Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Lênh đênh trong một thế gian luôn thay đổi giá trị đạo đức

Lênh đênh trong một thế gian luôn thay đổi giá trị đạo đức

Lênh đênh trong một thế gian luôn thay đổi giá trị đạo đức

MỘT truyền thuyết nói rằng có người xách đèn đi giữa ban ngày cố tìm một người đạo đức nhưng không tìm được. Đó là ông Diogenes, một triết gia sống ở Athens vào thế kỷ thứ tư TCN.

Không thể xác định truyền thuyết ấy có đúng không. Nhưng, nếu ông Diogenes sống thời nay, chúng ta không ngạc nhiên khi thấy ông phải nỗ lực nhiều hơn để tìm được những người đạo đức. Dường như nhiều người không còn tin rằng người ta phải chấp nhận các giá trị đạo đức lâu đời. Phương tiện truyền thông thường đề cập những vụ suy đồi đạo đức—trong đời sống riêng, trong giới quan chức, thương mại, ngành nghề, thể thao và những lĩnh vực khác. Nhiều giá trị đạo đức từng được các thế hệ trước đề cao nay không còn được tôn trọng. Các tiêu chuẩn trước đây đang được định giá lại và thường bị bác bỏ. Có những giá trị chỉ được tôn trọng trên lý thuyết nhưng không áp dụng vào thực tế.

Nhà xã hội học về tôn giáo, Alan Wolfe, nói: “Thời kỳ người ta có chung tiêu chuẩn đạo đức đã qua rồi”. Ông cũng nói: “Chưa bao giờ trong lịch sử mà nhiều người cảm thấy không thể tin cậy vào truyền thống và các thể chế trong xã hội để hướng dẫn họ về đạo đức”. Nói về 100 năm qua, báo Los Angeles Times lưu ý đến nhận xét của triết gia Jonathan Glover rằng sự suy thoái về tôn giáo và luân thường đạo lý là yếu tố chính dẫn đến tình trạng bạo động trên toàn cầu.

Dù có nhiều quan điểm về những giá trị thường được công nhận, một số người vẫn tìm kiếm một tiêu chuẩn đạo đức. Vài năm trước đây, ông Federico Mayor, cựu tổng giám đốc UNESCO, nói rằng “hơn bao giờ hết, mối quan tâm hàng đầu của thế giới là vấn đề đạo đức”. Dù thế gian không chấp nhận những giá trị đúng đắn, điều này không có nghĩa là chẳng có giá trị tốt đẹp nào đáng để noi theo.

Nhưng có thể nào mọi người đều đồng ý về các tiêu chuẩn không? Hiển nhiên là không. Nếu không có tiêu chuẩn chung, làm thế nào một người có thể xác định giá trị nào đó là đúng hay sai? Chủ nghĩa đạo đức tương đối ngày nay rất phổ biến. Song, bạn cũng thấy rằng quan niệm này không cải thiện tình trạng đạo đức nói chung.

Sử gia người Anh, Paul Johnson, tin rằng thuyết đạo đức tương đối này đã góp phần vào việc “làm suy yếu. . . ý thức sâu sắc về trách nhiệm cá nhân và bổn phận đối với tiêu chuẩn đạo đức khách quan và lâu đời”, là tiêu chuẩn dường như được phổ biến trước thế kỷ 20.

Vậy, có thể tìm ra “tiêu chuẩn đạo đức khách quan” hoặc sống theo “luân thường đạo lý” không? Có một thẩm quyền nào có thể cung cấp những giá trị muôn thuở, bất di bất dịch, làm cho đời sống chúng ta ổn định và cho chúng ta hy vọng về tương lai không? Bài kế tiếp sẽ bàn về vấn đề này.