Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Quyết tâm hoàn tất thánh chức

Quyết tâm hoàn tất thánh chức

Tự Truyện

Quyết tâm hoàn tất thánh chức

Do Lena Davison kể lại

“Sao thế này? Tôi không nhìn thấy gì cả”, viên phi công lắp bắp nói. Bỗng tay ông ấy tuột khỏi cần điều khiển máy bay và ông đổ sụp xuống ghế, bất tỉnh. Vì không có kinh nghiệm lái máy bay, chồng tôi cố gắng lay ông ấy dậy trong vô vọng. Trước khi kể tiếp làm sao chúng tôi thoát khỏi chuyến bay tử thần ấy, tôi xin giải thích làm thế nào tôi lại bay đến Papua New Guinea, một vùng đất xa xôi hẻo lánh.

TÔI sinh ra ở Úc vào năm 1929 và lớn lên ở Sydney, thủ đô bang New South Wales. Cha tôi, Bill Muscat, thuộc một tổ chức chính trị gồm những người vô thần nhưng rất lạ là cha vẫn tin Đức Chúa Trời. Vào năm 1938, cha thậm chí đồng ý ký vào đơn thỉnh cầu xin cho một người đến từ trụ sở trung ương của Nhân Chứng Giê-hô-va là ông Joseph F. Rutherford được phép nói bài giảng tại Tòa Thị Chính Sydney.

Lúc đó, cha bảo chúng tôi rằng: “Chắc ông ấy có điều gì hay muốn nói”. Tám năm sau, chúng tôi mới bắt đầu học về những điều ông đã giảng. Cha đã mời ông Norman Bellotti, một tiên phong trọn thời gian của Nhân Chứng Giê-hô-va, đến nhà để thảo luận Kinh Thánh. Gia đình chúng tôi nhanh chóng chấp nhận lẽ thật của Kinh Thánh và rất sốt sắng thi hành thánh chức.

Vào giữa thập niên 1940, tôi nghỉ học để chăm sóc mẹ đang bị bệnh kinh niên. Tôi cũng kiếm sống bằng nghề thợ may. Mỗi tối Thứ Bảy, chị của tôi là Rose và tôi cùng với một nhóm các anh chị tiên phong đi rao giảng ngoài đường phố xung quanh Tòa Thị Chính Sydney. Năm 1952, anh trai lớn của tôi là John đã tốt nghiệp trường huấn luyện giáo sĩ Ga-la-át ở Hoa Kỳ và được bổ nhiệm đi Pakistan. Tôi cũng rất yêu công việc rao giảng và muốn noi theo gương của anh. Thế nên, tôi đăng ký làm tiên phong đều đều vào năm sau.

Kết hôn và công việc giáo sĩ

Chẳng bao lâu sau, tôi gặp anh John Davison, người làm việc ở văn phòng chi nhánh của Nhân Chứng Giê-hô-va tại Úc. Tính khiêm nhường, trầm lặng và cương quyết của anh khiến tôi cảm phục. Trong Thế Chiến II, anh đã bị bắt giam ba lần vì giữ lập trường trung lập của tín đồ Đấng Christ. Chúng tôi cùng quyết định trọn đời sẽ làm công việc thánh chức.

Anh John và tôi kết hôn vào tháng 6 năm 1955. Chúng tôi mua một xe buýt với ý định biến nó thành một căn nhà di động. Mục tiêu của chúng tôi là sống trong nhà di dộng đó khi rao giảng ở những vùng hẻo lánh của nước Úc. Vào năm sau, các Nhân Chứng được kêu gọi đi đến New Guinea, một vùng ở hướng đông bắc của hòn đảo lớn phía bắc nước Úc. * Vùng này chưa hề nghe thông điệp Nước Trời. Chúng tôi liền hưởng ứng lời kêu gọi này.

Lúc đó, cách duy nhất để vào được New Guinea là phải có công việc trọn thời gian. Vì vậy, anh John bắt đầu tìm việc. Chẳng bao lâu sau, anh ấy ký hợp đồng với một nhà máy cưa ở New Britain, một hòn đảo rất nhỏ thuộc New Guinea. Vài tuần sau, chúng tôi khởi hành đến nhiệm sở mới. Chúng tôi đến Rabaul, New Britain vào tháng 7 năm 1956. Chúng tôi phải mất sáu ngày để đợi chiếc thuyền chở chúng tôi đến vịnh Waterfall.

Làm thánh chức ở vịnh Waterfall

Sau nhiều ngày đi thuyền trên biển động, chúng tôi đến vịnh Waterfall, một vịnh nhỏ cách miền nam Rabaul khoảng 240 cây số. Nhà máy cưa khổng lồ nằm tại một khu đất trống trong rừng. Buổi tối đó, khi tất cả các công nhân ngồi quanh bàn ăn tối, người quản lý nói: “Ông bà Davison, nhân tiện tôi xin cho ông bà biết quy định của nhà máy là mọi công nhân phải giới thiệu về tôn giáo của mình”.

Chúng tôi biết chắc là không có quy định nào như thế, nhưng vì trước đây chúng tôi từ chối không hút thuốc nên họ nghi ngờ. Dù sao đi nữa, anh John trả lời: “Chúng tôi là Nhân Chứng Giê-hô-va”. Bầu không khí trở nên căng thẳng và không ai nói gì. Những người đàn ông làm việc ở đây đều là cựu chiến binh trong Thế Chiến II, và họ đặt nặng thành kiến với Nhân Chứng vì việc giữ trung lập khi có chiến tranh. Từ đó về sau, họ tìm mọi cơ hội để gây khó dễ cho chúng tôi.

Đầu tiên, người quản lý từ chối cung cấp tủ lạnh và bếp lò, dù chúng tôi có quyền nhận những thứ đó. Đồ ăn thì hư và chúng tôi buộc phải nấu bằng một cái bếp bị hỏng tìm được trong rừng. Tiếp theo, dân các làng trong vùng không được phép bán rau quả tươi cho chúng tôi. Thế nên, chúng tôi sống nhờ vào bất cứ rau cải nào tìm được. Chúng tôi cũng bị gán cho biệt hiệu là gián điệp, và bị theo dõi gắt gao để xem chúng tôi có dạy Kinh Thánh cho ai không. Sau đó, tôi mắc bệnh sốt rét.

Tuy nhiên, chúng tôi quyết tâm hoàn tất thánh chức. Chúng tôi đề nghị hai công nhân trẻ, vốn là người địa phương biết nói tiếng Anh, dạy chúng tôi tiếng Melanesian Pidgin, ngôn ngữ của nước này. Ngược lại, chúng tôi dạy họ Kinh Thánh. Vào cuối tuần, chúng tôi đi đến nhiều nơi, với danh nghĩa là “đi du lịch”. Trên đường đi, chúng tôi thận trọng rao giảng cho những người dân trong làng nào mà chúng tôi gặp. Hai anh học hỏi Kinh Thánh là thông dịch viên cho chúng tôi. Chúng tôi băng qua các con sông nước chảy cuồn cuộn, và dọc theo hai bờ sông là những con cá sấu khổng lồ nằm phơi nắng. Loài thú hung tợn này ít khi tấn công chúng tôi, chỉ trừ một lần. Lần đó, chúng tôi thoát chết trong đường tơ kẽ tóc.

Sáng chế dụng cụ dạy học

Khi thánh chức được nới rộng, chúng tôi quyết định đánh máy những thông điệp Kinh Thánh đơn giản để phát hành cho người chú ý. Những anh học Kinh Thánh ở nhà máy đã giúp chúng tôi dịch thông điệp đầu tiên. Chúng tôi phải mất nhiều đêm đánh máy hàng trăm tờ giấy mỏng để phát hành cho dân làng và các thủy thủ ghé ngang vùng đó.

Năm 1957, anh John Cutforth, một giám thị lưu động đầy kinh nghiệm, viếng thăm và khích lệ chúng tôi. * Anh đề nghị chúng tôi dùng hình để rao giảng lẽ thật Kinh Thánh hữu hiệu hơn cho những người không biết đọc. Anh ấy và chồng tôi nghĩ ra một loạt những hình đơn giản, giúp giải thích những sự dạy dỗ căn bản trong Kinh Thánh. Sau đó, chúng tôi dành hàng giờ để vẽ lại các “bài giảng” bằng hình này vào những cuốn tập. Mỗi học viên Kinh Thánh được nhận một cuốn, và dùng cuốn đó để rao giảng cho người khác. Cuối cùng, phương pháp dạy dỗ này được lan truyền ra khắp nước.

Sau hai năm rưỡi sống ở vịnh Waterfall, chúng tôi chấm dứt hợp đồng làm việc và được phép ở lại. Vì thế, chúng tôi nhận lời làm tiên phong đặc biệt.

Trở lại Rabaul

Khi đi thuyền lên phía bắc để đến Rabaul, chúng tôi dừng lại ngủ qua đêm ở một đồn điền dừa và ca cao tại vịnh Wide. Cặp vợ chồng chủ đồn điền này muốn trở về Úc để nghỉ hưu. Họ đề nghị anh John làm công việc quản lý cả đồn điền. Lời đề nghị rất hấp dẫn, nhưng tối hôm đó, khi bàn lại với nhau, chúng tôi đồng ý rằng mình không đến New Guinea để theo đuổi của cải vật chất. Chúng tôi quyết tâm hoàn tất thánh chức của người tiên phong. Vì thế, ngay hôm sau, chúng tôi cho cặp vợ chồng ấy biết quyết định của mình và lên thuyền đi tiếp.

Sau khi đến Rabaul, chúng tôi kết hợp với một nhóm nhỏ gồm các anh chị Nhân Chứng đến từ những quốc gia khác nhau. Người dân ở đây rất chú ý đến thông điệp Nước Trời và chúng tôi đã bắt đầu hướng dẫn nhiều người học Kinh Thánh. Vào thời đó, chúng tôi thuê một phòng lớn để tổ chức các buổi nhóm họp, và có đến 150 người đã tham dự. Nhiều người trong số đó đã chấp nhận lẽ thật và góp phần rao báo thông điệp Nước Trời đến những vùng khác của đất nước này.—Ma-thi-ơ 24:14.

Chúng tôi cùng đến làng Vunabal, cách Rabaul khoảng 50 cây số. Nơi đó có một nhóm người quan tâm chân thành đến lẽ thật Kinh Thánh. Chẳng bao lâu sau, một người Công Giáo có uy thế trong làng đã chú ý đến việc họ học Kinh Thánh. Cùng với một nhóm người thân tín trong nhà thờ, ông ấy giải tán buổi học Kinh Thánh hàng tuần của chúng tôi và đuổi chúng tôi ra khỏi làng. Khi biết rằng sẽ gặp nhiều vấn đề hơn vào tuần tiếp theo sau đó, chúng tôi gọi cảnh sát hộ tống chúng tôi vào làng.

Ngày hôm đó, những người đạo Công Giáo tập trung đầy hai bên đường. Họ đứng hàng dài cả nhiều cây số để chế nhạo chúng tôi. Nhiều người còn cầm sẵn đá để ném vào chúng tôi. Lúc đó, một linh mục đã nhóm hàng trăm dân làng lại. Cảnh sát bảo đảm rằng chúng tôi có quyền nhóm họp, nên họ mở đường giúp chúng tôi băng qua đám đông. Tuy nhiên, ngay khi chúng tôi vừa bắt đầu buổi nhóm họp, vị linh mục đó đã kích động đám đông khiến họ càng hung hăng hơn. Cảnh sát không thể cản đám người ấy; vì thế, viên cảnh sát trưởng bảo chúng tôi nhanh chóng rời khỏi đó và dẫn chúng tôi lên xe.

Đám đông bao vây chúng tôi, chửi thề, nhổ vào người chúng tôi và giơ nắm đấm đe dọa. Trong lúc ấy, vị linh mục khoanh tay đứng nhìn và mỉm cười. Sau khi chúng tôi thoát khỏi đó, viên cảnh sát trưởng công nhận rằng đây là tình huống tồi tệ nhất mà ông từng thấy. Hầu hết dân làng Vunabal đều sợ hãi vì cuộc bạo động này. Mặc dù thế, một học viên Kinh Thánh đã dạn dĩ đứng về phía lẽ thật Nước Trời. Kể từ đó, hàng trăm người khác ở New Britain đã quyết định phụng sự Đức Chúa Trời.

Mở rộng công việc ở New Guinea

Vào tháng 11 năm 1960, chúng tôi được bổ nhiệm đến Madang, một thành phố nhỏ nằm ở duyên hải phía bắc của hòn đảo chính New Guinea. Tại đây, anh John và tôi có vô số cơ hội để làm việc trọn thời gian. Một công ty cố thuyết phục tôi quản lý cửa hàng áo quần của họ. Công ty khác mời tôi làm công việc sửa quần áo. Một vài phụ nữ nước ngoài thậm chí còn đề nghị tài trợ cho tôi mở một tiệm may. Giữ vững mục tiêu của mình, chúng tôi nhã nhặn từ chối những lời mời này và cả các cơ hội khác.—2 Ti-mô-thê 2:4.

Thánh chức chúng tôi ở vùng Madang có nhiều kết quả, và chẳng bao lâu sau, một hội thánh được thành lập và phát triển mạnh mẽ. Chúng tôi đi bộ và đi xe gắn máy đến những làng xa xôi trong những chuyến hành trình rao giảng kéo dài nhiều ngày. Chúng tôi sống trong những cái chòi bỏ hoang bên đường và cắt cỏ trong rừng để làm giường ngủ. Tất cả những thứ chúng tôi đem theo là đồ hộp, bánh quy và một cái mùng.

Trong một chuyến hành trình nọ, chúng tôi đến thăm một nhóm những người chú ý ở Talidig, ngôi làng cách Madang khoảng 50 cây số về phía bắc. Khi nhóm này tiến bộ về thiêng liêng, hiệu trưởng của trường học địa phương đã cấm họ học Kinh Thánh ở nơi công cộng. Sau đó, ông xúi giục cảnh sát phá hủy nhà của họ và đuổi họ vào rừng. Tuy nhiên, trưởng làng bên cạnh đã cho phép họ sống ở đất của ông. Một thời gian sau, người đàn ông tử tế này đã chấp nhận lẽ thật Kinh Thánh, và một Phòng Nước Trời đầy đủ tiện nghi được xây cất trong khu vực ấy.

Công việc vòng quanh và dịch thuật

Chỉ hai năm sau khi đến New Britain năm 1956, anh John và tôi được mời làm công việc dịch thuật nhiều ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh sang tiếng Melanesian Pidgin. Chúng tôi làm công việc này trong nhiều năm. Rồi vào năm 1970, chúng tôi được mời đến văn phòng chi nhánh ở Port Moresby, thủ đô của Papua New Guinea, để làm việc dịch thuật trọn thời gian. Chúng tôi cũng dạy nhiều lớp ngôn ngữ ở đó.

Vào năm 1975, chúng tôi trở lại New Britain để làm công việc lưu động. Trong 13 năm sau đó, chúng tôi đã đi máy bay, đi thuyền, lái xe và đi bộ đến hầu hết mọi hang cùng ngõ hẻm của đất nước này. Nhiều lúc chúng tôi gặp những tình huống hiểm nghèo trên đường đi, một lần là tai nạn tôi đã kể ở phần đầu. Lần đó, khi chúng tôi gần đến đường bay của thị trấn Kandrian ở New Britain, viên phi công bị ngất xỉu vì viêm dạ dày nặng. Chiếc máy bay đã được cài chế độ lái tự động và nó cứ lượn qua lượn lại trên cánh rừng. Anh John cố vực viên phi công bất tỉnh ấy dậy trong vô vọng. Cuối cùng, ông ấy cũng tỉnh lại và đủ sức nhìn thấy để hạ cánh nhưng cuộc hạ cánh này rất khó khăn. Rồi ông ấy lại bất tỉnh.

Một cánh cửa khác mở ra

Vào năm 1988, chúng tôi lại được bổ nhiệm đến Port Moresby để giúp đỡ ban dịch của chi nhánh vì nhu cầu ngày càng phát triển. Giống như một gia đình, khoảng 50 người cùng sống và làm việc ở chi nhánh này. Nơi đây, chúng tôi cũng huấn luyện những người dịch mới đến. Tất cả chúng tôi đều sống trong những căn hộ chỉ có một phòng nhỏ. Anh John và tôi nhất trí để hở cửa phòng vì muốn khuyến khích các thành viên trong gia đình và những người đến thăm ghé vào. Nhờ đó, chúng tôi có thể làm quen với nhau. Kết quả là chúng tôi rất khắng khít với gia đình này và có thể nâng đỡ cũng như hết lòng bày tỏ tình yêu thương lẫn nhau.

Vào năm 1993, anh John qua đời trong một cơn đau tim. Tôi cảm thấy như là một phần cơ thể mình cũng mất đi theo anh. Chúng tôi đã chung sống suốt 38 năm, và chung vai sát cánh trong thánh chức suốt khoảng thời gian ấy. Dù đau buồn, tôi vẫn quyết tâm thực hiện công việc này với sức mạnh Đức Giê-hô-va ban cho. (2 Cô-rinh-tô 4:7) Phòng của tôi vẫn mở cửa, và những người trẻ tiếp tục đến thăm tôi. Những mối quan hệ lành mạnh ấy đã giúp tôi giữ quan điểm lạc quan.

Vào năm 2003, vì sức khỏe bị hạn chế, tôi được bổ nhiệm đến văn phòng chi nhánh ở Sydney, nước Úc. Nay đã 77 tuổi, tôi vẫn còn phụng sự trọn thời gian tại Ban Dịch Thuật và vẫn còn bận rộn trong công việc rao giảng. Bạn bè và các con cháu thiêng liêng của tôi luôn mang đến cho tôi niềm vui.

Cánh cửa đến phòng tôi ở nhà Bê-tên vẫn luôn mở, và hầu như mỗi ngày đều có người đến thăm tôi. Thật ra, khi cửa phòng tôi đóng, các anh chị thường gõ cửa hỏi xem tôi có làm sao không. Hễ chừng nào tôi còn sống, tôi vẫn quyết tâm hoàn tất thánh chức và phụng sự Đức Chúa Trời của tôi, Đức Giê-hô-va.—2 Ti-mô-thê 4:5.

[Chú thích]

^ đ. 10 Vào lúc đó, phía đông của hòn đảo được chia thành hai phần: miền nam là Papua và miền bắc là New Guinea. Ngày nay, phía tây của hòn đảo này được gọi là Papua, thuộc Indonesia, và phía đông được gọi chung là Papua New Guinea.

^ đ. 19 Xin xem tự truyện của anh John Cutforth được đăng trong Tháp Canh (Anh ngữ) ngày 1-6-1958, trang 333-336.

[Bản đồ nơi trang 18]

(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)

NEW GUINEA

ÚC

Sydney

INDONESIA

PAPUA NEW GUINEA

Talidig

Madang

PORT MORESBY

NEW BRITAIN

Rabaul

Vunabal

Vịnh Wide

Vịnh Waterfall

[Nguồn tư liệu]

Map and globe: Based on NASA/Visible Earth imagery

[Hình nơi trang 17]

Cùng với anh John tại một hội nghị ở Lae, New Guinea, năm 1973

[Hình nơi trang 20]

Tại chi nhánh ở Papua New Guinea, năm 2002