sau.
3:39-42. Nếu chúng ta luôn luôn “phàn-nàn” khi đau khổ vì hậu quả của tội lỗi mình, thì đó là điều thiếu khôn ngoan. Thay vì than phiền về việc mình phải chịu hậu quả tai hại của việc làm sai trái, “chúng ta hãy xét và thử đường mình, trở về cùng Đức Giê-hô-va”. Điều khôn ngoan là chúng ta ăn năn và sửa đổi đường lối của mình.
Hãy tin tưởng nơi Đức Giê-hô-va
Sách Ca-thương trong Kinh Thánh cho thấy Đức Giê-hô-va nghĩ gì về thành Giê-ru-sa-lem và xứ Giu-đa sau khi quân Ba-by-lôn thiêu hủy thành phố và biến xứ này thành vùng đất hoang vu. Những lời thừa nhận tội lỗi ghi trong sách này cho thấy rõ rằng theo quan điểm của Đức Giê-hô-va, nguyên nhân của tai họa là do lỗi lầm của dân Giu-đa. Những bài hát được Đức Chúa Trời soi dẫn ghi trong sách này cũng có những lời bày tỏ niềm hy vọng nơi Đức Giê-hô-va và lòng ao ước được quay lại con đường ngay thẳng. Những lời này không thể hiện quan điểm của hầu hết mọi người vào thời Giê-rê-mi, nhưng chúng phản ánh cảm nghĩ của Giê-rê-mi và nhóm người biết ăn năn còn sót lại.
Những điều được ghi trong sách Ca-thương về việc Đức Giê-hô-va xem xét tình hình của thành Giê-ru-sa-lem dạy chúng ta hai bài học quan trọng. Bài học thứ nhất: Việc thành Giê-ru-sa-lem bị hủy diệt cũng như xứ Giu-đa bị hoang vu khuyến khích chúng ta vâng lời Đức Giê-hô-va và cảnh báo chúng ta không nên lờ đi ý định của Đức Chúa Trời. (1 Cô-rinh-tô 10:11) Bài học thứ hai được rút ra từ gương của Giê-rê-mi. (Rô-ma 15:4) Ngay cả trong trường hợp có vẻ như vô vọng, nhà tiên tri sầu khổ này vẫn trông mong được Đức Giê-hô-va giải cứu. Hoàn toàn tin cậy nơi Đức Giê-hô-va và Lời Ngài thật là điều thiết yếu biết bao!—Hê-bơ-rơ 4:12.
[Hình nơi trang 9]
Nhà tiên tri Giê-rê-mi đã thấy sự ứng nghiệm của thông điệp phán xét mà ông công bố
[Hình nơi trang 10]
Đức tin của những anh Nhân Chứng người Hàn Quốc này đã bị thử thách vì giữ lập trường trung lập