Từ cuộn sách đến sách chép tay—Làm thế nào Kinh Thánh trở thành một cuốn sách
Từ cuộn sách đến sách chép tay—Làm thế nào Kinh Thánh trở thành một cuốn sách
QUA nhiều thế kỷ, người ta đã lưu trữ thông tin bằng nhiều cách. Trước đây, những người viết khắc tác phẩm của mình trên đài kỷ niệm, bảng đá hay bảng gỗ, hoặc viết trên những tờ giấy da và các vật liệu khác. Đến đầu thế kỷ thứ nhất, tại Trung Đông, người ta dùng dạng cuộn sách để ghi chép và nó được nhiều người chấp nhận. Sau đó, một dạng khác xuất hiện. Đó là sách chép tay. Với thời gian, các sách chép tay đã thay thế những cuộn sách và trở nên thông dụng. Nhiều người dùng nó để lưu trữ các tài liệu. Sách chép tay cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc phân phát Kinh Thánh. Sách chép tay là gì, và làm thế nào người ta bắt đầu dùng dạng sách này?
Sách chép tay là dạng đầu tiên của quyển sách chúng ta thấy ngày nay. Sách này gồm những tấm đã được gấp, xếp và buộc lại với nhau dọc theo nếp gấp. Người ta viết chữ trên hai mặt của trang và bọc bìa bên ngoài để giữ cho sách được bền. Sách chép tay thuở ban đầu trông không giống như sách thời nay, nhưng cũng như hầu hết các phát minh khác, sách chép tay được cải tiến và sửa đổi theo ý thích của người tiêu thụ.
Gỗ, sáp và giấy da
Ban đầu, sách chép tay thường được làm bằng những bảng gỗ tráng sáp. Tại Herculaneum, thành phố cùng với Pompeii bị núi lửa Vesuvius hủy diệt vào năm 79 CN, người ta đã tìm thấy những bảng chữ tráng sáp được nối với nhau dọc theo chiều dài. Cuối cùng, người ta thay thế những tấm bảng cứng này bằng các mảnh làm bằng vật liệu dễ gấp. Tiếng La-tinh gọi những sách chép tay này là membranae, hoặc tờ giấy da vì thường thường những trang sách được làm bằng giấy da.
Một số sách chép tay hiện còn tồn tại là những sách làm bằng giấy cói. Những sách chép tay cổ nhất của đạo Đấng Christ—được lưu giữ tại một vài vùng nào đó ở Ai Cập, nơi có khí hậu khô—là những sách làm bằng giấy cói. *
Cuộn sách hay sách chép tay?
Dường như tín đồ Đấng Christ thường dùng
cuộn sách cho đến ít nhất là cuối thế kỷ thứ nhất CN. Từ cuối thế kỷ thứ nhất cho đến thứ ba CN, có cuộc tranh chấp giữa những người ủng hộ việc dùng sách chép tay và những người muốn dùng cuộn sách. Vì quen dùng cuộn sách nên những người theo truyền thống không sẵn lòng bỏ thói quen đã có từ lâu. Tuy nhiên, chúng ta hãy xem xét việc đọc cuộn sách bao hàm những điều gì. Một cuộn sách thường gồm một số tờ nhất định làm bằng giấy cói hoặc giấy da, được dán lại với nhau thành một mảnh dài và cuộn lại. Người ta viết dọc theo từng cột ở mặt trước của cuộn. Người đọc phải mở cuộn ra và tìm câu mà mình muốn đọc. Khi đọc xong, người đó lại phải cuộn mảnh đó lại. Để viết một tác phẩm văn chương, người ta thường phải dùng nhiều cuộn nên chúng rất bất tiện mỗi lần mang ra đọc. Hiển nhiên, từ thế kỷ thứ hai trở đi, tín đồ Đấng Christ thích dùng những sách chép tay để sao chép Kinh Thánh, nhưng các cuộn sách vẫn được dùng trong nhiều thế kỷ sau. Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng việc tín đồ Đấng Christ dùng sách chép tay đã đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp dạng sách này được nhiều người chấp nhận.Sách chép tay rõ ràng có nhiều lợi điểm: ghi chép được nhiều, tiện lợi và dễ đem theo. Dù một số người thời ban đầu đã thấy được những lợi điểm này, nhưng đa số còn lưỡng lự, không muốn ngưng sử dụng các cuộn sách. Tuy nhiên, trong nhiều thế kỷ, một số yếu tố đã khiến sách chép tay dần dần có uy thế hơn.
Khi so sánh với cuộn sách, sách chép tay tiết kiệm được nhiều hơn. Người ta có thể ghi chép trên cả hai mặt của trang giấy và nhiều sách có thể đóng chung thành bộ. Theo một số người, việc dễ tìm những câu, những đoạn văn trong sách chép tay là lý do chính khiến nhiều tín đồ Đấng Christ và những người chuyên nghiệp như giới luật sư ưa thích. Đối với tín đồ Đấng Christ, những sách nhỏ, hoặc một danh sách trích dẫn một số câu Kinh Thánh, rất hữu ích trong công việc rao giảng. Hơn nữa, bên ngoài sách chép tay có bìa, thường làm bằng gỗ, nên nó bền hơn cuộn sách.
Sách chép tay cũng thuận tiện cho việc đọc riêng. Vào cuối thế kỷ thứ ba, những quyển Kinh Thánh nhỏ bỏ túi bằng giấy da được lưu hành trong vòng những người tự nhận mình là tín đồ Đấng Christ. Từ đó trở đi, hàng tỉ quyển Kinh Thánh, toàn bộ hay một phần đã được in ra dưới dạng sách chép tay.
Ngày nay, nhờ nhiều công cụ, người ta có thể dễ dàng và nhanh chóng tìm được sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời chứa đựng trong Kinh Thánh. Những công cụ đó là máy vi tính, băng đĩa thu âm và sách báo. Dù bạn thích dạng nào của Kinh Thánh đi nữa, hãy vun trồng lòng yêu quý Lời Đức Chúa Trời, và hàng ngày suy ngẫm về điều đó.—Thi-thiên 119:97, 167.
[Chú thích]
^ đ. 6 Xin xem bài “The Early Christian Codex” (Các sách chép tay của đạo Đấng Christ thời ban đầu) đăng trong tạp chí Tháp Canh (Anh ngữ), số ra ngày 15-8-1962, trang 501-505.
[Các hình nơi trang 15]
Sách chép tay đã góp phần quan trọng trong việc phân phát Kinh Thánh