Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đức Giê-hô-va quý sự vâng lời

Đức Giê-hô-va quý sự vâng lời

Đức Giê-hô-va quý sự vâng lời

“Hỡi con, khá khôn-ngoan, và làm vui lòng cha”.—CHÂM-NGÔN 27:11.

1. Ngày nay, tinh thần nào lan tràn trong xã hội?

NGÀY NAY, tinh thần độc lập và bất phục tùng lan tràn khắp thế giới. Trong thư gửi cho các tín đồ Đấng Christ ở thành Ê-phê-sô, sứ đồ Phao-lô giải thích nguyên do: “Anh em xưa đã học đòi, theo thói-quen đời nầy, vâng-phục vua cầm quyền chốn không-trung, tức là thần hiện đương hành-động trong các con bạn-nghịch”. (Ê-phê-sô 2:1, 2) Đúng vậy, bạn có thể nói Sa-tan Ma-quỉ, “vua cầm quyền chốn không-trung”, đã làm cho cả thế gian tiêm nhiễm tinh thần bất phục tùng. Hắn đã làm thế vào thế kỷ thứ nhất, và đặc biệt kể từ khi bị đuổi khỏi trời vào Thế Chiến I, hắn càng đẩy mạnh tinh thần này.—Khải-huyền 12:9.

2, 3. Tại sao chúng ta vâng lời Đức Giê-hô-va?

2 Tuy nhiên, là tín đồ Đấng Christ, chúng ta biết Giê-hô-va Đức Chúa Trời xứng đáng để chúng ta hết lòng vâng phục vì Ngài là Đấng Tạo Hóa, Đấng duy trì sự sống, Đấng Cai Trị Tối Thượng đầy yêu thương, và là Đấng Giải Cứu. (Thi-thiên 148:5, 6; Công-vụ 4:24; Cô-lô-se 1:13; Khải-huyền 4:11) Vào thời Môi-se, dân Y-sơ-ra-ên biết rằng Đức Giê-hô-va là Đấng Ban Sự Sống và Đấng Giải Cứu của họ. Vì thế, Môi-se bảo: “Các ngươi khá cẩn-thận làm theo, y như Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi đã phán dặn các ngươi”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 5:32) Thật vậy, Đức Giê-hô-va xứng đáng để họ vâng phục. Nhưng họ đã nhanh chóng biểu lộ thái độ bất phục tùng đối với Đấng Cai Trị Tối Thượng.

3 Vâng lời Đấng Tạo Hóa của vũ trụ quan trọng như thế nào? Có lần Đức Chúa Trời sai nhà tiên tri Sa-mu-ên nói với Vua Sau-lơ: “Sự vâng lời tốt hơn của tế-lễ”. (1 Sa-mu-ên 15:22, 23) Tại sao thế?

Làm sao “sự vâng lời tốt hơn của tế-lễ”?

4. Chúng ta có thể dâng điều gì cho Đức Giê-hô-va?

4 Vì Đức Giê-hô-va là Đấng Tạo Hóa, nên mọi thứ chúng ta sở hữu về phương diện vật chất đều thuộc về Ngài. Như vậy, chúng ta có gì để dâng cho Ngài không? Có. Chúng ta có thể dâng cho Ngài một điều thật quý giá. Đó là gì? Câu trả lời được tìm thấy qua lời khuyên: “Hỡi con, khá khôn-ngoan, và làm vui lòng cha, để cha có thế đáp lại cùng kẻ nào sỉ-nhục cha”. (Châm-ngôn 27:11) Chúng ta có thể dâng cho Ngài tấm lòng vâng phục. Tuy khác nhau về hoàn cảnh và gốc gác, nhưng qua sự vâng phục, mỗi người chúng ta đều có thể đáp lại lời tuyên bố hiểm độc của Sa-tan Ma-quỉ. Hắn cho rằng con người sẽ không giữ được lòng trung thành đối với Đức Chúa Trời khi gặp thử thách. Thật là một vinh dự để chứng tỏ lòng trung thành với Ngài!

5. Sự không vâng lời ảnh hưởng thế nào đến Đấng Tạo Hóa? Hãy minh họa.

5 Đức Chúa Trời chú ý đến các quyết định của chúng ta. Nếu chúng ta không vâng lời, điều đó ảnh hưởng đến Ngài. Như thế nào? Ngài đau lòng khi thấy một người không chọn đường lối khôn ngoan. (Thi-thiên 78:40, 41) Giả sử, một người mắc bệnh tiểu đường nhưng không theo sát sự hướng dẫn của bác sĩ mà vẫn dùng những thức ăn có hại, thì vị bác sĩ tận tâm ấy sẽ nghĩ gì? Chúng ta có thể chắc chắn rằng Đức Giê-hô-va đau lòng khi con người không vâng lời, vì Ngài biết hậu quả của việc lờ đi sự hướng dẫn của Ngài trong đời sống.

6. Điều gì sẽ giúp chúng ta vâng lời Đức Chúa Trời?

6 Điều gì sẽ giúp chúng ta biết vâng lời? Mỗi người chúng ta nên làm như Vua Sa-lô-môn, cầu xin Đức Chúa Trời ban cho “tấm lòng khôn-sáng [“biết nghe”, Nguyễn Thế Thuấn]”. Ông cầu xin tấm lòng như thế để “phân-biệt điều lành điều dữ” hầu đoán xét dân Y-sơ-ra-ên. (1 Các Vua 3:9) Chúng ta cũng cần “tấm lòng biết nghe” để phân biệt điều lành và dữ trong một thế gian đầy dẫy tinh thần bất phục tùng. Để giúp chúng ta vun trồng “tấm lòng biết nghe”, Đức Chúa Trời cung cấp Lời Ngài, các ấn phẩm giúp học Kinh Thánh, các buổi nhóm họp và các trưởng lão có lòng quan tâm. Vậy, chúng ta có tận dụng những sự cung cấp đầy yêu thương này không?

7. Tại sao Đức Giê-hô-va chú trọng đến sự vâng lời hơn là của-lễ?

7 Về điều này, hãy nhớ lại thời xưa, Đức Giê-hô-va đã cho dân Ngài biết rằng sự vâng lời còn quan trọng hơn của-lễ bằng thú vật. (Châm-ngôn 21:3, 27; Ô-sê 6:6; Ma-thi-ơ 12:7) Tại sao? Chẳng phải chính Đức Giê-hô-va đã ra lệnh cho dân Ngài dâng những của-lễ ấy hay sao? Thế thì, động lực của người dâng tế lễ là gì? Có phải để làm đẹp lòng Đức Chúa Trời không? Hay người đó chỉ làm theo nghi thức? Nếu một người thật sự muốn làm hài lòng Đức Chúa Trời, thì sẽ cố gắng vâng theo mọi mạng lịnh của Ngài. Đức Chúa Trời không cần của-lễ bằng thú vật, nhưng tinh thần vâng phục là một điều quý giá mà chúng ta có thể dâng cho Ngài.

Một gương cảnh cáo

8. Tại sao Đức Chúa Trời từ bỏ Sau-lơ?

8 Lời tường thuật của Kinh Thánh về Vua Sau-lơ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc vâng lời. Ban đầu, Sau-lơ là vị vua khiêm tốn, “tự coi mình là nhỏ bé”. Nhưng với thời gian, sự kiêu ngạo và lối lập luận sai lầm bắt đầu chi phối các quyết định của ông. (1 Sa-mu-ên 10:21, 22; 15:17, Tòa Tổng Giám Mục) Một dịp nọ, Sau-lơ sắp tranh chiến với dân Phi-li-tin. Sa-mu-ên bảo nhà vua đợi ông đến để dâng của-lễ cho Đức Giê-hô-va và nhận thêm những chỉ dẫn khác. Tuy nhiên, Sa-mu-ên đã không đến sớm như nhà vua tiên liệu và dân sự bắt đầu bỏ đi. Thấy vậy, Sau-lơ “dâng của-lễ thiêu”. Điều này không làm hài lòng Đức Giê-hô-va. Cuối cùng khi Sa-mu-ên đến, nhà vua bào chữa cho hành động không vâng lời của mình, nói rằng vì Sa-mu-ên đến trễ nên vua “miễn-cưỡng dâng của-lễ thiêu” để được ân huệ của Đức Giê-hô-va. Đối với Vua Sau-lơ, việc dâng của-lễ quan trọng hơn việc vâng theo lời chỉ dẫn là phải chờ đợi Sa-mu-ên đến để dâng tế lễ. Song, Sa-mu-ên nói cùng Sau-lơ rằng: “Ngươi thật có làm ngu-dại, không vâng theo mạng-lịnh của Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi đã truyền cho”. Vì không vâng lời Đức Giê-hô-va, Sau-lơ bị mất vương quyền.—1 Sa-mu-ên 10:8; 13:5-13.

9. Sau-lơ đã biểu lộ khuynh hướng không vâng lời Đức Chúa Trời như thế nào?

9 Nhà vua có rút ra bài học nào từ kinh nghiệm trên không? Không! Một thời gian sau, Đức Giê-hô-va ra lệnh cho Sau-lơ tiêu diệt dân A-ma-léc, là dân trước đây đã vô cớ tấn công người Y-sơ-ra-ên. Sau-lơ thậm chí không được tha cho súc vật của dân A-ma-léc. Ông đã vâng lời Đức Chúa Trời ở điểm là “đánh A-ma-léc từ Ha-vi-la cho đến Su-rơ”. Khi Sa-mu-ên đến, nhà vua tự hào về chiến thắng của mình và nói: “Nguyện Đức Giê-hô-va ban phước cho ông! Tôi đã làm theo lịnh của Đức Giê-hô-va”. Tuy nhiên, trái với chỉ thị rõ ràng mà họ đã nhận được, Sau-lơ cũng như dân sự tha chết cho Vua A-ga và “chẳng giết những con tốt hơn hết trong bầy bò và chiên. . . và mọi vật tốt nhứt”. Vua Sau-lơ bào chữa cho hành động không vâng lời của mình khi nói: “Dân-sự đã tha những con tốt nhứt về chiên và bò, đặng dâng nó làm của-lễ cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời của ông”.—1 Sa-mu-ên 15:1-15.

10. Sau lơ đã không rút ra được bài học nào?

10 Về việc này, Sa-mu-ên nói cùng Sau-lơ: “Đức Giê-hô-va há đẹp lòng của-lễ thiêu và của-lễ thù-ân bằng sự vâng theo lời phán của Ngài ư? Vả, sự vâng lời tốt hơn của tế-lễ; sự nghe theo tốt hơn mỡ chiên đực”. (1 Sa-mu-ên 15:22) Vì Đức Giê-hô-va đã quyết định các con thú ấy phải bị diệt, thế nên không được dâng chúng làm của-lễ.

Hãy vâng lời trong mọi sự

11, 12. (a) Đức Giê-hô-va nghĩ gì khi thấy chúng ta nỗ lực để làm vui lòng Ngài trong việc thờ phượng? (b) Làm sao một người có thể tự lừa dối nếu cho rằng mình đang làm theo ý muốn Đức Chúa Trời nhưng trên thực tế thì không vâng lời Ngài?

11 Đức Giê-hô-va vui biết bao khi thấy các tôi tớ Ngài trung thành! Họ vẫn giữ lòng trung kiên dù bị ngược đãi, tiếp tục rao truyền tin mừng về Nước Trời bất chấp sự lãnh đạm của nhiều người, và tham dự các buổi nhóm họp của đạo Đấng Christ dù chịu nhiều áp lực trong việc tìm kế sinh nhai. Trong những khía cạnh quan trọng đó của đời sống tâm linh, sự vâng lời của chúng ta làm vui lòng Ngài! Đối với Đức Giê-hô-va, những nỗ lực ấy thật đáng quý khi xuất phát từ tình yêu thương. Loài người có thể không nhận thấy công khó của chúng ta, nhưng Đức Chúa Trời chú ý và ghi nhớ của-lễ mà chúng ta chân thành dâng cho Ngài.—Ma-thi-ơ 6:4.

12 Tuy nhiên, để làm đẹp lòng Đức Chúa Trời cách trọn vẹn, chúng ta phải vâng lời Ngài trong mọi khía cạnh của đời sống. Đừng bao giờ tự lừa dối mà nghĩ rằng chúng ta có thể bỏ qua một số đòi hỏi của Đức Chúa Trời miễn là vẫn thờ phượng Ngài trong những khía cạnh khác. Chẳng hạn, một người có thể tự lừa dối khi nghĩ nếu tham gia một số hình thức thờ phượng, thì có thể tránh khỏi sự trừng phạt khi phạm tội vô luân hoặc một tội trọng nào khác. Nghĩ như thế thật sai lầm biết bao!—Ga-la-ti 6:7, 8.

13. Tại nhà, việc vâng lời Đức Giê-hô-va có thể bị thử thách như thế nào?

13 Vì thế, chúng ta có thể tự hỏi: ‘Tôi có vâng lời Đức Giê-hô-va trong các sinh hoạt hằng ngày, ngay cả trong những vấn đề có tính chất cá nhân không?’ Chúa Giê-su phán: “Ai trung-tín trong việc rất nhỏ, cũng trung-tín trong việc lớn; ai bất-nghĩa trong việc rất nhỏ, cũng bất-nghĩa trong việc lớn”. (Lu-ca 16:10) Chúng ta có “lấy lòng trọn-vẹn mà ăn-ở”, ngay cả ‘trong nhà mình’ dù chẳng ai thấy không? (Thi-thiên 101:2) Thật thế, ngay trong nhà, lòng trung kiên của chúng ta có thể bị thử thách. Tại nhiều xứ, máy vi tính là vật dụng thông thường, hình ảnh khiêu dâm xuất hiện chỉ sau vài cú nhắp chuột. Vài năm trước đây, nếu muốn xem những hình ảnh ấy, một người phải đi đến những nơi giải trí mang tính vô luân. Liệu chúng ta có để ý đến lời của Chúa Giê-su: “Hễ ai ngó đàn-bà mà động tình tham-muốn, thì trong lòng đã phạm tội tà-dâm cùng người rồi” không? Thật thế, chúng ta có tránh nhìn những hình ảnh khiêu dâm không? (Ma-thi-ơ 5:28; Gióp 31:1, 9, 10; Thi-thiên 119:37; Châm-ngôn 6:24, 25; Ê-phê-sô 5:3-5) Còn những chương trình truyền hình đầy bạo lực thì sao? Chúng ta có đồng quan điểm với Đức Chúa Trời, Đấng ‘ghét kẻ ưa sự hung-bạo’ không? (Thi-thiên 11:5) Nhưng nói sao về việc uống rượu quá độ tại nhà? Kinh Thánh lên án sự say sưa, nhưng cũng cảnh báo tín đồ Đấng Christ “đừng uống rượu quá độ”.—Tít 2:3; Lu-ca 21:34, 35; 1 Ti-mô-thê 3:3.

14. Trong vấn đề tiền bạc, chúng ta cho thấy mình vâng lời Đức Chúa Trời qua những cách nào?

14 Một khía cạnh khác mà chúng ta cần cảnh giác là vấn đề tiền bạc. Chẳng hạn, chúng ta có dính dáng đến những mánh khóe gần như gian lận để làm giàu nhanh chóng không? Chúng ta có nghĩ đến những cách bất hợp pháp để tránh thuế không? Hay là chúng ta cẩn thận làm theo mạng lịnh “phải trả cho mọi người điều mình đã mắc: nộp thuế cho kẻ mình phải nộp thuế”?—Rô-ma 13:7.

Sự vâng lời bắt nguồn từ tình yêu thương

15. Tại sao chúng ta vâng giữ các điều răn của Đức Giê-hô-va?

15 Vâng theo các nguyên tắc của Đức Chúa Trời mang lại ân phước. Chẳng hạn, không hút thuốc, sống đạo đức, tôn trọng sự thánh khiết của máu, chúng ta có thể tránh được một số bệnh. Hơn nữa, khi sống phù hợp với lẽ thật của Kinh Thánh trong những khía cạnh khác, chúng ta được lợi ích về mặt kinh tế, xã hội và gia đình. (Ê-sai 48:17) Những lợi ích cụ thể ấy có thể được xem là ân phước, chứng tỏ luật pháp của Đức Chúa Trời là thiết thực. Tuy nhiên, lý do chính để vâng lời Đức Giê-hô-va là chúng ta yêu mến Ngài. Chúng ta không phụng sự Ngài vì lợi ích cá nhân. (Gióp 1:9-11; 2:4, 5) Đức Chúa Trời cho chúng ta tự do lựa chọn vâng lời bất cứ người nào mình muốn. Chúng ta chọn vâng lời Đức Giê-hô-va vì muốn làm vui lòng Ngài và vì muốn làm điều đúng.—Rô-ma 6:16, 17; 1 Giăng 5:3.

16, 17. (a) Chúa Giê-su cho thấy ngài vâng lời vì tình yêu thương sâu đậm đối với Đức Chúa Trời như thế nào? (b) Làm sao chúng ta có thể noi gương Chúa Giê-su?

16 Chúa Giê-su nêu gương hoàn hảo về việc vâng lời Đức Giê-hô-va vì tình yêu thương sâu đậm đối với Cha ngài. (Giăng 8:28, 29) Khi sống trên đất, Chúa Giê-su “đã học-tập vâng lời bởi những sự khốn-khổ mình đã chịu”. (Hê-bơ-rơ 5:8, 9) Như thế nào? Ngài đã “tự hạ mình xuống, vâng-phục cho đến chết”, thậm chí chết trên cây khổ hình. (Phi-líp 2:7, 8) Dù lúc sống trên trời Chúa Giê-su đã tỏ lòng vâng phục, nhưng khi sống trên đất, sự vâng phục của ngài còn bị thử thách nhiều hơn. Chúng ta có thể chắc chắn rằng Chúa Giê-su có đủ tư cách về mọi phương diện để làm Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm cho các anh em thiêng liêng của ngài cũng như cho những người tin kính khác.—Hê-bơ-rơ 4:15; 1 Giăng 2:1, 2

17 Còn chúng ta thì sao? Chúng ta có thể noi theo Chúa Giê-su, xem việc vâng theo ý muốn Đức Chúa Trời là điều ưu tiên. (1 Phi-e-rơ 2:21) Mỗi cá nhân chúng ta có thể tìm được sự thỏa lòng khi làm theo các điều răn của Đức Giê-hô-va vì yêu mến Ngài, dù đôi khi chúng ta bị áp lực hoặc bị lôi cuốn làm trái ý Ngài. (Rô-ma 7:18-20) Điều này bao hàm việc chúng ta sẵn lòng vâng theo các chỉ dẫn của những người dẫn đầu trong sự thờ phượng thật, dù họ bất toàn. (Hê-bơ-rơ 13:17) Việc chúng ta vâng theo các mạng lịnh của Đức Giê-hô-va trong đời sống riêng là điều đáng quý trước mặt Ngài.

18, 19. Việc chúng ta hết lòng vâng lời Đức Chúa Trời mang lại những kết quả nào?

18 Ngày nay, để vâng lời Đức Giê-hô-va, chúng ta có thể phải kiên trì chịu đựng sự ngược đãi hầu giữ lòng trung kiên. (Công-vụ 5:29) Cũng vậy, vâng theo mạng lịnh của Đức Giê-hô-va trong công việc rao giảng và dạy dỗ đòi hỏi chúng ta bền chí cho đến khi hệ thống mọi sự này chấm dứt. (Ma-thi-ơ 24:13, 14; 28:19, 20) Chúng ta cần kiên trì nhóm lại với các anh em, dù có thể chịu nhiều áp lực đến từ thế gian. Đức Chúa Trời nhân từ biết rõ nỗ lực của chúng ta nhằm vâng lời Ngài trong các khía cạnh nói trên. Tuy nhiên, để hoàn toàn vâng phục, chúng ta phải cố gắng vượt qua những yếu đuối của xác thịt tội lỗi và tránh điều xấu, đồng thời vun trồng lòng yêu mến điều lành.—Rô-ma 12:9.

19 Khi chúng ta phụng sự Đức Giê-hô-va vì tình yêu thương và với lòng biết ơn, Ngài sẽ là “Đấng hay thưởng cho kẻ tìm-kiếm Ngài”. (Hê-bơ-rơ 11:6) Của lễ thích hợp là cần thiết và đáng quý, nhưng việc hoàn toàn vâng lời vì yêu thương Đức Giê-hô-va mới là điều làm Ngài hài lòng nhất.—Châm-ngôn 3:1, 2.

Bạn trả lời thế nào?

• Tại sao có thể nói rằng chúng ta có một điều gì đó để dâng cho Đức Giê-hô-va?

• Sau-lơ đã phạm những lỗi nào?

• Làm sao cho thấy bạn tin sự vâng lời tốt hơn của tế-lễ?

• Điều gì thúc đẩy bạn vâng lời Đức Giê-hô-va?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 26]

Người bác sĩ tận tâm sẽ nghĩ sao khi bệnh nhân không làm theo sự hướng dẫn của ông?

[Hình nơi trang 28]

Vua Sau-lơ đã làm điều gì khiến Đức Giê-hô-va buồn lòng?

[Các hình nơi trang 30]

Tại nhà, bạn có vâng theo các mạng lịnh của Đức Chúa Trời không?