Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Thịnh vượng trong lúc tuổi già

Thịnh vượng trong lúc tuổi già

Thịnh vượng trong lúc tuổi già

“Những kẻ được trồng trong nhà Đức Giê-hô-va. . .. dầu đến buổi già-bạc, họ sẽ còn sanh bông-trái”.—THI-THIÊN 92:13, 14.

1, 2. (a) Già nua thường được miêu tả ra sao? (b) Kinh Thánh hứa gì liên quan đến hậu quả của tội lỗi A-đam truyền lại?

GIÀ NUA—từ này khiến bạn nghĩ đến gì? Da nhăn nheo? Lãng tai? Chân tay run rẩy? Hoặc một hình ảnh khác của “những ngày gian-nan” được miêu tả sống động nơi Truyền-đạo 12:1-7? Nếu nghĩ vậy, bạn hãy nhớ rằng những điều miêu tả nơi Truyền-đạo chương 12 về sự già nua không phù hợp với ý định ban đầu của Đấng Tạo Hóa, Đức Giê-hô-va. Những điều đó là hậu quả do tội lỗi của A-đam truyền lại cho nhân loại.—Rô-ma 5:12.

2 Già nua tự nó không phải là một nỗi khổ, vì sống thọ có nghĩa là phải sống nhiều năm. Thật thế, lớn lên và trưởng thành là đặc điểm tốt đẹp của mọi loài sống. Hậu quả của sáu ngàn năm tội lỗi và bất toàn mà chúng ta thấy chung quanh không lâu nữa sẽ thuộc về dĩ vãng. Tất cả những người vâng lời Đức Chúa Trời sẽ hưởng một đời sống theo ý định ban đầu của Ngài. Đó là một đời sống không còn đau đớn vì già nua và chết chóc. (Sáng-thế Ký 1:28; Khải-huyền 21:4, 5) Lúc đó, “dân-cư sẽ không nói rằng: Tôi đau”. (Ê-sai 33:24) Những người già cả sẽ “trở lại ngày đang-thì” và “được thẳng da mát thịt như buổi thơ-ấu”. (Gióp 33:25) Tuy nhiên, hiện tại mọi người phải đương đầu với tình trạng bất toàn mà A-đam để lại. Dù thế, tôi tớ của Đức Giê-hô-va được ban phước qua nhiều cách đặc biệt khi họ về già.

3. Dù đã “đến buổi già-bạc”, làm thế nào các tín đồ Đấng Christ có thể tiếp tục “sanh bông-trái”?

3 Lời Đức Chúa Trời cam kết với chúng ta rằng những ai “được trồng trong nhà Đức Giê-hô-va. . . dầu đến buổi già-bạc, họ sẽ còn sanh bông-trái”. (Thi-thiên 92:13, 14) Người viết Thi-thiên dùng những lời bóng bẩy để nêu lên lẽ thật cơ bản: Những tôi tớ trung thành của Đức Chúa Trời có thể tiếp tục tiến bộ và thịnh vượng về thiêng liêng dù thân thể ngày càng yếu đi. Nhiều gương ghi trong Kinh Thánh cũng như những gương thời nay đã chứng minh điều này.

Không bao giờ vắng mặt

4. Nữ tiên tri cao tuổi An-ne bày tỏ lòng tin kính đối với Đức Chúa Trời như thế nào, và bà được ban phước ra sao?

4 Hãy xem gương của nữ tiên tri An-ne sống vào thế kỷ thứ nhất. Lúc 84 tuổi, bà không bao giờ vắng mặt ở đền thờ, “cứ đêm ngày hầu việc Đức Chúa Trời, kiêng ăn và cầu-nguyện”. Vì là người nữ có cha thuộc “chi-phái A-se”, không phải chi phái Lê-vi, nên bà An-ne không thể sống tại đền thờ. Hãy hình dung bà phải cố gắng thế nào để có mặt tại đền thờ mỗi ngày từ lúc dâng của-lễ buổi sớm mai cho đến khi dâng của-lễ buổi chiều tối! Tuy nhiên, nhờ có lòng tin kính, bà An-ne được ban phước dồi dào. Bà được đặc ân có mặt khi Giô-sép và Ma-ri bế Chúa Giê-su đến đền thờ để trình lên Đức Giê-hô-va theo Luật Pháp. Khi thấy Chúa Giê-su, bà An-ne “ngợi-khen Đức Chúa Trời, và nói chuyện về con trẻ với mọi người trông-đợi sự giải-cứu của thành Giê-ru-sa-lem”.—Lu-ca 2:22-24, 36-38; Dân-số Ký 18:6, 7.

5, 6. Nhiều anh chị cao niên ngày nay bày tỏ tinh thần giống như bà An-ne qua những cách nào?

5 Nhiều anh chị cao niên trong vòng chúng ta ngày nay cũng giống như bà An-ne. Họ tham gia đều đặn vào các buổi nhóm họp, tha thiết cầu nguyện cho sự thờ phượng thật được phát triển và luôn luôn muốn tham gia công việc rao giảng tin mừng. Một anh ngoài 80 tuổi cùng vợ đều đặn tham dự các buổi nhóm họp của đạo Đấng Christ. Anh nói: “Chúng tôi có thói quen đi nhóm họp. Chúng tôi không muốn đi đến những nơi khác. Nơi nào có dân Đức Chúa Trời, thì chúng tôi muốn ở đó. Nơi ấy chúng tôi cảm thấy được yên tâm”. Thật là một gương tốt cho tất cả chúng ta!—Hê-bơ-rơ 10:24, 25.

6 “Nếu tôi có thể tham gia vào bất cứ điều gì liên quan đến sự thờ phượng thật, tôi sẵn sàng làm”. Đó là câu phương châm của chị Jean, một góa phụ tín đồ Đấng Christ ngoài 80 tuổi. Chị nói tiếp: “Đương nhiên, có những lúc tôi cảm thấy buồn, nhưng không có lý do gì để những người chung quanh tôi phải buồn khi tôi buồn”. Với ánh mắt sáng ngời, chị cho biết niềm vui khi đi đến những nước khác vào những dịp mang lại sự khích lệ về thiêng liêng. Trong một chuyến đi gần đây, chị nói chuyện với những người bạn cùng đi: “Tôi không muốn đi tham quan lâu đài nữa; tôi muốn đi rao giảng!” Mặc dù không biết tiếng địa phương, chị Jean đã giúp người khác chú ý đến thông điệp trong Kinh Thánh. Ngoài ra, chị đã hoạt động nhiều năm với một hội thánh cần giúp đỡ, dù việc này đòi hỏi chị phải học một thứ tiếng khác và phải mất cả tiếng đồng hồ mỗi lần đi đến nhóm họp.

Giữ trí óc luôn hoạt động

7. Trong những năm về già, Môi-se bày tỏ lòng ao ước được gần gũi hơn với Đức Chúa Trời như thế nào?

7 Càng lớn tuổi càng có nhiều kinh nghiệm đời. (Gióp 12:12) Trái lại, một người lớn tuổi không nhất thiết tự động tiến bộ về thiêng liêng. Vì thế, thay vì chỉ dựa vào sự hiểu biết mà mình có trong quá khứ, những tôi tớ trung thành của Đức Chúa Trời cố gắng ngày càng thu thập “thêm tri-thức”. (Châm-ngôn 9:9) Môi-se đã 80 tuổi khi Đức Giê-hô-va giao cho ông trách nhiệm nặng nề. (Xuất Ê-díp-tô Ký 7:7) Vào thời ông, sống tới tuổi đó dường như được xem là điều hiếm thấy, vì ông viết: “Tuổi-tác của chúng tôi đến được bảy mươi, còn nếu mạnh-khỏe thì đến tám mươi”. (Thi-thiên 90:10) Dù thế, Môi-se không bao giờ nghĩ là ông không thể học được nữa vì quá lớn tuổi. Sau nhiều thập niên phụng sự Đức Chúa Trời, nhận được nhiều đặc ân và gánh vác nhiều trách nhiệm nặng nề, Môi-se cầu khẩn với Đức Giê-hô-va: “Xin cho tôi biết đường của Chúa, để cho tôi biết Chúa”. (Xuất Ê-díp-tô Ký 33:13) Môi-se luôn luôn mong muốn được gần gũi hơn với Đức Giê-hô-va.

8. Đa-ni-ên luôn giữ trí óc hoạt động cho đến lúc ngoài 90 tuổi như thế nào, và kết quả là gì?

8 Nhà tiên tri Đa-ni-ên vẫn còn chăm chú tra cứu Kinh Thánh khi đã ngoài 90. Những điều mà ông nhận biết qua việc xem xét “các sách”—có thể gồm cả sách Lê-vi Ký, Ê-sai, Giê-rê-mi, Ô-sê và A-mốt—đã khiến ông nhiệt thành cầu nguyện Đức Giê-hô-va. (Đa-ni-ên 9:1, 2) Lời cầu nguyện của ông đã được nhậm vì Đức Chúa Trời ban cho ông thông tin về sự xuất hiện của Đấng Mê-si và tương lai của sự thờ phượng thật.—Đa-ni-ên 9:20-27.

9, 10. Một số anh chị đã làm gì để giữ trí óc luôn hoạt động?

9 Như Môi-se và Đa-ni-ên, chúng ta có thể cố giữ trí óc luôn hoạt động bằng cách chú tâm vào những vấn đề thiêng liêng miễn là chúng ta vẫn còn có khả năng. Nhiều anh chị đang làm như vậy. Anh Worth—một trưởng lão đã ngoài 80—cố gắng học hỏi và cập nhật những đồ ăn thiêng liêng do lớp “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” cung cấp. (Ma-thi-ơ 24:45) Anh bày tỏ cảm nghĩ: “Tôi hoàn toàn quý mến lẽ thật và vui sướng biết bao khi thấy ánh sáng lẽ thật ngày càng sáng thêm”. (Châm-ngôn 4:18) Cũng thế, anh Fred, người đã làm thánh chức trọn thời gian hơn 60 năm, cảm thấy được khích lệ về thiêng liêng khi chủ động thảo luận Kinh Thánh với anh em đồng đạo. Anh cho biết: “Tôi phải giữ Kinh Thánh sống động trong tâm trí”. Anh nói tiếp: “Nếu Kinh Thánh trở nên có ý nghĩa đối với mình và mình biết sắp xếp những điều đã học thành ‘mẫu-mực của các sự dạy-dỗ có ích’, thì kết quả là mình sẽ không chỉ biết vài điều riêng lẻ mà thôi, nhưng mình sẽ thấy được vẻ đẹp của toàn thể những điều đó. Như thế, những điều chúng ta đã học sẽ giống như những hạt ngọc lấp lánh được kết thành một mẫu xinh đẹp”.—2 Ti-mô-thê 1:13.

10 Khi lớn tuổi, người ta vẫn có thể học những khái niệm mới và khó hiểu. Có những người 60, 70 và ngay cả 80 tuổi đã học để biết đọc và biết viết, còn những người khác thì học ngoại ngữ. Một số Nhân Chứng Giê-hô-va đã làm thế để chia sẻ tin mừng với những người thuộc các quốc gia khác. (Mác 13:10) Anh Harry và vợ đã gần 70 tuổi khi họ quyết định phụ giúp cánh đồng nói tiếng Bồ Đào Nha. Anh Harry nói: “Mọi người đều biết khi lớn tuổi thì việc gì cũng khó”. Tuy nhiên, nhờ cố gắng và kiên trì, họ đã có thể giúp những người khác học Kinh Thánh bằng tiếng Bồ Đào Nha. Anh Harry cũng nói những bài diễn văn bằng thứ tiếng này tại hội nghị địa hạt trong nhiều năm qua.

11. Tại sao chúng ta xem xét những điều mà các anh chị lớn tuổi trung thành đã làm được?

11 Dĩ nhiên, không phải mọi người đều có đủ sức khỏe và hoàn cảnh thuận lợi để làm những điều đó. Vậy thì, tại sao chúng ta xem xét những điều mà một số anh chị lớn tuổi đã làm được? Điều này không có nghĩa là mọi người phải cố làm những điều y như họ đã làm. Đúng hơn, chúng ta xem xét những gương mẫu này theo tinh thần của lời Phao-lô viết cho hội thánh Hê-bơ-rơ về những trưởng lão trung thành: “Hãy nghĩ xem sự cuối-cùng đời họ là thể nào, và học-đòi đức-tin họ”. (Hê-bơ-rơ 13:7) Khi chúng ta ngẫm nghĩ về những gương sốt sắng như thế, chúng ta được khuyến khích để noi theo đức tin mạnh mẽ của họ. Đó chính là đức tin đã thúc đẩy họ phụng sự Đức Chúa Trời. Anh Harry, giờ đây đã 87 tuổi, giải thích điều đã thúc đẩy anh: “Tôi muốn dùng những năm còn lại của đời mình một cách khôn ngoan và cố gắng làm được điều nào hay điều đó để phụng sự Đức Giê-hô-va”. Anh Fred, người được đề cập ở trên, cảm thấy vô cùng mãn nguyện chăm lo công việc ở nhà Bê-tên. Anh nhận xét: “Chúng ta phải tìm cách nào tốt nhất để mình có thể phụng sự Đức Giê-hô-va và rồi kiên quyết làm theo cách đó”.

Tận tụy dù hoàn cảnh thay đổi

12, 13. Dù hoàn cảnh thay đổi, Bát-xi-lai đã bày tỏ sự tinh kính như thế nào?

12 Chấp nhận cơ thể mình ngày càng yếu vì tuổi già là cả một sự khó khăn. Tuy nhiên, một người cao tuổi vẫn có thể bày tỏ lòng tin kính dù sức khỏe không còn như trước. Bát-xi-lai, người Ga-la-át, là một gương tốt về phương diện này. Khi đã 80 tuổi, ông bày tỏ lòng hiếu khách đối với Đa-vít và quân lính của Đa-vít. Ông cung cấp thực phẩm và chỗ ở cho họ trong lúc Áp-sa-lôm nổi loạn. Khi Đa-vít lên đường trở về Giê-ru-sa-lem, Bát-xi-lai hộ tống đoàn quân tới tận sông Giô-đanh. Đa-vít mời Bát-xi-lai vào cung của ông. Bát-xi-lai đáp lại lời mời đó như thế nào? Ông nói: “Ngày nay tôi được tám mươi tuổi. . . Kẻ tôi-tớ vua cũng chẳng nếm được mùi của vật mình ăn và uống. Há lại còn có thể vui nghe người nam nữ ca-xướng sao?. . . Nhưng nầy là Kim-ham, kẻ tôi-tớ vua; nó sẽ đi qua sông Giô-đanh với vua-chúa tôi, rồi vua phải đãi nó tùy ý vua lấy làm tốt”.—2 Sa-mu-ên 17:27-29; 19:31-40.

13 Dù hoàn cảnh đã thay đổi, Bát-xi-lai đã làm những gì có thể làm để ủng hộ vị vua được Đức Giê-hô-va chọn. Mặc dù nghe không rõ và ăn không ngon như trước, ông không buồn bực. Thay vì thế, ông sẵn sàng đề cử Kim-ham với vua để Kim-ham có thể nhận được bổng lộc thay ông. Qua hành động này, Bát-xi-lai thể hiện bản chất nhân từ của ông. Giống như Bát-xi-lai, nhiều anh chị cao niên ngày nay bày tỏ tinh thần bất vị kỷ và rộng lượng. Họ làm những gì có thể làm để ủng hộ sự thờ phượng thật vì biết rằng “sự tế-lễ dường ấy đẹp lòng Đức Chúa Trời”. Thật là một ân phước khi có những anh chị trung thành trong vòng chúng ta!—Hê-bơ-rơ 13:16.

14. Vì Đa-vít tuổi đã cao nên những lời nơi Thi-thiên 37:23-25 càng có ý nghĩa hơn như thế nào?

14 Mặc dù hoàn cảnh của Đa-vít thay đổi rất nhiều qua năm tháng, ông luôn tin chắc rằng Đức Giê-hô-va không bao giờ ngừng chăm sóc những tôi tớ trung thành. Vào cuối đời mình, Đa-vít soạn một bài hát mà ngày nay được biết đến là Thi-thiên 37. Hãy hình dung Đa-vít trầm ngâm, tay ôm đàn cầm và hát những lời sau đây: “Đức Giê-hô-va định-liệu các bước của người, và Ngài thích đường-lối người: Dầu người té, cũng không nằm sải-dài; vì Đức Giê-hô-va lấy tay Ngài nâng-đỡ người. Trước tôi trẻ, rày đã già, nhưng chẳng hề thấy người công-bình bị bỏ, hay là dòng-dõi người đi ăn-mày”. (Thi-thiên 37:23-25) Đức Giê-hô-va thấy thích hợp nên Ngài cho ghi lại trong bài Thi-thiên này là Đa-vít lúc đó tuổi đã cao. Điều này làm những lời Đa-vít bày tỏ từ đáy lòng càng ý nghĩa hơn biết bao!

15. Bất chấp hoàn cảnh thay đổi và tuổi tác cao, sứ đồ Giăng đã nêu gương tốt nào về sự trung thành?

15 Sứ đồ Giăng là một gương tốt khác về sự trung thành bất kể hoàn cảnh thay đổi và tuổi tác cao. Sau khi phụng sự Đức Chúa Trời được gần 70 năm, Giăng bị đày đi đảo Bát-mô “vì cớ lời Đức Chúa Trời và chứng của Đức Chúa Jêsus”. (Khải-huyền 1:9) Tuy nhiên, ông vẫn tiếp tục phụng sự. Thật vậy, tất cả sách Kinh Thánh do ông viết đều được soạn thảo vào những năm cuối đời ông. Trong khi ở đảo Bát-mô, Giăng nhận được sự hiện thấy kỳ diệu và ông đã cẩn thận ghi lại trong sách Khải-huyền. (Khải-huyền 1:1, 2) Người ta cho rằng ông đã được thả tự do trong triều đại Hoàng Đế Nerva của La Mã. Sau đó, ông viết sách Phúc Âm của Giăng và ba lá thư mang tên ông vào khoảng năm 98 CN. Lúc ấy có lẽ ông được 90 hoặc 100 tuổi.

Gương bền đỗ không bao giờ phai nhòa

16. Làm thế nào những anh chị mất khả năng nói chuyện rõ ràng có thể bày tỏ lòng tin kính đối với Đức Giê-hô-va?

16 Người ta ít nhiều đều có thể bị giới hạn dưới nhiều hình thức khác nhau. Thí dụ, một số anh chị thậm chí không thể nói rõ ràng được nữa. Tuy nhiên, họ vẫn quý những kỷ niệm đáng nhớ về tình yêu thương và lòng nhân từ của Đức Chúa Trời. Dù bày tỏ cảm nghĩ qua lời nói là cả một vấn đề khó khăn, nhưng trong thâm tâm, họ thưa cùng Đức Giê-hô-va rằng: “Tôi yêu-mến luật-pháp Chúa biết bao! Trọn ngày tôi suy-gẫm luật-pháp ấy”. (Thi-thiên 119:97) Riêng đối với Đức Giê-hô-va, Ngài biết những người đang “tưởng đến danh Ngài”, và hiểu họ thật khác biệt với hầu hết nhân loại không màng đến đường lối Ngài. (Ma-la-chi 3:16; Thi-thiên 10:4) Thật an ủi biết bao khi biết “sự suy-gẫm của lòng” chúng ta làm vui lòng Đức Giê-hô-va!—1 Sử-ký 28:9; Thi-thiên 19:14.

17. Những anh chị phụng sự Đức Chúa Trời lâu năm nêu gương mẫu đặc biệt nào?

17 Chúng ta không nên quên rằng những anh chị trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va qua nhiều thập niên đã có một thành tích đặc biệt mà không thể đạt được bằng cách nào khác. Đó là gương bền đỗ không bao giờ phai nhòa. Chúa Giê-su nói: “Nhờ sự nhịn-nhục của các ngươi mà giữ được linh-hồn mình”. (Lu-ca 21:19) Nhịn nhục, hoặc bền đỗ, là điều cần thiết để có được sự sống đời đời. Những anh chị “đã làm theo ý-muốn Đức Chúa Trời” và chứng tỏ lòng trung thành qua đời sống có thể trông mong nhận được “lời đã hứa cho mình”.—Hê-bơ-rơ 10:36.

18. (a) Đức Giê-hô-va vui lòng khi nhìn thấy điều gì nơi những anh chị cao niên? (b) Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài kế tiếp?

18 Đức Giê-hô-va quý lòng tận tụy của anh chị trong thánh chức dù khả năng anh chị đến đâu đi nữa. Bất kể có điều gì xảy ra cho “người bề ngoài” khi một người già yếu, “người bề trong” của người đó vẫn có thể ngày một đổi mới. (2 Cô-rinh-tô 4:16) Chắc chắn Đức Giê-hô-va quý những gì anh chị đã đạt được trong quá khứ, và rõ ràng là Ngài cũng quý những gì anh chị đang làm ngay bây giờ vì danh Ngài. (Hê-bơ-rơ 6:10) Trong bài kế tiếp, chúng ta sẽ xem xét lòng trung thành của anh chị ảnh hưởng lâu dài đến người khác như thế nào.

Bạn trả lời thế nào?

• Bà An-ne nêu gương tốt nào cho những tín đồ cao niên ngày nay?

• Tại sao tuổi tác không nhất thiết hạn chế một người làm điều mình muốn?

• Các anh chị cao niên có thể tiếp tục bày tỏ lòng tin kính qua những cách nào?

• Đức Giê-hô-va xem việc phụng sự của những anh chị cao niên như thế nào?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 23]

Khi về già, Đa-ni-ên nhận biết được khoảng thời gian dân Giu-đa bị lưu đày nhờ xem xét “các sách”

[Các hình nơi trang 25]

Nhiều anh chị cao niên nêu gương tốt trong việc đi nhóm họp đều đặn, siêng năng rao giảng và sẵn lòng học hỏi